Thứ bảy, 27/04/2024 08:19 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/5/2023

MTĐT -  Thứ tư, 10/05/2023 17:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/5/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 10/5/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Hà Nội chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030

Ngày 9/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thủ đô; xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU theo lộ trình phù hợp; đồng thời, có các giải pháp tổ chức triển khai khoa học, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Các chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô gồm 26 chỉ tiêu: 7 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường.

Đáng chú ý, về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo nguyên tắc chỉ đưa vào vấn đề đặc thù vượt trội hoặc chưa có trong các luật khác.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thành phố cũng nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực sát với thực tiễn và đặc thù của Thủ đô, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích cho phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai; tham mưu UBND thành phố tiếp tục kiến nghị với trung ương về việc giao Hà Nội quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Sở Công thương xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp-tập trung.

Thành phố sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, sử dụng tiết kiệm đất đai và tài nguyên.

Hà Nội phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% vào năm 2025.

Thành phố đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030; nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía bắc.

Năm 2023, Hà Nội đặt chỉ tiêu hoàn thành 6,965 triệu mét vuông sàn nhà ở

Theo đó, việc phê duyệt kế hoạch làm cơ sở để thành phố chủ động kiểm soát công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố năm 2023 gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị, tái định cư.

Năm 2023, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 6,965 triệu m2.

Trong đó, dự kiến chỉ tiêu phát triển nhà ở riêng lẻ đạt 4,5 triệu m2; chỉ tiêu phát triển nhà ở theo dự án khoảng 2,465 triệu m2, gồm khoảng 2,339 triệu m2 vuông sàn nhà ở thương mại; khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, Hà Nội sẽ nghiên cứu có cơ chế, chính sách để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án khu đô thị chậm triển khai, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết xử lý, thu hồi dự án chậm triển khai.

Hà Nội đẩy nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, quy hoạch chi tiết các khu nhà ở xã hội độc lập và dự án nhà ở công nhân; nghiên cứu sử dụng hiệu quả tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sau khi có hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận khẩn trương hoàn thành di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp D và đề xuất danh mục các nhà chung cư có điều kiện thuận lợi và khả thi cho việc triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tập trung triển khai, hoàn thành công tác kiểm định chung cư cũ, lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, nhất là các khu chung cư ưu tiên triển khai đợt 1, các khu chung cư theo chỉ đạo của Thành ủy: Giảng Võ, Trung Tự, Khương Thượng; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai;...

Trong năm 2022, Hà Nội đặt chỉ tiêu phát triển khoảng 5,841 triệu mét vuông, gồm 4,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ; 0,985 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại; 0,257 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; 0,098 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư. Kết quả, thành phố đã đạt và vượt cả chỉ tiêu đề ra khi hoàn thành hơn 5,98 triệu mét vuông sàn nhà ở.

Phó Thủ tướng ra chỉ đạo mới về dự án cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng

Tại Văn bản số 377/TTg-CN ngày 9/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình theo phương thức PPP.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình; thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ về cơ quan chủ quản dự án sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng chiều dài tuyến khoảng 25,3km, quy mô gồm 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h, bề rộng nền đường 24,75m, bề rộng mặt đường 15m.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đoạn qua Ninh Bình có ý nghĩa quan trọng. Ngoài việc kết nối với tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, dự án sẽ giảm tải cho tuyến Mai Sơn-Cao Bồ qua trung tâm thành phố Ninh Bình và kết nối giao thông toàn khu vực phía Đông tỉnh Ninh Bình, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với tuyến đường Quốc lộ 10, đường ven biển, trục giao thông Đông-Tây của Ninh Bình

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 18.823 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay). Trong đó, vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.312 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT 9.511 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư).

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho phép tách dự án cao tốc đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, giao UBND tỉnh Thái Bình có thẩm quyền triển khai theo phương thức PPP.

Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư

Cụ thể, các tuyến cao tốc được chọn bao gồm tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, cùng với 8 đoạn tuyến cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.

Thời gian thực hiện thí điểm áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Mức thu phí được xác định trên 3 nguyên tắc gồm: phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước; được tính toán theo từng đoạn tuyến cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.

tm-img-alt

Bộ GTVT đề xuất thí điểm thu phí 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư (Ảnh: Internet)

Bộ GTVT kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn tuyến cao tốc, giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước, gồm ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương theo phương án đầu tư khai thác.

Bộ GTVT cho biết, để tiến hành thí điểm thu phí các tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư, Chính phủ cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết chấp thuận cơ chế thí điểm thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên các đoạn, tuyến đường bộ cao tốc.

Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng số tiền thu được. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT, Bộ Tài chính ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hiện Bộ GTVT đã có công văn gửi các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, xin ý kiến về phương án thí điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ.

Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội – Vinh

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 3/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và 2030 gồm 20 chỉ tiêu (10 chỉ tiêu phát triển kinh tế; 5 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu phát triển đô thị).

Bên cạnh đó, phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng và phát triển vùng hiện đại, văn minh, sinh thái; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, thông minh, xanh, bền vững.

Để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá để tiếp tục phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: 

Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã rà roát, hoàn thiện các cơ chế chính sách và các quy định của pháp luật để đẩy mạnh các liên kết giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai, nguồn nước.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng nghiên cứu, xây dựng thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, cho từng địa phương; trong đó có cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng; cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng.

Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội, Bảo hiểm xã hội TP và các cơ quan liên quan tham mưu giải pháp phát triển các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước.

Ngoài ra, UBND TP giao Sở Du lịch tham mưu giải pháp phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế và từng địa phương xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, phát huy giá trị nền “văn minh sông Hồng”.

Thủ tướng đồng ý đầu tư đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai

Theo công văn 3266/VPCP-CN ngày 9/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan sớm triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải vùng Đông Nam Bộ và kết nối với Vùng Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường có điểm đầu tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoạn đầu tuyến đi trùng ĐT753 khoảng 15 km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo 2 hướng tuyến.

Cụ thể, phương án 1 do UBND tỉnh Bình Phước đề xuất có hướng tuyến đi qua cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường Vành đai 4 TPHCM tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài khoảng 76 km, trong đó khoảng 31 km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Bộ Giao thông vận tải nhận định, phương án này tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học, không phù hợp với Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế. Mặt khác cũng phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Di sản văn hoá, Luật Bảo vệ môi trường và chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Phương án 2 do Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng), tuyến tiếp tục đi theo 15,5 km xây dựng mới để kết nối với đường Vành đai 4 TPHCM tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 71 km.

"Phương án này có hướng tuyến kết nối từ TP Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 TPHCM thuận tiện, chiều dài ngắn, kinh phí đầu tư thấp nhất và tận dụng được các tuyến đường địa phương đã và đang được đầu tư xây dựng và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

tm-img-alt

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý kiến nghị của Bộ GTVT về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. (Ảnh: Internet)

Về lựa chọn phương án, theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương.

Tuy nhiên, do tính chất kết nối liên vùng, Bộ Giao thông vận tải đã hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Đồng Nai, Bình Phước nhiều lần kiểm tra thực địa, tổ chức họp bàn về phương án đầu tư với sự tham gia của các bộ, UNESCO, các địa phương liên quan, trong đó kiến nghị hướng tuyến không đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (không đi qua cầu Mã Đà). Đề xuất này đã được nhiều bộ, ngành, UNESCO và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cơ bản thống nhất.

Để sớm hình thành tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt chấp thuận phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 TPHCM không đi qua cầu Mã Đà.

Đồng thời, giao UBND các tỉnh Bình Phước, Bình Dương cân đối nguồn vốn của địa phương và quyết định đầu tư các tuyến đường trên địa bàn theo thẩm quyền. UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TPHCM để tạo điều kiện kết nối thuận lợi các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu.

TP.HCM: Thành lập tổ nghiên cứu đầu tư phát triển không gian đô thị trung tâm

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về thành lập Tổ Công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm TP, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm (gọi tắt là Tổ Công tác).

Theo đó, Tổ Công tác gồm 14 thành viên do đồng chí Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm Tổ trưởng; đồng chí Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm Tổ phó; lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm thành viên.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, đánh giá hiện trạng khu vực toàn diện về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kiến trúc cảnh quan đô thị, các đồ án quy hoạch trước đây và kết quả của các cuộc thi ý tưởng phát triển quy hoạch không gian đô thị khu vực Trung tâm TP để xây dựng phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể và đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực Trung tâm TP tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, Chợ Bến Thành (bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm).

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Đồng thời, tổng hợp báo cáo, tham mưu đề xuất trình UBND TP về định hướng quy hoạch, hình thức đầu tư và phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, Quận 1 và khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 theo nội dung Kết luận của Ban cán sự đảng UBND TP.

Bên cạnh đó, xác định nghĩa vụ tài chính đối với việc khai thác sử dụng không gian ngầm, đề xuất kế hoạch thực hiện, hình thức kêu gọi đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư (thứ tự ưu tiên đầu tư, thời gian thực hiện).

Ngoài ra, tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia để phản biện, tổng hợp đề xuất phương án và kế hoạch thực hiện trình Thường trực UBND TP xem xét trước ngày 30/8/2023, báo cáo Thường trực Thành ủy xin chủ trương tổ chức thực hiện.

UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn liên quan trợ giá xe buýt

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc giải quyết các vướng mắc đối với hoạt động của xe buýt. Theo đó, TP đã thống nhất trợ giá xe buýt theo hình thức đặt hàng không áp dụng tiết kiệm 4%.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã giao Sở GTVT căn cứ vào dự toán được TP giao đầu năm để triển khai thực hiện công tác trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Từ đó, đảm bảo việc sử dụng ngân sách hiệu quả, tiết kiệm.

Theo đó, UBND TP đồng ý triển khai thực hiện công tác trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM, bảo đảm việc sử dụng ngân sách hiệu quả và tiết kiệm.

Cụ thể, UBND thành phố thống nhất đối với lĩnh vực trợ giá xe buýt thực hiện theo hình thức đặt hàng không áp dụng việc tiết kiệm 4%; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt có trợ giá theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và các quy định pháp luật khác có liên quan.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND thành phố chấp thuận đối với lĩnh vực trợ giá xe buýt thực hiện theo hình thức đặt hàng không áp dụng việc tiết kiệm 4% trong triển khai Văn bản 388/2023 của Liên Sở Tài chính - Cục thuế thành phố - Kho bạc Nhà nước thành phố đối với hoạt động xe buýt. Lý do Sở Giao thông vận tải đưa ra là đã thực hiện tiết kiệm ngay từ khâu xây dựng, thẩm định giao dự toán chi ngân sách và phê duyệt dự toán đặt hàng.

Cụ thể, dự toán kinh phí trợ giá xe buýt được xây dựng theo công thức (trợ giá xe buýt = tổng chi phí chuyến xe – doanh thu đặt hàng hoặc đấu thầu) có đặc thù khác với các lĩnh vực khác vì có yếu tố phụ thuộc vào doanh thu khoán trên từng tuyến xe buýt. Vì vậy, ngay từ khâu xây dựng trình dự toán, thẩm định giao dự toán chi ngân sách đến khâu phê duyệt dự toán kinh phí, đặt hàng cung ứng dịch vụ xe buýt hàng năm đã thực hiện việc tiết kiệm chi ngân sách thông qua việc áp khoán tăng sản lượng hành khách bình quân một chuyến xe cao hơn so với sản lượng thực tế (mức tăng sản lượng kỳ vọng).

Ngay từ lúc Sở Giao thông Vận tải được giao dự toán chi ngân sách năm 2023 đối với lĩnh vực trợ giá xe buýt đã tiết kiệm kinh phí với tỷ lệ 17,7% do việc tăng khoán sản lượng so với thực tế thực hiện của năm trước; qua đó, việc xây dựng dự toán đã đáp ứng tỷ lệ giảm giá tối thiểu 4% như hướng dẫn tại Văn bản 388.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/5/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới