Thứ năm, 02/05/2024 16:51 (GMT+7)

Sông quê chảy ngược

MTĐT -  Thứ hai, 14/03/2022 15:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thói quen cũ rác chưa được gom triệt để, các bãi rác tập kết lộ thiên, rác thải xây dựng, sinh hoạt, công nghiệp lẫn lộn gây ô nhiễm khắp nơi ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Dịch bệnh có phần bớt căng thẳng, các quy định về giãn cách, cách ly được điều chỉnh phù hợp với “thích ứng linh hoạt, an toàn” dần đưa nhịp sống về trạng thái “bình thường mới”.

Cuối tuần, tôi rủ cậu con trai về quê ở xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Những tưởng sau thời gian bị “bó chân, buộc cẳng”, cu cậu cũng muốn về quê để thay đổi không khí, hơn nữa tôi muốn con thường xuyên về quê, đặng còn nhớ mặt họ hàng, nhớ các mối quan hệ của dòng tộc, vậy mà cu cậu giãy lên nguây nguẩy:

- Con không về quê đâu, đi chơi thì con đi.

Tôi nhẫn nại trình bày, giáo dục cho con về việc cần thiết về quê, nào là phải “uống nước nhớ nguồn” để biết “con chim có tổ, con người có tông”. Viện dẫn từ truyền thống đến hiện đại như lấy cả lời thơ “quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”, thế nhưng cu cậu vẫn không chịu và lấy lý do:

- Về quê bẩn, kênh mùi kinh lắm, đeo khẩu trang khó thở lắm rồi, lai phải ngửi mùi kênh bẩn con không chịu được. Con tắc mũi mất không về đâu. Nước thì bẩn, quanh nhà toàn rác, ruồi nhặng bay vù vù, muỗi lắm, chuột chạy giữa ban ngà…, lần nào về cũng bị đốt sưng nổi tịt khắp người, quê bố thì bố về đi.

Xã Khởi nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng
Những con kênh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại xã Khởi nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Quang Nhật

Thằng bé nói tôi mới cay đắng nhận ra rằng nó nói đúng. Quê tôi đâu còn như ngày xưa. Quê mà thiếu bóng cây xanh, thiếu không khí trong sạch mát lành, chỉ còn những bãi rác bẩn, bừa bãi bên những ngôi nhà xây kiểu phố. Đường làng bê - tông hóa hết lầy lội đấy, nhưng chả còn ao hồ nước trong xanh với hàng cây lộc vừng nở hoa treo đèn, thắp lửa thanh bình. Chỉ còn những dòng sông chảy ngược khi nước từ cống vào bị dồn ứ lại do các loại rác, đẩy ngược lại dòng lềnh bềnh đủ thứ túi ni lông, cốc nhựa, vỏ chai…

Trong khi ở thành phố bây giờ, ý thức về phân loại, thu gom rác được cải thiện đáng kể, kênh nước thải phần lớn được hạ ngầm, xây nắp với hệ thống lưới chắn, hố ga gom, hạn chế được mùi hôi, thông thoát tốt hơn. Thì ở quê với thói quen cũ rác chưa được gom triệt để, các bãi rác tập kết lộ thiên, rác thải xây dựng, sinh hoạt, công nghiệp lẫn lộn gây ô nhiễm khắp nơi ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Con kênh ngày xưa nước trong xanh tôi từng bơi lội giờ bị lấn cạp thành cái rãnh thoát nước thải lộ thiên bé tèo tẹo. Nước thải từ các lò mổ tự phát, trang trại tự phát, xưởng sản xuất nhỏ… không qua xử lý xả thẳng xuống rãnh. Nước trong rãnh thành cái màu đen xỉn, váng xanh lè bốc lên cái mùi vừa hôi vừa cay xộc lên mũi…, chả còn bóng dáng con gì động đậy chứ đừng nói đến cá, tôm. Con kênh này ngày tôi còn bé, khi nước cả rươi còn nổi đầy, cá tôm nhiều lắm bây giờ thành thứ… buồn chả muốn gọi tên.

Tôi sang Nhật, người ta uống bia xong cái vỏ lon còn được tráng đi tráng lại sạch sẽ rồi mới vứt. Kênh nước thải sinh hoạt mà sạch như bể cá Koi nhà các đại gia, cá bơi nhởn nhơ, nước tưởng chừng như uống ngay được vì quá sạch. Có thế nên họ sống mới thọ nhất nhì thế giới, mà họ còn đất chật người đông hơn hẳn các vùng quê nước mình.

Ở nhiều vùng quê nước mình, rác sinh hoạt tuy có người thu gom, nhưng không có chỗ xử lý chỉ là gom lại cái bãi bồi ven sông cách xa khu dân cư khuân khuất mắt nào đó, rồi thành tổ cho ruồi bọ, chuột, gián…

Rác thải được vứt quanh nhà.
Rác thải được vứt quanh nhà. Ảnh chụp tại xã Khởi nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Quang Nhật

Các bà mẹ quê chăm con cho con uống sữa rồi thản nhiên ném cái vỏ hộp ra vườn, tiện tay vứt chai nhựa, cốc nhựa, túi ni lông ra chỗ nào thấy tiện. Thật là lạ chăm con, chắt chiu, dành dụm các thứ tốt nhất cho con, mà không hề nghĩ ném rác như thế chính là ném rác, ném chất độc vào tương lai của chính con mình. Hành động thì có thể “khuất mắt trông coi” nhưng hệ lụy về sau thì thật nguy hiểm khi con cháu mình sống ngập ngụa trong rác thải độc hại.

Bê tông hóa đường xá mở rộng, kèm tốc độ xây dựng nhanh, ao, hồ, kênh, mương điều hòa bị san lấp, cơi nới, lấn chiếm. Chất tẩy rửa hóa học sử dụng nhiều, nước thải không qua xử lý, rác thải từ các nhà máy giầy da, may mặc… đổ dồn về bức tử dòng sông quê phải “chảy ngược”. Chỗ nào cũng thấy ô nhiễm từ cửa nhà cho tới bến bãi ven sông. Chỗ nào cũng thấy túi ni lông, chai nhựa, cốc nhựa…, toàn loại phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy.

Quê không còn thanh bình trong sạch nữa mà thành nỗi ám ảnh của trẻ con thành phố. Còn đâu lũy tre xanh rì rào, vườn cây xum xuê cây trái ngọt lành, ao làng trong xanh bóng nước và “dòng sông quê tắm mát tuổi thơ tôi”... Còn đâu mái nhà tranh với bữa cơm chiều, chiếc chiếu trải bên hè, nắng hoàng hôn còn lọt sau lớp mành trúc nhỏ. Cái mâm tròn tròn, đĩa tôm kho đo đỏ, đĩa rau xanh với chút mắm, tương, cà... Yên bình nào ngày ấy giờ sao thật xa xôi.

Nếu không nhanh chóng, quyết liệt xử lý rác, nghiêm cấm, xử phạt việc đổ trộm chất thải công nghiệp, nguy hại… chuyển đổi vị trí các trang trại, lò mổ nằm trong khu dân cư, hoàn thiện lại hệ thống mương máng thoát nước điều hòa thì sức khỏe người dân quê chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, ung thư… sẽ hậu quả nhãn tiền.

Đừng để trẻ con thành phố phải sợ về quê. Hãy trả lại màu xanh cho quê của một thời như đã.

Bạn đang đọc bài viết Sông quê chảy ngược. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo diendandoanhnghiep.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.