Thứ ba, 19/03/2024 13:46 (GMT+7)

Mường Tè – Lai Châu: Thiếu vốn đưa dân đến nơi an toàn mùa mưa lũ

MTĐT -  Thứ tư, 13/06/2018 12:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo kế hoạch năm 2018, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu phải di dời gần 200 hộ dân ở 4 điểm bản ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng và ổn định sinh kế cho người dân nên huyện Mường Tè phải lựa chọn thứ tự ưu tiên để di chuyển các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ. 

Mường Tè là huyện có số hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao nhất của tỉnh Lai Châu. Kế hoạch năm 2018, huyện Mường Tè xác định di chuyển trên 200 hộ dân ở 4 điểm bản thuộc các xã Tà Tổng, Pa Ủ, Vàng San và Pa Vệ Sủ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên do khó khăn về ngân sách, mặt bằng và chưa kịp đầu tư cơ sở hạ tầng nên trước mùa mưa năm 2018, huyện Mường Tè sẽ ưu tiên di chuyển trước 48 hộ dân. Thứ tự ưu tiên là hộ nào ở vùng có nguy cơ sạt lở cao hơn sẽ di chuyển trước, các hộ khác sẽ thực hiện sau mùa mưa.

Mường Tè là huyện có số hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao nhất tỉnh Lai Châu.

95 hộ dân của bản Nà Phầy, xã Vàng San, huyện Mường Tè sinh sống  gần suối Nậm Nhọ. Vào mùa mưa nước dồn từ các khe suối, triền núi đổ xuống khiến suối Nậm Nhọ trở nên "hung dữ" hơn. Người dân ở bản Nà Phầy đã quen với việc di chuyển đồ đạc rời nhà mỗi khi mưa to gió lớn. Có lúc lũ quét xảy ra bất chợt, người dân chỉ kịp tháo chạy, còn đồ đạc trôi hết theo dòng suối.

Người dân bản Nà Phầy đang mong ngóng được chuyển đến nơi ở mới để yên tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí và bố trí cơ sở hạ tầng nên trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Mường Tè chỉ ưu tiên di chuyển 13 hộ nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao trong bản Nà Phầy về mặt bằng tái định cư mới. 

Chị Vàng Thị Sơ, bản Nà Phầy, xã Vàng San, huyện Mường Tè, chia sẻ: "Mỗi khi mưa to gió lớn hoặc nước lũ về là nước ngập vào tận nhà, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình cũng như các hộ khác trong bản. Bây giờ lại sắp đến mùa mưa, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong bản rất mong Nhà nước và các cấp chính quyền tạo điều kiện để người dân trong bản được chuyển lên chỗ ở mới". 

Nhiều hộ dân bản Nà Phầy sống sát ven suối nguy cơ sạt lở cao khi mùa mưa lũ đến đang chờ di chuyển.

Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, cho biết: Việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất gặp rất nhiều khó khăn như tạo mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân di chuyển nhà, khai hoang, cải tạo đất, hỗ trợ sản xuất… Cùng với đó, nguồn vốn dự phòng ngân sách của huyện cũng hạn hẹp, vì thế rất cần sự quan tâm của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nguồn xã hội khác.

Được biết, huyện Mường Tè đang đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, huy động và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo sinh kế cho người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với bố trí sắp xếp dân cư từ những khu vực đặc biệt khó khăn nguy cơ thiên tai cao đến vùng an toàn.

“Để giải quyết những khó khăn trong việc di chuyển người dân đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ, ngoài ngân sách dự phòng, huyện cũng kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ bổ sung nguồn vốn cho việc sắp xếp, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở mới. Đồng thời, huy động bộ đội biên phòng, công an, lực lượng tại chỗ, cộng đồng dân cư… để giúp dân trong quá trình làm nhà, ổn định sản xuất.”  Ông Mai Văn Thạch nhấn mạnh. 

Dù chính quyền huyện Mường Tè đã có nhiều nỗ lực nhưng do địa hình dốc, bị chia cắt mạnh, quỹ đất của các xã rất hạn chế nên việc tìm được địa điểm để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa bão, tỉnh Lai Châu cần có giải pháp đồng bộ, hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân khu vực có nguy cơ sạt lở cao được nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống.

Theo Báo Tài nguyên & Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Mường Tè – Lai Châu: Thiếu vốn đưa dân đến nơi an toàn mùa mưa lũ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Quỳ Châu có tân Chủ tịch UBND huyện
Sáng 18/3, Hội đồng Nhân dân huyện Quỳ Châu khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo một số Sở, ban ngành.
Đặc sắc rừng dó trầm tại Hương Khê, Hà Tĩnh
Cây dó trầm mọc nhiều ở miền núi Hương Khê, nhưng người dân địa phương chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi nhóm người ngoại tỉnh đến mua. Điều này đã khơi dậy sự quan tâm về bảo vệ và phát triển tài nguyên tự nhiên.

Tin mới