Thứ năm, 02/05/2024 08:09 (GMT+7)

Tết Đoan Ngọ năm 2023 vào ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ

MTĐT -  Thứ ba, 20/06/2023 15:12 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) hay còn gọi là ngày diệt sâu bọ từ lâu đã trở thành ngày Tết truyền thống của người Việt Nam. Vậy Tết Đoan Ngọ là gì? Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa như thế nào và Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào ngày nào?...

Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 Âm lịch, còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa) là bắt đầu giữa trưa; Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam...

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ thường rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều. Cho nên, ngày lễ này còn được gọi là ngày diệt sâu bọ hoặc giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ 2023 rơi vào thứ 5, ngày 22/6 dương lịch.

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

Theo truyền thuyết, vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được. Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: Bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ", nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Người dân làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.

Theo quan niệm dân gian, người dân ăn hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5 Âm lịch là một cách để diệt trừ sâu bọ. Vào ngày này, cần phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó là ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Ở nhiều nơi, các gia đình còn có thói quen ăn bánh tro hay còn gọi là bánh gio, chè trôi nước, hạt sen... để diệt trừ sâu bọ, bệnh tật trong người.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ thường đến sau vụ mùa. Vì thế mà mâm lễ cúng Tết diệt sâu bọ tương đối phong phú với nhiều loại nông sản. Tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, tuy nhiên về cơ bản bao gồm:

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ người miền Bắc gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả như mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối… Bánh tro (Bánh tro làm từ gạo nếp đã được ngâm trong nước tro, gói trong lá chuối. Đây là loại bánh dễ ăn, dễ tiêu, ngon hơn khi ăn cùng với đường hoặc mật), bánh ú, xôi, chè.

Cơm rượu nếp là món đặc trưng của người miền Bắc trong dịp này, thường gồm cả nếp cẩm và nếp cái hoa vàng.

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ người miền Trung gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả như vải, mận…, bánh tro, bánh ú, chè kê là món ăn đặc biệt quen thuộc với những ai gốc Huế.

Thịt vịt: Người miền Trung thường thêm món thịt vịt vào mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm xưa, thịt vịt mát, và có tác dụng giải nhiệt rất tốt, ăn vào sẽ mát cả năm và đây cũng được cho là món ăn có khả năng bổ máu, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và thanh lọc cơ thể.

Cơm rượu miền Trung được làm từ phương pháp lên men cổ truyền. Cơm rượu miền Trung có dạng miếng nhỏ vuông vức.

tm-img-alt

Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ người miền Nam gồm: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả như vải, mận, chôm chôm,…

Ở các tỉnh miền Nam, cơm rượu không để rời mà được viên thành những viên tròn trước khi ủ. Rượu dậy mùi, người ta thường thêm nước đường vào.

Bánh ú bá trạng: Bánh bá trạng tương tự bánh tro nhưng to hơn một chút, bánh làm từ gạo nếp và được nhồi nhiều loại nhân sau đó gói trong lá rồi nấu chín bằng cách luộc hoặc hấp.

Chè trôi nước: Chè trôi nước miền Nam là những viên chè tròn to được làm từ bột nếp trắng, bên trong là nhân đậu xanh thơm bùi. Chè trôi nước được ăn cùng nước đường gừng và nước cốt dừa.

Ngoài ra, vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre… Người xưa cho rằng, việc tắm lá thuốc giúp cơ thể thơm tho, khoan khoái dễ chịu, trị được cảm mạo và xua tan mầm bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người cũng dùng nước lá thơm thiên nhiên này để gội đầu, xông hơi với mong muốn có một mái tóc đen, mượt, dài.

Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ trước là tưởng nhớ tổ tiên cầu mong mùa màng bội thu không bị sâu bọ phá hoại, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Nó đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ Tết truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.

H.Hà

Bạn đang đọc bài viết Tết Đoan Ngọ năm 2023 vào ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh

Tin mới