Thứ bảy, 04/05/2024 20:28 (GMT+7)

VCCA: Sợi dây truyền cảm hứng nghệ thuật cho người trẻ Việt

Thu Khánh. -  Thứ hai, 08/06/2020 11:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 31/05 đến 31/07/2020, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom diễn ra triển lãm “Hình ảnh và Khoảng cách”, giới thiệu tới công chúng Việt Nam 16 kiệt tác của hai danh họa nổi tiếng thế giới.

Đây không phải lần đầu tiên một triển lãm nghệ thuật được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Trước đó VCCA đã từng tổ chức rất thành công một số triển lãm nghệ thuật như “Ấn tượng phản chiếu: Van Gogh và tác phẩm” (08/03-09/04/2019); Tỏa III (20/12/2019 – 23/02/2020),… thu hút nhiều lượt người tham gia, và lần này cũng không ngoại lệ.

Song song với hoạt động triển lãm, để khán giả có thể hiểu thêm về các tác phẩm, VCCA còn tổ chức thêm các workshop, tọa đàm,… Với triển lãm lần này, cùng sự đồng hành của họa sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật Vũ Đỗ, khán giả sẽ được tìm hiểu kĩ hơn về cá tính nghệ thuật của hai danh họa người Áo, đồng thời khám phá những kiệt tác mang đậm dấu ấn của một thời kỳ biến chuyển không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn của cả thế giới với sự kiện Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) và đại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của hơn 50 triệu người.

Tour nghệ thuật Triển lãm Hình ảnh và Khoảng cách với sự đồng hành của họa sĩ Vũ Đỗ thu hút nhiều người tham gia (ảnh: fanpage VCCA)

N. Thảo Linh (SV năm 3 ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ: “Những buổi triển lãm như thế này giúp mình được tiếp cận gần hơn với các tác phẩm của bậc tiền bối, từ đó ‘cảm’ được sâu hơn những cảm xúc mà họ muốn truyền tải thông qua tác phẩm. Trước học thì chỉ thấy những đối tượng được Schiele miêu tả trong tranh hay mang khuôn mặt nhăn nhó, cơ thể vặn xoắn biến dạng, tham gia tour nghệ thuật này mới rõ ông làm vậy đều có chủ đích – như vượt khỏi các quy ước thông thường, vươn ra để thể hiện cái tôi. ”

N. Vân Linh (Quảng Nam) bày tỏ sự ấn tượng về bức tranh Nụ hôn của Gustav Klimt: “Người đàn ông trong tranh với vòng đội đầu kết từ dây thường xuân cúi xuống hôn người phụ nữ đang nghiêng mặt, những bông hoa trên tóc và trên cổ khiến mình cảm giác như Klimt đang khắc họa lại một đôi thần Hi Lạp vậy. Cộng thêm phương pháp biểu diễn lần này là phương pháp số nên mình thấy đây là một trải nghiệm khá thú vị.”

Có thể thấy những triển lãm nghệ thuật không còn quá xa lạ với công chúng Việt Nam nói chung và người trẻ Việt nói riêng. Rất hi vọng những triển lãm nghệ thuật như thế này sẽ xuất hiện ở Việt Nam nhiều hơn, giúp công chúng tiếp cận được gần với những tuyệt tác trăm năm, từ đó truyền cảm hứng nghệ thuật bất tận tới khán giả khiến đời sống tinh thần của chúng ta trở nên phong phú hơn.

Gustav Klimt (14/7/1862 – 6/2/1918) là một họa sĩ theo trường phái Tượng trưng người Áo. Là người sáng lập nên nhóm Ly khai Vienna và được công nhận là họa sĩ vĩ đại nhất của phong trào Tân Nghệ thuật, Klimt đã tiên phong phát triển nên một phong cách nghệ thuật đặc biệt mang tính trang trí và đầy gợi cảm.

Egon Schiele (12/6/1890 – 31/10/1918) là họa sĩ người Áo, một trong những gương mặt quan trọng nhất của trường phái Biểu hiện đầu thế kỷ 20, với những bức tranh mang cảm xúc mãnh liệt có khả năng chạm đến giá trị mang tính bản thể của con người. Tranh của Schiele chịu ảnh hưởng khá nhiều từ người thầy Gustav Klimt của mình.

Một số tác phẩm được trưng bày trong lần triển lãm lần này:

Chân dung Adele Bloch Bauer – Gustav Klimt (ảnh: Thu Khánh)
Mẹ và con II – Egon Schiele(ảnh: Thu Khánh)
Nụ hôn – Gustav Klimt (ảnh: Thu Khánh)

Tự họa với bình hoa đen và những ngón tay dang – Egon Schiele (ảnh: Thu Khánh)

Triển lãm mở cửa tự do hàng ngày từ 10h – 22h, đến hết ngày 31/07/2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (VCCA), B1-R3 Vincom Megamall Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. 

Bạn đang đọc bài viết VCCA: Sợi dây truyền cảm hứng nghệ thuật cho người trẻ Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.