Thứ bảy, 27/04/2024 19:13 (GMT+7)

Bình đẳng giới trong quá trình phát triển KT-XH vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

MTĐT -  Thứ sáu, 15/12/2023 15:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bình đẳng giới, đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các thành quả, cơ hội phát triển, thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, giữa các vùng miền là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ xây dựng và thực hiện các mục tiêu, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025. Bình đẳng giới, đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các thành quả, cơ hội phát triển, thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, giữa các vùng miền là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Nghị quyết số 96/NĐ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, bao gồm: kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12 - 13%, công nghiệp – xây dựng chiếm 45 - 46%, dịch vụ chiếm 37 - 38%...; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ qua đào tạo đạt 65 - 70%; có bằng cấp chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm…

Các chỉ tiêu này phù hợp với mục tiêu số 2 trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 với các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động. Đó là: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

  Là Tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, phụ nữ, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện có kết quả trách nhiệm của Hội theo quy định của Luật Bình đằng giới; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2022 và giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của các tầng lớp phụ nữ trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra theo từng thời kỳ. Trong đó phải kể đến một số kết quả nổi bật của các cấp Hội trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm của cả nước nói chung và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói riêng.

  1. Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội của Hội LHPN Việt Nam

Bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội trong nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, tham gia góp ý, xây dựng, đặc biệt chú trọng đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, Hội LHPN các cấp đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, giám sát, phản biện xã hội để đề xuất nhiều chính sách thiết thực cho phụ nữ.

Các chính sách, chương trình, đề án các cấp Hội đề xuất tập trung vào an sinh xã hội, thể chế hóa quy định pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội. Riêng Trung ương Hội đã đề xuất và chủ trì thực hiện có hiệu quả 11 Đề án của Chính phủ[1]; tham gia đóng góp, xây dựng một số nội dung trong 04 Chương trình mục tiêu quốc gia[2], trong đó, đề xuất thành công và chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; vận động thành công lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì hướng dẫn và thực hiện một số nội dung thành phần...

Các cấp Hội tăng cường phối hợp với các cơ quan chính phủ trong xây dựng, đề xuất, giám sát và thực thi các chính sách, chương trình, đề án, dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội có thêm nguồn lực để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, đồng thời thể hiện tiếng nói, vai trò của tổ chức Hội trong thực hiện lồng ghép giới, tham gia quản lý nhà nước trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Để góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm, Hội đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể về dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, thoát nghèo cho phụ nữ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, XII và XIII. Với chủ trương hướng mạnh về cơ sở, các cấp Hội tập trung triển khai thực hiện các hoạt động, đề án về dạy nghề, hỗ trợ vốn vay, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể và khởi nghiệp. Giai đoạn 2010 - 2021, các cấp Hội đã tư vấn nghề, tổ chức/phối hợp dạy nghề, giới thiệu và tạo việc làm cho tổng cộng 4.933.829 lao động nữ[3], bình quân đạt gần 449 ngàn lao động nữ mỗi năm, trong đó, tư vấn học nghề, tư vấn việc làm cho 2.338.090 lao động nữ, giới thiệu việc làm cho 1.556.789 lao động nữ và tổ chức/phối hợp tổ chức dạy nghề cho 1.038.950 lao động nữ.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, tiết kiệm, ủy thác, tín chấp với ngân hàng, tài chính vi mô đã mở rộng tiếp cận vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đa dạng của hội viên, phụ nữ từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT), các chương trình/dự án tài chính vi mô (TCVM), huy động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ... Trong thời gian qua, Hội luôn là đoàn thể đi đầu với 6 điểm nhất trong hoạt động ủy thác với NHCSXH, góp phần thực hiện tốt chính sách tín dụng của Nhà nước. Tính đến 31/12/2022, các cấp Hội đang quản lí và điều hành gần 107,99 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn của NHCSXH cho gần 2,5 triệu lượt hộ vay, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,14%. Dư nợ tín chấp với NHNN&PTNT, tính đến tháng 31/12/2022 là trên 28,478 ngàn tỷ đồng với 225.336 lượt hộ vay.

Các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý. Xác định để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững, nhất là đối với phụ nữ yếu thế thì việc hỗ trợ chị em tham gia vào các loại hình doanh nghiệp và liên kết để thành lập các hợp tác xã/tổ hợp tác là một yếu tố quan trọng, vì vậy, giai đoạn 2017 - 2021, các cấp Hội đã tập trung hỗ trợ hơn 72.743 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 1.451 doanh nghiệp thành lập mới, 775 Hợp tác xã, hơn 10.000 Tổ hợp tác/Tổ liên kết được Hội hỗ trợ thành lập; 9.526 cán bộ quản lý, điều hành Hợp tác xã/Tổ hợp tác được đào tạo nâng cao năng lực. Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố thành lập được Hội doanh nhân nữ, 25 Câu lạc bộ, vườn ươm khởi nghiệp của phụ nữ đi vào hoạt động. Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là điểm nhấn quan trọng, tạo cơ chế, chính sách giúp tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Các cấp Hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã tập trung triển khai các Đề án, Chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong quản trị, thương mại, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh; tích cực tham gia ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; tập huấn nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Kết quả, những năm qua, 14/14 Hội LHPN tỉnh thuộc vùng hỗ trợ hơn 6.016 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 44 doanh nghiệp thành lập mới, 200 Hợp tác xã, 1.466 Tổ hợp tác/Tổ liên kết được Hội hỗ trợ thành lập; thành lập được Hội doanh nhân nữ cấp tỉnh, một số tỉnh thành lập được Hội doanh nhân nữ cấp huyện, thị.

Đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng có đông người theo tôn giáo, Hội đã xây dựng được trên 100 mô hình đặc thù của phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ theo tôn giáo phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2020 và  giai đoạn 2021- 2023, Hội triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", huy động được sự chung tay của các cấp, các ngành, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội hỗ trợ phụ nữ. Tính đến năm 2022, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được trên 197 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng mái ấm tình thương và các hoạt động an sinh xã hội khác.

Thực hiện Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 (Quyết định 340) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết 134/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 (Nghị quyết 134) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”[4] với mục tiêu “Phát triển, cũng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong hợp tác xã. Nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới”. Đề án này có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn nhằm thực hiện chủ trương, định hướng thúc đẩy kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước, về bình đẳng giới của quốc gia, chiến lược của tổ chức Hội.

Trong năm 2022, Hội đã tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ và trực tuyến đến 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội các cấp đã bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước. Các kiến nghị, đề xuất tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn: (1) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (2) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (3) Phụ nữ và thế hệ tương lai. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học… Ngày 01/12/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8059/VPCP-QHĐP về việc Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương về các kiến nghị của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

  1. Hạn chế, tồn tại

Bên cạnh các kết quả đạt được, các hoạt động góp phần thực hiện và thúc đẩy bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói riêng của các cấp Hội còn một số tồn tại, hạn chế:

- Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới tuy có quy mô rộng khắp, nhưng chưa chưa đồng đều, thường xuyên, chưa thực sự đồng bộ giữa các cấp và các địa phương. Hình thức tuyên truyền, vận động chưa đổi mới đa dạng theo đặc thù vùng miền, đối tượng; chủ yếu thực hiện theo phương thức lồng ghép nên hiệu quả chưa cao. Các mô hình về phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai nhiều nhưng còn thiếu sự kết nối giữa các mô hình.

- Việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động của Hội còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận phụ nữ nông thôn nói chung và lao động nữ nông thôn nói riêng có tỷ lệ được đào tạo thấp; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao; nhận thức, tính chủ động của một bộ phận phụ nữ trong sản xuất kinh doanh chưa theo kịp nhu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

  1. Nguyên nhân

- Thiếu những nghiên cứu, khảo sát bài bản, chuyên sâu để phát hiện/nhận diện các vấn đề giới của từng vùng, miền, địa phương nhằm thiết kế những chương trình, hoạt động và biện pháp tác động cho phù hợp. Cách thực hiện về bình đẳng giới cơ bản còn chung chung, như nhau, chưa sáng tạo, chưa rõ hướng tác động trong giải quyết những vấn đề cụ thể về bình đẳng giới, đảm bảo mang tính đặc thù phù hợp với các nhóm đối tượng, các vùng, miền, địa phương.

- Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác phụ nữ và bình đẳng giới, còn xem việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của phụ nữ, của Hội LHPN; chưa thực sự quan tâm đến công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, thiếu chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn nhân sự nữ; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhìn chung vẫn thấp so với năng lực, tiềm năng, thế mạnh; chưa tương xứng với lực lượng và khả năng đóng góp của phụ nữ; chưa có nhiều nghị quyết, Chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù thúc đẩy phụ nữ phát triển mọi mặt ở cấp độ địa phương.

- Nhận thức của xã hội nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế; định kiến giới tồn tại khá phổ biến trong xã hội. Những thành tựu về bình đẳng giới trong thời gian qua chưa bền vững và dễ dàng bị suy giảm trước nhiều biến cố khủng hoảng nghiêm trọng, như: thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh - đặc biệt như đại dịch Covid-19, cũng như tác động của khoa học-công nghệ trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa… Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với thực hiện công tác vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới cũng như trách nhiệm của Hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới.

- Kinh phí đầu tư cho công tác bình đẳng giới còn hạn chế, chưa thỏa đáng, không ổn định; chủ yếu được lồng ghép với các chương trình, hoạt động khác nên thiếu chiều sâu, hiệu quả chưa cao.

  1. Đề xuất, kiến nghị và giải pháp

4.1. Đối với Chính phủ

- Chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật về bình đẳng giới, Nghị quyết số 11-NQ/BCT về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 57/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ về bình đẳng giới để tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân; chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực có tác động nhiều đến phụ nữ và gia đình như lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, quan hệ dân sự, đất đai, xây dựng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tài nguyên và môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo hiểm xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số, hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bà mẹ và trẻ em...; tiếp tục nghiên cứu bổ sung một số chính sách hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù (phụ nữ cao tuổi, đơn thân, tàn tật, khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ công tác vùng sâu, xa).

- Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện đúng quy trình và nâng cao chất lượng lồng ghép giới, báo cáo đánh giá tác động giới trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

- Cần có các quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Bình đẳng giới, nhất là cán bộ các cơ quan Nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật nhưng có ứng xử tiêu cực mang định kiến giới trong việc giải quyết các vấn đề, khiếu nại của nhân dân về bất bình đẳng giới, đặc biệt là vấn đề bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái và nạn mua bán người.

- Phân bổ kinh phí hoạt động bình đẳng giới cho các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương để thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới.

4.2.Đối với các bộ, ngành, địa phương

- Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương để thực hiện có hiệu quả công tác công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và pháp luật về bình đẳng giới; đẩy mạnh xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang định kiến giới trong các sản phẩm thông tin và truyền thông.

- Tăng cường phân tích, đánh giá và lồng ghép giới trong việc xây dựng, hoạch định chính sách và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp tổ chức triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ, tiếp tục tập trung vào Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025.

- Bố trí kinh phí kịp thời theo các chương trình, dự án, triển khai các hoạt động phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

[1] 1) Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2008 – 2012” ( Đề án 664) ; 2) Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, giai đoạn 2013 - 2017” (Đề án 1891); 3) Đề án 343“Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015”; 4) Đề án 704“Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010-2015”, 5) Tiểu Đề án 4 “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số” thuộc Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số (554) giai đoạn 2009 -2012; 6) Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; 7) Đề án 938 Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027; 8) Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” (Đề án 938); 9) Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939); 10) Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025” (Đề án 1893); 11) Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2023” (Đề án 01).

[2] Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Dự án 8 thuộc Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030; một số mô hình hỗ trợ phụ nữ trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

[3] Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Báo cáo số 103/BC/ĐCT-CSLP ngày 26/12/2017 Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam và Báo cáo đánh giá cuối nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017-2022) về công tác Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

[4] Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ

Phạm Thị Thanh

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Bình đẳng giới trong quá trình phát triển KT-XH vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề