Thứ ba, 19/03/2024 12:50 (GMT+7)

Thanh Hoá: “Lá bùa” hoàn thổ môi trường hay “ăn cắp” khoáng sản?

MTĐT -  Chủ nhật, 28/06/2020 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, thế nhưng lợi dụng việc xin hoàn thổ và vận chuyển khoáng sản đã khai thác,Công ty Tây Đô đã ngang nhiên mang máy móc, phương tiện vào khai thác than

Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn

Ngày 20 tháng 01 năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 385/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Tây Đô (Cty Tây Đô) tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Điều 1, Quyết định nêu: Cho phép Cty Tây Đô được khai thác và chế biến than tại các điểm mỏ thuộc huyện Cẩm Thủy tại 3 điểm mỏ. Trong đó có điểm mỏ tại xã Cẩm Yên (khai thác tận thu vì mỏ này trước đây Xí nghiệp than Cẩm Yên đã được cấp phép từ năm 1983-1993 sau đó trả lại mỏ không khai thác nữa): diện tích 118.856,5m2 được giới hạn bởi các điểm góc 1,2,3 và 4 có tọa độ xác định trên bản đồ kèm theo. Công suất khai thác 30.000 tấn/năm. Thời hạn khai thác 36 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Sau khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, Cty Tây Đô tiếp tục xin thăm dò khoáng sản và được UBND tỉnh chấp thuận tại Quyết định 36/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2018. Thời hạn thăm dò là 09 tháng.

Như vậy tới thời điểm hết tháng 10/2018 Cty Tây Đô phải dừng mọi hoạt động khai thác, đưa phương tiện máy móc ra khỏi khu vực mỏ, thực hiện việc đóng cửa mỏ theo quy định.

 “Lá bùa” hoàn thổ môi trường hay “ăn cắp” khoáng sản?

 Ngày 16/05/2020 Cty Tây Đô có đơn đề nghị với nội dung: Quá trình hoạt động thăm dò tìm kiếm nguồn than để được cấp phép tận thu, Cty Tây Đô phát hiện một hố nước sâu khoảng 3m-4m, rộng khoảng 200m2 do Công ty Than Thanh Hóa đào khai thác trước đây nhưng chưa lấp hoàn thổ.
Qua tìm hiểu tại khu vực hồ nước này đã từng xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em. Xét thấy đây là khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, diện tích thuộc khu vực này Cty Tây Đô đã thực hiện nghĩa vụ đền bù cho hộ dân theo quy định. Do đó, đề nghị UBND huyện Cẩm Thủy và UBND xã Cẩm Yên cho phép Cty Tây Đô san lấp hồ nước nêu trên, với mục đích phòng ngừa không để xảy ra tai nạn cho người và vật nuôi gia súc trong khu vực. Đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động thăm dò theo giấy phép.

Ngay sau đó, Công ty TNHH TMVT Hồng Anh (đơn vị được Cty Tây Đô ủy quyền khai thác) đã có văn bản xin UBND huyện Cẩm Thủy được vận chuyển lượng than còn tồn đọng tại các điểm mỏ. Với lý do sắp đến mùa mưa nếu vẫn để tại mỏ thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường và giảm chất lượng than đã khai thác.

Thế nhưng, thực tế theo ghi nhận của PV tại điểm mỏ đây là hoạt động khai thác mới than lộ thiên chứ không phải việc hoàn thổ hố nước như Cty Tây Đô đã báo cáo trước đó. Ngoài ra việc vận chuyển than ra khỏi khu vực được cấp phép khai thác trước đó, Cty Tây Đô cũng chỉ mới có báo cáo tới UBND xã Cẩm Yên và UBND huyện Cẩm Thủy chứ chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Than sau khi khai thác được tập kết chờ vận chuyển

Như vậy, việc có văn bản xin được hoàn thổ hố nước khai thác trước đó để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ thực chất cũng chỉ là cái cớ, là “lá bùa” qua mặt các ngành chức năng nhưng thực chất là việc “đánh cắp khoáng sản”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Thủy cho biết: Vì trước đây Cty Tây Đô được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản đã hết hạn. Mới đây Công ty có văn bản xin hoàn thổ môi trường và vận chuyển than ra khỏi khu vực khai thác. Nhận thấy vượt quá thẩm quyền, tôi đã tham mưu Công ty phải làm hồ sơ xuống tỉnh và dừng mọi hoạt động tại khu vực mỏ. Vì việc xin vận chuyển than ra khỏi khu vực khai thác và hoàn thổ đều là thẩm quyền của UBND tỉnh.

Trước phản ánh của PV về việc Công ty Tây Đô đang lợi dụng việc xin san lấp hố nước để đảm bảo an toàn nhưng thực chất là việc khai thác mới than lộ thiên, ông Hiệp thông tin sẽ cho kiểm tra và có trả lời sau.

Xe tải ùn ùn vào vận chuyển than sau khai thác

Được biết ngày 16 tháng 06 năm 2020 UBND huyện Cẩm Thủy đã có văn báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến về việc Cty Tây Đô xin vận chuyển lượng than còn tồn đọng tại các điểm mỏ và hoàn phục môi trường đóng cửa mỏ. Đồng thời, Phòng TN&MT huyện Cẩm Thủy cũng đã có kiểm tra, yêu cầu Công ty dừng mọi hoạt động san gạt và không được vận chuyển khoáng sản ra khỏi vị trí tập kết trước khi các cơ quan có thẩm quyền có văn bản trả lời.

Trước việc Cty Tây Đô lợi dụng việc san gạt hố nước để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ nhưng thực chất là việc khai thác mới than lộ thiên, đề nghị Sở TN&MT kiểm tra, xử lý kịp thời, tránh việc lợi dụng chính sách để “ăn cắp khoáng sản”.

Theo Thanh Tâm/Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hoá: “Lá bùa” hoàn thổ môi trường hay “ăn cắp” khoáng sản?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên
Ngày 14/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên.

Tin mới