Thứ sáu, 26/04/2024 21:19 (GMT+7)

Xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay

Khánh Dung -  Thứ hai, 29/08/2022 09:25 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại cuộc làm việc với tỉnh Lào Cai ngày 28.8, Thủ tướng lưu ý xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay.

Tỉnh Lào Cai được đánh giá từ một trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước khi tái lập (1991), qua 30 năm không ngừng nỗ lực với quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, đến nay Lào Cai đã "thay da đổi thịt", trở thành tỉnh đứng nhóm đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục (bình quân giai đoạn 1991-2021 đạt gần 10%/năm); tổng thu ngân sách Nhà nước gấp 276 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 122 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu hút, sử dụng các nguồn lực đầu tư ngày càng hiệu quả; Lào Cai xếp thứ 25 trên toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, đứng thứ 2/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (sau Phú Thọ).

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong, nhiều kiến nghị liên quan tới việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông như kết nối giao thông qua biên giới; xây dựng sân bay Sa Pa thành sân bay quốc tế trước 2030; cân đối nguồn lực để đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe vào năm 2023 và hoàn thiện quy mô 6 làn xe vào năm 2030; nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435 mm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng ít có tỉnh nào có nhiều lợi thế như Lào Cai khi Lào Cai - "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", có "sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh"; có diện tích tự nhiên trên 6,3 nghìn km2 (đứng thứ 19/63 cả nước); dân số trên 730 nghìn người (thứ 54/63 cả nước) gồm 25 dân tộc (dân tộc thiểu số chiếm 66,2%) với kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo, trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Con người Lào Cai đoàn kết, cần cù, chủ động, sáng tạo, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

sapa.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Lào Cai - Ảnh: VGP

Lào Cai cũng là trung tâm của các tỉnh trung du, miền núi phía bắc; nằm trên 2 hành lang kinh tế lớn; là một trong số ít tỉnh miền núi có mạng lưới giao thông vận tải đa dạng kết nối nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, đặc biệt từ 1.9 tới đây, khi có tuyến cao tốc thông suốt từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Móng Cái) và sắp có sân bay Sa Pa. Tỉnh có khu du lịch Sa Pa nổi tiếng, nhiều loại khoáng sản như đồng, sắt, apatit, có cửa khẩu quốc tế, đất rộng, người thưa.

Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sản xuất còn manh mún. Công nghiệp chưa phát triển, tỷ lệ đô thị hóa chưa cao, huy động nguồn lực còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa được như mong muốn, một số di sản văn hóa phi vật thể, nét đẹp truyền thống chưa được khai thác hết….

Với lợi thế có nhiều dược liệu quý, Thủ tướng đề nghị tỉnh đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu, phát triển công nghiệp dược liệu. Nhân dịp này, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một văn bản chỉ đạo phù hợp về phát triển công nghiệp dược liệu trên cả nước.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Cũng theo Thủ tướng, quy hoạch phải khai thác tối đa bản sắc văn hóa, thương hiệu Sa Pa, lấy sông Hồng làm trục dọc phát triển của tỉnh Lào Cai và cả vùng, phát triển nhiều cây cầu qua sông Hồng một cách hợp lý, đầu tư các tuyến đường kết nối để tạo không gian, động lực phát triển mới.

Thủ tướng yêu cầu ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, trong đó lưu ý xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay; tập trung phát triển đường sắt kết nối Lào Cai với các vùng khác trên cơ sở hoàn thiện quy hoạch đường sắt của cả nước; khai thác tiềm năng đường thủy...

Báo cáo của tỉnh Lào Cai và các ý kiến tại cuộc làm việc cũng đánh giá, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, có thể nói Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía bắc, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam-Trung Quốc.

Lào Cai là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có hơn 182 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dân số hơn 730 nghìn người. Tỉnh có 25 nhóm, ngành dân tộc cùng sinh sống. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, sau 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và hơn 30 năm tái lập, Lào Cai đã vươn mình từ một tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991-2021 đạt gần 10%/năm.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 gần 10 nghìn tỷ đồng (gấp 276 lần so với năm 1991). GRDP bình quân đầu người đạt gần 83 triệu đồng (gấp 122 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa-xã hội phát triển toàn diện và có bước đi vững chắc. Ngày đầu tái lập, 60% số trẻ em trong độ tuổi chưa được tới trường, đến năm 2000 Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ, năm 2007 phổ cập giáo dục trung học cơ sở, năm 2013 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sĩ/10 nghìn dân. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh từ 54,8% (1991) xuống còn 8,46% (năm 2020 theo tiêu chí cũ).

Khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (năm 2019). Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới với 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, một huyện được công nhận huyện nông thôn mới; tất cả xã, thôn bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn được xếp thứ hạng cao của cả nước.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt được những kết quả toàn diện. Từ thời điểm mới thành lập, Đảng bộ tỉnh có 7 chi bộ, 61 đảng viên; đến hết năm 2021, toàn Đảng bộ có 14 đảng bộ trực thuộc, 615 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 2.918 chi bộ trực thuộc cơ sở, với 52.141 đảng viên, 100% số thôn, bản có chi bộ độc lập.

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng sân bay Sa Pa theo hướng phát triển đô thị sân bay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới