Thứ tư, 08/05/2024 07:18 (GMT+7)

3 ngày không có ca mắc Covid-19 mới nhưng không được lơ là, chủ quan

MTĐT -  Chủ nhật, 19/04/2020 14:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (19/4) số ca nhiễm Covid-19 ở nước ta vẫn dừng lại ở 268, không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, đây là ngày thứ 3 liên tiếp Việt Nam không có ca mắc Covid-19.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong cuộc chiến chống Covid-19, tuy nhiên, chuyên gia y tế cảnh báo không vì thế mà lơ là phòng, chống dịch.

Trao đổi với vov, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho rằng trong 3 ngày qua, Việt Nam liên tiếp không có ca Covid-19 là 1 điều đáng mừng. Việt Nam đã từng bước phát hiện và kiểm soát tốt các ổ dịch, không có ca lây nhiễm mới.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, mới chỉ có 3 ngày chưa xuất hiện ca Covid-19 mới, cũng chưa thể đánh giá được điều gì, chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là, bởi thời gian ủ bệnh của bệnh phải đến 14 ngày. “Có những ca tiềm tàng, một số ca Covid-19 có biểu hiện rất nhẹ, họ không đi đến các bệnh viện nên cần phải tiếp tục theo dõi, giám sát, đánh giá để tìm ra những ca mới trong cộng đồng” - PGS Nguyễn Hồng Hà cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, lâu nay chúng ta chỉ xét nghiệm với những người đến từ vùng dịch về; Bên cạnh đó, khi phát hiện 1 ca bệnh (F0), chúng ta truy tìm những người tiếp xúc gần (F1,F2...) để xét nghiệm, theo dõi quản lý để cách ly, phát hiện các ca nhiễm chưa có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, điều quan trọng là phải nâng cao việc xét nghiệm cho những người có biểu hiện sốt, biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.

“Nếu tăng việc xét nghiệm các đối tượng này, chúng ta sẽ phát hiện được những ca không có dấu vết về dịch tễ rõ ràng. Khi đó, chúng ta có thể truy tìm, phát hiện những mối liên quan để có thể tiếp tục khống chế dịch. Nếu coi thường xét nghiệm, khi để dịch bùng lớn, chúng ta sẽ không thể tìm được các dấu vết để thực hiện việc ngăn chặn như bây giờ”- PGS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.

Người dân khi có biểu hiện sốt phải báo cáo các cơ quan chống dịch, qua đường dây nóng để được hỗ trợ. Các bệnh viện khi gặp nhóm đối tượng này, phải xếp vào diện nghi ngờ, thực hiện xét nghiệm ngay.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho rằng hiện, dịch ở nước ta không bùng phát và giãn cách xã hội chính là yếu tố quan trọng mang tới thành công này.

“Việt Nam đã thành công ở giai đoạn hiện nay. Sự thành công đó được hiểu là chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là một dịch bệnh lớn và phức tạp, không được chủ quan, vẫn cần làm quyết liệt vì có những diễn biến khó lường. Khi lờ là sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng”, PGS Phu nói.

Đặc biệt, người mắc Covid-19 có thể có những triệu chứng nhẹ. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Dịch Covid-19 chúng ta đang đối mặt rất lớn.

“Trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Nước ta cũng xác định phải ứng phó lâu dài. Hiện tại, chỉ có thể nói thời điểm này chúng ta đang kiểm soát tốt. Đó là sự thành công của giai đoạn này. Hoàn toàn không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân”, PGS Phu khẳng định.

Trước đó, phát biểu tại lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19 do Bộ Thông tin - Truyền thông kết hợp với Bộ Y tế tổ chức 18/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã tích cực tham gia trong chiến dịch phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Mặc dù, 3 ngày liên tiếp sau hơn một tháng Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID -19 mới, tuy nhiên, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.

Chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển; phải quán triệt mục tiêu kép nhưng vẫn phải ưu tiên hơn cho kiểm soát dịch bệnh.

Chúng ta phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục tực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn – Phát hiện – Cách ly – Khoanh vùng – Dập dịch.

Chúng ta phải tiếp tục chia được nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn… để chúng ta có thể điều hành sát sao hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các tỉnh phải có bộ phận cập nhật số liệu, theo dõi hàng ngày tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ từng bước mở lại các hoạt động trên tinh thần phải đảm bảo an toàn.

Đến giờ phút này, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết 3 ngày không có ca mắc Covid-19 mới nhưng không được lơ là, chủ quan. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới