Thứ bảy, 27/04/2024 14:36 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/9/2023

MTĐT -  Thứ hai, 18/09/2023 17:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 18/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Tọa đàm "Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh"

Sáng ngày 18/9, Bộ Xây dựng đã tổ chức "Tọa đàm về chính sách và thúc đẩy phát triển công trình xanh".

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Tuần lễ công trình xanh Việt Nam 2023 do Bộ Xây dựng tổ chức với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.

tm-img-alt
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc phát sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng cũng đã lên kế hoạch triển khai cùng với nhiều giải pháp cụ thể để phát triển theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho hay, các công trình xanh ở Việt Nam đã xuất hiện vào khoảng giai đoạn những năm 2005 - 2010. Qua hơn 15 năm phát triển, hiện có khoảng gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.

"Số lượng công trình xanh ở nước ta vẫn còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0" - Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong những năm vừa qua, tốc độ đô thị hóa của TP. Hà Nội khá nhanh và mạnh mẽ, nhu cầu phát triển các công trình cao tầng, nhà ở đã đem tới các mặt trái của đô thị hóa. Các đô thị lớn như Hà Nội cấp thiết phát triển các công trình xanh.

Với TP. Hà Nội, mục tiêu chính của công trình xanh là giữ gìn bảo vệ môi trường, tạo lập môi trường sống hòa mình với tự nhiên. Thủ đô Hà Nội khác với các thành phố trên thế giới do có 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh, không gian xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hóa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải cho môi trường.

tm-img-alt
Quang cảnh Toạ đàm

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng; trao đổi kinh nghiệm về các thành tựu đã đạt; đánh giá tiềm năng phát triển; thảo luận về các "rào cản", thách thức và đưa ra các đề xuất tháo gỡ các cản trở, nhằm thúc đẩy đầu tư và phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế đã có chia sẻ về tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam và những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế tham gia trong lĩnh vực này chia sẻ thuận lợi và khó khăn khi triển khai đầu tư và xây dựng công trình xanh ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những quan điểm, kiến nghị thiết thực nhằm tháo gỡ các "rào cản" để phát triển công trình xanh.

Trên cơ sở những đề xuất của các doanh nghiệp tại Tọa đàm, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ thông tin về Kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách, ưu đãi, nhằm khuyến khích và ưu tiên việc phát triển công trình xanh và công trình tiết kiệm năng lượng, nhất là trong cấp phép xây dựng, quyền sử dụng đất, cung cấp dịch vụ tài chính, đánh giá tác động môi trường cho những dự án, nhà máy và sản phẩm thuộc lĩnh vực này.

Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu tái định cư tại huyện Đông Anh

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4593/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu tái định cư phục vụ đền bù, GPMB cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài và các dự án phát triển đô thị tại các ô đất 5-A-CC và II-2-CCKV thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Theo quyết định, tổng diện tích khu vực điều chỉnh cục bộ khoảng 17,107ha, trong đó ô đất 5-A-CC có diện tích khoảng 6.722m2; ô đất II-2-CCKV diện tích khoảng 10.385m2.

Trước đó, theo đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) khu tái định cư phục vụ công tác đền bù, GPMB cầu Nhật Tân, đường 5 kéo dài và các dự án phát triển đô thị đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 175/2005/QĐ-UB ngày 4/11/2005 và Điều lệ quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết phê duyệt tại Quyết định số 176 2005 QĐ-UB ngày 4/112005, ô đất ký hiệu 5-A-CC có chức năng là đất công cộng đơn vị ở (hành chính, y tế, văn hóa, TDTT, CLB, chợ…) và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc gồm: diện tích đất 6.720m2; mật độ xây dựng 399%, tầng cao 2 - 3 tầng, hệ số sử dụng đất 0.97 lần.

Ô đất ký hiệu II-2CCKV có chức năng là đất công cộng khu vực; các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: Diện tích đất 10. 390m2. Mật đỗ xây dựng 35,8%, tầng cao 5 - 7 tầng, hệ số sử dụng đất 2,03 lần.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.

Để phù hợp với định hướng Quy hoạch phân khu đô thị N9 (hoán đội chức năng sử dụng đất so với Quy hoạch chi tiết được duyệt; Quyết định số 2051/QĐ-UBND ngày 26/4/2018 của UBND TP về việc thu hồi, giao 17.107m2 đất thuộc ô đất ký hiệu 5-A và II-2; nhu cầu thực tế của địa phương và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất phục vụ đấu giá, nay điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết như sau:

Điều chỉnh ký hiệu lô đất 5-A-CC thành 5-A-CCTP; quy mô diện tích từ 6.720m2 thành 6.722m; chức năng đất công cộng đơn vị ở thành đất công cộng thành phố (tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp văn phòng cho thuê) với chỉ tiêu quy hoạch: mật độ xây dựng 40%, tầng cao 9 tầng, hệ số sử dụng đất 3,45 lần.

Điều chỉnh lô đất ký hiệu II-2-CCKV có quy mô diện tích từ 10.390m2 thành 10.385m; chức năng đất công cộng khu vực thành 4 lô đất với chức năng và chỉ tiêu quy hoạch như sau:

Lô đất ký hiệu II-2-CC1-1 xây dựng trụ sở Công an xã Đông Hội có diện tích đất 1.500m; mật độ xây dựng 38%; tầng cao 5 tầng; hệ số sử dụng đất 1,63 lần.

Lô đất ký hiệu II-2-CC1-2 xây dựng trụ sở Ban chỉ huy Quân sự xã Đông Hội, diện tích đất 1.005m; mật độ xây dựng 40%; tầng cao 5 tầng; hệ số sử dụng đất 1,99 lần.

Lô đất ký hiệu II-2-CC2 xây dựng Nhà văn hóa khu dân cư khu tái định cư, diện tích đất 1.500m; mật độ xây dựng 40%: tầng cao 5 tầng; hệ số sử dụng đất 2 lần.

 Lô đất ký hiệu II-2-CC3 xây dựng siêu thị, diện tích đất 6.380m2; mật độ xây dựng 39,72%; tầng cao 6 tầng; hệ số sử dụng đất 1.86 lần.

Theo UBND TP Hà Nội, mục tiêu của việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nhằm để xây dựng một khu đô thị hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội; tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại đóng góp và cảnh quan kiến trúc chung của khu vực huyện Đông Anh.

Khai thác quỹ đất hợp lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng và đầu tư, đồng thời điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết được phê duyệt là cơ sở pháp lý để lập và triển khai dự án theo quy định; làm cơ sở để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Lạng Sơn: Mời đầu tư Dự án Khu đô thị Green Garden xã Mai Pha hơn 1.300 tỷ đồng

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng chi phí thực hiện sơ bộ khoảng 1.327,3 tỷ đồng (bao gồm cả tiền sử dụng đất). Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 113.492.621.443 đồng.

Quy mô Dự án bao gồm xây dựng nhà ở trên diện tích 138.534,92 m2; loại nhà ở gồm nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự, nhà vườn, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội; các công trình hạ tầng kỹ thuật, công cộng, trường học, sân tập golf… Quy mô dân số 5.312 người.

Dự án có thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.

Xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái theo hướng “Xanh, hài hoà, bản sắc, hạnh phúc”

Tham dự Hội thảo có các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo thành phố Yên Bái; nguyên lãnh đạo thị xã Yên Bái, thành phố Yên Bái qua các thời kỳ; các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng phát triển đô thị trong và ngoài tỉnh.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Thành uỷ Đỗ Đức Minh khẳng định: trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ qua, thành phố Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt. Bộ mặt đô thị thành phố không ngừng đổi thay theo hướng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh theo hướng kinh tế đô thị; hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá; đời sống, thu nhập, chỉ số hạnh phúc của người dân thành phố không ngừng được cải thiện và nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố ngày càng được củng cố.

Đến nay, thành phố đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, khẳng định dấu ấn quan trọng trên chặng đường phát triển rất vẻ vang và đầy tự hào của thành phố trong suốt hơn 20 năm qua.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, thực hiện mục tiêu thành phố phát triển nhanh, bền vững theo hướng  "Xanh, hài hoà, bản sắc, hạnh phúc”, đồng chí Bí thư Thành uỷ đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tích cực chia sẻ, tham vấn, đóng góp, có những ý kiến gợi mở cho thành phố về những định hướng, giải pháp phù hợp, nhằm phát huy lợi thế, tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách đưa thành phố vững bước hơn trên hành trình phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cởi mở, các đại biểu đã sôi nổi, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp cho Hội thảo trên 30 báo cáo tham luận quý báu, trong đó có 10 ý kiến phát biểu trực tiếp. Từ góc nhìn thực tiễn khách quan, những ý kiến tham gia tại Hội thảo đã luận giải rõ hơn những thành tựu đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái; đánh giá những đổi thay, sự phát triển và vị thế của thành phố trong không gian phát triển chung của toàn tỉnh và của khu vực các tỉnh Tây Bắc. 

Cùng với đó, các tham luận cũng đã làm rõ thêm về quan điểm, định hướng phát triển, các nhiệm vụ, trọng tâm, các giải pháp đột phá trên các lĩnh vực để đạt được mục tiêu đưa thành phố Yên Bái thực sự phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; phân tích, trao đổi, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả, những bài học quý giá trong quá trình xây dựng và phát triển các đô thị trên cả nước, đề xuất các giải pháp khoa học, sáng tạo, đột phá để vận dụng vào thực tiễn của thành phố Yên Bái.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Thành uỷ Đỗ Đức Minh khẳng định, các ý kiến tại Hội thảo thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, được chuẩn bị công phu, kỹ lượng với nội dung thống nhất cao về những thành tựu, kết quả đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố thời gian qua, đồng thời tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp, kinh nghiệm quý báu để định hướng rõ hơn cho sự phát triển của thành phố trong tương lai, đặc biệt là để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng phát triển thành phố nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”. Cùng với đó là các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, có tính thực tiễn cao, của các chuyên gia, nhà quản lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, phát triển đô thị thuộc các bộ, ngành trung ương.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo thành phố đề nghị trong thời gian tới, các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng, không ngừng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đóng góp nhiều hơn nữa những kinh nghiệm, giải pháp, quyết sách hiệu quả, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đưa thành phố không ngừng chuyển mình và phát triển, quyết tâm duy trì bền vững các tiêu chí đô thị loại II đã đạt được, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I.

Quảng Ninh: Đầu tư gần 150 tỷ bảo trì hệ thống giao thông thủy, bộ

Cụ thể, kinh phí được phê duyệt là giá trị tối đa (144.179 triệu đồng) dự kiến trên kết quả khảo sát, khái toán sơ bộ công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ (bao gồm sửa chữa công trình định kỳ năm 2022, 2023 chuyển tiếp sang năm 2024 và sửa chữa công trình mới năm 2024) làm cơ sở cân đôi, bố trí kế hoạch vốn bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa năm 2024. 

Những công trình nằm trong kế hoạch bảo trì: 

1. Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh và đường nhánh khu vực thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên, thành phố tuyến Uông Bí (từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2026), bao gồm 09 tuyến đường, cầu và 01 hạng mục khác: ĐT.331, DT.331B, DT.332, DT.333, ĐT.338, ĐT.345, đường liên huyện Uông Bí. Hoành Bồ, đường nối QL.18 - Yên Tử Ngọa Vân, cầu và đường dẫn cầu Triều, hệ thống nhà chờ và biển báo xe bus.

2. Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh và đường nhánh khu vực thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn (từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2026) tuyến, bao gồm 11 tuyến đường, cầu và 02 hạng mục khác: hệ thống cầu và đường dẫn cầu Tình Yêu, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường nhánh từ QL18 vào cảng Cái Lân, đường bao biển nối TP. Hạ Long với TP. Cẩm Phả, ĐT.326, đoạn từ Km0+00- Km14+300, DT.334, DT.337, DT.342 đoạn từ Km0 Km37+660, đường trục chính nối các khu chức năng KKT Vân Đồn, đường từ nút giao Bình Dân đến khu phức hợp KKT Vân Đồn, 02 nút ngã tư QL.279 (giao cắt ĐT.337 và đường từ QL.18 vào KCN Việt Hưng).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

3. Đối với hệ thống đường cao tốc giai đoạn 2023 – 2025: Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên Đường cao tốc CT.06 đoạn Cẩm Hải - Vân Đồn - Tiên Yên và đường gom gồm 03 đoạn: đoạn từ Cẩm Hải đến nút giao Đoàn Kết (Km78+600 - Km84+500), đoạn từ nút giao Đoàn Kết đến nút giao Bình Dân (Km84+500 Km96+00), đoạn từ nút giao Bình Dân đến Tiên Yên (thuộc dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên), Km96+00 - Km112+080.

4. Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên Đường cao tốc CT.06 (đoạn cầu Bạch Đằng - thành phố Hạ Long), bao gồm: đoạn Km5+200 Km24+444/CT.06 (lý trình cũ Km0+556 - Km19+800 thuộc dự án Đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng) và nút giao Minh Khai Km24+443,77- Km25+552,63/CT.06 (lý trình cũ từ Km0+00 - Km0+556,23, thuộc dự án Đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng và từ Km0+00 Km0+552,63, thuộc sự án Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn theo hình thức BOT)...

Hải Phòng yêu cầu các hộ dân tự giác tháo dỡ lồng sắt, "chuồng cọp" tại các chung cư

Văn phòng UBND TP Hải Phòng vừa có Thông báo về việc truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Thọ tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình đảm bảo an toàn về chất lượng công trình, về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chung cư và nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Theo Thông báo, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng có chỉ đạo phải đảm bảo an toàn về chất lượng công trình, về PCCC tại các khu chung cư và nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.

Văn phòng UBND thành phố vừa có Thông báo số 273/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình đảm bảo an toàn về chất lượng công trình, về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu chung cư và nhà ở riêng lẽ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố.
Thông báo số 273/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố thực hiện rà soát tổng thể quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố, định hướng các khu vực nhà tiếp tục cho thuê, khu vực nhà được bán, khu vực nhà phải thu hồi do hư hỏng, xuống cấp không thể tiếp tục sử dụng, khu vực nhà cần thu hồi để cải tạo chính trang đô thị; đề xuất, báo cáo UBND thành phố trong tháng 1/2024.

Đối với các khu chung cư, khu tập thể bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, Sở Xây dựng cho di dời, bố trí chỗ ở tạm thời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố; chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở cho cơ quan, đơn vị khác.

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì cùng UBND các quận, huyện và Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng rà soát, kiểm tra cụ thể từng khu chung cư, tập thể trên địa bàn thành phố; đánh giá, phân loại theo mức độ nguy hiểm; đề xuất phương án di dời, bố trí tạm cư và cưỡng chế phá dỡ trong trường hợp khẩn cấp báo cáo UBND thành phố trong tháng 9.2023.

Về công tác PCCC tại các khu chung cư và nhà ở riêng lẽ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch giao Công an thành phố phối hợp cùng UBND các quận, huyện và Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng PCCC, CNCH tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa cháy nổ, cách thức xử lý khi có cháy nổ; đặc biệt là kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND các quận, huyện thực hiện các quy định về PCCC, các biện pháp phòng ngừa tai nạn, sự cố; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong tháng 10/2023.

Giao Sở Xây dựng đôn đốc, giám sát UBND các quận, huyện xử lý trật tự xây dựng, an toàn PCCC tại các khu đô thị, khu chung cư và nhà ở riêng lẻ (tháo dỡ chuồng cọp, buồng lồi, lấn chiếm cầu thang, hành lang...); chủ trì, cùng Công an thành phố và Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng rà soát, kiểm tra thiết bị PCCC tại các khu chung cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố; lập dự toán sửa chữa, bổ sung các phương tiện, thiết bị (hệ thống chống sét, điện chiếu sáng, chi dẫn...) đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Bên cạnh đó, đề xuất chủ trương đầu tư bổ sung Hệ thống phòng cháy chữa cháy khu chung cư 9 tầng Đông Khê đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn hiện hành.

Giao UBND các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH cho các tập thể, cá nhân trên địa bàn; khuyến khích các hộ dân tự trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Vận động các hộ dân tự giác tháo dỡ lồng sắt, chuồng cọp tại các chung cư mới xây dựng để tạo lối thoát hiểm, bảo vệ tài sản và tính mạng khi xảy ra cháy nổ; trường hợp hộ dân không tự giác tháo dỡ thì giao chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.

Rà soát, xử lý các hộ dân lấn chiếm gầm cầu thang, hành lang nhà chung cư để tập kết hàng hóa tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ; nhắc nhở các hộ dân đặt chậu hoa trên lan can, ban công có thể đổ vỡ gây nguy hiểm cho người khác.

Về công tác bảo trì các khu chung cư và nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch giao Sở Xây dựng rà soát, phân loại, đánh giá các công trình cần phải bảo trì theo quy định trên địa bàn các quận, huyện; phối hợp với Sở Tài chính lập Kế hoạch bảo trì các khu chung cư và nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố. Trong đó, chia các giai đoạn thực hiện hàng năm theo thứ tự ưu tiên để Sở Tài chính có cơ sở phân bổ kinh phí thực hiện theo quy định.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng (Công ty Quản lý nhà Hải Phòng), trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có 180 chung cư cũ. Trong đó Công ty đang quản lý 148 chung cư (tương ứng 6.336 căn hộ), bao gồm: 4.718 căn hộ đã ký hợp đồng thuê nhà, 677 căn hộ sử dụng tự quản (chưa ký hợp đồng thuê nhà), 941 căn hộ đã được thanh lý. Còn lại 32 chung cư (tương ứng 1.228 căn hộ) do các đơn vị tự quản lý, chưa bàn giao sang Sở xây dựng và Công ty Quản lý nhà Hải Phòng.

Ngoài 180 chung cư nói trên, toàn TP còn các dãy nhà tập thể 2 tầng có lối đi và cầu thang riêng, căn hộ khép kín. Số lượng này khoảng 35 dãy nhà (Khu tập thể Trại Chuối, Cát Bi...).

Trong số đó Công ty Quản lý nhà Hải Phòng đang quản lý 22 dãy nhà tập thể 2 tầng (tương ứng với 317 căn hộ). Khu tập thể 2 tầng do các đơn vị tự quản lý nhưng chưa bàn giao là 13, tương ứng 184 căn hộ.

Các chung cư cũ thuộc sở hữu Nhà nước được xây dựng chủ yếu từ những năm 1960 - 1980, cao từ 2 - 5 tầng. Kết cấu cơ bản khung cột bê tông cốt thép, tường gạch, sàn, mái tấm đan panel. Có thể kể đến các khu chung cư tại phường Đồng Quốc Bình, Vạn Mỹ, Cầu Tre, Lam Sơn, An Dương, Khu chung cư tập thể sắt tráng men tại đường vòng Vạn Mỹ./.

Phan Thiết sắp có công viên dọc kè sông Cà Ty

Những ngày qua, người dân TP. Phan Thiết đi ngang cầu Trần Hưng Đạo, cầu Lê Hồng Phong thắc mắc, tò mò khi thấy xe cẩu tập kết, đất đá đổ ngổn ngang dưới lòng sông, không biết họ đang làm công trình gì…

Đem thắc mắc này hỏi lãnh đạo TP. Phan Thiết, mới biết đây là công trình kè sông Cà Ty từ cầu Lê Hồng Phong đến cầu Trần Hưng Đạo (đường Trưng Trắc, TP. Phan Thiết). Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Phan Thiết làm chủ đầu tư nhằm đảm bảo ổn định bờ sông bền vững, lâu dài và tạo cảnh quan khu vực trung tâm của thành phố, góp phần nâng cấp, chỉnh trang đô thị, tạo môi trường “xanh, sạch, đẹp” trong khu vực.

z4697478873903_c62434978bc96d5298815fe9592c25ae-1-.jpg
Phối cảnh công trình kè sông Cà Ty từ cầu Lê Hồng Phong đến cầu Trần Hưng Đạo.

Được biết, công trình kè này có chiều dài tuyến kè hơn 350 m, cao trình đỉnh kè hơn 2 m và cao trình nạo vét sông theo quy hoạch gần 3 m. Ngoài ra, còn có các công trình hạ tầng như đường bộ hành, cống thoát nước, bãi đậu xe, điện chiếu sáng và công viên cây xanh. Trong đó, đường bộ hành dọc kè dài hơn 350 m, rộng 3 m, nền lát đá granit… Ngoài ra, còn có công trình đường cống thoát nước dọc đường Trưng Trắc và đổ ra sông, công viên cây xanh với diện tích 6.743 m2. Trong đó, bãi đỗ xe tập trung 826 m2; nhà vệ sinh công cộng 51 m2; sân đường và cây xanh 5.866 m2. Được biết, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 44 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Người dân địa phương khi biết thông tin rất vui mừng, hy vọng khi dự án hoàn thành sẽ là một trong những điểm đến không thể thiếu của du khách khi tham quan thành phố biển. Anh Nguyễn Văn Linh, một du khách ở TP.HCM nhiều lần ghé Phan Thiết chơi đã so sánh: “Phan Thiết rất đẹp vì có 3 cây cầu bắc qua con sông Cà Ty nằm giữa lòng thành phố, nếu cải tạo và nâng cấp dự án này sẽ không thua gì sông Hàn ở Đà Nẵng”.

z4697478852503_f0fa90b175361ad2511d1a462bd4c9f3.jpg
Phan Thiết sắp có thêm Công viên cây xanh bên bờ sông Cà Ty.

Mới đây nhất là vào tháng 7/2023, tại kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa XI, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) TP. Phan Thiết. Dự án có các hạng mục, như: Kè bảo vệ bờ sông; đường giao thông (đoạn đường Bà Triệu, Yersin, Lê Thị Hồng Gấm trong phạm vi từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm và đường Ung Văn Khiêm); bãi đỗ xe, sân; hệ thống cấp thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng; công viên văn hóa, cây xanh cảnh quan và các hạng mục phụ trợ khác có liên quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 486 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dự kiến, dự án hoàn thành trong năm 2025.

Như vậy, với 2 dự án này hoàn thành, sẽ góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, tạo môi trường “xanh, sạch, đẹp” trong khu vực; phòng chống, tiêu thoát lũ và giảm ngập cho thành phố. Không chỉ vậy, dự án này sẽ bảo vệ chống sạt lở bờ sông, kết hợp di dời và ưu tiên bố trí tái định cư cho hơn 530 hộ dân trong vùng dự án nhằm tạo điều kiện cho người dân trong vùng và xung quanh dự án có môi trường sống tốt hơn, thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần ổn định an sinh xã hội. Đồng thời, đây sẽ là điểm nhấn, tạo thêm không gian xanh cho thành phố, sẽ là điểm đến thú vị cho du khách khi đến tham quan Phan Thiết.

Làm rõ 700 căn nhà xây không phép trong phạm vi dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Chiều 18/9, Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai Vương Duy Đào cho biết, đang làm rõ thông tin trên địa bàn có khoảng 700 căn nhà xây dựng không phép trong phạm vi dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân Vương Duy Đào, trong chiều cùng ngày, Đảng ủy tiến hành làm việc với Ủy ban nhân dân phường về việc thông tin khoảng 700 căn nhà xây dựng không phép trong phạm vi dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Sau đó, phường sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra hiện trạng, làm rõ cụ thể từng trường hợp để xác định chính xác nhất.

Trước đó, Ủy ban nhân dân phường Phước Tân đã có báo cáo số 254/BC-UBND ngày 12/9, gửi Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa về khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác bồi thường dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

tm-img-alt
Cột mốc giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Cụ thể, để thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, trên địa bàn phường Phước Tân sẽ thu hồi 741 thửa đất với diện tích khoảng 60ha. Số hộ dân bị giải tỏa khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 1.700 hộ, trong đó, số hộ bị giải tỏa trắng khoảng 1.500 hộ và khoảng 200 hộ giải tỏa một phần.

Trong số khoảng 1.500 hộ dân bị giải tỏa trắng có khoảng 800 căn nhà đã có cập nhật trên bản đồ thu hồi đất và khoảng 700 căn nhà của khoảng 700 gia đình, cá nhân xây dựng không phép trên đất nông nghiệp phân lô chưa được cập nhật trên bản đồ thu hồi đất, chưa đủ cơ sở quy chủ.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân phường Phước Tân kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa sớm giao thanh tra liên ngành thanh tra đối với khoảng 700 căn nhà xây dựng không phép trên, nhằm tạo thuận lợi cho việc quy chủ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm đúng quy định pháp luật, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh trật tự khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chung đang rất chậm.

Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực tìm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng.

TP.HCM: Phân luồng giao thông trên đường Nguyễn Huệ, quận 1

Theo đó, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ chương trình “Kết nối người hâm mộ bóng đá lần 2” trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, Sở GTVT TPHCM thông báo:

Kể từ 19 giờ đến 22 giờ ngày 22 và 23/9, cấm tất cả các loại phương tiện lưu thông vào đường Nguyễn Huệ, quận 1 (đoạn từ đường Ngô Đức Kế đến đường Tôn Đức Thắng).

tm-img-alt
TP.HCM cấm phương tiện lưu thông vào đường Nguyễn Huệ. (Ảnh: Internet)

Lộ trình thay thế cụ thể như sau:

Đối với hướng từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng:

Lộ trình 1: đường Lê Thánh Tôn → đường Đồng Khởi → đường Tôn Đức Thắng.

Lộ trình 2: đường Lê Thánh Tôn → đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa → đường Hàm Nghi → đường Tôn Đức Thắng.

Đối với hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Lê Thánh Tôn:

Lộ trình 1: đường Tôn Đức Thắng → đường Hàm Nghi → đường Pasteur → đường Lê Thánh Tôn.

Lộ trình 2: đường Tôn Đức Thắng → Công trường Mê Linh → đường Hai Bà Trưng → đường Lê Thánh Tôn.

Sở GTVT TPHCM lưu ý người điều khiển phương tiện giao thông cần chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông, cảnh sát giao thông hoặc theo hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường.

Đầu tư 7 tỷ USD tuyến đường sắt TP.HCM-Cần Thơ trước năm 2030

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn số 10316/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về việc triển khai Dự án đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy hoạch, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại ga An Bình (phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối tại ga Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ).

Dự án này có chiều dài khoảng 174km đi qua 6 tỉnh/thành phố (gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ) với 13 ga toàn tuyến. Đường sắt áp dụng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm. Tàu khách có tốc độ tối đa là 200 km/h, tàu hàng 120 km/h. Công nghệ được lựa chọn cho tuyến đường sắt này là đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, lộ trình nghiên cứu, đầu tư Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ được thực hiện trước năm 2030.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Tuyến đường sắt này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt là chủ đầu tư, bố trí vốn để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hiện đang tập trung phối hợp với các địa phương rà soát vị trí ga, hướng tuyến.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá đây là dự án có quy mô lớn (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD), công nghệ - kỹ thuật phức tạp nên cần phải nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đánh giá một cách khách quan, khoa học; đặc biệt là cân đối bố trí nguồn lực.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ phấn đấu hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền trong năm 2025 nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải TP.HCM - Cần Thơ; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án.

Đồng thời, Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và cần đồng bộ với việc đầu tư, khai thác đảm bảo kết nối thuận tiện; rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án; cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư khu bảo trì tàu bay sân bay Long Thành

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1165/QĐ – BGTVT phê duyệt hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam.

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn; chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chi tiết đối với năng lực, kinh nghiệm của các Nhà đầu tư theo quy định pháp luật.

Cục Hàng không Việt Nam cũng sẽ phải khẩn trương trình kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy định.

tm-img-alt
Đấu thầu chọn nhà đầu tư khu bảo trì tàu bay số 1 sân bay Long Thành. (Ảnh: Internet)

Được biết, sau khi thực hiện đăng tải Thông báo mời quan tâm và yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của Công ty cổ phần hàng không Vietjet; Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay (VAECO).

Cả hai doanh nghiệp này đều đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm để trở thành nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Cục Hàng không VN, theo Thông tư số 23/2021 của Bộ GTVT, trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Bộ GTVT ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và giao Cục Hàng không VN là bên mời thầu.

"Căn cứ quy định và danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nêu trên, Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng HKQT Long Thành thuộc đối tượng áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước", lãnh đạo Cục Hàng không VN khẳng định.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 18/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề