Thứ ba, 30/04/2024 09:49 (GMT+7)

Phát triển đô thị carbon thấp: Thách thức và khuyến nghị

MTĐT -  Thứ tư, 06/09/2023 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, mô hình đô thị carbon thấp đã được nhiều quốc gia, đô thị trên thế giới áp dụng như một giải pháp giảm phát thải hiệu quả.

Triển khai cam kết tại Hội nghị COP26, Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam sẽ chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển carbon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong lĩnh vực phát triển đô thị, mô hình đô thị carbon thấp đã được nhiều quốc gia, đô thị trên thế giới áp dụng như một giải pháp giảm phát thải hiệu quả. Bài viết này sẽ làm rõ khái niệm, xu thế phát triển, những khó khăn, thách thức đồng thời tổng hợp, đề xuất một số khuyến nghị cơ bản trong việc phát triển đô thị carbon thấp tại Việt Nam nói chung và các đô thị tỉnh Quảng Nam nói riêng.

Phát triển đô thị carbon thấp: Thách thức và khuyến nghị - Tạp chí Kiến Trúc
Minh họa đô thị carbon thấp (Nguồn: MOLOC/ Interreg Europe)

Khái niệm đô thị carbon thấp

Thế giới đã và đang đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu như hiện tượng mực nước biển dâng, các hệ sinh thái bị phá hủy, mất đa dạng sinh học, dịch bệnh, hạn hán, bão lụt và thậm chí là chiến tranh và xung đột liên quan đến tài nguyên.

Nguyên nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu là sự gia tăng nhân tạo của khí nhà kính (GHG), bao gồm carbon dioxide (CO2), oxit nitơ, khí mê-tan và một vài loại khí khác trong khí quyển. GHG ngăn ánh sáng mặt trời bức xạ trở lại không gian và gây ra sự gia tăng liên tục nhiệt độ bề mặt trái đất và đại dương, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu. Khoảng 70% lượng khí thải CO2 toàn cầu có liên quan đến các khu vực đô thị vì chúng tập trung các hoạt động kinh tế xã hội, dân cư, giao thông vận tải, công nghiệp, mở rộng đô thị, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp… tạo ra khí thải liên quan đến biến đổi khí hậu.

Mô hình đô thị carbon thấp thông qua việc giảm thiểu hoặc ngừng sử dụng năng lượng để giảm phát thải khí nhà kính, ngăn ngừa hiện tượng ấm lên của khí hậu toàn cầu được kỳ vọng là giải pháp cơ bản triệt tiêu tận gốc nguyên nhân sản sinh hiện tượng biến đổi khí hậu góp phần cải thiện môi trường sinh thái mang đến cơ hội đời sống tốt đẹp hơn cho cư dân đô thị. Đô thị có thể giảm lượng khí thải carbon xuống mức tối thiểu (lý tưởng là bằng không hoặc âm) qua việc quy hoạch và thiết kế đô thị hiệu quả, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và vận hành, thay đổi lối sống cư dân.

Các lĩnh vực đô thị được chú trọng bao gồm: Năng lượng, giao thông, thực phẩm, vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng xanh và quản lý chất thải. Bên cạnh đó là các chiến lược cụ thể nhằm giảm thiểu hoặc hướng đến phát thải ròng bằng không cho từng lĩnh vực đô thị như: Cung cấp, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo; giảm sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên qua quy hoạch và thiết kế đô thị hiệu quả hơn; thay đổi lối sống, giảm rác thải đồng thời tạo ra không gian xanh trong đô thị. Mô hình đô thị carbon thấp cũng chú trọng đến tính chủ động của đô thị trong việc sử dụng thực phẩm, năng lượng và tài nguyên tái tạo có nguồn gốc tại địa phương qua đó tạo cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và tiếp cận nguồn tài chính xanh đầu tư vào các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu.

Xu thế phát triển đô thị carbon thấp

Sự phát triển mô hình đô thị carbon thấp trên thế giới đi cùng với những cam kết của cộng đồng quốc tế liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Tính đến năm 2022, đã có khoảng hơn 1000 đô thị trên toàn cầu đã thực hiện các bước chuyển đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến các siêu đô thị tiêu biểu như: Rio de Janeiro, New York, Paris, Tokyo, Oslo, Mexico City, Melbourne, London, Milan, Cape Town, Buenos Aires, Caracas, Copenhagen, Vancouver và Hong Kong. Bên cạnh đó là hàng trăm đô thị của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Tháng 11/2021, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải khí methane; cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Thực hiện hóa các cam kết tại COP 26, tháng 7/2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 20301 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 20502 . Đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng.

Liên quan đến lĩnh vực phát triển đô thị, việc nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính lần đầu được đề cập đến trong Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 20303 . Trong cả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, việc phải tích hợp nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính vào quy hoạch phát triển đô thị nhằm giảm nhu cầu năng lượng, tài nguyên và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các TP là những nội dung cụ thể nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đô thị giảm phát thải.

Thêm vào đó, Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 20504 đã đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn sau năm 2030, 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; đến năm 2050 sẽ có 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp… Đây là những chủ trương, định hướng mang tính chiến lược trong việc phát triển hệ thống đô thị, là cơ sở quan trọng ban đầu cho các nghiên cứu phát triển mô hình đô thị carbon thấp, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện và bối cảnh Việt Nam.

Những khó khăn, thách thức

Thời gian gần đây, một số đô thị với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Ngân hàng thế giới (WB), Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu có sự quan tâm, chú trọng đến việc phát triển mô hình đô thị carbon thấp như Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Cần Thơ, TP HCM, Nam Định, Huế, Cao Lãnh, Sa Pa… Các dự án kể trên đã bước đầu xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, đánh giá mức độ rủi ro của biến đổi khí hậu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện đi kèm một số chương trình, dự án ưu tiên qua đó nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân đô thị.

Phát triển đô thị carbon thấp: Thách thức và khuyến nghị - Tạp chí Kiến Trúc
Minh họa đô thị carbon thấp (Nguồn: Low-carbon society Thailand)

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển mô hình đô thị carbon thấp thành công hoàn toàn không đơn giản. Để cắt giảm được lượng khí thải như mong muốn đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực của tất cả các bên liên quan, sự đầu tư thích đáng vào công nghệ mới gắn với chuyển đổi số, công nghệ số cũng như thời gian vận hành, giám sát và hoàn thiện.

Điều đó cũng gián tiếp làm tăng chi phí vận hành, chi phí sản phẩm, dịch vụ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế. Có thể thấy rõ một số những khó khăn, thách thức chính trong việc phát triển đô thị carbon thấp hiện nay bao gồm: (1) Chưa có đầy đủ hành lang pháp lý bao gồm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí cho việc phát triển đô thị carbon thấp cũng như phát triển công trình xanh; (2) các yêu cầu về giảm phát thải carbon chưa được cân nhắc, lồng ghép cụ thể trong quy hoạch phát triển đô thị; (3) cơ chế tài chính liên quan đến tín dụng xanh, trái phiếu xanh, tạo lập thị trường carbon còn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dẫn đến việc khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Một số khuyến nghị phát triển đô thị carbon thấp tỉnh Quảng Nam

Đến năm 2022, tỉnh Quảng Nam có 19 đô thị bao gồm 01 đô thị loại II là TP Tam Kỳ, 01 đô thị loại III là TP Hội An, 02 đô thị loại IV là thị xã Điện Bàn và thị trấn Núi Thành mở rộng và 15 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước tính 35,72%, thấp hơn so với trung bình cả nước là 41%. Các đô thị động lực của tỉnh như Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành đều có vị trí địa lý ven biển, hạ lưu của các con sông lớn có nguy cơ chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, quá trình lập Quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị động lực của tỉnh đều đã có nghiên cứu bước đầu ứng phó biến đổi khí hậu thông qua các dự báo kịch bản tần suất ngập lụt; đánh giá thực trạng phát triển đô thị dựa trên bộ chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh5 làm cơ sở đề xuất, thúc đẩy thực hiện các chính sách, hoạt động xây dựng đô thị…

Công tác chuyển đổi số luôn được Chính quyền tỉnh quan tâm, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ hướng đến mục tiêu cung cấp các dịch vụ công hiệu quả, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Tỉnh đã bước đầu nghiên cứu, tiếp cận việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh cho đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ thông qua dự án hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); đặt mục tiêu xây dựng đô thị di sản Hội An đạt chuẩn đô thị thông minh vào năm 2030. Ngành giao thông của tỉnh đã tích cực triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Để từng bước phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo mô hình đô thị carbon thấp, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

1. Nghiên cứu, bổ sung định hướng phát triển giảm phát thải vào công cụ quản lý

Quy hoạch tỉnh là công cụ quan trọng trong định hướng phát triển toàn tỉnh nói chung và hệ thống đô thị nói riêng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030 đang được lấy ý kiến rộng rãi đã đề xuất một số giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến tầm nhìn, định hướng phát triển các ngành quan trọng; phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn hướng đến giảm phát thải; việc phát triển và chuyển đổi năng lượng tái tạo chưa được đề cập rõ nét. Trên thực tế, địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa có quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời6, tuy nhiên các dự án năng lượng tái tạo vẫn phát triển nhỏ, lẻ theo xu thế chung.

Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung, lồng ghép các nội dung định hướng giảm phát thải cho các ngành quan trọng, phương án phát triển và chuyển đổi năng lượng tái tạo phù hợp với Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20507.

Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản carbon thấp phù hợp với khả năng và nhu cầu phát triển của tỉnh, trong đó, tập trung vào tăng cường hiệu quả năng lượng, phát triển các công nghệ carbon thấp, chuyển đổi năng lượng cho các phương hướng phát triển của tỉnh bao gồm các ngành quan trọng, các hoạt động kinh tế, hệ thống đô thị – nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội…

Các chỉ tiêu liên quan đến phát triển hệ thống đô thị carbon thấp của tỉnh cần đạt được theo giai đoạn, danh mục ưu tiên đầu tư và lộ trình thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng khung giảm phát thải, công trình đầu mối chuyển đổi năng lượng tái tạo sẽ được nghiên cứu và cụ thể hóa trong Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh được lập sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Xây dựng kịch bản carbon thấp phù hợp

Đối với từng đô thị đặt mục tiêu phát triển theo hướng carbon thấp, cần nghiên cứu kỹ cơ cấu kinh tế, quy mô đô thị về diện tích, dân số, hệ thống cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên để xây dựng riêng cho mình một kịch bản phát triển phù hợp với nhu cầu và khả năng, trong đó tập trung vào tăng cường hiệu quả năng lượng, phát triển các công nghệ carbon thấp, chuyển đổi năng lượng cho các lĩnh vực quan trọng của đô thị. Kịch bản này nếu được lồng ghép và cụ thể hóa trong Quy hoạch chung đô thị bằng tổ chức không gian, các chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng giao thông, thu gom, xử lý chất thải, kiến tạo không gian xanh… sẽ đem lại hiệu quả đáng kể và lâu dài trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

3. Xác định cụ thể các lĩnh vực cần giảm phát thải

Dựa trên kịch bản carbon thấp và định hướng phát triển đô thị, cần xác định cụ thể các lĩnh vực cần giảm phát thải chính bao gồm năng lượng, giao thông, công trình xây dựng, xử lý rác thải, thói quen tiêu dùng, sinh hoạt của người dân… Đối với mỗi lĩnh vực cần đề xuất mức cắt giảm, lộ trình cắt giảm và các biện pháp tối ưu phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của đô thị.

4. Xây dựng Chương trình / Kế hoạch hành động cụ thể

Xây dựng Chương trình hành động hoặc Kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực cần giảm phát thải của đô thị, xác định rõ lộ trình thực hiện, các nhiệm vụ và giải pháp; nguồn lực thực hiện; cơ chế và phương thức giám sát để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc nhằm đề ra các biện pháp thích hợp; xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan trong việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần cân nhắc những tác động ảnh hưởng đến cấu trúc cơ cấu kinh tế đô thị, công ăn việc làm, thu nhập của người dân và các vấn đề xã hội tiềm ẩn khác.

Thay cho lời kết

Để phát triển đô thị theo mô hình đô thị carbon thấp trong bối cảnh chưa có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí và hành lang pháp lý như hiện nay, các đô thị sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng và phát triển. Bên cạnh một số khuyến nghị đã nêu tập trung vào việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng tái tạo từ công cụ quản lý cấp Tỉnh đến triển khai đối với từng đô thị, sự phát triển thành công của mô hình đô thị carbon thấp còn phụ thuộc vào các giải pháp mang tính cốt lõi (mà các mô hình phát triển đô thị khác như: Đô thị sinh thái, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh cũng phải áp dụng), bao gồm: Quy hoạch và thiết kế đô thị tối ưu cho sử dụng đất hỗn hợp; ưu tiên phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích đi bộ hoặc các phương tiện không phát thải; thúc đẩy việc tái chế rác thải, nước thải và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; phát triển công trình xanh, không gian xanh, không gian công cộng; nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường và thay đổi lối sống.

Về cơ bản, mô hình đô thị carbon thấp sẽ thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của đô thị, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp mới và chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Do vậy, cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện, luôn được điều chỉnh dựa trên nhu cầu, điều kiện cụ thể và nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn. Xây dựng đô thị carbon thấp vì vậy sẽ là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đòi hỏi có sự thống nhất, đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như các bên liên quan trong toàn xã hội, với kỳ vọng đô thị carbon thấp sẽ là tương lai cho các đô thị Việt Nam, hòa nhịp với xu hướng chung trên toàn thế giới.

TS.KTS. Trần Ngọc Linh
Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng

Ghi chú:
1. Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ
2. Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ
3. Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ
4. Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
5. Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 của Bộ Xây dựng quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
6. Công văn số 2211/UBND-KTN ngày 13/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc báo cáo tình hình đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
7. Quyết định phê duyệt số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ

Tài liệu tham khảo:
1. APEC Energy Working Group/ The Concept of the Low-Carbon Town in the APEC Region Final report
2. Báo điện tử Kinh tế & Đô thị/ Đưa phát thải ròng về 0, doanh nghiệp đối diện cơ hội và thách thức/ Link truy cập: https://kinhtedothi.vn/dua-phat-thai-rong-ve-0-doanh-nghiep-doi-dien-co-hoi-va-thach-thuc.html
3. Báo điện tử Nhân dân/ Quảng Nam triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh/ Link truy cập: https://nhandan.vn/quang-nam-trien-khai-chuong-trinh-hanh-dong-ve-chuyen-doi-nang-luong-xanh-post756824.html
4. Báo điện tử Thiennhien.net/ Phát triển mô hình đô thị carbon thấp/ Link truy cập: https://www.thiennhien.net/2020/04/22/phat-trien-mo-hinh-do-thi-carbon-thap/
5. Báo điện tử Thời báo Ngân hàng/ Hướng đến mô hình đô thị ít carbon/ Link truy cập: https://thoibaonganhang.vn/huong-den-mo-hinh-do-thi-it-carbon-137420.html
6. Chen, L., Huang, J. et al. Green construction for low-carbon cities: a review. Environ Chem Lett 21, 1627–1657 (2023). https://doi.org/10.1007/s10311-022-01544-4
7. Cổng thông tin điện tử Quốc hội/ Quảng Nam: Phát triển năng lượng tái tạo nhưng cũng cần kiểm soát chặt chẽ/ Link truy cập: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=77843
8. Edwin et al/ Low Carbon Urban Design: Potentials and Opportunities/ Creating Low Carbon Cities book (pp 75-88)
9. Emma Stewart & Eric Mackres/ The 3 steps to thriving, zero-carbon cities/ Green Biz/ Link: https://www.greenbiz.com/article/3-steps-thriving-zero-carbon-cities
10. Gouldson, A., Sudmant, A., Khreis, H., Papargyropoulou, E. 2018. The Economic and Social Benefits of Low-Carbon Cities: A Systematic Review of the Evidence. Coalition for Urban Transitions. London and Washington, DC.: http://newclimateeconomy.net/content/cities-working-papers
11. ISOCARP The International Society of City and Regional Planners review 05/ Low Carbon Cities/ Link: https://isocarp.org/app/uploads/2014/04/REVIEW05_digi.pdf
12. Nguyễn Lê Ngọc Thanh/ TP carbon thấp – Tương lai của các đô thị Việt Nam/ Trang tin điện tử Ashui.com/ Link truy cập: https://ashui.com/mag/chuyenmuc/quy-hoach-do-thi/12724-thanh-pho-carbon-thap-tuong-lai-cua-cac-do-thi-viet-nam.html
13. Ohshita, S.B., Zhou, N., Price, L., Fridley, D., Khanna, N., Hong, L.X., Lu, H.Y., Fino-Chen, C., He, G. (2015). Low Carbon Development for Cities: Methods and Measures. In J.Y. Yan (Ed.), Handbook of Clean Energy Systems (3565-3587). London: Wiley
14. Shu Wang and Ripin Kalra/ How cities can achieve net-zero carbon emissions by 2050/ Link: https://www.icf.com/insights/environment/net-zero-carbon-cities-2050
15. Vũ Hoài Thu và Trần Ngọc Thúy/ Kinh tế carbon thấp: Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam/ Trang tin điện tử Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị – Trường đại học Kinh tế quốc dân/ Link truy cập: https://khoamoitruongdothi.neu.edu.vn/vi/cong-trinh-nckh/kinh-te-cac-bon-thap-ly-luan-va-thuc-tien-o-viet-nam
16. Xinyi Wang, Gaoyuan Wang, Tianyi Chen, Zhiwei Zeng, Chye Kiang Heng (2023). Low-carbon city and its future research trends: A bibliometric analysis and systematic review/ Sustainable Cities and Society/Volume 90, March 2023, 104381

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị carbon thấp: Thách thức và khuyến nghị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

Hiện trạng và giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng điện gió và điện mặt trời (ĐMT), trong đó có ĐMT mái nhà (ĐMTMN).
Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Tăng trưởng xanh không thể chạy theo phong trào
Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam có thể xem đây là cơ hội, là động lực mới của tăng trưởng kinh tế.

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.