Thứ năm, 02/05/2024 02:39 (GMT+7)

Thành phố Bắc Ninh bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

MTĐT -  Thứ năm, 10/02/2022 16:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với những giá trị đặc sắc của các di tích, thành phố Bắc Ninh có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, góp phần phát triển du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Thành phố Bắc Ninh hiện có 203 di tích, trong đó có 42 di tích cấp Quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh. Với những giá trị đặc sắc của các di tích, thành phố Bắc Ninh có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, góp phần phát triển du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Ngoài thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thành phố Bắc Ninh chú trọng nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với phát triển du lịch.

Công tác tuyên truyền giới thiệu giá trị di tích và lễ hội được quan tâm với nhiều hình thức phong phú như: Phát hành sổ tay du lịch “Thành phố miền Quan họ”; phát sóng tin bài tuyên truyền về các hoạt động lễ hội, in tờ rơi, cắm biển chỉ dẫn đường, bổ sung các quy định, nội quy hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động tại di tích; tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh địa phương, băng cờ, khẩu hiệu giới thiệu giá trị di tích lịch sử và lễ hội, những nét đẹp văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán của địa phương, dân tộc để giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Với hơn 20 lễ hội truyền thống được tổ chức đan xen trong năm, đa số tập trung vào dịp đầu xuân, thời điểm dịch COVID-19 được kiểm soát, các lễ hội chủ yếu thực hiện phần lễ (các nghi lễ, nghi thức tế, lễ, rước, dâng hương, dâng lễ) nhằm bảo đảm tính thiêng liêng, tôn nghiêm của các nghi lễ cổ truyền, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp, tính giáo dục, nhân văn của dân tộc.

Công tác quản lý Nhà nước về tổ chức hoạt động lễ hội được tăng cường, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác quản lý trước, trong và sau lễ hội; đặc biệt trong công tác chỉ đạo bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn thành lập, xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm của từng thành viên Ban tổ chức lễ hội địa phương theo quy định; thực hiện tốt nếp sống văn minh, quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu thu được từ lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch.

Đối với các lễ hội thu hút đông người (lễ hội khu Ném Thượng, lễ hội Đền Bà Chúa Kho, lễ hội khu Viêm Xá), thành phố Bắc Ninh có văn bản chỉ đạo riêng, tăng cường kiểm tra, trực và theo dõi nắm bắt tình hình các lễ hội, kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức lễ hội và quản lý các di tích theo quy định.

Các phường tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo vệ cơ sở thờ tự, di vật, cổ vật tại các di tích, khuyến khích xây dựng thông tin về đường dây nóng, lắp camera trong khu vực di tích nhằm tạo môi trường di tích lịch sử văn hóa trong sạch, lành mạnh, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách thập phương. Đền Bà Chúa Kho lắp đặt 40 bộ camera, Đền Cùng - Giếng Ngọc lắp 12 bộ camera trong nội tự để theo dõi, kiểm tra các hoạt động diễn ra tại di tích, lễ hội...

Thành phố Bắc Ninh bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
Du khách tham quan, chiêm bái tại di tích lịch sử văn hóa chùa Dạm, phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh).

Căn cứ từng thời diểm diễn biến dịch bệnh, thành phố Bắc Ninh chỉ đạo các phường, Ban Quản lý di tích địa phương treo băng rôn, bảng, biển tại khu di tích, cơ sở tín ngưỡng thông báo việc dừng các hoạt động và không tổ chức đón tiếp khách về lễ. Hàng năm, các phường thường xuyên kiện toàn Ban Quản lý di tích để thực hiện quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích tại địa phương theo quy định, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý giá trị di tích; không để xảy ra sai phạm, hủy hoại di tích lịch sử văn hóa.

Công tác quản lý đất đai tại di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố được chỉ đạo thực hiện theo Luật Di sản văn hóa và văn bản pháp luật hiện hành, không có hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm, hủy hoại hoặc chuyển nhượng về đất đai di tích; việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật trong các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được chú trọng, định kỳ hàng quý đều tổ chức kiểm tra, kiểm kê các di vật, cổ vật, bảo vật.

Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, bằng nguồn vốn xã hội hóa và một phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các di tích được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Năm 2021, thành phố Bắc Ninh hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp cho 7 di tích trên địa bàn với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng: Đình Quả Cảm (Hòa Long), Đền Vân Mẫu (Vân Dương), Đình Phúc Sơn (Vũ Ninh), Chùa Linh Sơn (Đại Phúc), Đình Y Na (Kinh Bắc), Đình Triều Thôn (Nam Sơn), Đền Khu Thượng (Khắc Niệm) (Di tích cấp quốc gia 500 triệu đồng/di tích; di tích cấp tỉnh 300 triệu/di tích). Các địa phương tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa từ nguồn vốn xã hội hóa được nhân dân, khách thập phương đóng góp với kinh phí 23,7 tỷ đồng. Nhìn chung, các di tích khi tu bổ, tôn tạo không làm thay đổi hình dáng, không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.

Một số di tích hệ thống bảng biểu giới thiệu về giá trị di tích đã cũ, hỏng được Ban Quản lý di tích địa phương kịp thời thay thế, sửa chữa. 100% các di tích lịch sử văn hóa đều có hòm công đức, bàn ghi công đức khoa học, thuận lợi cho du khách về tham dự lễ hội. Các dịch vụ đổi tiền lẻ lấy lãi cao tại các điểm di tích được quản lý chặt chẽ, không còn phổ biến.

Với số tiền được khách thập phương phát tâm công đức, Ban Quản lý di tích địa phương đã trùng tu, tôn tạo di tích, quản lý sử dụng công khai, minh bạch và được sự giám sát của chính quyền địa phương. Di tích lịch sử văn hóa mang giá trị tinh thần lớn lao qua các thế hệ, phản ánh đặc trưng văn hóa, cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Bảo tồn, phát huy tốt giá trị di tích lịch sử văn hóa góp phần không nhỏ trong việc khai thác tiềm năng, nguồn lực để phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Bắc Ninh bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo baobacninh.com.vn

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh

Tin mới