Thứ sáu, 26/04/2024 08:24 (GMT+7)

TS Hà Đình Đức: Thả thiên nga xuống Hồ Gươm sẽ gây phản cảm

MTĐT -  Thứ ba, 06/02/2018 06:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TS Hà Đình Đức - người có nhiều gắn bó, nghiên cứu Hồ Gươm cho rằng, "với những người biết và hiểu văn hóa Việt Nam, văn hóa Hồ Gươm, việc thả thiên nga xuống hồ sẽ gây sự phản cảm..."

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây Hà Nội đã tiến hành thả thí nghiệm 12 con thiên nga dưới Hồ Gươm, theo đó, những con thiên nga này được nhập từ Bỉ, mỗi con trị giá 20 triệu đồng.

Được biết, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội là đơn vị thả thiên nga thử nghiệm ở Hồ Gươm. Theo đó, trong quá trình thả thiên nga thí điểm, phía công ty này sẽ theo dõi kỹ lưỡng, ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân dân Thủ đô.

Trong trường hợp nhân dân ủng hộ và thiên nga thích nghi với điều kiện của hồ Gươm, công ty sẽ tiến hành thả thêm với số lượng lớn hơn.

Ngay từ khi thấy đàn thiên nga bất ngờ xuất hiện dưới Hồ Gươm, người dân Hà Nội tỏ ra khá thích thú và tán thành với ý tưởng này. Đa số ý kiến cho rằng, Hồ Gươm không còn rùa nữa thì thả thiên nga cũng được, đây cũng là yếu tố lạ thu hút du khách.

Đàn thiên nga được thả thử nghiệm tại Hồ Gươm - Ảnh: Người đưa tin.

Ông Nguyễn Quang Hòa, một người dân sống gần Hồ Gươm, chia sẻ: “Đây là điều chưa từng có ở Hồ Gươm, hy vọng đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng cho cảnh quan Hồ Gươm thêm phần hấp dẫn. Chúng tôi hết sức ủng hộ việc làm này”.

Anh Hoàng Thanh (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Tôi khá bất ngờ khi biết đó là đàn thiên nga được thả ở Hồ Gươm vì lúc đầu tôi nhìn thấy thì nghĩ đó là ngan hay ngỗng. Theo tôi được biết thì đây mới chỉ là thả thử nghiệm để lấy ý kiến của người dân nhưng ngày đầu đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách cũng như người dân Thủ đô”.

Nhưng bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, mặc dù thiên nga nhìn đẹp thật, nhưng nên chọn loại chim nào đó mang đậm chất Hà Nội hơn, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, "nếu thả thiên nga thì nên đổi Hồ Gươm thành Hồ Thiên Nga".

Ngoài ra, cũng không ít người tỏ ra lo ngại về khả năng sinh tồn của loài thiên nga này và liệu có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái hay không.

“Thiên nga có giá trị cao như vậy mà thả xuống hồ thì chả mấy mà bị câu trộm hết. Tôi thấy cách làm này không khả quan”, một người dân chia sẻ.

Gắn chip điện tử để theo dõi

Ông Trần Nhữ Giáp, chủ vườn chim ở Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), Giám đốc trung tâm Gia - Thủy cầm quý hiếm Vườn chim Việt, đồng thời cũng là đơn vị phối hợp thực hiện thí điểm thả thiên nga xuống Hồ Gươm cho biết: “Để bảo vệ lâu dài đàn thiên nga này, trên cơ thể mỗi con thiên nga đã được gắn chip điện tử để theo dõi”.

Ngoài ra, đơn vị này phối hợp với ban Quản lý Hồ Gươm cắt cử cán bộ theo dõi, chăm sóc sức khỏe của đàn thiên nga.

Đánh giá về việc thích nghi môi trường sống khi thả thiên nga xuống Hồ Gươm, ông Giáp cho biết, số thiên nga này đã được nuôi thử nghiệm một thời gian tại vườn nuôi trước khi mang xuống Hồ Gươm thả thí điểm.

“Chúng tôi thuần hóa giống thiên nga này ở Hà Nội nhiều năm nay rồi chứ không phải mới nhập về. Quá trình thuần hóa, thiên nga thích nghi rất tốt với khí hậu của Hà Nội”, ông Giáp nói và cho biết, nước hồ Hoàn Kiếm hiện nay cũng rất sạch nên là điều kiện tốt để thiên nga sinh sống.

Ông cũng chia sẻ thêm, loại thiên nga đen này rất dễ nuôi với thức ăn là ngô, thóc, cám, bèo, các loại rau. Đặc biệt, thiên nga đen có sức đề kháng tốt, hầu như rất ít mắc các bệnh thông thường của thủy cầm.

Thiên nga không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ - Ảnh: Báo Giao thông.

Tuy nhiên, dù dễ chăm sóc nhưng phải nuôi mất gần 2 năm thiên nga mới trưởng thành. Bắt đầu thời kỳ sinh sản, với mỗi lứa, con cái chỉ đẻ từ 3-8 trứng. Việc tăng đàn khá lâu nên giá thiên nga bán trên thị trường cũng rất đắt đỏ.

Còn việc lo ngại chất thải của thiên nga sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước hồ, ông Giáp cho rằng, Hồ Gươm có rất nhiều cá chép ăn thức ăn và phân của thiên nga.

“Cá chép và thiên nga thường đi với nhau thành đàn. Chất thải của thiên nga và thức ăn thừa của thiên nga sẽ được cá chép ăn sạch. Vì vậy, không lo ngại việc thả thiên nga ảnh hưởng đến môi trường hồ Hoàn Kiếm”, ông Giáp phân tích.

Không sợ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái

Trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam ủng hộ việc thí điểm nói trên. Theo ông, các nước trên thế giới đều thả thiên nga ở hồ.

Theo ông, việc thả thiên nga ở Hồ Gươm chỉ làm đẹp thêm và không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và ông là người được lãnh đạo Hà Nội tham vấn ý tưởng thả thiên nga Bỉ ở hồ Gươm. Giá mỗi con khoảng 20 triệu đồng, được tài trợ từ nguồn xã hội hóa.

“Việc thả thiên nga khoảng từ 50 - 100 con là phù hợp. Thiên nga Bỉ chịu rét và nóng rất tốt nên việc chăm sóc không phức tạp. Điều tôi lo ngại là những người câu trộm ở hồ”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Nhiều chuyên gia ủng hộ thả thiên nga tại Hồ Gươm.

Thả thiên nga xuống Hồ Gươm sẽ làm mất đi hồn cốt của dân tộc

PGS.TS Hà Đình Đức - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, người có nhiều gắn bó, nghiên cứu về Hồ Gươm cho rằng, việc thả thiên nga xuống Hồ Gươm tạm thời có thể chấp nhận, nhưng lâu dài thì không ổn.

Theo ông, Hồ Gươm là nơi văn hóa tâm linh, nổi tiếng với truyền thuyết rùa vàng và hình ảnh cụ rùa gắn liền với tên tuổi, lịch sử của hồ. Trước khi can thiệp, tác động điều gì đó với Hồ Gươm phải rất thận trọng, không thể tùy tiện.

"Hồ Gươm với màu nước xanh biếc, với các huyền thoại, với các cụm di tích như tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, đài Nghiên, tháp Bút, tháp Hòa Phong... là tấm gương phản chiếu tâm hồn người Hà Nội. Chính vì vậy, khi thả thiên nga xuống hồ sẽ làm mất đi hồn cốt dân tộc", PSG.TS Hà Đình Đức trao đổi với báo Lao động cho hay.

Ông cũng chia sẻ thêm: "Đối với du khách - những người biết và hiểu văn hóa Việt Nam, văn hóa Hồ Gươm, việc thả thiên nga xuống hồ sẽ gây sự phản cảm. Còn với những du khách chưa tìm hiểu văn hóa Hồ Gươm thì họ tưởng Hồ Gươm là hồ thiên nga. Điều này thật khôi hài".

PGS cho hay, từ khi "cụ rùa" mất, không nên thả bất cứ con vật gì xuống Hồ Gươm. Cách đây không lâu có kiến nghị đưa rùa Đồng Mô xuống Hồ Gươm, thay thế "cụ rùa", nhưng "nhà rùa học" Hà Đình Đức phản đối, và đưa ra quan điểm: "Mặc dù Hồ Gươm không có hậu duệ của "cụ rùa" nhưng cũng không nên đưa rùa Đồng Mô vào hồ, bởi rùa Đồng Mô hình dáng dữ tợn, không phù hợp trở thành linh vật ở Hồ Gươm".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết TS Hà Đình Đức: Thả thiên nga xuống Hồ Gươm sẽ gây phản cảm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.