Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/5/2024
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/5/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 6/5/2024 trên moitruongvadothi.vn.
Hà Nội chính thức thông xe cầu vượt tại nút giao Mai Dịch (quận Cầu Giấy)
Từ sáng sớm nay (6/5), hai cầu vượt thép bổ sung tại nút Mai Dịch (Hà Nội) đã được thông xe, phương tiện ô tô, xe máy đã được lưu thông trên cầu vượt mới thuận lợi. Với cầu vượt cũ (cầu bê tông) chỉ dành cho ô tô lưu thông ở đường cao tốc Vành đai 3.
Từ 0h sáng 6/5 đại diện Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã tiến hành các công việc như lắp, hoàn thiện biển báo, vạch kẻ sơn, đặc biệt là dọn, mở các barie sắt được dựng làm hàng rào bịt ở hai cầu hơn một tháng qua để phục vụ xe lưu thông qua cầu vượt mới từ sáng nay.
Giờ cao điểm sáng nay, thay vì chỉ tập trung đi vào cầu vượt bê tông cũ, ô tô, xe máy đã đi vào 2 làn xe ở cầu vượt thép mới, với 4 làn xe ở cầu vượt bê tông cũ được dành riêng cho ô tô lưu thông trên Vành đai 3 chạy thẳng qua nút giao Mai Dịch.
Các làn xe giữa cầu vượt bê tông (đường cao tốc Vành đai 3 trên cao) và cầu vượt thép mới (dành cho xe đi trong đô thị) được ngăn cách bởi dải phân cách cứng bê tông có sơn phản quang. Tại nút giao Mai Dịch trong giờ cao điểm sáng nay, không còn tình trạng ô tô, xe máy bị dồn ứ, xếp hàng để chờ lên cầu vượt do hàng có rào bịt ở hai đầu cầu thép mở rộng.
Sau khi cầu thông xe, cầu vượt Mai Dịch cũ được tách thành trục cao tốc, kết nối với vành đai 3 trên cao. Tốc độ lưu hành cho phép đối với phương tiện trên cầu Mai Dịch cũ (đường cao tốc) và cầu vượt mới tối đa 60 km/h.
Theo phương án tổ chức giao thông do Sở GTVT Hà Nội công bố, cầu thép phía Hồ Tùng Mậu phục vụ ô tô và xe máy vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng. Cầu thép phía Xuân Thủy phục vụ ô tô và xe máy vượt qua nút giao theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng.
Ô tô từ Vành đai 3 trên cao đi cầu Thăng Long sẽ đi thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ; nếu đi Phạm Văn Đồng thì vượt qua cầu thép và xuống đường Phạm Văn Đồng; nếu đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu xuống đường Phạm Hùng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch; nếu đi cầu Thăng Long thì lên cầu thép hoặc đi thẳng qua nút giao Mai Dịch vào cao tốc.
Ô tô từ vành đai 3 trên cao đi cầu Thanh Trì sẽ thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ; nếu đi Phạm Hùng qua cầu thép xuống đường Phạm Hùng; nếu đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu xuống đường Phạm Văn Đồng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch. Ô tô đi cầu Thanh Trì qua cầu thép hoặc đi thẳng qua nút giao Mai Dịch để đi vào vành đai 3 trên cao.
Nút giao Mai Dịch là tên gọi cho điểm giao cắt giữa Vành đai 3 - đường Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy. Dù được thiết kế 3 tầng (đường sắt trên cao, cầu vượt và mặt đất) nhưng những năm qua đây là điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Để hoàn thiện nút giao Mai Dịch và tuyến đường Vành đai 3, đồng thời tách làn xe ô tô, xe máy đi theo làn riêng để giảm xung đột, ùn tắc giao thông tại đây, đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất với Bộ GTVT xây dựng bổ sung 2 cầu vượt thép để mở rộng mặt cắt ngang tại cầu vượt Mai Dịch hiện hữu. Tổng mức đầu tư của dự án, trên 344 tỷ đồng.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép, sử dụng nguồn vốn còn dư của dự án đường trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. Ngày 6/5 hai cầu vượt thép xây bổ sung tại nút giao Mai Dịch đã được thông xe.
Hà Nội sắp triển khai 11 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm
Sở GTVT được giao nhiệm vụ nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (cầu Trần Hưng Đạo).
Đối với 10 dự án đầu tư công, Sở GTVT đã tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án.
Đến nay, đã trình UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 4 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng hầm kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (ga Cát Linh) và dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (ga S10) đã trình từ tháng 6/2022.
6 dự án đã hoàn thành phương án nghiên cứu và dự kiến trình thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 5/2024.
Đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP (cầu Trần Hưng Đạo) đến nay, các đơn vị liên quan đã cơ bản hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và dự án đủ điều kiện để nhà đầu tư thực hiện trình thẩm định theo quy định (bao gồm cả việc nghiên cứu tách hạng mục đường dẫn đầu cầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh thành dự án riêng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội).
Tuy nhiên, hiện dự án gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương án tài chính. Cụ thể, phương án tài chính 1 (vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70,4%) thì điểm thời gian hoàn vốn (26 năm) chưa phù hợp với quy định về việc sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Phương án tài chính 2 (vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50%) phù hợp với quy định về việc sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP của Luật Đầu tư theo phương thức PPP nhưng không có thời điểm hoàn vốn.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5, điểm đầu kết nối với điểm cuối dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cách cao tốc khoảng 360m về phía Đê Hữu Hồng. Điểm cuối kết nối với đường Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cách đê Tả Hồng 700m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 11.700 tỷ đồng, trong đó, trên địa phận TP Hà Nội 8.960 tỷ đồng; địa phận tỉnh Hưng Yên 2.740 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án ở các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm thuộc TP Hà Nội và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Giấy: Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở; điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 3.895 tỷ đồng.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai: Điểm đầu khớp nối với dự án đầu tư phố Tùng Thiện tại vị trí đầu cầu Quan; điểm cuối tại Km25+745 vuốt nối về QL21 hiện trạng, thị trấn Xuân Mai - huyện Chương Mỹ. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 18.722 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT: Theo quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Trần Hưng Đạo nằm trên đường trục đường liên khu vực LK30, cấp đường trục chính đô thị.
Tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô cầu chính đảm bảo 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ. GPMB hoàn thiện 1 lần. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 9.982 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh: Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài khoảng 2,94km.
Điểm đầu dự án giao cắt với đường đê Xuân Quan - Cổ Linh (bao gồm nút giao với đường Cổ Linh), thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên. Khớp nối với điểm cuối dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Điểm cuối kết nối với phố Vũ Đức Thận, thuộc địa bàn phường Bồ Đề, quận Long Biên, quy mô mặt cắt ngang 30m. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 2.742 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với đường Phạm Văn Đồng và kết nối với phố Trần Vỹ: Quy mô hầm có tổng chiều dài dự kiến 357m (bao gồm hầm kín 135m và hầm hở 222m). Dự án có tổng mức đầu tư (dự kiến): 2.293 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3: Điểm đầu kết nối với đường Hoàng Minh Thảo đã xây dựng (cách vị trí nút giao khoảng 150m), điểm cuối kết nối với đường trục Tây Thăng Long theo hướng Phạm Văn Đồng đi Văn Tiến Dũng (cách vị trí nút giao khoảng 850m). Tổng mức đầu tư (dự kiến) 1.156 tỷ đồng.
Dự án xây dựng hầm chui tại nút giao đường Mễ Trì - Dương Đình Nghệ - Vành đai 3: Điểm đầu trên đường Mễ Trì cách vị trí nút giao khoảng 500m, điểm cuối trên đường Dương Đình Nghệ cách vị trí nút giao khoảng 500m. Xây dựng hầm chui trực thông trên trục đường Mễ Trì - đường Dương Đình Nghệ, đi dưới đường Vành đai 3; Quy mô mặt cắt ngang hầm gồm 6 làn xe, tổng chiều dài hầm khoảng 565m. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 975 tỷ đồng.
Dự án đầu tư Xây dựng cầu vượt trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông và đường quốc lộ 6: Điểm đầu kết nối với đường Lê Trọng Tấn (cách vị trí nút giao 340m), điểm cuối kết nối với đường Văn Khê (cách vị trí nút giao 340m). Xây dựng hầm chui đường Lê Trọng Tấn dưới đường Quang Trung với tổng chiều dài thiết kế hầm và đường dẫn đầu hầm là 675m. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 773 tỷ đồng.
Dự án đầu tư Xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ tỉnh lộ 417 đến đường trục kinh tế Bắc - Nam: Dự án có quy mô mặt cắt ngang dự kiến 40m, bao gồm mặt đường 6 làn xe cơ giới và hỗn hợp. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 1.973 tỷ đồng.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 21B từ đường tỉnh 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hoà: Dự án có quy mô mặt cắt ngang rộng 35m; Tốc độ thiết kế: Các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 2.300 tỷ đồng.
Xây dựng hầm kết nối tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (ga Cát Linh) và dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (ga S10): Quy mô đầu tư (dự kiến): Nghiên cứu xây dựng phương án kết nối giữa ga trên cao Cát Linh (Tuyến số 2A) và ga ngầm S10 (Tuyến số 3) trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, thực hiện trên địa bàn quận Ba Đình và Đống Đa. Tổng mức đầu tư (dự kiến): 113 tỷ đồng.
Hà Nội: Thí điểm hệ thống vé điện tử tại 38 tuyến xe buýt
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và sở giao thông vận tải, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hàng khách công cộng trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 15/11/2023, ngoài 10 tuyến buýt điện đang áp dụng vé điện tử, Hà Nội thực hiện mở rộng thí điểm đối với 18 tuyến buýt thường, nâng tổng số tuyến triển khai thí điểm vé điện tử lên 28 tuyến xe buýt (tuyến E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09; E10; 02; 08A; 08B; 21A; 21B; 32; 58; 64; 65; 74; 103A; 103B; 142; 143; 146; 157; 159; 105;22C) và tuyến BRT.
Từ ngày 28/3/2024, thành phố triển khai thí điểm trên tuyến số 105 và 22C, trong tháng Tư tiếp tục triển khai thí điểm các tuyến 04, 05, 17, 22 (22B, 22C), 23, 33, 90, 106; nâng tổng số tuyến thí điểm hệ thống vé điện tử lên 37 tuyến xe buýt thường và tuyến buýt nhanh BRT.
Hành khách có thể đăng ký vé, mua vé online vật lý (thẻ chip) hoặc thẻ vé áo (thẻ phi vật lý) qua Website, qua APP mobile hoặc trực tiếp tại các quầy vé. Hệ thống chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR code,...
“Thẻ vé điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hướng tới thành phố thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho thành phố và người tham gia giao thông cộng cộng. Hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức ngoài việc thực hiện bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện còn đáp ứng các yêu cầu quản lý điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng,” ông Thường nhấn mạnh.
Công nhận thành phố Nam Định đạt tiêu chí đô thị loại II
Theo Quyết định số 379/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) có phạm vi 120,9km2 gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc hiện hữu đạt tiêu chí đô thị loại II. Thành phố Nam Định khi mở rộng địa giới hành chính gồm 36 đơn vị hành chính cấp xã. Khu vực nội thị dự kiến có diện tích là 56,38km2 gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường. Khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52km2, gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận).
Quyết định số 379/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quảng Bình: Đầu tư 500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024
Mục tiêu của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2025 sẽ đầu tư xây dựng 3.700 căn hộ, giai đoạn 2026 - 2030 là 11.300 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Xây dựng rà soát chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các dự án đảm bảo phù hợp, khả thi;
Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Xây dựng để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật;
Đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án theo tiến độ được phê duyệt, trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi quỹ đất 20% để tổ chức lựa chọn, giao cho chủ đầu tư khác thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Sở Xây dựng được yêu cầu lập danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và có giải pháp thực hiện hoàn thành 500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án nhà ở xã hội phải quan tâm đến chỉ mật độ xây dựng công trình, quỹ đất bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư…
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rút ngắn thời gian thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, kết quả lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu; chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và đơn vị có liên quan lập danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội báo cáo UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phương án trích một phần tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong, ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở nhu cầu về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án thu hồi đất; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm căn cứ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất thực hiện dự án nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện thực hiện;
Tích cực hỗ trợ chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên địa bàn quản lý; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với các dự án nhà ở xã hội gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định.
Kon Tum thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen
HĐND tỉnh Kon Tum vừa thông qua Nghị quyết về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045, mở ra triển vọng mới cho ngành Du lịch của vùng Tây Nguyên.
Theo Nghị quyết, phạm vi lập Quy hoạch chung Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 bao gồm tổng diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 5 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, với diện tích lên đến 90.152,56ha.
Mục tiêu của việc lập quy hoạch là thúc đẩy phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng gắn với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, Khu du lịch Măng Đen sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ để đạt tiêu chuẩn Khu du lịch quốc gia, nhằm thu hút lượng du khách đến từ cả trong và ngoài nước.
Tầm nhìn đến năm 2045, Khu du lịch Măng Đen sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, với hệ thống hạ tầng hiện đại và sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các địa điểm du lịch trong khu vực.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, dự kiến dân số của Khu du lịch Măng Đen sẽ đạt khoảng 82.000 người và lượng khách du lịch hàng năm khoảng 2,5 triệu lượt. Đến năm 2045, dự kiến dân số sẽ tăng lên khoảng 184.000 người và lượng khách du lịch dự kiến sẽ đạt 5 triệu lượt.
Về cấu trúc phát triển du lịch, đề xuất 2 hành lang phát triển, 3 trung tâm du lịch và 4 đô thị. Xác định phân kỳ thực hiện, với giai đoạn đầu tiên tập trung vào hoàn thiện hạ tầng khung và các dự án đô thị, du lịch đã được phê duyệt, và giai đoạn sau sẽ hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo định hướng quy hoạch chung.
Với những kế hoạch và mục tiêu này, Khu du lịch Măng Đen hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum và vùng Tây Nguyên.
T.Anh