Thứ sáu, 26/04/2024 16:45 (GMT+7)

Hàng trăm nghìn người nhiễm viêm gan C không có khả năng tiếp cận điều trị

MTĐT -  Thứ hai, 31/07/2017 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viêm gan là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, ung thư gan. Trong bối cảnh thế giới có khoảng 400 triệu người nhiễm bệnh viêm gan B và C, mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi huy động nỗ lực toàn cầu chống lại căn bệnh này. Tại nước ta hiện có hơn 20 triệu người mắc viêm gan B và C, trong đó khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan.

Xét nghiệm máu – kết quả chuẩn đoán bệnh viêm gan C chính xác nhất


Theo khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, chỉ có 10% người bệnh có thể chi trả cho liệu trình điều trị. Còn theo anh Đỗ Thái Thịnh, trưởng nhóm Cát Trắng (Nhóm người sử dụng ma túy tại Long Biên, Hà Nội), trong số 300 khách hàng của nhóm xét nghiệm dương tính Viêm gan C, thì chỉ 3% bệnh nhân có khả năng chi trả cho việc điều trị này, còn lại thì...sống chung với lũ.

Viêm gan C là một căn bệnh nguy hiểm nhưng diễn tiến vô cùng thầm lặng. Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 150 triệu người đang mắc bệnh viêm gan C mạn tính và mỗi năm có thêm 3-4 triệu ca nhiễm mới và 700.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến Viêm gan C như xơ gan, ung thư gan hoặc suy gan (WHO 2016). Tuy nhiên, thuốc DAA điều trị VGC hiện nay vẫn chưa được đưa vào BHYT, khiến cho phần lớn người bệnh không có khả năng tiếp cận điều trị.

Anh Bùi Quang Hải – Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Tôi là người lao động tự do, làm xe ôm kiếm ăn từng ngày. Tôi có kết quả xét nghiệm dương tính Viêm gan C từ tháng 6 năm 2016, xơ gan cấp độ 3 rồi, nhưng bây giờ cũng chỉ mua thuốc lá uống cho mát gan, chứ lấy đâu ra mấy chục triệu để mà điều trị”.

“Mấy chục triệu thì đời mình chưa bao giờ mơ đến. Bây giờ nuôi hai đứa con, sửa chữa điện tử lấy mấy đồng bạc, thì có miếng ăn qua ngày nuôi con là tốt lắm rồi. Giờ mất sức, không lao động được như người ta. BHYT thì cứ trả cho thuốc cũ, thuốc này đắt mà cũng không ai dùng nữa, thuốc mới thì chả biết đợi đến bao giờ. Sống được 1 năm từ ngày biết bệnh rồi, không điều trị được, giờ mình chỉ xin trời cho sức khỏe nuôi con thôi”, anh Cao Xuân Hạnh – Long Biên, Hà Nội cho biết.

Theo Cục Y tế dự phòng, Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phân tích Bệnh tật Hoa Kỳ (2017). Ước tính và dự báo gánh nặng bệnh tật, và hiệu quả đầu tư đối với viêm gan B và C tại Việt Nam, trong Hội thảo phổ biến kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút B và C ngày 21/01/2017 cho biết tại Việt Nam, khoảng gần 1 triệu người nhiễm viêm gan C mãn tính. Con số này cao hơn khoảng 4 lần so với số người hiện mắc HIV. Ung thư gan và xơ gan đứng thứ 4 và thứ 7 trong số các nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam năm 2010, thể hiện sự gia tăng rõ rệt vì vào năm 1990, hai bệnh này chỉ đứng thứ 17 và 14.

Vi-rút viêm gan C lây truyền tương tự như HIV – qua đường máu, từ mẹ sang con, và qua quan hệ tình dục không an toàn - nhưng chủ yếu là qua đường máu và khả năng lây nhiễm của vi-rút viêm gan C gấp nhiều lần so với HIV[4]. Khoảng 55 - 85% người nhiễm vi-rút viêm gan C sẽ tiến triển thành viêm gan C mạn tính. Bệnh ít có biểu hiện ra ngoài nên rất nhiều người không biết mình mắc bệnh nếu không đi xét nghiệm, và cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Tuy nhiên, bệnh viêm gan C đã có thuốc điều trị khỏi. Điều trị viêm gan C không chỉ ngăn chặn bệnh tiến triển thành xơ gan và ung thư gan mà còn làm giảm số người mang vi-rút trong nước và giảm nguy cơ lây truyền viêm gan C cho người khác.

Thuốc điều trị viêm gan C thế hệ cũ ở dạng tiêm, thời gian điều trị kéo dài đến 12 tháng, nhiều tác dụng phụ, tỷ lệ điều trị khỏi chỉ ở khoảng 40 - 65% và giá thành lên đến hơn trăm triệu đồng một liệu trình điều trị. Thế hệ thuốc mới có tên viết tắt là DAA (kháng vi-rút trực tiếp) có tỷ lệ điều trị khỏi lên đến hơn 90%, ít tác dụng phụ, và thời gian điều trị cho đa số bệnh nhân chỉ còn 3 tháng.

Tuy nhiên, vẫn còn rất ít người bệnh ở Việt Nam được điều trị bằng các thuốc mới này do giá thành thuốc vẫn còn ở mức cao - vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân, trong khi các thuốc này chưa nằm trong danh mục thuốc được Bảo hiểm Y tế (BHYT) chi trả.

                                                                                              Theo SK&MT

Bạn đang đọc bài viết Hàng trăm nghìn người nhiễm viêm gan C không có khả năng tiếp cận điều trị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới