Thứ hai, 06/05/2024 17:20 (GMT+7)

Chọn công nghệ nào để xử lý rác thải ở Việt Nam hiệu quả?

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển -  Thứ tư, 12/07/2023 14:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các công nghệ xử lý chất thải rắn đã và đang áp dụng ở Việt Nam và thế giới, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện. Tuy nhiên, đặc điểm rác thải của Việt Nam là có hàm lượng hữu cơ lớn, vậy đốt rác phát điện ở Việt Nam liệu có khả thi?

Theo số liệu thống kê của Bộ TNMT, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng là 1 con số khá lớn, nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt 100%.

tm-img-alt
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày một tăng. Ảnh ITN

Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Về vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ , Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TNMT, cho biết trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.

Về tỷ lệ xử lý chất thải theo các phương pháp xử lý, hiện nay, khoảng 71% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chưa tính lượng bãi thải từ các cơ sở chế biến phân hữu cơ và tro xỉ phát sinh từ các lò đốt); khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân hữu cơ và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng cần khuyến khích tái chế và tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải và thúc đẩy việc tái chế và tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất và tiếp thị các sản phẩm tái chế…

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách và tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế và giúp giảm tải lên môi trường.

Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.

Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.

Thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp và dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt và kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải, và các dịch vụ quản lý chất thải.

Định hướng xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc ứng dụng chuyển giao các công nghệ của các nước tiên tiến, cần hoàn thiện hoạt động thẩm định công nghệ các dự án đầu tư liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; rà soát và đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động một cách có hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần vào phát triển bền vững đất nước.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.ITN

Các phương thức quản lý và xử lý rác thải áp dụng hiện nay còn khá hạn chế, các công nghệ xử lý rác thải rắn, nhất là công nghệ phát điện từ rác, còn gặp nhiều thách thức để phù hợp với môi trường, khí hậu nói chung và chiến lược phát triển ngành điện nói riêng.

Theo bà Trần Hải Anh, chuyên gia năng lượng chia sẻ các công nghệ xử lý chất thải rắn đã và đang áp dụng ở Việt Nam và thế giới, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện. 

Câu hỏi đặt ra là liệu rác ở Việt Nam có đốt được không, trong khi rất nhiều nhà máy đốt rác phát điện trên thế giới đã bị phá sản?

Bà Trần Hải Anh cho biết, các nhà khoa học Thụy Sỹ đã tìm ra nguyên tắc, muốn đốt rác mà không dùng dầu thì nhiệt trị của rác từ 1.000 kcl/kg trở lên. Nhiệt trị của rác quyết định tính khả thi của công nghệ đốt rác phát điện. Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố sổ tay đánh giá nhanh các dự án phát điện trên thế giới. 

Theo đó, công nghệ này không khả thi nếu thành phần hữu cơ trong rác lớn hơn 50%, chất trơ lớn hơn 15%. Chi phí đầu tư 1 tấn rác thải là 100 - 200 USD, doanh thu bán điện chỉ chi trả được 15% chi phí.“Do vậy, tính khả thi về mặt kinh tế cũng là một trong những điều kiện tiên quyết trong viêc lựa chọn công nghệ phù hợp” – Bà Trần Hải Anh nhấn mạnh.

Năm 2019, ở Việt Nam chỉ 85% lượng rác thải rắn thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, tăng 10% so với mức 75% của năm 2015. Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng tỷ lệ xử lý này lên 90% với rác thải ở đô thị và 85% ở khu vực nông thôn, phấn đấu xử lý 100% vào năm 2050.

Theo bà Trần Hải Anh, thay vì dùng công nghệ đốt rác, có nhiều công nghệ hiệu quả hơn như công nghệ chế biến nhiên liệu từ rác thải rắn. Đặc trưng của rác thải rắn là có nhiệt trị cao từ 3.000 - 3.500 kcl/kg, chi phí sản xuất khoảng 50 USD/tấn.

tm-img-alt
Chôn lấp rác Nam Sơn và Nhà máy đốt rác phát điện thời điểm đang xây dựng. Ảnh: Phan Hoà

Hiện, có rất nhiều công nghệ nên được cân nhắc bởi suất đầu tư thấp, hiệu quả cao, bảo vệ môi trường. Ví dụ như công nghệ thủy phân nhiệt xử lý bùn cống và rác hữu cơ, thực chất là đun rác ở nhiệt độ và áp suất khác nhau nhằm hạn chế việc tiêu tốn nước, tăng tối đa khả năng phân giải.

Ở các nước đang phát triển, một công nghệ phù hợp là khi công nghệ này có chi phí thấp nhất, khả thi về mặt kỹ thuật và pháp lý, bảo đảm hiệu quả xử lý ô nhiễm và khả năng chấp nhận của cộng đồng.

Như vậy, có thể thấy các giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn đã được chú trọng phát triển, tuy nhiên các công nghệ phát điện từ rác thải còn gặp nhiều thách thức về phương pháp khai thác, tài chính, tiêu chuẩn môi trường… và chiến lược phát triển ngành Điện.

Bạn đang đọc bài viết Chọn công nghệ nào để xử lý rác thải ở Việt Nam hiệu quả?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cuộc tìm kiếm ống hút hoàn hảo
Sau nhiều năm nhận thức được tác động môi trường tiêu cực của ống hút nhựa, các sản phẩm mới thay thế ống hút nhựa đã gia nhập thị trường. Nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào thực sự là hoàn hảo.

Tin mới