Châu Âu vừa đối diện với nhiệt độ cao chưa từng thấy
Tháng 9 đã chứng kiến sự gia tăng của nhiệt độ tại nhiều quốc gia châu Âu. Từ Áo, Pháp, Đức, Ba Lan cho đến Thụy Sĩ..., nhiệt độ trung bình đã lập kỷ lục. Các tổ chức quốc tế và cơ quan thời tiết đều báo cáo về những con số đáng lo ngại.
Tại Pháp, nhiệt độ trung bình tháng 9 đã vượt xa mức trung bình giai đoạn 1991-2020, tăng đến 3,5 độ C đến 3,6 độ C.
Đức cũng ghi nhận nhiệt độ tháng 9 cao nhất từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu kỷ lục quốc gia, cao hơn gần 4 độ C so với giai đoạn 1961-1990.
Ba Lan cũng không nằm ngoài xu hướng này, với nhiệt độ tháng 9 vượt xa mức trung bình 3,6 độ C, là mức cao nhất trong hơn 100 năm ghi nhận dữ liệu.
Áo và Thụy Sĩ cũng báo cáo về nhiệt độ kỷ lục trong tháng 9 và tình trạng nóng lên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các sông băng tại Thụy Sĩ.
Tây Ban Nha, Anh, Bỉ và Hà Lan, nhiều nơi nhiệt độ đã vượt qua ngưỡng 30 độ C, đánh dấu kỷ lục nhiệt độ trong tháng 9.
Nhưng đằng sau những con số kỷ lục này, có thông điệp lớn hơn về biến đổi khí hậu. Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của EU đã cảnh báo rằng năm 2023 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Sự biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đang khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu. Nhiệt độ Trái đất đã tăng khoảng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tháng 9 năm nay là một lời nhắc nhở rõ ràng về tầm quan trọng của hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh của chúng ta.
Lâm Hà (T/h)