Thứ năm, 02/05/2024 00:32 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/1/2024

MTĐT -  Thứ ba, 02/01/2024 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội: Đề xuất ưu tiên cải tạo, mở rộng Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án đường vành đai gồm: Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (Ngã Tư Sở - Cầu Giấy); dự án Vành đai 3 phía Bắc và dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài ( Đường Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ).

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất bổ sung ba dự án trên vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể: Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỉ đồng. Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

tm-img-alt
Đề xuất ưu tiên cải tạo, mở rộng Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. (Ảnh: Internet)

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.046 tỉ đồng nhằm khép kín đoạn còn lại của tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe); tổng mức đầu tư khoảng 850 tỉ đồng. Dự án này nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm Hồ Tây - Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, đề xuất này dựa trên cơ sở rà soát tình hình triển khai đầu tư các dự án giao thông cũng như dự báo tình trạng giao thông tại một số nút giao quan trọng gắn với các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai.

Thủ tướng ra công điện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông

Công điện gửi Bộ trưởng các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

tm-img-alt
Ảnh minh họa: VGP

Trong năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 729 km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km.

Ngay trong những ngày nghỉ Tết dương lịch 2024 này, trên các công trình giao thông trọng điểm khắp các miền đất nước, cán bộ, công nhân viên và người lao động của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn vẫn hăng say làm việc với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "không thua đại dịch", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" thi công "3 ca 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật, công nhân... trên các công trường tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường. Trong đó, có trên 1.700 km cao tốc kết nối Bắc - Nam và các cao tốc kết nối Đông - Tây; các cây cầu lớn, các dự án cảng hàng không nội địa, quốc tế, các tuyến đường sắt, các cảng biển, tuyến đường thủy nội địa) và đồng thời sớm hoàn thành thủ tục, khởi công thêm các dự án mới các dự án, công trình hạ tầng giao thông.

Hòa Bình: Phê duyệt dự án đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình, dài 34km.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là hơn 8.200 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2024 đến 2028.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình được giao làm chủ đầu tư. Đường cao tốc được thiết kế với vận tốc 80 km/h, quy mô 2 làn xe; mặt đường rộng 11m.

Điểm đầu dự án giao với dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc (Hòa Bình) đến Thanh Sơn (Phú Thọ), khớp nối với đoạn Km0-Km19 đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, Hòa Bình).

Điểm cuối tuyến đường tại Km53+000, khớp nối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua địa bàn tỉnh Sơn La (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La).

Dự án có 30 cầu trên tuyến, trong đó 29 cầu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; 1 cầu lớn kết cấu dây văng (cầu Hòa Sơn) vượt lòng hồ Thủy điện Hòa Bình.

Tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu sẽ xây dựng 3 hầm trên tuyến, trong đó hầm dài nhất là 720m.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề hoàn thiện tuyến cao tốc CT.03 (Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên) theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ; hình thành đường giao thông liên vùng Sơn La, các tỉnh Tây Bắc - Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ, các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ đó phát huy khả năng khai thác của toàn bộ mạng lưới giao thông liên vùng.

Bên cạnh đó, dự án còn bổ sung sự lựa chọn di chuyển từ Hà Nội đến Khu du lịch quốc gia Hồ Hoà Bình, các huyện Đà Bắc, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, thay đổi tình trạng độc đạo của Quốc lộ 6; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ du lịch tại tỉnh Hoà Bình, tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc, thu hút nguồn lực khai thác quỹ đất chưa sử dụng, nâng cao tính cơ động, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong khu vực.

Cục hàng không yêu cầu tăng chuyến bay đêm dịp cao điểm Tết Nguyên đán

Cục Hàng không VN vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan tăng cường khai thác các chuyến bay đêm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp cao điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn khai thác và chất lượng dịch vụ.

Theo đó, nhằm triển khai kế hoạch bay và thực hiện kế hoạch phục vụ hành khách dịp cao điểm Tết, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn khai thác và chất lượng dịch vụ, Cục Hàng không VN yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, các đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất, căn cứ lịch bay đã được Cục cấp phép cho các hãng hàng không để xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực (bao gồm cả nhân sự dự phòng), đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng phục vụ hành khách đi lại bằng đường hàng không dịp cao điểm Tết.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đặc biệt, Cục Hàng không VN lưu ý đến việc phục vụ các chuyến bay đêm tại các cảng hàng không có lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu hàng không phục vụ khai thác ban đêm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để bảo đảm công tác an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong quá trình phục vụ hành khách, bao gồm cả trường hợp xảy ra tình huống chậm chuyến, hủy chuyến.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không VN yêu cầu các hãng hàng không chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, liên tục cho các Cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các đơn vị phục vụ mặt đất để hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thông suốt, không bị gián đoạn và bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Trong trường hợp có các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến cần khẩn trương thông báo cho các Cảng hàng không, sân bay và các đơn vị có liên quan để xem xét điều chỉnh kịp thời công tác phục vụ khai thác, tránh lãng phí các nguồn lực.

Ngoài ra, các Cảng vụ hàng không cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh tại các cảng hàng không, sân bay; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định đồng thời báo cáo ngay khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về Cục Hàng không VN để kịp thời xem xét, giải quyết.

Vận hành tuyến xe buýt điện kết nối nội đô Hà Nội tới sân bay Nội Bài

Tuyến xe buýt điện E10 có lộ trình tuyến chiều đi từ KĐT Ocean Park - Lý Thánh Tông - đường gom cao tốc Hà Nội, Hải Phòng - Cổ Linh - Hồng Tiến - Hoàng Minh Đạo -Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ - Lý Sơn - cầu Đông Trù- Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt - Bãi đỗ xe nhà ga nội địa T1 (trả khách tại bãi đỗ xe P2) -Võ Văn Kiệt - Bãi đỗ xe nhà ga quốc tế T2 (trả khách tại bãi đỗ xe nhà ga quốc tế P6). Lộ trình chiều về theo hướng ngược lại.

Tuyến có cự ly 40,2 km, sử dụng phương tiện xe buýt điện do VinFast sản xuất với nhiều tính năng hiện đại có sức chứa 68 chỗ, vận hành 96 lượt xe/ngày với tần suất 20 phút/lượt. Thời gian phục vụ từ 5h đến 22h hằng ngày. Giá vé là 9.000 đồng/hành khách/lượt.

Ngoài ra, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang sử dụng xe buýt điện của VinBus để nối chuyến phục vụ du khách với số hiệu là NIA. Tuyến NIA đưa đón du khách di chuyển từ Nhà ga Quốc nội T1 đến Nhà ga Quốc tế T2, với tần suất 15-20 phút/chuyến, hoàn toàn miễn phí.

xe-buyt-dien-1-.jpg
Vận hành tuyến xe buýt điện kết nối nội đô Hà Nội tới sân bay Nội Bài

Tuyến E10 đi vào hoạt động mang tới thêm sự lựa chọn đa dạng cho người dân Hà Nội có nhu cầu di chuyển tới sân bay và du khách từ khắp nơi trên thế giới đến với Thủ đô, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Xe buýt điện được đưa vào sử dụng tại cảng với mục tiêu hướng đến dịch vụ giao thông văn minh hiện đại, phát triển hệ sinh thái giao thông xanh, giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới xây dựng cảng hàng không xanh (Green Airport) và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Với mạng lưới phủ rộng của xe buýt điện VinBus, du khách dễ dàng di chuyển từ sân bay Quốc tế Nội Bài đến Khu đô thị Ocean Park. Từ đây, du khách có thể trải nghiệm các tuyến buýt điện khác để di chuyển đến các địa điểm, di tích, khu vui chơi giải trí nổi tiếng tại Hà Nội.

TP.HCM công bố 900 tuyến đường cho thuê vỉa hè kinh doanh

Đây là một trong những nội dung của quy định mới về quản lý sử dụng lòng đường và vỉa hè, áp dụng từ ngày 1/1/2024. Kể từ ngày 1/1/2024, TP HCM đã chính thức áp dụng quy định mới về quản lý sử dụng lòng đường và vỉa hè.

Theo đó, có 6 trường hợp được phép tạm dùng vỉa hè và đóng phí bao gồm: điểm kinh doanh dịch vụ và mua bán hàng hóa, điểm trông và giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe, điểm tổ chức hoạt động văn hóa, điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, điểm bố trí công trình và tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng, và điểm trung chuyển vật liệu và phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.

Ngoài ra, còn có 3 trường hợp khác được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và phải đóng phí, bao gồm: tổ chức sự kiện văn hóa và trông giữ xe ôtô phục vụ sự kiện, điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị, và điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.

Việc chia lòng đường và vỉa hè thành 5 khu vực sẽ quy định giá cho thuê, phù hợp với giá đất bình quân tại khu vực đó. Các tuyến đường ở trung tâm thành phố sẽ có mức phí cao hơn so với những tuyến ở ngoại ô.

tm-img-alt

Ví dụ, mức phí thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng, trong khi mức cao nhất có thể lên đến 350.000 đồng/m2/tháng. Đối với các hoạt động khác, mức phí dao động từ 20.000 đến 100.000 đồng/m2/tháng.

Theo phân loại, khu vực 1 bao gồm các quận trung tâm như Quận 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố và Khu đô thị mới Thủ Thiêm với 207 tuyến đường.

Khu vực 2 bao gồm Thành phố Thủ Đức, Quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân với 277 tuyến. Khu vực 3 có Quận 8, Quận 9 cũ, 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp với 248 tuyến.

Khu vực 4 bao gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi với 125 tuyến đường và khu vực 5 với Huyện Cần Giờ có 11 tuyến.

Những quy định mới này không chỉ giúp quản lý việc sử dụng không gian đô thị một cách hợp lý mà còn mang lại nguồn thu nhập cho thành phố từ việc cho thuê lòng đường và vỉa hè.

TP.HCM hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh những dòng kênh

Sau 10 năm, hàng loạt dự án nạo vét kênh quy mô lớn tiếp tục được ưu tiên đầu tư để hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh những dòng kênh của hàng triệu người dân, xứng đáng là thành phố phồn hoa, hiện đại.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời ô nhiễm nay đã trở nên xanh trong, làm đẹp diện mạo TP.HCM. Ảnh: Phương Ngân
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời ô nhiễm nay đã trở nên xanh trong, làm đẹp diện mạo TP.HCM. Ảnh: Phương Ngân

Năm 2024, Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng) sẽ bước vào giai đoạn quan trọng nhất - lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói xây lắp để chuẩn bị khởi công. Trong tháng 12/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện loạt gói thầu quan trọng, làm cơ sở hình thành các gói thầu xây lắp.

Đó là Gói thầu TV-01 Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng bước thiết kế bản vẽ thi công và nhiệm vụ khảo sát, đo vẽ lập bản đồ hiện trạng vị trí và cắm mốc ranh dự án phục vụ công tác thu hồi đất; Gói thầu TV-04 Tư vấn đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng vị trí phục vụ công tác thu hồi đất trên địa bàn quận Bình Thạnh; Gói thầu TV-05 Tư vấn đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng vị trí phục vụ công tác thu hồi đất và cắm mốc ranh dự án (ranh giải phóng mặt bằng) trên địa bàn quận Gò Vấp.

Ngày 22/12/2023, UBND quận Gò Vấp tổ chức lễ trao quyết định thu hồi đất và chi tiền bồi thường cho hộ dân trong Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp). Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 24.481 m2 và tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt hơn 350 tỷ đồng. Quận Gò Vấp cho biết, sẽ nỗ lực đồng hành cùng người dân để tháng 8/2024 hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm dự án khởi công đúng kế hoạch.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết, Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân khu vực Bình Thạnh, Gò Vấp với kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống, chất lượng đô thị của Thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, Dự án đã kéo dài hơn 20 năm vì khó khăn trong công tác bố trí vốn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu cải thiện bộ mặt đô thị, TP.HCM quyết tâm triển khai bằng được dự án này.

Trong năm 2023, TP.HCM đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng 9 trong số 10 gói thầu thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Dự án hơn 8.200 tỷ đồng này là một bước hiện thực hóa khát vọng đổi thay bộ mặt đô thị cho toàn bộ khu vực có diện tích 14.900 ha của TP.HCM. Dự án sẽ xây dựng bờ kè kênh tổng chiều dài 63 km; nạo vét kênh dài 31 km; đường giao thông hai bên bờ kênh, cùng công trình thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cải tạo cảnh quan dọc tuyến… chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc - Nam TP.HCM…

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, đây là dự án trọng điểm của Thành phố, có phạm vi triển khai rộng, trải dài trên địa bàn các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.

Sở KH&ĐT TP.HCM đánh giá, Dự án có tiến độ thi công tốt, đạt khối lượng, giá trị lớn, giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Tại công trình thi công Gói XL8 - gói thầu có tiến độ nhanh nhất, hoàn tất trước 31/12/2023, Nhà thầu thi công chia sẻ với phóng viên: “Được thi công và cống hiến cho TP.HCM tại dự án này là niềm tự hào, vinh dự cũng như trọng trách rất lớn. Do đó, Nhà thầu cam kết sẽ huy động tối đa nhân lực, thiết bị, tài chính để đem lại hiệu quả cao nhất cho công trình. Mong muốn lớn nhất là được góp sức cải thiện bộ mặt đô thị của Thành phố, mang lại dòng kênh xanh, sạch, phủ bóng cây xanh cho người dân”.

TP.HCM cũng ưu tiên triển khai loạt dự án cải tạo môi trường, nạo vét kênh tại địa bàn Quận 8 - khu vực nhiều kênh rạch, sông ngòi nhất Thành phố. Mới nhất, Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi Quận 8 đã được vào Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn dự kiến tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025, được UBND TP.HCM thông qua tháng 4/2023. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng. Trước mắt sẽ ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho khoảng 10.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn (trong đó, có khoảng 6.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch dọc theo bờ Bắc và bờ Nam kênh Đôi).

Cũng tại Quận 8, Dự án Nạo vét Rạch Xóm Củi được triển khai từ năm 2020 đã góp phần rất lớn vào công tác chỉnh trang đô thị. Dự án có tổng mức đầu tư 1.397 tỷ đồng, gồm 11 gói thầu, góp phần tiêu thoát nước mưa từ khu vực trung tâm Thành phố và khu vực phía Nam với diện tích lưu vực khoảng 19.070 ha (nằm trong vùng diện tích 55.000 ha thuộc phạm vi Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM - giai đoạn 1) và đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước cho vùng rạch phụ trách với diện tích khoảng 761 ha.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, do nguồn lực hạn chế, Thành phố tập trung vốn cho các dự án có mặt bằng hoặc các dự án dễ thực hiện công tác bồi thường. Trong khi các dự án di dời nhà ven kênh có cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu, nên đa số chưa được bố trí vốn hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, dẫn đến kết quả di dời nhà trên và ven kênh rạch còn khiêm tốn, chậm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, TP.HCM đã rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Trong năm 2024, Thành phố sẽ đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư để thực hiện 3 đề án chỉnh trang đô thị - di dời nhà trên và ven kênh rạch Bần Đôn, ao Song Tân và sông Ông Lớn trên địa bàn Quận 7.

Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, TP.HCM đồng thuận tập trung cho các dự án lớn, cấp bách nhằm chỉnh trang đô thị hiệu quả, kịp thời. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ có nhiều dòng kênh đẹp, hiện đại như Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Những dự án sẽ giúp người dân có không gian sống, sinh hoạt văn minh, hiện đại, xứng đáng là thành phố năng động, sáng tạo, thân thiện.

Long An mời đầu tư hơn 80.000 tỷ đồng cho Khu đô thị Phước Vĩnh Tây

Dự án này có diện tích đất khoảng 1.089,6 ha tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, với quy mô dân số dự kiến là khoảng 89.960 người. 

Dự kiến, sản phẩm đầu ra của Dự án gồm: nhà ở thương mại dưới hình thức xây dựng nhà ở theo tiêu chuẩn bàn giao thô (trong đó, khoảng 7.050 căn nhà ở liền kề, khoảng 8.194 căn nhà ở biệt thự); nhà ở xã hội khoảng 13.440 căn hộ chung cư; nhà ở tái định cư là khoảng 2.370 căn nhà ở thấp tầng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Internet.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, tiến độ thực hiện 7 năm (kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư).

Nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án trước 17 giờ ngày 2/2/2024.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới