Thứ hai, 29/04/2024 07:56 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/1/2024

MTĐT -  Thứ ba, 02/01/2024 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/1/2024. Cập nhật tin nhanh môi trường mới nhất hôm nay 2/1/2024 do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Đêm nay Bắc Bộ chuyển rét kèm mưa rào, vùng núi dưới 8 độ C

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (02/01), bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng và sáng 03/01, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3; vùng ven biển cấp 3-4.

tm-img-alt
Miền Bắc chuyển mưa rét từ đêm nay.

Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 03/01 trời chuyển rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 15-18 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 8 độ.

Từ gần sáng và ngày 03/01, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; từ ngày 03-04/01, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Nhiệt độ giảm thấp có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.

Bộ TN&MT quản lý thống nhất hơn 1.800 trạm quan trắc môi trường

Xác định hoạt động quan trắc, phân tích môi trường là một trong những công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường, thời gian qua, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường không khí của Trung ương và các địa phương tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh mẽ để cung cấp, phổ biến thông tin thường xuyên cho cộng đồng.

anh-tin-2.jpg
Cả nước có 1.879 trạm quan trắc từ trạm quốc gia, địa phương, doanh nghiệp truyền dữ liệu về Bộ TN&MT

Bên cạnh đó, hoạt động quan trắc môi trường thuộc Chương trình quan trắc môi trường quốc gia được triển khai đồng bộ tại 3 miền Bắc - Trung - Nam do 3 Trung tâm quan trắc môi trường vùng thực hiện với 8 đợt/năm. Tại khu vực miền Bắc thực hiện quan trắc trên 5 lưu vực sông (LVS) gồm: LVS Hồng, Đà, Thái Bình; LVS Cầu; LVS Nhuệ - Đáy; LVS Mã Chu và LVS Cả La; môi trường không khí thực hiện quan trắc tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và một số điểm nóng về môi trường tại Hà Tĩnh.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thực hiện quan trắc môi trường nước trên LVS sông Hương, LVS Vu Gia - Thu Bồn và môi trường không khí tại các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung. Tại khu vực miền Nam, thực hiện quan trắc môi trường nước trên hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và sông Tiền, môi trường không khí tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Cửu Long.

Cùng với đó, hệ thống quan trắc tự động giám sát nguồn thải của các doanh nghiệp cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật quan trắc và phân tích môi trường.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia (Envisoft). Hệ thống được tích hợp các nền tảng: Dữ liệu quan trắc định kỳ của Trung ương và địa phương; Dữ liệu viễn thám và GIS; Nền tảng công khai thông tin môi trường; Hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường và hệ thống thu phí nước thải.

Đến tháng 12/2023, Bộ TN&MT đã tiếp nhận và quản lý số liệu quan trắc môi trường tự động của hơn 1.879 trạm từ các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước truyền số liệu về thông qua phần mềm Envisoft. Dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền về liên tục với tần suất 60 phút/lần, thậm chí 5 phú/lần thông qua phần mềm Envisoft.

Hệ thống các trạm quan trắc tự động đã cung cấp chuỗi số liệu liên tục về diễn biến chất lượng môi trường theo thời gian, phản ánh chất lượng môi trường theo thời gian thực, đồng thời cung cấp thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng một cách kịp thời và dễ hiểu. Số liệu từ các trạm quan trắc đã cung cấp một phần bức tranh hiện trạng môi trường không khí và nước trên phạm vi toàn quốc, giúp cơ quan quản lý nhận diện các “vùng ô nhiễm” để điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thiết thực.

Với nỗ lực hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý thông tin dữ liệu quan trắc, đến nay, toàn ngành đã kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hàng năm. Đặc biệt, tập trung quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (chiếm 20 - 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường).

Bắc Giang: Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản

Vài năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm triển khai nhiều dự án trọng điểm. Về phía tỉnh cũng có nhiều giải pháp thu hút đầu tư nên số lượng công trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh khá lớn. Nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản, nhất là các loại vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, cát, sỏi theo đó tăng cao.

Để đáp ứng nguồn đất san lấp, bảo đảm tiến độ tại các công trình, dự án, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý, điều chỉnh lĩnh vực này gắn với bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Cụ thể như: Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 19/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 3/8/2020; Đề án tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025; các quyết định: Số 156/QĐ-UBND ngày 9/2/2023; số 172/QĐ-UBND ngày 14/2/2023 của UBND tỉnh về ủy quyền cho UBND các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép khai thác khoáng sản...

Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ được phân công, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhiều thủ tục hành chính được điều chỉnh, bổ sung theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như công tác quy hoạch, số lượng mỏ quy hoạch còn hạn chế; việc đấu giá khai thác các điểm mỏ còn chậm; một số quy định pháp luật thiếu cụ thể, khó thực hiện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu... dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn đất đắp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tăng chi phí xây dựng công trình. Tình trạng khai thác khoáng sản sai phép, trái phép còn diễn ra ở một số nơi...

Trước thực tế này, là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT cho hay: Sở thường xuyên quan tâm phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản; phối hợp thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược liên quan đến tài nguyên khoáng sản.

Đặc biệt, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tích cực đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; trao đổi với UBND các huyện, TP để nắm rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, kịp thời có hướng giải quyết. Tham mưu việc phân cấp, ủy quyền cấp phép khai thác; ban hành một số văn bản hướng dẫn quy trình thăm dò, cấp phép khai thác; chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm... Qua đó góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn đất san lấp, ổn định giá cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Với những giải pháp nêu trên, tình hình quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Hiện bản đồ địa chất khoáng sản (tỷ lệ 1/50.000) được lập đạt 78% diện tích tự nhiên của tỉnh (gần đạt mục tiêu từ 80% trở lên theo quy định của Chính phủ).

Công tác thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ khai thác tiên tiến, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường. Tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 95 giấy phép khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ theo quy hoạch; trong số này có 29 giấy phép khai thác đất san lấp (với tổng trữ lượng đất đắp 20,5 triệu m3, đạt trên 70% nhu cầu vật liệu đất san lấp, đắp nền cho các dự án, công trình xây dựng - mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2025 là 70-80%) và 40 giấy phép khai thác khoáng sản trong diện tích các công trình, dự án...

Việc thăm dò các điểm mỏ, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường... sau khi kết thúc khai thác được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã cấp 36 giấy phép thăm dò, phê duyệt 49 điểm mỏ với tổng trữ lượng hơn 91 triệu m3... Tình trạng khan hiếm đất đắp trên địa bàn tỉnh cơ bản được khắc phục, bước đầu đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình, dự án, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quan tâm. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đấu giá thành công 29 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cố tình hủy hoại tài nguyên khoáng sản được thực hiện sát sao, kiên quyết, với sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền cơ sở và “tai mắt” giám sát của nhân dân. Tình trạng vi phạm được kiềm chế và giảm rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các doanh nghiệp, cá nhân được nâng lên.

Nếu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 99 vụ vi phạm thì năm 2022 chỉ còn 66 vụ; năm 2023 giảm thêm vài chục vụ. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Minh Hà được cấp phép khai thác mỏ đất tại xã Tiền Phong (Yên Dũng) nói: Doanh nghiệp đã chấp hành quy định về lắp đặt trạm cân, camera giám sát trước khi tổ chức khai thác. Cùng đó, thực hiện nghiêm các quy định về thời gian, tải trọng, các biện pháp bảo vệ môi trường... Được biết, không riêng Công ty TNHH Minh Hà mà 100% doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang hoạt động khai thác đều đã có trạm cân và camera giám sát.

Với những chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đã nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực hiện các hoạt động khoáng sản và tự giác thực hiện. UBND cấp huyện, cấp xã đã quan tâm gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Các vi phạm mới phát sinh được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên, để công tác này phát huy hiệu quả, góp phần sử dụng tiết kiệm, hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp luật quy định: Phải báo cáo các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò, khai thác; chấp hành nghiêm các nghĩa vụ tài chính, thuế, phí, lệ phí; thực hiện thăm dò, khai thác trong phạm vi được cấp phép; sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường và các giải pháp cải tạo, phục hồi, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường…

Đồng Phú (Bình Phước): Sôi động chương trình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

tm-img-alt
Tham gia chương trình có hàng trăm đoàn viên thanh niên tại 5 xã, thị trấn

Vừa qua, Huyện đoàn Đồng Phú, tỉnh Bình Phước phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tổ chức chương trình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” năm 2023.

Tham gia chương trình có hàng trăm đoàn viên thanh niên tại 5 xã, thị trấn, gồm: xã Tân Lập, Tân Tiến, Thuận Phú, Tân Phước và Thị trấn Tân Phú. Với các phần việc, như: in băng - rôn, phát tờ rơituyên truyền về bảo vệ môi trường đến các tiểu thương và hộ dân; hướng dẫn người dân biết các quy trình phân loại rác để bảo vệ môi trường sống tốt hơn.

Đặc biệt, chương trình “Đổi rác lấy quà”, người dân đã thu gom hàng trăm kí - lô - gam rác thải nhựa đổi các sản phẩm thân thiện với môi trường, như: Thùng rác, bình đựng nước, túi đi chợ… với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng.

Số người thiệt mạng vì động đất tăng, Nhật Bản dỡ cảnh báo sóng thần

Trận động đất mạnh 7,6 độ Richter chiều 1/1 đã gây thiệt hại lớn cho nhiều công trình xây dựng và dẫn tới các đám cháy ở thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa, miền trung Nhật Bản, do dư chấn liên tục xảy ra sau đó và các đống đổ nát trên đường cản trở hoạt động cứu hộ.

Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, nhà chức trách đã cho dỡ bỏ cảnh báo sóng thần bao trùm các khu vực rộng lớn dọc theo bờ biển sáng nay (2/1) theo giờ địa phương. Trước đó, cảnh báo được công bố sau khi những cơn sóng cao nhất tới hơn 1,2m ập vào cảng Wajima tối 1/1 sau trận động đất dữ dội lúc 16h10 cùng ngày.

Ở Wajima, một tòa nhà 7 tầng bị đổ nghiêng, trong khi khu vực trung tâm nổi tiếng với khu chợ buổi sáng đã bị thiêu rụi vì hỏa hoạn bùng phát do động đất. Các quan chức tỉnh Ishikawa thống kê, đám cháy đã nhấn chìm hơn 200 công trình kiến trúc ở khu vực trung tâm Wajima, nhưng đã được kiểm soát. Đã có 14 báo cáo về các trường hợp nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong thành phố.

tm-img-alt
Một khu chợ và cũng là địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng với khách du lịch ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa đã bị thiêu rụi vì hỏa hoạn bùng phát sau động đất. Ảnh: Kyodo

Tại thành phố Suzu gần đó, các quan chức xác nhận hơn 50 ngôi nhà đã bị san bằng. Nhiều nạn nhân bị thương đang nằm điều trị trong các bệnh viện ở Suzu và Wajima.

Trận động đất cũng gây thương tích và hư hại công trình ở các tỉnh Niigata, Toyama, Fukui và Gifu.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/1, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết trong một cuộc họp báo: "Các nỗ lực cứu trợ đang bị cản trở do tắc nghẽn trên đường. Các phương tiện rất khó đi vào khu vực phía bắc bán đảo Noto. Điều này cũng gây khó khăn cho việc gửi máy móc hạng nặng. Chúng tôi đang nghĩ các cách thức giải quyết vấn đề và có thể sử dụng tàu biển để chở hàng cứu trợ cho vùng thiên tai”.

Theo ông Kishida, khoảng 1.000 thành viên thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn ở những khu vực bị ảnh hưởng động đất.

Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản cho hay, khoảng 1.400 hành khách đi tàu cao tốc shinkansen đã bị mắc kẹt trong khoảng 11 giờ, khi hãng cho tạm dừng hoạt động của 4 chuyến tàu trên tuyến Hokuriku để kiểm tra đường ray và các cơ sở hạ tầng khác sau động đất.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 2/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.