Thứ bảy, 27/04/2024 05:51 (GMT+7)

Thừa Thiên-Huế: Thiếu nhà ở cho công nhân

MTĐT -  Thứ ba, 08/03/2022 17:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động ngày một tăng nhưng hiện tại các KCN, KKT Chân Mây - Lăng Cô đều không có nhà ở và các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang kêu gọi đầu tư vào các KTT-KCN trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã thu hút lao động vào làm việc. Như vậy, về lâu dài nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động ngày một tăng nhưng hiện tại các KCN, KKT Chân Mây - Lăng Cô đều không có nhà ở cho công nhân, người lao động và các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.

Hầu hết công nhân, lao động ở ngoại tỉnh, ở xa đều phải thuê trọ bên ngoài KCN. Chị Huỳnh Thị Vân (trú tại TP Đà Nẵng) cùng như nhiều bạn bè ở xa đến làm việc tại một số công ty ở KKT Chân Mây – Lăng Cô đã gần 5 năm nay. Do tại đây, không có nhà ở cho công nhân nên thời gian qua, chị cùng một cô bạn thuê phòng trọ của nhà dân để tạm trú.

Thực hiện Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN, ngày 4/11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt chương trình phát triển nhà ở đến năm 2030, bố trí 8 khu đất, với diện tích khoảng 380ha, trong đó có một số KCN lớn, như Phú Bài (thị xã Hương Thủy) 83ha; Phong Điền (huyện Phong Điền) 104ha; Phú Đa (huyện Phú Vang) 75ha; La Sơn (huyện Phú Lộc) 50ha…

Cùng với đó, thực hiện chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, lao động tại các KCN giai đoạn 2016-2020, Công ty TNHH Scavi đã triển khai xây dựng dự án khu dân cư, dịch vụ KCN Phong Điền (huyện Phong Điền) có diện tích đất 21.000m2, đáp ứng 50.000m2 sàn, giải quyết chỗ ở cho 7.000 công nhân, với 987 căn hộ; đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 tòa nhà, mỗi tòa nhà có 48 phòng, giải quyết chỗ ở cho hàng trăm công nhân lao động có nhu cầu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình triển khai các đề án nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh còn chậm. Vì toàn tỉnh mới có Công ty TNHH Scavi Huế đầu tư 2 tòa nhà ở cho công nhân ở KCN Phong Điền. Từ năm 2020 đến nay, do đại dịch COVID-19, các DA đang triển khai và chuẩn bị kêu gọi đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn…

Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp thiếu nhà ở cho công nhân -0
Khu công nghiệp Phú Bài lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng chưa có nhà ở cho công nhân.

Ông Hồ Huy Hinh, Phó trưởng Phòng Đầu tư - Doanh nghiệp và Lao động thuộc Ban Quản lý KKT- công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Tại KKT Chân Mây – Lăng Cô hiện có khoảng 4.000 lao động. Trong đó, có lao động đến từ Đà Nẵng và TP Huế. Qua nắm bắt, có một số công ty có nhu cầu thuê nhà ở xã hội cho công nhân để lao động an tâm làm việc. Ngoài ra, tại KTT đang có thêm nhiều công ty, nhà máy đang triển khai xây dựng và trong thời gian tới, sẽ có một lượng lớn lao động, nhất là lao động công nghệ cao đến đây làm việc nên nhu cầu về chỗ ở sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Hinh, hiện tại nhu cầu các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân trên địa bàn là chưa lớn. Ban quản lý đang nghiên cứu lập DA đầu tư nhà ở xã hội tại KKT Chân Mây – Lăng Cô. Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025, dự kiến diện tích sàn khoảng 19.512m2 sàn, tương ứng khoảng 325 căn; giai đoạn 2026-2030, khoảng 683 căn.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 5 Điều 49, Luật Nhà ở 2014; đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và có thể đăng ký mua, thuê căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, dự kiến diện tích sàn khoảng 659.527m2 sàn, tương ứng khoảng 13.216 căn. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến diện tích sàn khoảng 651.062m2 sàn, tương ứng khoảng 12.898 căn.

Tuy nhiên, do quỹ đất phát triển DA nhà ở cho công nhân lao động chủ yếu tập trung tại các KCN và do các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại KCN đầu tư xây dựng để bố trí cho công nhân lao động. Vì vậy, hạn chế quyền lợi của chủ đầu tư DA chỉ có hình thức cho thuê, hoặc bố trí cho công nhân lao động tại KCN. Theo chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư DA nhà ở công nhân hiện nay còn hạn chế, các nhà đầu tư vẫn chần chừ, chưa mặn mà đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu phát triển nhà ở công nhân theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh đã đề ra.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Thừa Thiên-Huế cho rằng, để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân lao động, các địa phương trên toàn tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định về bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các DA nhà ở thương mại, khu đô thị mới. Đồng thời, xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, là một nhiệm vụ chính trị cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động trong việc thực hiện đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ có các gói tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp để các chủ đầu tư huy động được nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở và bố trí cho công nhân lao động.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên-Huế: Thiếu nhà ở cho công nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới