250 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại Quảng Nam
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách tỉnh; ngân sách huyện; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách tỉnh; ngân sách huyện; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác và nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 250 tỷ đồng, mỗi năm bố trí khoảng 50 tỷ đồng.
Theo đó, để được hỗ trợ thì dự án Cụm công nghiệp (CCN) phải nằm trong quy hoạch (phương án) phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt hoặc cho phép bổ sung trong từng thời kỳ; CCN đã có quyết định thành lập; CCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư…
Nguyên tắc hỗ trợ là Quảng Nam sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với cụm công nghiệp có diện tích từ 5ha trở lên tại địa bàn 9 huyện miền núi (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn và Tiên Phước) và cụm công nghiệp có diện tích từ 10ha trở lên tại địa bàn các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố.
CCN thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh; CCN đầu tư mới trên địa bàn tỉnh do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các CCN đầu tư mới thì chỉ giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp không lựa chọn được doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN tại 9 huyện miền núi thì mới giao cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư. Hỗ trợ mỗi huyện miền núi tối đa 02 CCN và chỉ hỗ trợ CCN thứ hai sau khi CCN thứ nhất lấp đầy trên 50% diện tích đất công nghiệp. Hỗ trợ mỗi huyện, thị xã, thành phố khu vực đồng bằng 1 CCN phục vụ di dời (nếu có).
Đối với CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định: Đối với các CCN tại 9 huyện miền núi ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện 100% kinh phí giải phóng mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa 20 tỷ đồng/CCN. Đối với các CCN tại 9 huyện đồng bằng, ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua ngân sách cấp huyện 50% kinh phí giải phóng mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/CCN.
Đối với hỗ trợ CCN do đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư thì sẽ hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng; 50% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa: 25 tỷ đồng/CCN. Riêng đối với CCN thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, đô thị trên địa bàn tỉnh thì hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng; 70% tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật và san lấp mặt bằng; mức hỗ trợ tối đa: 30 tỷ đồng/CCN.
Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam, dự kiến tổng mức vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 250 tỷ đồng, mỗi năm bố trí khoảng 50 tỷ đồng. Hằng năm, tùy thuộc vào điều kiện, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, tổng hợp vào dự toán ngân sách, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bố trí thêm để thực hiện chương trình.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian qua, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, cải thiện đời sống dân sinh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Tỉnh đã thu hút được 275 dự án đăng ký đầu tư vào 55 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất thuê và đăng ký là 709,2ha, tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 113.222 tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 62.667 người.
Lao động tại các cụm công nghiệp đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 20% trong tổng số lao động của ngành công nghiệp đang làm việc tại địa phương, tương ứng với 35.000 người và 40.000 người vào năm 2035. Quy mô, 92 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.613ha.
Quan điểm phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Nam là phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp với tốc độ nhanh, hiệu quả cao và bền vững; góp phần đưa tỉnh Quảng Nam phát triển đạt mức khá ở khu vực miền Trung, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Quảng Nam sẽ phát triển các cụm công nghiệp có trọng điểm trên cơ sở bảo đảm cân đối, hài hoà giữa các ngành công nghiệp, giữa các địa phương nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng địa phương; phát triển các cụm công nghiệp phải gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam đưa ra một số giải pháp chủ yếu, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chi tiết, tăng cường công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đảm bảo các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp,...
PV(T/h)