Thứ bảy, 27/04/2024 01:36 (GMT+7)

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên

MTĐT -  Thứ tư, 07/10/2020 11:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện nay Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, điểm nóng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng của các tỉnh Tây Nguyên còn hơn 2,5 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước. Trong đó, rừng tự nhiên có gần 2,2 triệu ha, rừng đặc dụng 479.257 ha, rừng phòng hộ 547.822 ha, rừng trồng 368.734 ha, rừng sản xuất hơn 1,5 triệu ha…

Trong những năm qua thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030… công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở các tỉnh Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2019, các tỉnh Tây Nguyên trồng được 9.197 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh được 10.505 ha, trồng cây phân tán hơn 1,2 triệu cây, chăm sóc rừng trồng được 24.192 ha… Trong năm 2019 và đầu năm 2020, công tác khai thác gỗ rừng trồng tập trung và cây phân tán tại các tỉnh Tây Nguyên đạt 380.441,96 m3 gỗ các loại; tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,10 triệu USD; thu tiền dịch vụ môi trường rừng đạt 1.121,2 tỷ đồng. Trong năm 2019 ngân sách Nhà nước cấp cho công tác bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh Tây Nguyên là 183,6 tỷ đồng và năm 2020 là 153,7 tỷ đồng…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, về lâm nghiệp đối với các dự án thuê đất. Qua đó đã xử lý, thu hồi nhiều dự án không triển khai, triển khai chậm hoặc vi phạm trong công tác QLBVR, trong đó tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi 11 dự án với diện tích 6.110 ha; Lâm Đồng thu hồi 160 dự án và thu hồi một phần của 35 dự án với diện tích 4.209 ha…

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn Tây Nguyên vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong năm 2019 và năm tháng đầu năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm lâm luật, trong đó đã xử lý 4.433 vụ, gồm xử phạt vi phạm hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu hơn 9.898 m3 gỗ các loại, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước là 56 tỷ đồng.

Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tập trung tại các khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực giáp ranh… Đặc biệt, trong năm 2019 diện tích rừng tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên giảm đến 15.753 ha, trong đó ba tỉnh có diện tích rừng giảm mạnh nhất là Đắk Lắk 11.419 ha, Đắk Nông 7.156 ha, Gia Lai 494 ha…

Song song với sự suy giảm về diện tích rừng, chất lượng rừng của toàn khu vực cũng bị suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu còn rất thấp, chỉ còn 0,403 triệu ha, chiếm khoảng 18,40%, còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi với 1,788 triệu ha, chiếm đến 81,60%.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện nay Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, điểm nóng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài nhưng chậm được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân do sức ép về kinh tế, xã hội ngày càng tăng do dân số các vùng có rừng tăng nhanh, đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác gây sức ép lớn lên rừng tự nhiên trong khu vực.

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho công tác QLBVR và phát triển rừng chưa tương xứng với nhiệm vụ. Các công ty lâm nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ công ích, được hỗ trợ một phần kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, không đủ bố trí nguồn lực để QLBVR và đất rừng. Trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, các ngành về bảo vệ rừng còn hạn chế. Chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm trong QLBVR, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn mờ nhạt, chưa thường xuyên hoặc thiếu quyết liệt, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài khó xử lý. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác QLBVR ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; công tác điều tra, xử lý một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tồn đọng kéo dài; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về lâm nghiệp còn thấp.

Một bộ phận các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài khó xử lý. Lực lượng kiểm lâm ở một số địa phương chưa tham mưu kịp thời cho chính quyền cơ sở trong việc chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Việc rà soát, điều chỉnh ba loại rừng của các địa phương chưa bám sát kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ 2016-2020, chưa xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn ranh giới và diện tích quản lý giữa các địa phương… nên tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương diễn ra nóng bỏng.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp các bộ, ngành Trung ương rà soát hoàn thiện các chính sách về phát triển lâm nghiệp; nâng cao mức giao khoán rừng cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý để người dân và cộng đồng có thu nhập ổn định từ rừng; bố trí đủ vốn đầu tư phát triển để địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển rừng và đầu tư hạ tầng lâm nghiệp; tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành bố trí đủ vốn để hoàn thiện các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân di cư tự do; tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù cho khu vực Tây Nguyên; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai các hoạt động ưu tiên về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; ứng dụng công nghệ mới như thiết bị bay không người lái phục vụ công tác QLBVR…

Cũng tại hội nghị này, đại diện các bộ, ngành đánh giá cao vai trò của báo chí trong thời gian gần đây đã phát hiện, đưa nhiều tin, bài phản ánh về tình trạng phá rừng ở Tây Nguyên, giúp Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời nắm bắt tình hình vi phạm lâm luật để chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên, các ngành chức năng cùng các chủ rừng tăng cường công tác QLBVR.

Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, từng bước khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, phấn đấu đến năm 2030 đưa diện tích rừng ở Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha và nâng độ che phủ rừng lên 49,2%, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên huy động sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng trong thời gian qua; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm lâm nghiệp và chống người thi hành công vụ. Xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân QLBVR thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, tiêu cực để xảy ra các vụ phá rừng trong thời gian qua.

Các tỉnh xây dựng phương án toàn diện về bảo vệ, phát triển rừng, trong đó xác định rõ các vấn đề nổi cộm, các điểm nóng phá rừng để tổ chức ngăn chặn, xử lý. Sớm hoàn thiện các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân di cư tự do để ổn định đời sống và việc làm của người dân. Xử lý dứt điểm diện tích rừng chồng lấn giữa các tỉnh để tăng cường công tác QLBVR ở khu vực giáp ranh. Đẩy nhanh thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND xã đang quản lý, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng có chủ thực sự. Bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, trong đó ưu tiên bố trí lực lượng cho kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm cơ động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Khẩn trương hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại để công ty lâm nghiệp thật sự hoạt động hiệu quả; rà soát các diện tích đất sử dụng không hiệu quả để có giải pháp xử lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là đất thuộc sự quản lý của các công ty lâm nghiệp. Sớm hoàn chỉnh việc quy hoạch ba loại rừng làm cơ sở để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xây dựng giá trị rừng để làm cơ sở xử lý chủ rừng khi để xảy ra phá rừng, mất rừng. Tổng rà soát lại 14 chỉ tiêu Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra làm cơ sở xây dựng đề án cho giai đoạn 2021-2025…

Về phía Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát hoàn chỉnh cơ chế, chính sách QLBVR, giao khoán rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng… để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên.

Nhật Quang (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới