Thứ bảy, 04/05/2024 22:04 (GMT+7)

Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

MTĐT -  Chủ nhật, 13/11/2022 11:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hôm nay, 13/11, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 14/11 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cùng đi với Thủ tướng Olaf Scholz có ông Steffen Hebestreit, Quốc vụ khanh, Người phát ngôn Chính phủ; bà Franziska Brantner, nghị sĩ Quốc hội, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và bảo vệ khí hậu; ông Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam; ông Jens Plötner, Cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh của Thủ tướng; ông Steffen Meyer, Cố vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng; bà Jeannette Schwamberger, Chánh văn phòng Thủ tướng; ông Ralph Böhme, Vụ trưởng, Văn phòng Thủ tướng; cùng các cố vấn Văn phòng Thủ tướng, gồm: Bà Barbara Schumacher, ông Romeo Deischl và bà Janine Kluge.

Chuyến thăm được kỳ vọng mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác và hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, thể hiện cam kết và quyết tâm chung tay đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

tm-img-alt
Thủ tướng Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Olaf Scholz bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 14/11 (Ảnh: Internet)

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10-2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Việt Nam sau 11 năm kể từ chuyến thăm của bà Angela Merkel tháng 10/2011.

Đây cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau 5 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Đức nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2017 và đặc biệt là sau khi cả hai nước có chính phủ mới.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh, chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Đức đang triển khai rất thành công Hiệp định Đối tác chiến lược hơn một thập kỷ qua cũng như thành tựu to lớn trong hợp tác kinh tế-thương mại sau hơn 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Đức, Việt Nam trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á. Đức đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) tại EU. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng đầu năm 2022 đạt 9,45 tỷ USD, tăng 16,7 % so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia. Tính đến tháng 08/2022, Đức có 431 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,31 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án của Đức bình quân là 5,3 triệu USD/dự án.

Hầu hết các dự án của Đức tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa, cấp nước và xử lý chất thải, tài chính ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Tính đến 10/2022, các doanh nghiệp Việt Nam có 36 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 283,3 triệu USD, đứng thứ 14/79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra bên ngoài. Các dự án tập trung trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, dịch vụ ăn uống và lưu trú, bất động sản, tài chính - ngân hàng...

Đức  cũng là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) và hợp tác tài chính (bao gồm viện trợ không hoàn lại - khoảng 40% và tín dụng ưu đãi - khoảng 60%).

Minh Thư (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.