Chủ nhật, 28/04/2024 15:01 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/9/2023

MTĐT -  Thứ hai, 18/09/2023 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 18/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Hà Nội: Cá lại chết ở hồ Tây, bốc mùi hôi thối

Theo ghi nhận vào sáng ngày 18/9, tại khu vực hồ Tây, Hà Nội lại xuất hiện tình trạng cá chết bốc mùi, dạt vào bờ bên đường Nhật Chiêu, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài...

Người dân sống xung quanh khu vực hồ Tây cho biết, tình trạng cá chết ở hồ Tây đã xuất hiện trong vài ngày gần đây, với số lượng cá chết lớn, lan tỏa trên mặt hồ vào ban đêm và sáng, rồi trôi dạt vào khu vực ven bờ hồ.

Tại những khu vực xảy ra tình trạng cá chết, nước hồ Tây có màu xanh đậm, xuất hiện các lớp màng và váng nổi lên trên mặt nước. Nhiều xác cá bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi khó chịu.

tm-img-alt
Công nhân môi trường của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vớt xác cá chết nổi trắng trên Hồ Tây.

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xác định một số nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở hồ Tây, bao gồm: thay đổi thời tiết, thiếu không khí và hàm lượng oxy trong nước giảm, chất lượng nước bị ô nhiễm và chứa khí độc (do bùn, tảo...).

Hiện nay, đơn vị này đang tăng cường thu vớt, thu gom, vận chuyển về bãi xử lí theo quy định; số lượng thu gom xác cá chết không nhiều, chủng loại cá chết chủ yếu gồm: cá trôi, cá mè…

Được biết, vào ban đêm, mặt hồ và mặt nước bị lạnh đi rất nhanh, khiến lớp không khí bên dưới lạnh hơn, tạo nên hiện tượng nghịch nhiệt.

Hiện tượng nghịch nhiệt sẽ ngăn cản oxy trao đổi giữa lớp không khí sát mặt hồ và lớp không khí bên trên. Vào các đêm nghịch nhiệt, quá trình phân hủy hữu cơ từ nước thải chưa qua xử lí và hô hấp của tảo phù du trong hồ nhanh chóng làm cạn kiệt oxy trong nước.

Lượng oxy trong lớp không khí sát mặt hồ cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do các lớp oxy không khí bên trên không thể tiếp tục khuếch tán oxy vào nước dẫn đến cạn kiệt oxy sẽ xảy ra trong toàn bộ cột nước, làm cá chết hàng loạt.

Lào Cai: Cảnh báo mưa to cục bộ

Do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió yếu trên cao vẫn còn hoạt động trên khu vực nên từ chiều tối nay (18/9) đến trưa mai 19/9, các địa phương trong tỉnh có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; cục bộ có nơi có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 15 - 30 mm, có nơi trên 50 mm.

Trưa, chiều giảm mây trời nắng, khu vực vùng núi có mưa, mưa rào rải rác, sau giảm mưa.

Đêm có mưa, mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, trong cơn dông khả năng đi kèm sét đánh và gió giật.

Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa vừa, mưa to cục bộ cũng làm gia tăng khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi dốc.

Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động ra quân Ngày chủ nhật xanh tại Phú Yên

Trung ương Đoàn tổ chức điểm cấp trung ương tại tỉnh Phú Yên để lan tỏa thông điệp "Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn" trên phạm vi toàn quốc.

Có hơn 700 đơn vị Đoàn cấp huyện trên cả nước đồng loạt tổ chức hoạt động này. Các đội hình thanh niên tình nguyện ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, các điểm tập kết rác thải tự phát, cải tạo cảnh quan môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh, triển khai các tuyến đường hoa nông thôn mới.

Đoàn viên, thanh niên trồng cây xanh kết hợp với phát triển kinh tế như: các vườn ươm cây xanh, vườn cây sinh kế, các mô hình vườn đoàn trong trường học, đồi cây thanh niên... nhằm hiện thực chỉ tiêu “Trồng mới ít nhất 20 triệu cây xanh” năm 2023. Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn triển khai các công trình “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh” tại địa phương, đơn vị.

Nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn ảnh 1
Đoàn viên thanh niên tổ chức hoạt động đổi rác thải nhựa tái chế lấy cây ăn quả tại xã An Hòa Hải, Tuy An.

Tại Phú Yên, sau lễ ra quân, lực lượng đoàn viên tham gia trồng 5.200 cây xanh tại xã An Hiệp và xã An Hòa Hải; khánh thành 1 công trình thanh niên “Tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn” tại thôn Phú Thường, xã An Hòa Hải; ra quân “Hãy làm sạch biển”; tặng túi lưới đi chợ cho đoàn viên, thanh niên, người dân địa phương; tổ chức hoạt động đổi rác thải nhựa tái chế lấy cây xanh…; thăm tặng quà, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân tại bãi biển thôn Phú Thường, xã An Hòa Hải.

Theo anh Lương Minh Tùng, Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên, Ngày Chủ nhật xanh đồng loạt toàn quốc lần thứ IV, hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”, được triển khai đồng loạt 100% đoàn cấp huyện, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong việc tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hoạt động này còn tạo phong trào thi đua sôi nổi của tổ chức Đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng ý thức văn minh đô thị với phương châm “Sáng tạo - thiết thực - an toàn - hiệu quả”.

Với việc chia sẻ những hình ảnh trước và sau khi thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường một cách đồng loạt còn góp phần lan tỏa truyền cảm hứng đến với cộng đồng cùng chung tay làm cho thế giới sạch hơn.

Hà Tĩnh ra quân thu gom, tiêu hủy dụng cụ đánh bắt chim hoang dã trước mùa chim di cư tránh bão

Hà Tĩnh là nơi tập trung rất đông các đàn chim di cư tránh bão. Hằng năm, vào mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhất là vùng ven biển diễn ra tình trạng người dân sử dụng các công cụ thô sơ để đánh bắt chim trời với số lượng lớn.

Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng Hà Tĩnh đang ráo riết vào cuộc ngăn chặn nạn đánh bắt chim hoang dã trước mùa chim di cư về tránh bão.

Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các chủ nhà hàng, quán nhậu và các hộ dân ký cam kết chấp hành Chỉ thị 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư.

tm-img-alt
Các lực lượng chức năng đã tiến hành thu gom, tiêu hủy số cò mồi được làm bằng xốp và bẫy chim.

Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã ra quân tiến hành thu gom, tiêu hủy bẫy chim hoang dã tại khu vực đập phụ Khe Lang, xã Thường Nga, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 2.500 cây nhạ bẫy chim và 100 con cò giả bằng xốp

Đợt ra quân thu gom, tiêu hủy hàng nghìn dụng cụ đánh bắt chim hoang dã của Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc và các các lực lượng chức năng trước mùa chim di cư là rất kịp thời, góp phần ngăn ngừa nạn săn bắt, bẫy chim trái phép và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho người dân.

Khôi phục cảnh quan đất ngập nước rừng tràm Trà Sư

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang phối hợp với WWF khởi động một dự án nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thông qua các biện pháp phục hồi rừng tràm đặc dụng và phòng hộ tại Khu Bảo vệ Cảnh quan rừng Tràm Trà Sư.

Dự án sẽ tập trung vào nghiên cứu và thực hiện các giải pháp sinh kế dựa vào thiên nhiên (NbS), có khả năng mở rộng và đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng lưu ĐBSCL, qua đó góp phần đạt mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái nước ngọt Việt Nam, đồng thời đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.

Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là Khu Bảo vệ Cảnh quan từ năm 2005. Với 845 héc-ta diện tích vùng lõi được bảo tồn và hơn 1.100 héc-ta vùng đệm, khu vực này hàng năm trực tiếp nhận nước lũ từ sông Mekong vào mùa mưa, giúp duy trì chế độ ngập - khô theo mùa của một vùng đất ngập nước tự nhiên. Các sinh cảnh chính của rừng tràm Trà Sư là rừng tràm, đầm lầy và đồng cỏ. Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư đa dạng với 140 loài, nổi bật nhất là cây tràm và thảm bèo giăng kín mặt nước.

Hệ động vật ở đây cũng khá phong phú, với ít nhất 70 loài chim được ghi nhận, trong đó có 2 loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam là Giang Sen và Điên Điển (Chim cổ rắn), 11 loài động vật có vú bao gồm dơi quý hiếm, và ít nhất 25 loài bò sát và ếch nhái. Ngoài ra, rừng còn là nơi trú ngụ quanh năm của 10 loài cá bản địa và 13 loài cá di cư vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng.

Dự án Thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm khôi phục các vùng đất ngập nước và các quá trình tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long- Mekong NbS được WWF và Sở NN&PTNT An Giang xây dựng và thực hiện với sự tài trợ của Tập đoàn Industria De Diseno Textil, SA (gọi tắt là Inditex), Tây Ban Nha, với mong muốn tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của thiên nhiên trước các tác động của biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học ở các vùng đất ngập nước và phát triển các mô hình sinh kế dựa vào thiên nhiên ở vùng thượng của ĐBSCL.

Các giải pháp canh tác “thuận thiên”, kết hợp với phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho người dân và hệ sinh thái nông nghiệp tại An Giang, tạo tiền đề và cơ sở khoa học để nhân rộng trên toàn vùng ĐBSCL.

Với mong muốn đóng góp cho việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP và Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong thời gian qua, WWF-Việt Nam đã hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sản xuất “thuận thiên” ở ĐBSCL, như: trồng lúa mùa nổi kết hợp nuôi cá, lúa kết hợp thả vịt, thả cá bản địa mùa lũ, trồng sen kết hợp nuôi cá, tôm càng xanh .v..v.. nhằm tăng thời gian lưu trữ nước lũ trong các cánh đồng ngập lũ giúp gia tăng lượng phù sa bồi đắp trên các cánh đồng làm màu mỡ đất, đồng thời ngăn chặn các mầm bệnh của vụ trước, đồng thời góp phần bổ cập cho các tầng nước ngầm và duy trì dòng chảy ở Đồng bằng vào mùa khô. Với sự hợp tác chặt chẽ của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, các mô hình bảo tồn và canh tác “thuận thiên" sẽ được nghiên cứu và triển khai tại khu vực trong và xung quanh Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư trong ba năm tới.

tm-img-alt
Rừng tràm Trà Sư( Ảnh: WWF)

Trao đổi thông tin với báo chí, Ông Văn Ngọc Thịnh, Trưởng Đại diện của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Sự bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như: biến đổi khí hậu, phát triển thuỷ điện và các công trình thuỷ lợi lớn ở thượng nguồn, khai thác tài nguyên quá mức, hay canh tác nông nghiệp, thuỷ sản thiếu bền vững. Chính vì thế chúng ta cần phải có những hành động kịp thời, những giải pháp hiệu quả và sự hợp tác chặt chẽ của cả khối công, khối tư, cộng đồng trong nước và quốc tế để giải quyết khẩn cấp những vấn đề này. Nghị quyết 120/NQ-CP chính là cơ hội để chúng ta hiện thực hóa việc triển khai các giải pháp “canh tác dựa vào thiên nhiên” ở đồng bằng sông Cửu Long, và khi đó việc trồng lúa sẽ không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực, mà còn giúp cân bằng các yếu tố sinh thái, môi trường, cung cấp các sản vật tự nhiên, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo thương hiệu sản phẩm bền vững.”

Dự án Mekong NbS được triển khai từ ngày 01/08/2023 đến 31/12/2025 nhằm bảo vệ và phục hồi các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên của đồng bằng như dòng chảy tự do, tích tụ và bồi lắng phù sa ở vùng đệm, thông qua thực hiện các hoạt động triển khai ở trong và xung quanh Rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang. Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ BQL Rừng Trà Sư trồng mới 60 ha rừng và nuôi dưỡng 100 ha rừng suy thoái, khôi phục các sinh cảnh và các loài bản địa thông qua các chiến lược quản lý, điều tiết thuỷ văn phù hợp, hiệu quả cho từng tiểu khu, bảo vệ và giám sát đa dạng sinh học trong vùng lõi. Bên ngoài vùng đệm, các mô hình sinh kế dựa vào lũ sẽ được triển khai để đem lại lợi ích kinh tế, môi trường và sự ủng hộ của người dân địa phương;

Dự án cũng xây dựng và thử nghiệm các giải pháp sinh kế dựa trên thiên nhiên – “thuận thiên” (NbS) có tiềm năng mở rộng, có tính khả thi cho đầu tư quy mô lớn trên toàn vùng thượng của ĐBSCL.

Các bài học kinh nghiệm sẽ được tổng hợp để chia sẻ và mở rộng việc khôi phục các sinh cảnh đất ngập nước và các chu trình tự nhiên. Những mô hình sinh kế dựa vào lũ, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường ở An Giang và các tỉnh đầu nguồn ở ĐBSCL như: Đồng Tháp, Long An… sẽ được hệ thống hóa để nhân rộng ra những khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp và có sự tham gia của người dân, kết nối với thị trường và các chuỗi cung ứng bền vững.

Đây sẽ là tiền đề để thu hút các nguồn lực của toàn xã hội tham gia thúc đẩy phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với từng vùng sinh thái trên toàn vùng thượng của đồng bằng sông Cửu Long.

Quận Đoàn quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) tổ chức lễ ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 151

Đợt hoạt động diễn ra nhằm tiếp tục triển khai thực hiện mô hình Ngày “Chủ nhật xanh gắn” với các hoạt động “Môi trường xanh - Nếp sống xanh” và hoạt động xây dựng đô thị văn minh theo tinh thần Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM về việc thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đến đông đảo hội viên, thanh thiếu nhi, đồng bào Phật tử và người dân thành phố.

Phát biểu khởi động Ngày 'Chủ nhật Xanh' lần thứ 151, anh Phạm Lê Minh Khang - Ủy viên BCH Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN TP. HCM cho biết, Hội LHTN TP. HCM tổ chức nhiều hoạt động, công trình, phần việc của thanh niên thành phố cùng hưởng ứng, tham gia, thực hiện Ngày 'Chủ nhật Xanh' lần thứ 151 như: Thanh niên thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Chung cư xanh” và mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, vận động người dân hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, cam kết bỏ rác đúng nơi quy định và thể hiện tính xung kích, tiên phong của thanh niên trong bảo vệ môi trường, thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng khu phố, ấp An toàn - Sạch đẹp - Văn minh - Nghĩa tình”.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội LHTN TP. HCM và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam TP. HCM thực hiện ký kết phối hợp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng “Môi trường xanh - nếp sống xanh” trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2023 - 2027 để hoạt động tiếp tục lan tỏa và tạo được chiều sâu trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày, góp phần nâng cao ý thức, giải quyết hiệu quả các vấn đề về môi trường của thành phố.

tm-img-alt
Đoàn viên trao tặng cây cho người dân tại chung cư Lý Thường Kiệt

Tại chương trình, Hội LHTN TP. HCM đã thực hiện trao tặng cây xanh đến các hộ gia đình, người dân tại các chung cư và tín đồ Phật giáo, trao tặng 8 bộ thùng rác phân loại rác thải và 2 bếp gas; thực hiện kiểm tra, sửa chữa bếp cho các hộ dân tại chung cư K300; thực hiện trao tặng 20 phần quà, đồng hành, chăm lo cho thanh niên Phật giáo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tân Bình; trang bị 1 tủ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chùa Từ Tân (quận Tân Bình); hỗ trợ việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở tự viện tôn giáo theo Nghị quyết của MTTQ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và tặng 300 lá cờ Tổ quốc thực hiện tuyến đường cờ Tổ quốc, tặng người dân tại chung cư K300.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình, Quận Đoàn - Ủy ban Hội LHTN quận Tân Bình đã tiến hành ra mắt 117 công trình “Góc xanh thanh niên” tại các khu phố trên địa bàn quận, góp phần phát động, lan tỏa các hoạt động, hưởng ứng lối sống xanh.

Một người tử vong trong cơn mưa lớn kèm lốc xoáy ở Long An

Ngày 18/9, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã điều động nhiều lực lượng tham gia khắc phục sự cố mưa lớn kèm lốc xoáy khiến 9 căn nhà ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành bị tốc mái, 1 người gặp nạn.

tm-img-alt
-Một căn nhà bị ảnh hưởng do giông lốc tối 17/9 ở Long An. Ảnh C.T.V

Theo đó, tối 17/9, cơn mưa lớn khiến căn nhà của ông Phạm Văn Huỳnh (SN 1963) bị tốc mái. Ông Huỳnh đã đi quanh nhà kiểm tra và di dời tài sản thì đạp trúng sợi dây điện bị đứt, bị điện giật. Người nhà ngắt nguồn điện đưa ông Huỳnh đi cấp cứu nhưng ông Huỳnh không qua khỏi.

Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết đây là lần thứ hai trong thời gian qua địa bàn huyện Châu Thành bị mưa lớn kèm giông lốc xoáy.

Trước đó, trong cơn mưa kèm lốc xoáy tối 8/9 đã làm 137 căn nhà ở các xã Hòa Phú, Vĩnh Công, Bình Quới, Phú Ngãi Trị…bị tốc mái, đổ sập. Trước mắc UBND huyện phối hợp với UBND xã Thuận Mỹ khắc phục sự cố thiên tai và lập đoàn hỗ trợ, thăm viếng nạn nhân gặp nạn.

Bạc Liêu: Tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn tiếp diễn

Ngày 18/9, ông Hà Văn Buôl – Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngô Minh Đương – chủ cơ sở kinh doanh mua bán, sơ chế tôm nguyên liệu ở ấp Cây Dẻ, xã Định Thành, huyện Đông Hải với số tiền 60 triệu đồng vì hành vi tổ chức bơm tạp chất (CMC) vào tôm sú nguyên liệu.

Cụ thể, sau một thời gian theo dõi, ngày 16/9, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với Công an xã Định Thành, huyện Đông Hải bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang cơ sở của ông Đương đang tổ chức bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong cơ sở có 3 thùng tôm với trọng lượng khoảng 60 kg có chứa tạp chất. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, thu giữ một số tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.    

tm-img-alt
Ngành chức năng tiến hành lập biên bản với ông Ngô Minh Đương (ấp Cây Dẻ, xã Định Thành, huyện Đông Hải) với hành vi chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Ngoài bị phạt hành chính số tiền trên, cơ sở kinh doanh của ông Đương còn bị buộc đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế tỉnh, CSGT kiểm tra phát hiện 3 trường hợp vi phạm tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, với số lượng hơn 220 kg. Lực lượng chức năng đã tiến hành ngăn chặn, thu giữ và hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định.

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh này đã rất quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý tình trạng tôm chứa tạp chất. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên vẫn còn nhiều nơi, nhiều cơ sở tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, bất chấp việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguy hiểm hơn, hiện nay vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu với mức độ ngày càng tinh vi hơn, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 18/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.