Thứ năm, 02/05/2024 08:31 (GMT+7)

TP.HCM đề xuất có thêm chức danh trợ lý điều dưỡng

Duy Anh -  Thứ bảy, 08/10/2022 10:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thiếu điều dưỡng đang là tình trạng chung của hầu hết các bệnh viện tại TP.HCM. Ngành y tế TP.HCM đề xuất được có thêm chức danh trợ lý điều dưỡng.

Sáng ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức buổi làm việc với Sở Y tế và lãnh đạo 25 bệnh viện trên địa bàn về vấn đề thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 1/1/2020-30/6/2022.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2022 nhân sự của các đơn vị y tế công lập tại TP.HCM có nhiều biến động, số lượng bác sĩ và điều dưỡng thôi việc tăng nhanh.

Để khắc phục khó khăn về mặt nhân sự, các bênh viện đã tăng cường tuyển dụng và tuyển được 1.037 viên chức, trong đó có 613 bác sĩ, 459 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và 235 người chức danh khác. Tuy nhiên, số lượng nghỉ việc quá nhiều cho nên số lượng người làm việc tại các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 318 người so với năm 2021.

Đáng chú ý, tỷ lệ điều dưỡng/ bác sĩ đang có xu hướng giảm dần làm ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc người bệnh. Qua khảo sát, có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỷ lệ điều dưỡng chỉ đạt 1.86/1, trong khi theo quy định yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/ 1bác sĩ

TP.HCM đề xuất có thêm trợ lý điều dưỡng - Ảnh 1.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề xuất có thêm chức danh trợ lý điều dưỡng.

Nguyên nhân được đưa ra là do chính sách hiện nay chưa phù hợp với áp lực công việc của điều dưỡng, hộ sinh. Chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ thu nhập để giữ chân được người có tay nghề, người đang cống hiến, làm việc cho các đơn vị y tế công lập trực thuộc.

Đồng thời, do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh đầu vào theo Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định các chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế hạng IV được tuyển dụng (trừ y sĩ) yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên và viên chức có trình độ trung cấp đã được tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hàng IV phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng đúng chuyên ngành tuyẻn dụng chậm nhất ngày 1/1/2025.

Do đó các bệnh viện gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng điều dưỡng mới thay thế cho điều dưỡng đã nghỉ việc.

BSCK2 Hà Thị Hồng Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cũng chia sẻ: "Bệnh viện chúng tôi cũng rất khó khăn do thiếu điều dưỡng. Thậm chí bệnh viện chúng tôi còn khó khăn hơn các bệnh viện khác do yêu cầu trình độ điều dưỡng cao. Điều dưỡng đa khoa khi muốn làm việc tại bệnh viện cần được đào tạo về y học cổ truyền thì mới đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra".

Các y sĩ y học cổ truyền sẽ không được tuyển vào làm việc nếu như không được học qua điều dưỡng, sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hệ điều dưỡng thì mới được tuyển dụng vào làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền.

Trên thực tế, điều dưỡng tại các bệnh viện phải làm khối lượng công việc rất lớn từ công việc hành chánh, thủ tục giấy tờ cho tới chăm sóc bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn gây áp lực lên điều dưỡng và ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả chăm sóc người bệnh.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM mong muốn có thể bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng để giảm tải lượng công việc cho điều dưỡng. Theo đó, trợ lý điều dưỡng sẽ hỗ trợ các công việc hành chính, thủ tục giấy tờ cho tới việc chăm sóc người bệnh với điều dưỡng. Thậm chí, khi cần trợ lý điều dưỡng sẽ hỗ trợ cả bác sĩ.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cũng cho rằng việc bổ sung trợ lý điều dưỡng là rất cần thiết. Thực tế tại bệnh viện cho thấy có những công việc không biết giao cho bộ phận nào vì điều dưỡng đang rất thiếu và họ phải làm rất nhiều việc.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng cũng đưa ra dẫn chứng, trên thế giới, ngoài chức danh điều dưỡng còn có chức danh trợ lý điều dưỡng. Trợ lý điều dưỡng sẽ được đào tạo trong thời gian 3 tháng và được cấp giấy chứng nhận và không cần chứng chỉ hành nghề./.

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM đề xuất có thêm chức danh trợ lý điều dưỡng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.

Tin mới