Thứ sáu, 26/04/2024 21:28 (GMT+7)

Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 6/4/2020

MTĐT -  Thứ hai, 06/04/2020 19:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/4/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 6/4 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cập nhật lúc 18h ngày 6-4-2020:

Thế giới: 1.284.758 người mắc; 70.320 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 336.851 người mắc; 9.620 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 135.032 người mắc; 13.055 người tử vong.

- Italy: 128.948 người mắc; 15.887 người tử vong.

- Đức: 100.132 người mắc; 1.584 người tử vong.

Việt Nam: 245 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
79 bệnh nhân (BN17, BN18, BN19, BN22, BN23, BN 24, BN25, BN27,BN29, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN 48, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64 , BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79,BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN117, BN118, BN121, BN122, BN129, BN130, BN 131, BN132, BN138, BN140, BN154, BN179, BN187, BN198) mắc COVID-19, tính từ ngày 06/3 đến 05/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam: Sáng thứ 2 liên tiếp không có ca nhiễm mới

Theo Bộ Y tế, trong vòng 24h qua, Việt Nam ghi nhận duy nhất một trường hợp mắc mới vào chiều tối qua, nâng tổng số ca dương tính với COVID-19 lên 241, trong đó 91 người đã khỏi bệnh. Đây là buổi sáng thứ 2 liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.

Trong tổng số 241 ca nhiễm, có 150 ca từ nước ngoài nhâp cảnh (chiếm 62,2%) và 91 ca lây nhiễm thứ phát. Đến nay, số ca âm tính lần 1 là 29 ca; số ca âm tính lần 2 là 23 ca, theo Bộ Y tế.

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Tính đến 7h sáng nay (6/4), thế giới đã ghi nhận 1.272.848 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 69.423 người đã tử vong và 261.485 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer).

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 208 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Covid-19 hạ nhiệt ở châuÂu

Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức, hôm nay thông báo ghi nhận 95.391 trường hợp dương tính với nCoV. Thống kê cho thấy số ca nhiễm mới tại Đức hôm nay thấp hơn 2.259 trường hợp so với một ngày trước đó, đánh dấu ngày giảm thứ 4 liên tiếp.

Có thêm 92 người chết trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Đức lên 1.434.

Số ca nhiễm nCoV mới và ca tử vong cũng đang giảm tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp cuối tuần vừa rồi, mang lại hy vọng đại dịch sắp đạt đỉnh và có thể chững lại, dù vẫn có hàng trăm người chết hàng ngày.

Italy ngày 6/4 ghi nhận 525 ca tử vong, giảm nhẹ so với hôm trước và đánh dấu mức tăng thấp nhất trong hơn hai tuần, nâng số ca tử vong lên 15.887. Giới chức Italy cho biết số ca nhiễm mới và số người chết trong những ngày gần đây cho thấy dịch đã đạt đỉnh và con số có thể giảm, song chỉ khi các biện pháp phong tỏa được thực thi.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.478 ca nhiễm và 694 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 131.646 và 12.641. Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại, nhưng Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.

Mỹ: Tâm dịch của thế giới

Mỹ đang là tâm dịch với 331.519 ca nhiễm và 9.484 ca tử vong do COVID-19. Trong vòng 24h tính tới 6h sáng 6/4, nước Mỹ đã chứng kiến 1.032 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 và ghi nhận thêm tới 20.162 ca bệnh mới.

Bang New York tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất “xứ sở cờ hoa”. Tính đến cuối ngày 5/4 (theo giờ Bờ Đông), riêng New York đã ghi nhận 4.159 ca tử vong. Thống đốc bang Andrew Cuomo cảnh báo diễn biến dịch COVID-19 tại New York những ngày tới sẽ rất khó đoán định bởi số ca nhiễm mới hiện vẫn tăng nhiều, với tổng số ca nhiễm tại tiểu bang là 122.031 ca, trong đó số ca nhiễm ở thành phố New York là 67.551. Số người đang được điều trị tại viện là 16.479 người.

Theo AP, chưa có nước nào trải qua tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ ca tử vong cao như Mỹ. Nhà Trắng cảnh báo mô hình dịch cho thấy trong 6-7 ngày tới, đỉnh dịch sẽ diễn ra tại thành phố New York, Detroit, New Orleans và nhiều vùng phụ cận của những thành phố này. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ đang phải chuẩn bị cho hai tuần sắp tới có thể là “đỉnh dịch” và là thời điểm “rất, rất đau thương” của quốc gia này.

Bác sỹ Jerome Adams, Tổng Y sĩ của Mỹ (US surgeon general) nhận định tuần tới tình hình sẽ kinh khủng như thời điểm cuộc khủng bố 11/9 trước đây

Trong khi đó, bác sỹ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm lên tiếng kêu gọi người Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho cú sốc sắp tới.

Italy: Bắt đầu có dấu hiệu tích cực

Ngày 5/4, Italy đã ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thấp nhất trong 2 tuần qua và số lượng bệnh nhân cần điều trị tích cực tiếp tục giảm ngày thứ 2 liên tiếp.

Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy trong ngày 5/4, nước này ghi nhận thêm 4.316 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 128.948 trường hợp.

Số ca tử vong tăng lên thành 15.887 trường hợp (tăng 525 ca). Số ca hồi phục tăng lên thành 21.815 ca (tăng 819 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.949 ca nhập viện, 3.977 ca phải điều trị tích cực và 58.320 ca cách ly tại nơi ở.

Tây Ban Nha cũng bước vào giai đoạn chững lại

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 5.478 ca nhiễm và 694 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 131.646 và 12.641. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 38.080.

Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn Covid-19, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.

Thủ tướng Sanchez đang kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phát hành "trái phiếu corona" nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng nặng trong khối đối phó với tác động kinh tế từ đại dịch.

Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 100.123 người dương tính nCoV và 1.584 người chết, tăng lần lượt 4.031 và 140 so với hôm trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói "có chút hy vọng" khi số ca nhiễm và ca tử vong mới mỗi ngày có dấu hiệu tăng chậm lại, song còn quá sớm để nhận định xu hướng phát triển của đại dịch và chưa tới lúc nới lỏng các biện pháp phòng chống.

Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Đức cũng đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).

Pháp ngày 5/4 đã ghi nhận 357 ca tử vong do dịch COVID-19 tại bệnh viện trong 24 giờ qua - mức tăng trong ngày thấp nhất trong tuần qua ở nước này, nâng tổng số ca tử vong do dịch tại Pháp lên 8.078 người.

Thông báo cho hay con số trên bao gồm 5.889 bệnh nhân qua đời tại bệnh viện và 2.189 người tại các nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế khác.

Ngoài ra, Pháp cũng ghi nhận thêm 748 ca nhiễm mới tại các bệnh viện, nâng tổng số người phải nhập viện điều trị lên 28.891. Trong đó, hiện có 6.978 người phải điều trị tích cực, tăng 140 người so với 1 ngày trước đó.

Đây cũng là con số thấp nhất trong nhiều ngày qua. Từ hôm 17/3, Pháp đã tiến hành phong tỏa trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19. Người dân chỉ được phép ra ngoài với giấy thông hành. Hiện Pháp đã ghi nhận 92.839 ca mắc trên cả nước, tuy nhiên đây không phải là con số tổng thể, do việc xét nghiệm là chưa phổ biến.

Anh cũng thêm 5.903 ca mắc và 621 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 5/4. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 47.806 trường hợp, trong đó 4.934 ca tử vong.

Trong bài phát biểu gửi đến toàn thể người dân Vương quốc Anh tối ngày 5/4, Nữ hoàng Elizabeth đã kêu gọi người dân nước này thể hiện niềm tự hào và đoàn kết giống như trong quá khứ để chiến thắng đại dịch Covid-19,

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh, Matt Hancock cho biết, trước tình trạng nhiều người dân Anh trong vài ngày qua đổ ra đường để tắm nắng và tụ tập đông người trong các công viên để tận hưởng thời tiết đẹp, nước Anh có thể siết chặt quy định giống như các nước Italy, Tây Ban Nha hay Pháp là chỉ cho người dân ra khỏi nhà tập thể dục tối đa 1 tiếng/ngày trong phạm vi 1km quanh nhà.

Tại châu Á, Iran vẫn là ổ dịch lớn thứ 2, sau Trung Quốc, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 151 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 3.603 ca. Số ca mắc COVID-19 tại Iran đã tăng 2.483 ca lên 58.226 ca.

Trung Quốc thông báo 81.708 ca nhiễm tại đại lục, tăng 39 ca, trong đó có 38 ca ngoại nhập và một ca nội địa. Số ca tử vong là 3.331, tăng hai ca so với một ngày trước.

Trung Quốc từ 1/4 bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày.

Tại Hàn Quốc, để góp phần nâng cao hiệu quả biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ nước này ngày 5/4 đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội tới hết ngày 19/4 tới. Hàn Quốc ngày 5/4 ghi nhận số ca nhiễm mới ngày thứ 24 liên tiếp ở mức dưới 100 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 10.237 ca, tỷ lệ khỏi bệnh tăng đều từng ngày trong khi số ca nhiễm từ nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.

Nhật Bản dự định ban bố tình trạng khẩn cấp do COVID-19

Ngày 6/4, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho hay Thủ tướng nước này Shinzo Abe dự định ban bố tình trạng khẩn cấp vì đợt bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra tại nước này, trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng nhanh tại Tokyo và nhiều thành phố lớn khác của Nhật Bản.

Việc ban bố nói trên, căn cứ vào một đạo luật mới sửa đổi gần đây, sẽ trao quyền cho chính quyền địa phương chỉ thị cho người dân ở nhà và yêu cầu đóng cửa trường học cũng như những cơ sở khác.

Động thái này sẽ nhằm vào các thành phố lớn như Tokyo và Osaka.

Theo thống kê của trang web worldometers.info, tính đến sáng 06/4, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Nhật Bản đã tăng 515 trường hợp so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 3.654 người.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng 5/4, Malaysia vẫn đang là ổ dịch lớn nhất khu vực với 3.662 ca nhiễm và 61 ca tử vong, tăng lần lượt 179 và 4 ca so trong vòng 24h qua. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.

Philippines – ổ dịch lớn thứ 2 khu vực ghi nhận tổng cộng 3.246 ca nhiễm và 152 ca tử vong, tăng lần lượt 152 và 8 ca. Trong vòng 24h qua, Philippines là quốc gia có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất khu vực.

Indonesia vẫn là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 2.273 ca nhiễm và 198 ca tử vong; tăng lần lượt 181 và 7 ca so với một ngày trước đó.

Thái Lan hôm qua ghi nhận thêm 102 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 2.169 và 23 ca.

Singapore tính đến sáng nay ghi nhận tổng cộng 1.309 ca nhiễm và 6 ca tử vong do COVID-19.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 6/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới