Thứ bảy, 04/05/2024 01:17 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 28/9/2023

MTĐT -  Thứ năm, 28/09/2023 18:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/9/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 28/9/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Hòa Bình: Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 6

Theo đó, đêm 27, rạng sáng 28/9, tại khu vục dốc Cun thuộc tuyến Quốc lộ 6 đi qua địa bàn phường Thái Bình, TP Hòa Bình, đã xảy ra tình trạng sạt lở đất đá xuống đường. Khối lượng đất, đá và bùn bị sạt lở, tràn xuống mặt đường quốc lộ 6, khiến các phương tiện không thể di chuyển được, giao thông bị ùn tắc.

Mưa cũng đã làm sạt lở, ngập úng nghiêm trọng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, cụ thể: tại huyện Lương Sơn có 7 hộ phải sơ tán và 26 hộ bị cô lập do ngập úng tại xã Liên Sơn; tại huyện Đà Bắc, có 4 ngôi nhà bị đất đá sạt lở làm biến dạng; huyện Kim Bôi 2 hộ dân tại xã Đú Sáng, 2 hộ dân tại xã Mị Hòa phải sơ tán do ngập úng.…

tm-img-alt
Quốc lộ 6 là tuyến đường chính để các phương tiện di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc nên lượng phương tiện lưu thông qua đây là rất đông. Ảnh: Internet

Mưa lũ còn làm ngập úng hàng trăm ha cây trồng và vật nuôi của bà con nhân dân: huyện Cao Phong 50ha; Lạc Thủy khoảng 70ha; Tân Lạc 10ha; Yên Thủy 910ha; Huyện Kim Bôi 44ha. Huyện Yên Thủy có hơn 300 con ngan, gà chết do ngập úng. Ngoài ra, mưa còn gây sạt lở đến nhiều công trình giao thông: tại dốc Cun sạt lở khối lượng khoảng 4.000m3 thuộc dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun (Km78+420 ÷ Km85+100 và đoạn Km79+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình. Đường tỉnh trên tuyến đường 433: Tổng khối lượng sạt lở 1.630m3 (trong đó thành phố Hòa Bình là 800m3, tại Km3+320 thuộc xã Hòa Bình; huyện Đà Bắc 830m3, trên địa bàn các xã Tân Minh, Tân Pheo, Nánh Nghê.

Ngành giao thông vận tải đang tiến hành khắc phục thông tuyến. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Hội thảo “Giải pháp sử dụng hiệu quả VLXD trong ngành xây dựng công trình hạ tầng giao thông"

Tham dự có đại diện ngành GTVT, KH&CN, KH&ĐT, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, một trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông thích ứng với BĐKH…

Giải pháp sử dụng hiệu quả VLXD trong xây dựng công trình giao thông
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch có tổng chiều dài khoảng 9.014 km.

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.

Điểm đáng chú ý, các công trình hạ tầng giao thông nói chung và công trình đường bộ cao tốc nói riêng thường được cấu tạo với các lớp vật liệu nền, móng, mặt đường. Trong đó, các đoạn tuyến đường đi qua vùng đồng bằng thường gặp nền đất yếu, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý nền, thay đất, tôn cao độ nền, dẫn đến khối lượng vật liệu đất (cát) cần sử dụng là rất lớn.

Do đó, tại khu vực ĐBSCL, với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay thì trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác trong khu vực (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…) sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu, nguồn tài nguyên cát thiên nhiên sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, đời sống an sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến vật liệu trong thực tiễn xây dựng đường bộ cao tốc, nghiên cứu sử dụng cát biển trong xây dựng đường bộ cao tốc, nghiên cứu sử dụng tro xỉ nhiệt điện kết hợp với cát biển để đắp nền đường ven biển, kinh nghiệm xây dựng cầu cạn, so sánh giải pháp cầu cạn với các giải pháp nền đường đắp trên đất yếu trong bối cảnh khan hiếm vật liệu đắp nền, giải pháp cầu cạn cho phát triển bền vững hệ thống hạ tầng giao thông hệ thống ĐBSCL và chi phí đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc sử dụng nền đường bằng cát đắp và phương án cầu cạn bê tông cốt thép ở Việt Nam…

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đang thi công các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phản ánh thực tiễn công tác khai thác mỏ vật liệu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư của các dự án.

Đại diện Tổng công ty CP VINACONEX phản ánh, trong hồ sơ khảo sát vật liệu do tư vấn thiết kế lập chỉ có một số ít mỏ vật liệu đắp có Giấy phép khai thác, còn lại chủ yếu là các mỏ mới chưa có trong quy hoạch, định hướng quy hoạch làm VLXD thông thường. Một số mỏ khoáng sản được định hướng cung cấp cho dự án thì trữ lượng và chất lượng chưa được khảo sát để đưa ra đánh giá đúng về mức độ đáp ứng…

Chính phủ đã có cơ chế cho phép nhà thầu tiếp nhận mỏ vật liệu để tự khai thác, trong đó giảm bớt thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản cho nhà thầu. Tuy nhiên, các thủ tục khác vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật Khoáng sản, trong đó thời gian cấp phép khai thác có thể mất 7 - 9 tháng.

Liên quan đến vấn đề tiếp nhận mỏ từ các địa phương, đại diện Tập đoàn Đèo Cả phản ánh, trình tự thực hiện thủ tục của các địa phương chưa đồng nhất, chưa làm rõ một số nội dung trong hồ sơ cấp phép… Đặc biệt, việc giao cho nhà thầu tự thỏa thuận GPMB mỏ vật liệu với người dân nên xảy ra tình trạng ép giá, dẫn đến đơn giá khai thác tại mỏ cao hơn rất nhiều so với đơn giá trong dự toán, hoặc có trường hợp người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng thì địa phương cũng không có cơ sở cưỡng chế, bảo vệ thi công.

Theo đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), thực tế không chỉ có các tỉnh phía Nam mới không có vật liệu thi công, mà ngay cả các tỉnh khu vực miền Trung cũng có những thời điểm không có vật liệu thi công mặc dù mỏ vật liệu ngay bên cạnh.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, khi các chủ mỏ bị kiểm soát giá, không bán được giá cao hơn giá theo công bố giá của tỉnh, sẽ dẫn tới việc các chủ mỏ không muốn cung cấp cho dự án, khó tiếp cận với chủ mỏ để có được hồ sơ pháp lý đầu vào, lấy mẫu thí nghiệm vật liệu…

Bên cạnh đó, theo đại diện VINACONEX, cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý hiệu quả đơn giá vật liệu trên thị trường cũng như những biến động, trượt giá vật tư vật liệu, dẫn đến khi nhà thầu thi công đồng loạt, các chủ mỏ vật liệu bắt tay nâng giá rất cao so với đơn giá trong Công bố giá của địa phương.

Ví dụ, ở gói thầu 11XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, thời điểm tháng 3,4/2023 giá đất tại các mỏ khoảng 65 nghìn đồng/m3, trong khi Công bố giá của tỉnh chỉ từ 45 - 49 nghìn đồng/m3.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đã đề xuất một số giải pháp cho vấn đề thiếu nguồn cung vật liệu cho các dự án giao thông, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Các doanh nghiệp thi công cao tốc kiến nghị Chính phủ, UBND các tỉnh có cơ chế đặc thù, cải thiện thủ tục hành chính để rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho xây dựng cao tốc để kịp thời có nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Đặc biệt là khu vực ĐBSCL, kiến nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh phân bổ nguồn vật liệu đến các dự án, yêu cầu chủ mỏ cam kết cung cấp cho dự án số lượng cụ thể, trường hợp không thực hiện đúng cam kết, đúng số lượng phải xem xét xử lý theo pháp luật hoặc thu hồi giấy phép khai thác.

Trình bày tham luận liên quan đến nghiên cứu thí điểm ban đầu về sử dụng cát biển trong xây dựng đường cao tốc tại ĐBSCL, đại diện BQLDA Mỹ Thuận (Bộ GTVT) đề xuất xây dựng định mức mới liên quan đến công tác khai thác, vận chuyển và thi công thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường, từ đó có căn cứ xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình. Hiện nay, BQLDA Mỹ Thuận và Viện CL&PT GTVT đã phối hợp trình Bộ GTVT xem xét, góp ý và tiếp tục hoàn thiện, triển khai theo quy định.

Trình bày tham luận về đề tài liên quan đến sử dụng tro xỉ nhiệt điện kết hợp với cát mặn để đắp nền đường ven biển, đại diện của Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm đến việc ban hành tiêu chuẩn, mạnh dạn chấp nhận rủi ro hơn nữa để đưa các loại vật liệu mới vào thí điểm.

Nhóm các nhà khoa học TS Trần Bá Việt, PGS.TS Nguyễn Thanh Sang và ThS Nguyễn Trọng Nghĩa đề xuất giải pháp cầu cạn kết hợp đường đắp để phát triển bền vững hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam. Trong đó, TS Trần Bá Việt khẳng định, tổng chi phí xây dựng cho 1 km cầu cạn đường cao tốc với mặt cắt ngang 4 làn xe dự kiến 261 - 268 tỷ đồng/km, đi trên mặt đất là 260 tỷ đồng/km. Nếu xây dựng tuyến ở ĐBSCL với tỷ lệ tuyến cầu cạn/tuyến đường đất đắp khoảng 30%/70% thì chi phí đầu tư xây dựng trung bình 1 km đường cao tốc khoảng 250 tỷ đồng/km, bằng suất vốn đầu tư đường Cần Thơ - Cà Mau.

Tổng mức đầu tư cho phương án cầu cạn sử dụng dầm UHPC là 222 tỷ đồng/km so với tổng mức đầu tư của Bộ Xây dựng quy định cho đường đất dắp trung bình là 180 tỷ đồng/km, tỷ lệ là 1,23 lần. Với đoạn đất đắp cao trên 3,5 m thì tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng/km thì tỷ lệ là 0,93 lần, lưu ý là ở đây chỉ tính đầu tư xây dựng chưa tính tới chi phí bảo trì trong 50 năm.

Tại Hội thảo, đại diện cho một doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cầu cạn trong hệ thống hạ tầng giao thông Trung Quốc, trong đó khuyến nghị, trong điều kiện địa chất không tốt, nền đất yếu, cần cân nhắc phương án cầu cạn khi phải xử lý nền đất yếu có độ dày trên 12 m.

TS Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng cho biết, chi phí đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc theo công bố của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 510/QĐ-BXD chỉ là chỉ tiêu tổng hợp, được xác định bình quân cho các điều kiện của dự án theo 8 vùng, theo mặt bằng giá quý IV/2022.

Cụ thể, suất vốn đầu tư cao tốc 4 làn xe là 186,181 tỷ đồng/km, trong đó suất chi phí xây dựng là 170,631 tỷ đồng/km. Suất vốn đầu tư cao tốc 4 làn xe chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu, xử lý nền đất yếu là 143,809 tỷ đồng/km, trong đó suất chi phí xây dựng là 132,293 tỷ đồng/km.

TS Cư cũng lưu ý, suất vốn đầu tư này chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, lãi vay trong thời gian xây dựng, đánh giá tác động môi trường, gia cố nền móng đặc biệt và một số khoản mục chi phí có liên quan…

“Với tính chất là chỉ tiêu tổng hợp và có tính bình quân nên việc sử dụng chỉ tiêu suất vốn đầu tư theo công bố của Bộ Xây dựng để phân tích, so sánh chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc sử dụng nền bằng cát đắp và phương án cầu cạn bê tông cốt thép là rất khó khả thi”, TS Lê Văn Cư cho biết.

TS Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam khuyến nghị: Nên tách bạch thành 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất, đối với các dự án đang triển khai, đã được phê duyệt, thiết kế kỹ thuật gần như đã xong, đã đấu thầu xong và đang triển khai, cần có phương án làm sao đủ vật liệu để đắp nền đường, chủ yếu cho khu vực nền đất yếu.

Vấn đề thứ hai, đối với các dự án giao thông sắp tới, việc lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật cầu cạn hay đường đất đắp, nên diễn ra khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc trước khi phê duyệt dự án…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu đã nhận diện các khó khăn, vướng mắc của từng nhóm vấn đề, nêu bật được giải các pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động hiệu quả các dự án giao thông. Bộ Xây dựng tiếp thu, tổng hợp và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian ngắn sắp tới./.

Thu hồi, chấm dứt công nhận chủ đầu tư dự án Khu tái định cư đô thị mới Phú Mỹ

Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư đô thị mới Phú Mỹ trước đây đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công nhận chủ đầu tư năm 2018. Thời điểm này, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh là chủ đầu tư của dự án.

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mọi chi phí chuẩn bị đầu tư phát sinh (nếu có) liên quan đến dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh phải tự chịu trách nhiệm.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư đô thị mới Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đó, ông Nguyễn Công Vinh giao các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Phú Mỹ và các đơn vị có liên quan tổ chức thu hồi hoặc trình UBND tỉnh thu hồi các văn bản liên quan đến quá trình triển khai thủ tục thực hiện dự án nêu trên.

Đồng thời, UBND thị xã Phú Mỹ có trách nhiệm thực hiện công bố chủ trương thu hồi dự án trên cho người dân trong vùng dự án được biết và định hướng quy hoạch của khu đất sau khi thu hồi dự án theo đúng quy định.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng giao cho UBND thị xã Phú Mỹ nghiên cứu, đề xuất phương án, nguồn gốc vốn đầu tư nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư đô thị mới Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ báo cáo, đề xuất để UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Được biết, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định thu hồi, chấm dứt việc công nhận chủ đầu tư dự án này xét từ đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tại Văn bản số 2716/SXD-QLN ngày 8/6/2023 và Văn bản số 1266/SXD-QLN ngày 29/03/2023

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội

Theo báo cáo từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn có một lượng lớn các đối tượng yếu thế trong xã hội (người lao động thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp, người nghèo, người có công với cách mạng...) khó có cơ hội tiếp cận các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa (trường học, y tế, thể thao...).

Do đó, thực hiện hỗ trợ các nhóm đối tượng này về nhà ở và đặc biệt là việc triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội là hết sức cần thiết.

tm-img-alt
Phối cảnh nhà ở xã hội tại dự án Khu dân cư Lan Anh 10.

Chính vì vậy, giai đoạn từ năm 2010 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng các ngành đã có sự quan tâm trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân cả khu vực đô thị và nông thôn, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Từ năm 2009 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định trong việc phê duyệt, thúc đẩy và phát triển quỹ nhà ở xã hội tỉnh các giai đoạn.

Công ty THHH Lan Anh (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) là doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ 2010 đến nay Công ty THHH Lan Anh đã triển khai 3 dự án thương mại, trong đó dành 20% quỹ đất để xây dựng gần 800 căn nhà ở xã hội.

Theo bà Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Lan Anh, nhu cầu nhà cho người thu nhập thấp ở Bà Rịa-Vũng Tàu rất lớn. Do vậy, trong quá trình triển khai các dự án, doanh nghiệp được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã mạnh dạn điều chỉnh một số dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Năm 2025, doanh nghiệp sẽ khởi công dự án Lan Anh 10, tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức với quy mô 3 tòa nhà chung cư, đáp ứng nhu cầu 480 căn nhà ở xã hội.

Đề xuất sớm thực hiện cao tốc Nha Trang - Liên Khương theo hình thức PPP

Điểm đầu của dự án tại Km0+00 giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ở xã Diên Lộc (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Điểm cuối tại Km103+00 giao với điểm cuối cao tốc Liên Khương - Prenn tại phường 3 (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m, tốc độ thiết kế 80 - 100 Km/h. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP - hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ gần 27.500 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện 36.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2025 - 2028.

tm-img-alt
Cao tốc Khánh Hòa – Liên Khương kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế mới của vùng - Ảnh minh họa

Sau khi nhận được đề xuất này, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Trong đó lưu ý bổ sung tính cần thiết, hiệu quả của dự án.

Đề xuất thêm các phương án hướng tuyến, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hạn chế ảnh hưởng đến diện tích rừng. Đồng thời UBND tỉnh sẽ làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng để thống nhất các nội dung liên quan đến dự án.

Trước đó, Tập đoàn Sơn Hải cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Khánh Hòa xin nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường bộ cao tốc từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Liên Khương (Lâm Đồng) theo phương thức PPP.

Đề xuất mở rộng tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận

Trong văn bản gửi Bộ GTVT về việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương- Mỹ Thuận theo hình thức PPP, UBND tỉnh Long An cho biết, tuyến cao tốc này có hơn 28km đi qua địa bàn tỉnh Long An, nên có vai trò rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là đến năm 2025, các tuyến cao tốc ở khu vực Tây Nam bộ, đường Vành đai 3 TP.HCM khi hoàn thành sẽ kết nối tạo thành mạng lưới đường cao tốc khu vực Nam bộ thông qua tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến cao tốc đường Vành đai 3 TP.HCM (hiện đang đầu tư giai đoạn 1).

Thực tế cho thấy, giai đoạn 1 của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đã và đang đóng vai trò rất quan trọng cho nhu cầu giao thông chất lượng cao trong khu vực. Tuy nhiên, do nhu cầu giao thông tăng cao nhưng quy mô giai đoạn 1 hạn chế, nên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận thường xuyên ùn tắc và trong tương lai gần sẽ không thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng giao thông.tm-img-alt

Thông tin về lý do đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), UBND tỉnh Long An nêu rõ: "Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức đối tác công tư là phương án tối ưu".

UBND tỉnh Long An cho rằng, Dự án đầu tư giai đoạn 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP có chiều dài lên đến hơn 91 km, đi qua địa bàn TP. HCM và 2 tỉnh: Long An, tỉnh Tiền Giang, nên Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án theo phương thức PPP là phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành và năng lực chuyên môn.

UBND tỉnh Long An cam kết sẽ tích cực phối hợp với Bộ GTVT và Nhà đầu tư đươc lựa chọn trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Long An.

Do hiện nay, tuyến cao tốc vành đai 3 TP.HCM giai đoạn 1 đang được triển khai đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2025, trong đó, có Dự án thành phần 7 dài khoảng 6,37 km, từ lý trình Km85+200 đến Km91+568 qua địa bàn tỉnh Long An với quy mô 4 làn xe cao tốc. Dự án thành phần 7 có vị trí kết nối với tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao Bến Lức.

Tại vị trí nút giao này có lưu lượng xe tập trung lớn nên cần sớm mở rộng theo quy hoạch để tránh ùn tắc và khai thác hiệu quả đầu tư của 3 tuyến cao tốc.

Do đó, UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung đầu tư giai đoạn 2 của Dự án thành phần 7 đường vành đai 3 TP.HCM dài khoảng 6,37 km phù hợp quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc (đầu tư thêm 4 làn xe cao tốc) vào Dự án đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP.

“UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng đối với phạm vi mở rộng này (nếu có)”, công văn số 8712/UBND - KT nêu rõ.

BTV

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 28/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.