Thứ năm, 02/05/2024 20:13 (GMT+7)

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy

MTĐT -  Thứ tư, 12/04/2023 10:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều điểm mới mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc được thể hiện tại QCVN 06:2022/BXD ban hành theo Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022.

Thực tế cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xây dựng, PCCC cơ bản đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được hoàn thiện, tương đối phủ kín các lĩnh vực là công cụ hữu hiệu để quản lý về công tác PCCC tại các công trình xây dựng.

Đặc biệt, trong quá trình ban hành các Quy chuẩn có kèm theo các điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện quy định dễ dàng hơn, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Việc soát xét và ban hành các QC là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh minh họa

Những điểm mới tháo gỡ khó khăn trong QCVN 06:2022/BXD

Ngày 06/4/2020, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD (gọi tắt là QC 06) và có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020.

Trong đó, thay đổi chủ yếu là mở rộng phạm vi áp dụng của QC 06 đối với các nhà công cộng cao đến 150 m (QCVN 06:2010/BXD chỉ áp dụng cho nhà công cộng cao tối đa 50 m) và bổ sung nội dung cấp nước chữa cháy. Còn các nội dung yêu cầu an toàn cốt lõi như thoát nạn cho người, bậc chịu lửa của nhà, giới hạn chịu lửa của cấu kiện, bảo vệ chống khói, chống cháy lan … cơ bản không thay đổi.

Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BXD về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD). Trong đó thay đổi mở rộng phạm vi áp dụng Quy chuẩn đối với nhà chung cư cao trên 75 m đến 150 m (thực chất là chỉ chuyển nội dung này từ QCVN 04:2019/BXD sang QCVN 06:2021/BXD để thống nhất quy định về an toàn cháy cho nhà và công trình vào một Quy chuẩn). Các quy định khác về cơ bản giữ nguyên.

Sau khi áp dụng trong thực tiễn và tiếp thu các ý kiến phản hồi, ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BXD về việc ban hành QCVN 06:2022/BXD (thay thế QCVN 06:2020/BXD).

Nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc, như:

- Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính: Quy định cũ phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; các cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chiu lửa EI. Nhưng tại QCVN 06:2022/BXD cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, EI 30, EI 15 (3 loại); cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW (dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính);

- Giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất, ví dụ: Theo quy định QCVN 06:2021/BXD (cũ), với công trình nhà công nghiệp hạng sản xuất C, nếu nhà 1 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 5200m2; nếu nhà 2 tầng thì cho phép phân khoang cháy tối đa 3500 m2.

Tại QCVN 06:2022/BXD, cho phép nhà 1 tầng có khoang cháy đến 25.000 m2, nhà 2 tầng có khoang cháy đến 10.400 m2 và chỉ yêu cầu bậc chịu lửa III, IV tương ứng giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực là 45 phút hoặc 15 phút, giúp dễ dàng thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu chịu lửa;

- Giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực, quy định tại Bảng 4, Phụ lục E. Trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư.

Hiện nay, QCVN 06:2022/BXD đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này;

- Giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động;

- Bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 01 lối ra (cầu thang) thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở;

- Giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ;

Như vậy, trong thời gian qua việc soát xét và ban hành các QC là để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các quy chuẩn đều có tính kế thừa rõ ràng, các quy định có tính hệ thống và liên tục. Có thể nói, công trình nào đã đáp ứng các yêu cầu trong QC 06:2010 thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu của QC 06:20, 21 và cả 22. Trong quá trình thực hiện quy định về PCCC, Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chuẩn góp phần bảo đảm an toàn PCCC và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong qua trình sản xuất, kinh doanh.

Quá trình ban hành các Quy chuẩn có kèm theo các điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện quy định dễ dàng hơn, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Áp dụng đúng các quy định của QCVN 06:2022/BXD sẽ hạn chế rủi ro. Ảnh: Internet

Ý nghĩa của khoảng cách phòng cháy, chống cháy

Trước hết, cần khẳng định khoảng cách phòng cháy chống cháy có ý nghĩa hết sức quan trọng là để chống cháy lan từ công trình này sang công trình khác, làm tăng quy mô đám cháy, ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn.

Hay hiểu một cách đơn giản thì đám cháy cần được khoanh vùng và cô lập. Ngăn chặn cháy lan là một trong những yêu cầu an toàn cháy cốt lõi mà các nước trên thế giới đều có quy định về vấn đề này.

Ngay từ QCVN 06:2010/BXD, đã có những quy định về khoảng cách phòng cháy chống cháy (phụ lục E), và các quy định này cơ bản được giữ nguyên đến phiên bản QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD có bổ sung thêm một số giải pháp mới cho phép giảm khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà và công trình và không quy định giới hạn chịu lửa của kết cấu bao che.

Đối với nhà xây trong đô thị như sau:

- Các nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống: các nhà này không thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 06:2022/BXD.

- Đối với các nhà công cộng (kinh doanh dịch vụ, văn phòng, …), có thể lựa chọn nhiều giải pháp sau:

Tường ngăn giữa các nhà là tường gạch hoặc tường bê tông có chiều dày từ 180 - 200 mm (đạt giới hạn chịu lửa 180 phút theo phụ lục F), khi đó khoảng cách phòng cháy chống cháy bằng 0. Thực tế đây là giải pháp phổ biến nhất, thậm chí mỗi nhà có thể tự xây tường riêng cho nhà của mình.

Áp dụng các giải pháp khác cho phép giảm khoảng cách phòng cháy chữa cháy như chữa cháy tự động, tăng bậc chịu lửa của công trình … Ví dụ, khi có chữa cháy tự động thì khoảng cách phòng cháy chống cháy có thể giảm 20%, khi có chữa cháy tự động và bậc chịu lửa của nhà là bậc I, II thì có thể giảm khoảng cách 50% (các nhà bê tông cốt thép không khó để đạt được bậc chịu lửa này).

Tính toán các tải trọng cháy có trong nhà. Trường hợp tải trọng cháy dưới ngưỡng làm vỡ kết cấu bao che thì cũng không quy định khoảng cách phòng cháy chống cháy.

Bên cạnh còn nhiều giải pháp khác.

Như vậy, nếu hiểu và áp dụng đúng các quy định của QCVN 06:2022/BXD thì có nhiều giải pháp để giảm khoảng cách phòng cháy chống cháy giữa các nhà trong đô thị, thậm chí có thể giảm về 0. Tùy vào đặc điểm cụ thể của công trình, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế có thể lựa chọn giải pháp phù hợp.

Không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình

Theo quy định quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD, QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD đối với các giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, điển hình là kết cấu thép của dự án, công trình, hiện nay có nhiều giải pháp để chủ đầu tư, nhà thầu thi công lựa chọn.

Ví dụ: Thực hiện các giải pháp bảo vệ kết cấu bằng cách sử dụng các vật liệu bảo vệ điển hình tương tự hướng dẫn tại Phụ lục F của Quy chuẩn 06:2020/BXD (hoặc QCVN 06:2021/BXD; QCVN 06:2022/BXD); Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy chủ động: Lớp bảo vệ dạng phun, trát (vữa chống cháy), hoặc lớp bảo vệ dạng tấm ốp (thạch cao, tấm chống cháy…); Sử dụng các giải pháp lớp bảo vệ chống cháy thụ động (sơn chống cháy); Sử dụng các giải pháp kỹ thuật làm mát (bằng nước, dung dịch); Sử dụng kết cấu bằng vật liệu đặc biệt có tính năng chịu lửa hoặc các loại vật liệu thay thế.

Do đó, không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình. Tuy nhiên, để thuận tiện thi công, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy. Nhưng không phải bất cứ kết cấu công trình nào cũng có thể dùng sơn chống cháy và không phải tất cả các sản phẩm sơn chống cháy đều có hiệu quả như nhau. Vậy việc sử dụng giải pháp này cũng cần phải lưu ý các yếu tố về kỹ thuật.

Trước khi lựa chọn phương án sử dụng sơn chống cháy hoặc các chất, vật liệu chống cháy khác để bảo vệ kết cấu công trình, cần có thiết kế chịu lửa để xác định các loại kết cấu chịu lực chính cần bảo vệ chống cháy và nhiệt độ tới hạn của kết cấu trong điều kiện cháy, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy tương ứng.

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Các giải pháp nâng bậc chịu lửa

Tại Điều 2.3.2 của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD (được bảo lưu tại QCVN 06:2021/BXD, QCVN 06:2022/BXD) quy định 03 phương pháp đánh giá khả năng chịu lửa của kết cấu công trình, gồm: Tính toán theo tiêu chuẩn thiết kế kết cấu chịu lửa; Đối chiếu đặc điểm kỹ thuật với cấu kiện tương đương được nêu tại Phụ lục F của Quy chuẩn QCVN 06:2020/BXD; Đối chiếu với mẫu thử nghiệm chịu lửa có cấu tạo với đặc điểm kỹ thuật tương đương.

Như vậy, chỉ trường hợp kết cấu phải thực hiện thử nghiệm mẫu để kiểm chứng do không có cơ sở đánh giá giới hạn chịu lửa của kết cấu chịu lực thì cần phải thực hiện thử nghiệm chịu lửa cho mẫu kết cấu và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho mẫu kết cấu đó. Đồng thời, tại Quy chuẩn này cũng quy định phương pháp thử nghiệm xác định giới hạn chịu lửa của mẫu kết cấu chịu lực.

Theo đó, để nâng bậc chịu lửa của kết cấu thép có nhiều giải pháp, cụ thể như: Ốp gạch, bọc bê tông, bọc vữa, bọc phụ gia khoáng, sơn… Việc dùng giải pháp nào cho hiệu quả tùy theo chủ đầu tư và tư vấn thiết kế lựa chọn.

Theo thông tin của Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 10 loại sơn chống cháy được sản xuất trong nước và nhập khẩu đã được các đơn vị có năng lực thử nghiệm và chứng nhận đạt hiệu quả trong chống cháy. Sơn chống cháy sản xuất trong nước có: Sơn chống cháy NTS-101 của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ mới Việt Nam, sơn chống cháy ICONER của Công ty TNHH Vật liệu tiên tiến DESAM, sơn chống cháy của Công ty Cổ phần Kỹ Thuật và Thương Mại SBC Việt Nam (đã thực hiện thử nghiệm và xây dựng tập hợp số liệu phục vụ thiết kế); Sơn nhập khẩu có: Sơn chống cháy CharFomax SH-100 (Công ty Samhwa Paint/Hàn Quốc), sơn chống cháy Firemask SQ476 (Công ty KCC Corporation/Hàn Quốc), sơn chống cháy Steelmaster 60WB, Steelmaster 1200WF (Công ty Jotun A/S), sơn chống cháy PROMAPAINT®SC3…

Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã nhận được các đề xuất giải pháp để sửa đổi, bổ sung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn điển hình như:

Nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng cách bố trí giữa 02 thang bộ thoát nạn tính theo đường chéo đối với hành lang an toàn; cho phép không quy định chiều rộng khe hở giữa các vế thang bộ thoát nạn trong trường hợp công trình được trang bị hệ thống họng nước chờ khô; đây là một trong những giải pháp có thể tháo gỡ cho nhiều dạng công trình phù hợp với các yêu cầu kiến trúc, kết cấu.

Nghiên cứu, cho phép áp dụng các giải pháp tăng cường đối với công trình cao đến 25m được bố trí 01 thang bộ thoát nạn an toàn; cho phép chiều rộng vế thang tối thiểu 0,7m được phép áp dụng đối với một số loại công trình đặc thù có quy mô nhỏ dưới 300m2/ sàn, số lượng người tập trung thấp dưới 20 người/ tầng.

Hướng dẫn, làm rõ quy định để cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 đối với cơ sở kinh doanh karaoke (tại mục A.4.3 QCVN 06:2022/BXD quy định "lối ra thoát nạn từ mỗi tầng nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải được dẫn vào buồng thang bộ với cửa ngăn cháy loại 2"), vì đây là thang bộ an toàn.

Nghiên cứu chỉnh sửa quy định yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các công trình độc lập theo hướng không quy định cơ sở phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà; chỉ quy định cấp nước chữa cháy bên ngoài đối với hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, gắn với quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, cải tạo theo hạ tầng cơ sở chung.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ một số "nút thắt" của quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thực tế áp dụng, nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng kiến nghị:

Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Nâng cao hiệu quả phòng cháy chữa cháy.

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp; nghiên cứu soát xét, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan về phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, phù hợp với tình hình Việt Nam.

- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng các công trình, đảm bảo các yêu cầu về PCCC thông qua kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác cấp phép quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng; hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật về xây dựng và PCCC. Tăng cường phối hợp trong công tác thẩm định thiết kế xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng với kiểm tra nghiệm thu về PCCC nhằm phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành.

- Có chế tài xử lý vi phạm và yêu cầu khắc phục các điều kiện đảm bảo PCCC đối với các công trình được xây dựng từ lâu (trước giai đoạn Luật PCCC năm 2001) nhưng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Tăng cường xử phạt các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng các công trình xây dựng nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế điều chỉnh, thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về PCCC.

- Nghiên cứu lộ trình trong việc cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường, bổ sung các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC cho các khu dân cư hình thành từ lâu nhưng không đáp ứng được các điều kiện về PCCC theo quy định hiện hành.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh
Vụ trưởng Vụ KHCN&MT - Bộ Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.