Thứ bảy, 27/04/2024 12:40 (GMT+7)

Rối với đủ kiểu thu tiền rác

MTĐT -  Thứ tư, 27/09/2023 07:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP HCM chưa ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương phải tự quyết định nên... loạn giá

Ở TP HCM đang diễn ra tình trạng bên cạnh tiền hằng tháng phải đóng cho lực lượng thu gom rác dân lập, hộ gia đình phải đóng thêm tiền vận chuyển rác với mức giá khác nhau, dẫn đến so bì, bức xúc.

Mỗi nơi một kiểu

Chị Lê Ngọc Hà (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) cho hay hằng tháng đều đóng tiền cho lực lượng thu gom, vận chuyển rác với mức 50.000 đồng. Vì vậy, gia đình chị bất ngờ khi nghe tổ trưởng tổ dân phố thông báo đóng thêm tiền thu giá dịch vụ vận chuyển rác năm 2023 với mức 232.000 đồng.

Tính ra, hằng tháng gia đình chị phải tốn khoảng 70.000 đồng để được thu gom, vận chuyển rác. "Rất khó hiểu, cùng là tiền rác nhưng khoản thu gom thì đóng cho lực lượng thu gom, khoản vận chuyển thì đóng cho địa phương. Tại sao không thống nhất một đầu mối? Người dân đóng thêm tiền thì chất lượng dịch vụ có tăng hay là chỗ nào dễ thì thu, khó thì bỏ ?" - chị Hà băn khoăn.

Tại quận Phú Nhuận, ông Trần Văn Tiến - nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh - cho biết mỗi tháng, gia đình ông đóng 69.000 đồng tiền rác cho tổ dân phố chứ không đóng trực tiếp cho người thu gom rác. Sau đó, UBND phường sẽ trích tiền thu gom trả cho người thu gom rác dân lập.

Rối với đủ kiểu thu tiền rác - Ảnh 2.
Ngoài không thống nhất người thu phí vận chuyển, ở TP HCM còn tình trạng giá thu gom rác mỗi nơi một kiểu. Ảnh: QUỐC ANH - THU HỒNG

Dù đã quen với giá rác tăng 40% trong một năm nay nhưng khi nghe người quen nói giá thu gom rác chỗ họ sống thấp hơn nhà mình là bà Nguyễn Thị Minh Loan - xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - không khỏi so bì. Theo bà Loan, sống ở huyện ngoại thành nhưng mỗi tháng phải đóng 64.000 đồng tiền rác, trong khi người bà con sống ở phường 26, quận Bình Thạnh chỉ đóng 50.000 đồng. "Trước đây, tôi trả cho người thu gom khoảng 45.000 - 50.000 đồng/tháng nhưng gần một năm nay, nhà nước thu thêm tiền vận chuyển nên phải đóng lên 64.000 đồng cho người thu gom rác.

Hỏi ra mới biết, người thu gom rác dân lập sẽ thu giúp phí vận chuyển, sau đó đóng lại cho nhà nước. Chưa hết, có nơi người quen cho biết tổ trưởng dân phố thu phí vận chuyển, còn nơi tôi ở lại là người thu gom rác thu luôn. Mỗi nơi một kiểu như vậy coi có phần không ổn" - bà Loan thắc mắc.

Địa phương tự quyết?

Theo tìm hiểu, tháng 12-2022, UBND huyện Hóc Môn đã ban hành giá dịch vụ thu gom rác tại nguồn, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện, áp dụng từ ngày 1-1-2023, với mức trung bình cho hộ gia đình là 64.000 đồng/tháng (trong đó 46.000 đồng là giá thu gom, 18.000 đồng là giá vận chuyển). Riêng các nhóm quán ăn, trường học, cơ quan hành chính sự nghiệp, giá thu gom là 92.000 đồng (bao gồm 66.000 đồng giá thu gom, 26.000 giá vận chuyển). Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Hóc Môn cho biết người thu gom rác sẽ thu mức giá này, khi đến trạm trung chuyển đổ sẽ được Công ty Dịch vụ công ích huyện cân rác và tính phí vận chuyển theo Quyết định 38.

Trước thắc mắc của chị Lê Ngọc Hà, theo UBND phường Linh Trung, địa phương đã giao trách nhiệm cho tổ trưởng hoặc tổ phó 78 tổ dân phố trực tiếp thực hiện thu hộ giá dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt năm 2023. Thời gian thu từ ngày 10-8 đến 31-10. Biên lai thu tiền đóng dấu treo của UBND phường Linh Trung. Theo ghi nhận, có nơi đã thu gần xong, có nơi việc triển khai còn gặp khó khăn.

Trong khi đó, trên địa bàn phường An Phú, TP Thủ Đức có 5 đường dây thu gom rác dân lập với 12 xe tải, 26 công nhân, thu gom rác mỗi ngày một lần. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, việc ban hành khung giá thu gom, vận chuyển rác nên tránh thu tùy tiện về mức giá thu gom của mỗi nơi, mỗi đường dây thu gom rác. Tuy vậy, việc truy thu tiền vận chuyển rác từ tháng 1-2023 đến nay dẫn đến việc số tiền phải đóng khá cao, nhiều hộ gia đình còn khó khăn chưa nộp số tiền này. Ông Hải kiến nghị mạnh dạn cho đường dây thu gom rác đi thu sẽ thuận lợi hơn, tránh phải đi thu nhiều lần. Hiện nay, cùng 1 hộ dân nhưng có 2 đơn vị thu tiền là đường dây thu gom rác thu phí thu gom, tổ dân phố thu phí vận chuyển.

Ông Phạm Bảo Toàn, Trưởng Phòng TN-MT quận Phú Nhuận, cho biết việc thu phí vận chuyển rác đã được quận triển khai đến các phường và hiện người dân ngoài trả phí thu gom rác, phải trả thêm phí vận chuyển. Việc đóng phí qua tài khoản của phường hoặc đóng cho tổ dân phố. "Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chỉ UBND cấp tỉnh mới có quyền ban hành mức phí này nhưng đến nay TP HCM chưa ban hành mức giá chung mà mỗi địa phương tự xây dựng giá, dẫn đến mức giá khác nhau khiến người dân so bì. Do đó tôi kiến nghị thành phố sớm thống nhất và ban hành mức giá chung để áp dụng đồng bộ" - ông Toàn nói.

Chậm vì nhiều khó khăn

Liên quan giá vận chuyển rác, Sở TN-MT đã báo cáo UBND TP HCM các khó khăn trong triển khai xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt.

Theo Sở TN-MT, từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực đến nay, chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể nào đối với phương pháp xây dựng và tính giá cụ thể dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, giá cụ thể cho dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt do thành phố ban hành có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với giá trúng thầu tại các địa phương. Như vậy sẽ phát sinh 2 vấn đề.

Thứ nhất, nếu thấp hơn thì đơn vị trúng thầu không bảo đảm kinh phí vận hành trong trường hợp giá cụ thể của dịch vụ vận chuyển thấp hơn giá vận chuyển trúng thầu theo hợp đồng đã ký giữa UBND quận, huyện và đơn vị trúng thầu.

Thứ hai, nếu cao hơn thì ngân sách được bù đắp nhiều hơn nhưng có thể sẽ gặp sự phản ứng từ phía người dân trên địa bàn quận, huyện. Họ sẽ phản ánh, không đồng thuận nếu phải đóng mức giá dịch vụ vận chuyển cao hơn giá trúng thầu vận chuyển.

Ngoài ra, theo Sở TN-MT, việc xây dựng giá cụ thể đối với việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ vận chuyển, xử lý rác cho các đối tượng chủ nguồn thải rất khó khăn, phức tạp bởi TP Thủ Đức và 21 quận, huyện sử dụng phương tiện vận chuyển khác nhau, có cự ly và lộ trình vận chuyển khác nhau nên giá dịch vụ vận chuyển cũng khác nhau giữa các quận, huyện.

Ngoài ra, giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng khác nhau giữa các nhà máy xử lý do công nghệ xử lý khác nhau, dẫn đến giá dịch vụ xử lý khi thu đúng và thu đủ từ các chủ nguồn thải cũng khác nhau. Do đó, khi tiến hành tính đúng và tính đủ giá cụ thể cho dịch vụ vận chuyển và dịch vụ xử lý chất thải sinh hoạt sẽ dẫn đến có sự khác nhau về mức giá dịch vụ giữa các khu vực trên địa bàn thành phố.

Từ những khó khăn trên, Sở TN-MT cho rằng dự thảo ban hành giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt cần lấy ý kiến góp ý nhiều lần để hoàn thiện trước khi trình UBND TP HCM ban hành. Sở TN-MT kiến nghị sẽ trình dự thảo lên UBND TP HCM trong quý IV/2023.

Trong thời gian chờ ban hành quy định mới về giá dịch vụ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN-MT kiến nghị tiếp tục thực hiện quy định hiện hành của UBND TP HCM - Quyết định 38 năm 2018 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; Quyết định 20 năm 2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 38 - để ban hành và thu giá dịch vụ cụ thể thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

Theo Sở TN-MT TP HCM, sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ TN-MT, đơn vị này sẽ hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tách khối lượng vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các nguồn chủ thải là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh dịch vụ không thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách, không đặt hàng, đấu thầu thanh toán từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.

Những điều cần lưu ý

Theo UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức, đối với chất thải cồng kềnh (tủ, bàn, giường nệm, ghế salon, tranh lớn, bồn cầu, bồn rửa mặt, chậu cây cảnh bằng sứ, gốc cây, thân cây hoặc nhánh cây có chiều dài hơn 30 cm hoặc đường kính hơn 20 cm), hộ gia đình có trách nhiệm thỏa thuận với đơn vị thu gom để trả chi phí thu gom, phí vận chuyển đến nơi tập trung, khu xử lý theo quy định.

Đối với chất thải nguy hiểm (bóng đèn đã qua sử dụng, bình xịt côn trùng, vỏ bình gas mini, dầu nhớt thải, chai, lọ đựng hóa chất, dầu nhớt, pin các loại, ắc quy thải, thiết bị điện gia dụng, nhiệt kế), hộ gia đình có trách nhiệm chuyển giao cho UBND phường để vận chuyển đến khu xử lý theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết Rối với đủ kiểu thu tiền rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Người lao động

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề