Thứ bảy, 27/04/2024 15:16 (GMT+7)

Tranh ghép tường làm từ phế liệu

MTĐT -  Thứ sáu, 07/07/2023 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ những mảnh vỡ gốm sứ, gạch lát xây dựng chai lọ... người dân làng Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã chung tay làm nên những bức tranh ghép đầy màu sắc, trải dải khắp các cung đường. Qua đó lan tỏa mạnh mẽ ý thức bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.

Nằm bên bờ đê sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km, làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mang đến cho bất kỳ ai ghé thăm một cảm giác bình yên, bởi những con ngõ đậm nét làng Việt xưa. Thời gian gần đây, nơi này thu hút thêm sự chú ý của mọi người nhờ hàng chục bức tranh ghép tường đa sắc chạy dài khắp ngõ ngách của ngôi làng.

Điều khiến khách đến thăm làng thích thú không chỉ là những bức tranh gốm sứ, mộc mạc, đầy tính nghệ thuật mà còn từ nguồn vật liệu đặc biệt làm ra những tác phẩm này hầu hết đều là đồ phế liệu như: Mảnh chai, lọ thủy tinh; bát, đĩa, gạch, ngói vỡ, gạch lát xây dựng… Những thứ tưởng như đã bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường qua bàn tay của người dân Liên Mạc đã được tái sinh trở thành những bức tranh mộc mạc, hấp dẫn, đa sắc màu: Hình ảnh đồng quê gần gũi, cây đa giếng nước sân đình… hiện lên sinh động hơn bao giờ hết.

Tranh ghép tường làm từ phế liệu
Những bức tranh miêu tả khung cảnh làng quê giản dị gần gũi.

Chị Ngô Quỳnh Liên (Công ty CP Mỹ Thuật Liên Vũ) - chủ dự án "Tranh ghép tường làng Liên Mạc" chia sẻ:Với tình yêu quê hương, ấp ủ ước muốn xây dựng đường làng ngõ xóm từ lâu và nhận thấy tại các ngõ nhỏ nhiều phế thải xây dựng khó xử lý và phân hủy, chúng tôi đã có ý tưởng tái sử dụng những nguyên vật liệu này thành những bức tranh, làm đẹp cho đường làng.

Chia sẻ phóng viên, trong suốt quá trình thực hiện, điều chị Liên cảm thấy thú vị nhất là quá trình thu gom vật liệu: "Vật liệu để tạo nên những bức tranh tường được chúng tôi thu gom từ rất nhiều nguồn. Có nguồn do mọi người đăng các bài làm tranh lên mạng xã hội, đã có những người bạn ở rất xa cũng đã đóng gói những bát đĩa vỡ của gia đình gửi cho chúng tôi. Ngoài ra cũng có các cô lao công, học sinh của làng đi thu gom. Hay đơn vị nơi tôi đang công tác đã hỗ trợ những chuyến xe sang làng gốm Bát Tràng để thu gom những vật liệu như lọ hoa, những viên gạch không đạt yêu cầu... Những vật liệu bị bỏ đi này được chúng tôi xin về để đập ra và lấy những màu sắc gắn lên tranh." - chị Liên cho biết.

Tranh ghép tường làm từ phế liệu
Bát đĩa vỡ bỏ đi được con em làng Liên mạc đem đến ghép tranh tường

Tranh ghép tường làm từ phế liệu

Điểm tập kết vật liệu tại cổng chùa

Sự xuất hiện của bức tranh làm thay đổi hàng tường bao năm cũ kỹ, đơn điệu, khiến người dân thấy phấn khởi trước hình ảnh mới của làng mình, mong muốn góp công, góp sức vào việc chung của cộng đồng. Từ một nhóm nhỏ làm việc đơn lẻ, việc ghép tranh gốm sứ ở làng Liên Mạc cứ thế ngày càng thu hút nhiều người tham gia hỗ trợ hơn.

Chị Nguyễn Thị Toan - nhân viên Công ty CP Mỹ Thuật Liên Vũ, cũng là người dân sinh sống tại tổ dân phố Hoàng Liên 2 chia sẻ: Công đoạn để làm nên những bức tranh mất khá nhiều thời gian bởi có những chi tiết cần phải đập những viên gạch rất nhỏ cho phù hợp với từng chi tiết của tranh. Nhưng điều đáng mừng là con đường gốm sứ được toàn dân ủng hộ và hưởng ứng.

"Những ngày làm tranh tường là những ngày gắn kết cộng đồng dân cư khu phố. Mỗi người một chân một tay góp sức, góp công. Không khí làm việc vui vẻ, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần các gia đình,đoàn thanh niên, phụ nữ, các ban ngành của phường, tổ dân phố nô nức kéo nhau làm tranh." - chị Toan cho biết.

Tranh ghép tường làm từ phế liệu

Tháng 5/2023 dự án tiếp tục được người dân làng Liên Mạc triển khai đối với con hai con đường dẫn ra đình cổ và chùa cổ

Tranh ghép tường làm từ phế liệu

Những ngày làm tranh tường là những ngày gắn kết cộng đồng dân cư khu phố

Qua bàn tay khéo léo của người dân làng Liên Mạc, những vật liệu tưởng chỉ để bỏ đi đã hồi sinh thành những tác phẩm nghệ thuật đầy sắc màu cuộc sống. Qua đó người xem thấy được bóng dáng làng quê Bắc Bộ, với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, ao sen, chiếu chèo ngày hội… cũng như ký ức riêng của mỗi gia đình về cảnh đẹp làng mình khi xưa.

Kể từ khi khởi động từ tháng 10/2020 đến nay, con đường tranh của làng Liên Mạc đã có được hơn 40 tác phẩm tranh ghép từ gốm, sứ… nối dài, tạo hình ảnh ấn tượng, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, khiến nhiều người biết đến làng hơn.

Chia sẻ về kế hoạch tiếp theo để phát triển dự án cộng đồng này chị Liên cho biết: "Hiện nay, người dân làng Liên Mạc đang tiếp tục triển khai đối với hai con đường dẫn ra đình cổ và chùa cổ. Mục tiêu của dự án là sẽ hoàn thành được 200 bức tranh và sau đó tôi mong muốn được hỗ trợ để đăng ký thành điểm du lịch cho địa phương giống như làng bích hoạ hay một số làng nghệ sĩ khác."

Những bức tranh tường từ gốm sứ, không chỉ mang lại vẻ đẹp ấn tượng cho đường làng, ngõ xóm. Mỗi tác phẩm nghệ thuật bình dị này còn góp phần gắn kết tình cảm giữa người dân địa phương với nhau, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Tranh ghép tường làm từ phế liệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Anh Thư/scp.gov.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề