Thứ năm, 02/05/2024 05:29 (GMT+7)

Thái Bình: Cần kiểm soát việc xử lý chất thải dự án đô thị ven sông Trà Lý

Phong Vũ - Nguyễn Bảo -  Thứ năm, 11/04/2024 05:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Quá trình giải phóng mặt bằng dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý ở thành phố Thái Bình đã phát sinh lượng lớn chất thải xây dựng, tuy nhiên việc xử lý nguồn chất thải này đang tồn tại nhiều bất cập, phát sinh hệ huỵ tiêu cực về môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đang đẩy nhanh công tác tháo dỡ, giải phóng mặt bằng (GPMB) trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị và một số điểm dân cư để tạo mặt bằng triển khai xây dựng dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý. Các đơn vị được ký hợp đồng để thực hiện việc này đang khẩn trương tiến hành tháo dỡ, vận chuyển vật liệu thải xây dựng đi xử lý.

Thế nhưng, theo phản ánh của người dân địa phương và tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, quá trình tháo dỡ, vận chuyển chất thải trên chưa đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Đáng nói, lượng lớn chất thải này lại được vận chuyển đến tập kết, san lấp mặt bằng tại một cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện Đông Hưng, điều này khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp có ý định thuê mặt bằng tại đây để xây dựng nhà xưởng rất lo ngại về chất lượng hạ tầng sẽ không đảm bảo an toàn cho các công trình khi xây dựng sau này.

tm-img-alt

Toàn cảnh mặt bằng CCN Đông La ở xã Đông La, huyện Đông Hưng biến thành điểm đổ chất thải xây dựng của dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý

Để làm rõ thông tin, trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, theo ghi nhận trực tiếp của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tại các công trình đang tháo dỡ, các xe tải tấp nập ra vào và sau khi được chất đầy vật liệu thải lên cao quá thành thùng nhưng chỉ được che đậy sơ sài, sau đó được vận chuyển đi nơi khác xử lý.

Bám theo một vài chiếc xe tải gắn logo của Công ty vận tải Mai Đào, mang BKS: 17C - 181.67, 17C - 172.31, 90C - 010.62… để đến điểm đổ thải. Sau khi “ăn no” chất thải, những chiếc xe này di chuyển qua nhiều tuyến phố chính của thành phố Thái Bình, đi qua thị trấn Đông Hưng. Quá trình di chuyển các xe này luôn chạy với vận tốc rất nhanh, do chỉ được che chắn sơ sài nên khiến chất thải rơi vãi, bụi bẩn gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông. Thế nhưng cả quãng đường di chuyển lên đến gần 20km nhưng đoàn xe tải này không gặp bất cứ trở ngại nào từ lực lượng chức năng địa phương như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý.

tm-img-alt
tm-img-alt
Sau khi được chất đầy chất thải xây dựng, xe tải này đã vận chuyển đến đổ tại mặt bằng CCN Đông La ở xã Đông La, huyện Đông Hưng

Đáng nói, ngay cả khi những chiếc xe này chạy “cắt mặt” chốt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình đóng trên QL10 đoạn qua xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình nhưng không hề có hoạt động dừng xe nào để kiểm tra?!

Để tìm hiểu việc tuần tra, kiểm soát đối với các dấu hiệu vi phạm các xe tải trên, PV đã có cuộc trao đổi với một Lãnh đạo phụ trách Trạm Cảnh sát giao thông Cầu Nghìn thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình và được vị này thông tin, liên quan đến những chiếc xe có dấu hiệu quá tải thì chỉ cần thông báo, phản ánh biển số chúng tôi sẽ cho kiểm tra và cân ngay.

Tiếp đến, sau quãng đường gần 20km vận chuyển từ điểm tháo dỡ đến điểm tập kết đổ thải tại CCN Đông La ở xã Đông La, huyện Đông Hưng. Tại đây lượng lớn chất thải đã được đổ thành từng đống cao vút, ở nhiều vị trí trong mặt bằng CCN này.

Nghi vấn địa điểm tập kết chất thải này không đúng vị trí được cấp phép, điều này thể hiện rõ ở sự bất thường của những lái xe, bởi khi phát hiện sự có mặt của PV ghi nhận hoạt động đổ thải tại đây, nhóm lái xe đã không cho đổ thải ngay mà điều khiển xe lùi rất sâu vào phía trong để đỗ tạm, đồng thời cử người khác ra theo dõi và chỉ khi thấy PV rời đi họ mới cho đổ thải xuống.

tm-img-alt
Chiếc xe tải này chạy “cắt mặt” chốt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình đóng trên QL10 đoạn qua xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình.

Để tìm hiểu nội dung trên, PV đã liên hệ với một lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất và CCN huyện Đông Hưng. Trả lời câu hỏi của PV về việc sử dụng chất thải xây dựng trên để làm vật liệu san lấp mặt bằng CCN có phù hợp và đảm bảo chất lượng xây dựng hạ tầng? Vị này cho hay, sau khi nắm bắt thông tin từ PV, chúng tôi sẽ ra văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo việc sử dụng chất thải xây dựng để san lấp có phù hợp và đúng quy định hay không. Khi nào có kết quả sẽ thông tin lại PV.

Từ diễn biến sự việc trên chúng tôi kính đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan của tỉnh Thái Bình, chính quyền thành phố Thái Bình cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động xử lý chất thải dự án, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể liên quan đến việc xử lý chất thải không đúng quy định gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường (nếu có).

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Cần kiểm soát việc xử lý chất thải dự án đô thị ven sông Trà Lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới