Thứ bảy, 27/04/2024 13:31 (GMT+7)

Phát triển công trình xanh, có nhất thiết phải ban hành ngay quy chuẩn?

MTĐT -  Thứ tư, 27/09/2023 15:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc ban hành riêng một quy chuẩn cho công trình xanh tại thời điểm hiện nay đang được các chuyên gia cân nhắc kỹ lưỡng về tính phù hợp.

Ý kiến chuyên gia Bộ Xây dựng cho rằng, trước mắt nên tập trung vào các giải pháp giảm phát thải carbon vận hành công trình…

Nên tập trung giảm carbon vận hành

Theo các chuyên gia, ở nhiều nước trên thế giới, việc phát triển công trình xanh (CTX) thường dựa trên tính khả thi theo điều kiện phát triển của mỗi nước. Ở một nước đang phát triển như Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, việc phát triển CTX theo hướng công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ là giải pháp khả thi.

Bởi nhiều công bố trên thế giới đã chỉ rõ, việc tiêu thụ năng lượng của các công trình xây dựng chiếm 40% tổng tiêu thụ năng lượng toàn cầu, trong đó có khoảng 36% phát thải khí nhà kính, một con số rất lớn. Như vậy, việc giảm thiểu carbon trong lĩnh vực xây dựng là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Phát triển công trình xanh, có nhất thiết phải ban hành ngay quy chuẩn?
Ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST).

Lý giải một số vấn đề liên quan đến CTX, ông Nguyễn Hồng Hải - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) cho biết, trong xây dựng tòa nhà có 2 loại carbon có thể phát thải gồm: Carbon hàm chứa trong quá trình sản xuất VLXD và carbon vận hành trong khi vận hành công trình.

Với điều kiện ở Việt Nam hiện nay, thay đổi carbon trong sản xuất VLXD là việc làm lâu dài, từng bước, không thể thay đổi ngay. Ông Nguyễn Hồng Hải nêu quan điểm: “Nên tập trung vào giảm carbon vận hành”.

Cũng vì lý do này, thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho IBST sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến CTX trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2021/BXD về nhà chung cư…

“Việc ban hành quy chuẩn mới ngay thời điểm nay để mang tính áp dụng bắt buộc đối với CTX là rất khó khăn. Vì, nếu không cẩn thận, chúng ta lại bắt buộc tất cả các công trình đều phải áp dụng quy chuẩn sẽ rất vướng. Nên chỉ có thể sửa đổi, bổ sung một phần các quy chuẩn liên quan đến CTX”, ông Nguyễn Hồng Hải nói.

Theo đó, dự thảo phần 3 của QCVN 04:2021/BXD về nhà chung cư đã bổ sung 3 nội dung liên quan đến CTX như: Tiêu thụ năng lượng tòa nhà, đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng và chứng nhận đánh giá hiệu quả công trình tiết kiệm năng lượng.

Về tiêu chuẩn cho CTX, từ năm 2020-2022, Bộ Xây dựng đã ban hành khoảng 6 tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng…

Đặc biệt, về tiêu chuẩn cho VLXD xanh, mặc dù chưa có tiêu chuẩn riêng nhưng thị trường VLXD đã xuất hiện nhiều sản phẩm VLXD thông thường nhưng đáp ứng được tiêu chí của vật liệu xanh. Ví dụ như xi măng xanh, nếu trước đây sử dụng clinker khoảng 80 - 90%, nay chỉ sử dụng 60% clinker, thậm chí là 50% clinker cộng thêm sử dụng nhiều vật liệu tái chế.

Hoặc như kính xây dựng, xuất hiện nhiều loại kính low-e có hệ số dẫn nhiệt, hấp thụ nhiệt thấp hơn rất nhiều so với các loại kính trước đây, bảo đảm các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cũng xuất hiện các loại tấm thạch cao ngăn che hay vật liệu bao che công trình làm cho công trình sử dụng năng lượng rất thấp, có thể giảm đi hơn ½ nhu cầu sử dụng năng lượng…

Có nhất thiết phải ban hành ngay quy chuẩn?

Liên quan đến vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn cho CTX, ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD (VIBM) cho biết, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam đã bao trùm toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của ngành Xây dựng. Mặc dù chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho CTX nhưng đã có những quy định đáp ứng các tiêu chí CTX nằm trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch - kiến trúc, môi trường...

Trước những ý kiến của Bộ, ngành, doanh nghiệp đặt ra vấn đề phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho CTX, vật liệu xanh, ông Lê Trung Thành cho biết, nhìn rộng ra các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ là nước đi đầu về CTX với chứng nhận LEED cho thấy, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với CTX cũng không đầy đủ, mà dựa trên hệ thống tiêu chí về CTX do các tổ chức tư nhân biên soạn và ban hành…

Phát triển công trình xanh, có nhất thiết phải ban hành ngay quy chuẩn?
Ông Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD (VIBM).

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đồng sáng lập Công ty Tư vấn Công trình xanh GreenViet đề xuất giải pháp sử dụng các tiêu chuẩn của cơ quan độc lập để đưa ra các yêu cầu phù hợp với đất nước, có giải pháp để tránh hoặc giảm bớt việc cùng một loại vật liệu được sản xuất ở các nước khác nhau phải trả rất nhiều tiền cho một bên thứ ba cấp chứng chỉ làm đội thêm chi phí. Đây cũng là hướng nhằm địa phương hóa, nội địa hóa những yêu cầu liên quan đến CTX.

Hoặc cũng có thể đặt ra vấn đề làm hợp chuẩn cho một tiêu chuẩn sản phẩm tương đồng với một tiêu chuẩn đã được ban hành trên thế giới, trong đó có sự tính toán, chứng minh tiêu chuẩn của nước sở tại tương đương tiêu chuẩn đã được ban hành trên thế giới.

Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh tay ban hành các quy định, chính sách theo nhóm mà không nhất thiết phải chờ ban hành đồng bộ cả nhóm chính sách đồ sộ, trong khi thế giới thay đổi rất nhanh, nếu mất quá nhiều thời gian tập trung nghiên cứu để ban hành một chính sách lớn thì thế giới đã đi thêm nhưng bước tiến mới, lúc đó chính sách có thể bị tụt hậu...

Tuy nhiên, trong quá trình tham khảo, học hỏi các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước trên thế giới cũng phải tham khảo tình hình của Việt Nam để bảo đảm việc đưa ra các yêu cầu, chính sách phù hợp, đi vào thực chất, giải quyết được vấn đề. Nếu đặt ra yêu cầu quá cao hoặc quá thấp thì cũng không hiệu quả, lãng phí…

Nói cách khác, ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, muốn phát triển CTX, cần cân nhắc các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế.

Đặc biệt, để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển CTX trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc lồng ghép các nội dung liên quan đến giảm phát thải carbon, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong quá trình phê duyệt danh mục dự án xanh, cấp tín dụng ưu đãi cho phát triển xanh, cho dự án sử dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, trên cơ sở sử dụng các tiêu chí đánh giá của các tổ chức chứng nhận xanh trong nước và quốc tế đã được thừa nhận trên thị trường CTX…

Việc đặt ra vấn đề phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho CTX mới đủ cơ sở để CTX, vật liệu xanh tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi sẽ làm chậm quá trình tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển công trình xanh, có nhất thiết phải ban hành ngay quy chuẩn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Ngọc Khánh/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề