Chủ nhật, 28/04/2024 14:02 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/12/2023

MTĐT -  Thứ ba, 19/12/2023 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/12/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 19/12/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công điện nêu: Từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất nên thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1/Bộ trưởng các Bộ, Thủ tướng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Công điện, quyết định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương phải coi đây là một trong nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.

2/Bộ trưởng Bộ Xây dựng:

a) Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý.

b) Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Tổ Công tác quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa; đẩy nhanh việc phân cấp, ủy quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp.

c) Tích cực đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên quan đến dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu.

d) Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

e) Đề xuất thêm giải pháp mới hiệu quả hơn thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân cho nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31 tháng 12 năm 2023.

3/Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn từ thực tế, và đồng bộ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

b) Thành lập ngay các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ.

4/Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

b) Chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.

c) Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6745/VPCP-CN ngày 31 tháng 08 năm 2023.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

5/Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư; giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khẩn trương quán triệt đến từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023; kiên quyết không để tình trạng sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

b) Rà soát, thống kê, tổng hợp danh mục các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; tập trung phân loại xác định các vướng mắc khó khăn về pháp lý, nguyên nhân và cấp có thẩm quyền giải quyết; Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xử lý dứt điểm và xem xét quyết định ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền, nhất là các vướng mắc về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất cụ thể;

Hằng quý, tổng hợp kết quả xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn theo thẩm quyền và các vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xem xét, giải quyết.

c) Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức định giá đất đai theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Trường hợp vướng mắc có văn bản gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

d) Đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở thương mại có giá hợp lý, trong đó lưu ý quy hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công bố công khai danh mục các dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia, đề xuất đầu tư một cách công khai, minh bạch.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho nhóm đối tượng giai đoạn 2021-2030" và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Nếu có vướng mắc về pháp lý thuộc thẩm quyền của ai? Cơ quan nào? Thì đề xuất cấp đó và người có trách nhiệm xử lý.

6/Giao đồng chí Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Công điện.

7/Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, tổng hợp, đôn đốc kiểm tra và đề xuất xử lý các vướng mắc hoặc sai phạm.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động, tích cực thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.

Bộ GTVT yêu cầu rà soát nâng tốc độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lên 90 km/h

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận về việc rà soát, triển khai các thủ tục có liên quan để có thể khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với vận tốc 90 km/h.

Theo đó, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về vận tốc khai thác đối với các công trình đường bộ cao tốc, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT tỉnh Tiền Giang báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai rà soát, xử lý các vấn đề có liên quan để khai thác đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với vận tốc 90 km/h, theo chủ trương của Bộ GTVT.

Sau khi rà soát, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận lập, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông đường cao tốc nêu trên, trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt theo thẩm quyền; trước khi phê duyệt, cần thỏa thuận với Bộ GTVT theo quy định tại Nghị định 25/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 32/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

tm-img-alt
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận sắp được nâng tốc độ chạy xe lên 90km mỗi giờ (Ảnh: Internet)

Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT tỉnh Tiền Giang khẩn trương tham mưu, thực hiện, nhằm bảo đảm sự đồng bộ về tốc độ khai thác của tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với các dự án cầu Mỹ Thuận 2, đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được dự kiến đưa vào khai thác từ ngày 24/12/2023.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,5 km, bề rộng nền đường 17 m, mặt đường 16 m, gồm 4 làn xe, được thông xe ngày 19/1/2022. Trên tuyến có 53 cầu, trong đó có 39 cầu trên tuyến chính, 14 cầu vượt và cầu trên tuyến nối. Hiện nay, các xe trên tuyến được lưu thông với vận tốc 80 km/h.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 2.100 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư, vốn tín dụng hơn 10.400 tỷ đồng.

Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công vào tháng 3/2020, thời gian hoàn thành trong 40 tháng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác sử dụng vào cuối năm 2023, giúp kết nối Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, rút ngắn khoảng cách giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Bộ GTVT sẽ điều chỉnh tăng giá vé 41 trạm thu phí BOT đường bộ

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các doanh nghiệp dự án BOT về việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT do Bộ quản lý.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh giá vé của 44 dự án BOT.

Bộ yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, rà soát danh sách các đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé dự án và trạm thu phí theo đúng quy định; thực hiện thông báo công khai việc điều chỉnh giá vé trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan.

Đối với Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định.

tm-img-alt
Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh giá vé của 41 dự án BOT với tổng số 48 trạm thu phí. (Ảnh: Internet)

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục đã tổ chức họp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đã thống nhất kế hoạch triển khai công tác điều chỉnh giá vé tại các trạm thu phí thuộc danh sách.

Tại cuộc họp có 3 nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiến nghị không điều chỉnh giá vé là trạm Cù Mông thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km 1747 thuộc Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14), đoạn Km1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT.

Căn cứ kiến nghị trên, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp số dự án điều chỉnh giá vé là 41 với tổng số 47 trạm thu phí.

Cục này cũng yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thông báo công khai và niêm yết mức giá, thời điểm áp dụng mức giá mới theo quy định... Sau khi hoàn thiện thủ tục điều chỉnh giá vé, nhà đầu tư phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ đúng mức giá, đúng thời điểm, thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định.

Về lý do điều chỉnh giá vé vào thời điểm này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, trong thời gian ba năm các dự án được điều chỉnh tăng giá một lần, với mức tăng là 6% mỗi năm.

Ngày 24/12, khánh thành cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ

Ông Hà Văn Sáng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết, dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai có tổng chiều dài 40,2km; tổng mức đầu tư 3.712,97 tỷ đồng và được phân kỳ thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2021 đến 2023, tổng mức đầu tư 3.253 tỷ đồng, quy mô nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 11m gồm 2 làn xe, phần đất giữa 2 làn xe rộng 5m để xây dựng hoàn chỉnh mặt đường và giải phân cách giữa trong giai đoạn 2.

Giai đoạn 2, thực hiện sau năm 2025, tổng mức đầu tư 459,97 tỷ đồng, đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe quy mô nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m. Vận tốc thiết kế của tuyến đường là 80km/giờ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn rà soát, xem xét và có ý kiến cho khai thác thử nghiệm tuyến đường với vận tốc tối đa là 90km/giờ.

Việc đầu tư mở rộng dự án theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với vận tốc thiết kế 120km/giờ, nền đường rộng 24,75m, mặt đường rộng 23,25m, hiện chưa có chủ trương đầu tư chính thức. Do vậy, việc mở rộng tuyến đường theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi bố trí đủ nguồn lực và được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai.

Lễ khánh thành cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) và chào năm mới 2024.

Dự án là một trong những công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh với các tỉnh phía bắc nói chung và các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ nói riêng; đồng thời đẩy mạnh kết nối giao thông, phát triển liên vùng.

Sân vận động đẹp nhất Tây Nguyên sắp khánh thành

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Ban quản lý dự án) liên quan công trình sân vận động Đà Lạt.

Sở Xây dựng đề nghị Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình này vào khai thác sử dụng vào cuối tháng 12/2023; khẩn trương hoàn thành hồ sơ thủ tục nghiệm thu và bàn giao, đăng ký thời điểm tổ chức lễ khánh thành sân vận động Đà Lạt.

Sáng 19/12, một lãnh đạo Ban quản lý dự án cho biết đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng đã hoàn thiện, đang nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

tm-img-alt
Toàn cảnh sân vận động Đà Lạt nhìn về một góc thành phố.

Theo ghi nhận tại đây, trên công trường chỉ còn vài công nhân thực hiện việc chỉnh trang, làm vệ sinh công trình chờ ngày khánh thành. Bên trong, toàn bộ các hạng mục phục vụ thể dục thể thao đã được lắp đặt xong. Nơi đây cũng dự kiến chuẩn bị tổ chức một số giải bóng đá.

Dự án Khu liên hợp Văn hóa - Thể thao tỉnh Lâm Đồng khởi công năm 2013, trong đó công trình chính là sân vận động Đà Lạt. Công trình có sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, diện tích 16ha, tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng.

Đến nay, công trình đã hoàn thiện sau tròn 10 năm. Toàn bộ sân vận động nằm trên ngọn đồi Thánh Mẫu, nhìn xuống các khu thung lũng và bao trọn cảnh quan thành phố Đà Lạt về các hướng.

Đề án xây dựng nhà xã hội mới đạt 4,7% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn khoảng cách xa so với mục tiêu. Bởi đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, nhưng tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành vẫn thấp…

Tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành là 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành 634.200 căn.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam( Vars) đánh giá Đề án đề ra mục tiêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, khi nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của công nhân lao động. Đồng thời cũng là giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường bất động sản gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro. Đặc biệt, việc giải quyết nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội còn là “chìa khóa” giải tỏa vấn đề lệch pha cung cầu. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Tuy nhiên, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, cho rằng mặc dù các cơ quan, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo, ban hành những chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển; kịp thời giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách đạt mục tiêu, yêu cầu. Song thực tế tại một số địa phương, công tác triển khai thực còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới kết quả thực thi. Đặc biệt một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn tồn tại, gây cản trở trong quá trình triển khai, khiến nguồn cung nhà ở xã hội “nhỏ giọt”.

Đồng quan điểm, Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận định việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp những năm qua quả thật chưa đạt kết quả mong muốn. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ khâu chuẩn bị đầu tư, do các dự án gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, điển hình là việc thực hiện quy định phương pháp định giá đất chưa thống nhất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện… hay trong khâu thực hiện dự án cũng trở ngại, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ chưa cụ thể, thủ tục còn rắc rối...

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 19/12/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau