Thứ tư, 01/05/2024 20:33 (GMT+7)

Bất động sản khó, vẫn có cửa cho người khôn

MTĐT -  Thứ hai, 19/06/2023 14:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, một số dự án bất động sản (BĐS) đã mở bán và thu hút được lượng khách mua nhất định.

Sự chọn lọc của thị trường đang ở giai đoạn khắt khe, đòi hỏi các chủ đầu tư vừa phải quản trị dòng tiền tốt, vừa phải cung cấp sản phẩm có chất lượng ra thị trường.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Kể từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Bám trụ thị trường

Từ đầu năm đến nay, Cát Tường Group đã triển khai mở bán sản phẩm tại các dự án: Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 và 2 tại TP. Vị Thanh (Hậu Giang); Taka Garden Riverside Homes tại TP. Tân An (Long An); Cát Tường Phú Hưng tại TP. Đồng Xoài và Cát Tường Park House tại Chơn Thành (Bình Phước). Kết quả, hơn 500 sản phẩm tại các dự án trên đã có khách hàng sở hữu. Dù tỷ lệ giao dịch thành công chỉ bằng 1/4 thời kỳ đỉnh điểm 2017 - 2018, nhưng hiện tại không phải chủ đầu tư nào cũng được như vậy.

Ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Cát Tường Land cho biết, hệ thống Cát Tường Land có hơn 300 chuyên viên kinh doanh và các đối tác bên ngoài có khoảng 300 nhân viên kinh doanh. Thời gian qua, dù bù lỗ cho hệ thống kinh doanh nhưng Tập đoàn vẫn không cắt giảm nhân sự. Dự kiến cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này, Cát Tường Group tiếp tục mở bán các đợt tiếp theo của những dự án nêu trên. Tập đoàn cho hay, giá bán các sản phẩm sẽ chiết khấu khoảng 20 - 30% so với thời điểm năm ngoái, tất cả các dự án được mở bán đã hoàn thành thủ tục pháp lý, tiện ích đầy đủ để gia tăng giá trị cộng thêm cho khách hàng.

Trong nửa đầu năm 2023, tuy đối diện với tình hình thị trường ảm đạm, nhưng nhiều chủ đầu tư cũng như công ty môi giới vẫn cố bám trụ với thị trường. Một chủ đầu tư ở Bình Dương (xin không nêu tên) cho biết: “Thành công của chúng tôi trong giai đoạn này chính là giữ lại được đội ngũ nhân viên cốt lõi ở tất cả các cấp. Nhờ duy trì được bộ máy nhân sự, các sản phẩm trong 2 dự án cũ và 1 dự án mới ở Bình Dương đưa ra bán trong các tháng tới đây hy vọng sẽ được thị trường hấp thụ tốt”.

Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group, các chính sách chiết khấu tốt đối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng để kích cầu người mua giữa bối cảnh thị trường khó khăn. Đơn cử, tại một dự án căn hộ ở TP. Thủ Đức có giá 65 triệu đồng/m2, tức 1 căn hộ 70 m2 có giá khoảng 4,9 tỷ đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT), nếu khách hàng thanh toán nhanh 95% thì sẽ được chủ đầu tư chiết khấu 55%, tức chỉ cần bỏ ra 2,2 tỷ đồng để sở hữu một căn hộ.

Tận dụng thị trường có giá tốt, dư địa dồi dào

Số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) chỉ ra rằng, kể từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái “khát” nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân. Do đó, các chủ đầu tư tập trung phát triển những sản phẩm phù với nhu cầu ở thực, túi tiền của đại đa số người dân có thu nhập trung bình khá sẽ được thị trường đón nhận.

Điều này hoàn toàn đúng khi trong tháng 5 vừa qua, theo DKRA Group, các sản phẩm đất nền có giá trung bình dưới 15 triệu đồng/m2 giao dịch khá thành công ở khu vực phía Nam, chủ yếu ở Bình Dương. Với phân khúc căn hộ, các dự án mở bán tập trung tại TP.HCM và Bình Dương; tỷ lệ tiêu thụ đạt 35% nguồn cung mở bán mới trong tháng 5, chủ yếu là hạng B và hạng C.

Ông Lê Tiến Vũ nhận định, dù đang rất khó khăn nhưng đây là lúc cần tận dụng những phân khúc có giá tốt, đất “sạch”, dư địa phát triển dồi dào để biến thách thức thành cơ hội. Bởi, chính trong khủng hoảng, nếu công ty nào duy trì được “phong độ”, khi thị trường tốt lên sẽ bứt phá rất mạnh.

Về mặt vĩ mô, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, kéo dài thời hạn trả nợ như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Thông tư 02/2023/TT-NHNN... Tuy nhiên, VARS nhận định, những chính sách này chỉ giúp các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Giống như người bệnh, doanh nghiệp không được cung cấp “thuốc chữa”, chỉ được phát cho một số “thực phẩm chức năng” thì về bản chất “bệnh” cũng không thể hết.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư cho biết, việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng không đơn giản trong lúc này, bởi hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt nguồn cho vay. Cho nên, doanh nghiệp một mặt phải “thắt lưng buộc bụng”, mặt khác phải cố gắng bán sản phẩm bằng mọi cách để có doanh thu nhằm trang trải cho nhiều khoản chi phí khác. Song, để “đi qua giông bão”, bản thân doanh nghiệp phải tự nỗ lực để cứu mình không đủ, mà rất trông chờ vào các giải pháp hữu hiệu từ Chính phủ.

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản khó, vẫn có cửa cho người khôn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Bảo Tín/baodauthau.vn

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới