Thứ sáu, 17/05/2024 14:08 (GMT+7)

Chỉ số công khai ngân sách: 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình

MTĐT -  Thứ ba, 25/10/2022 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù điểm số trung bình có sự cải thiện so với năm trước, tăng 9,26 điểm lên mức 30,9 điểm quy đổi theo thang điểm 100 nhưng mức độ công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của 44 bộ, cơ quan Trung ương vẫn rất thấp.

Đây là số liệu từ kết quả Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương năm 2021 (MOBI2021) do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) và Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) thực hiện và công bố hôm 18.10.2022 tại Hà Nội. Đáng lưu tâm, có 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình, và 9 bộ, cơ quan trung ương không được xếp hạng (xem hình 1).

Những chiếc “hộp đen”

Theo PGS-TS. Vũ Sỹ Cường, Trưởng nhóm Nghiên cứu MOBI2021, các bộ, ngành trung ương chi tiêu hơn 50% ngân sách. Là chủ thể sử dụng ngân sách, các bộ ngành trung ương có nghĩa vụ công khai ngân sách để cộng đồng - những người đóng góp ngân sách - thực hiện quyền giám sát, (theo quy định tại Điều 16 Luật Ngân sách Nhà nước 2015), yêu cầu trách nhiệm giải trình, củng cố kỷ cương ngân sách.

Kết quả khảo sát cho thấy Bộ Tài chính tiếp tục duy trì thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm, và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. Kế đến là Đài truyền hình Việt Nam (72,09 điểm), Ngân hàng Nhà nước (59,09 điểm), Bộ Khoa học và công nghệ (54,6 điểm), Bộ Giao thông vận tải (51,14 điểm). Đây cũng là 5 đơn vị có điểm quy đổi trên trung bình.

Chỉ số công khai ngân sách: 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình
Hình 1: Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương năm 2021.

Mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính và tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai, gồm: Dự toán thu chi ngân sách đơn vị năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1 năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 6 tháng đầu năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị 9 tháng đầu năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm 2021 và Quyết toán thu chi ngân sách đơn vị năm 2020.

Về tính sẵn có, kết quả khảo sát cho thấy các bộ, cơ quan trung ương công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định. Có 30 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2021 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 68,2%), tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2020. Tại thời điểm 31.3.2022, có 14 bộ, cơ quan trung ương (tương đương với 31,8%) không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Cải thiện không đáng kể về tính kịp thời, MOBI2021 ghi nhận 7 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31.12.2020 trong số 23 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2022. Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2020, có 12 trên tổng số 20 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định.

Các tài liệu còn lại gồm Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2021 chỉ được công khai đúng hạn bởi lần lượt 6, 7 và 7 đơn vị. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2021.

Chỉ số công khai ngân sách: 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình
Bộ Tài chính tiếp tục duy trì thứ hạng cao nhất về chỉ số công khai ngân sách với 76,16 điểm. Ảnh: Vneconomy

Về tính thuận tiện, có 33 trên tổng số 44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 75%), tăng 1 đơn vị so với khảo sát MOBI 2020. Định dạng của các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu dưới dạng pdf hoặc scan ảnh do vậy còn hạn chế cho người dân đọc và sử dụng thông tin ngân sách từ các định dạng tài liệu này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban Dân tộc là những đơn vị công khai các tài liệu có định dạng excel, dễ dàng trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu.

Về tính đầy đủ, kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy các tài liệu ngân sách được công khai chưa đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư 90/2018/TT-BTC, còn thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu. Trong số 30 đơn vị có công khai ít nhất một trong sáu tài liệu ngân sách, Bộ Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là những đơn vị dẫn đầu về tính đầy đủ của các tài liệu ngân sách.

Về tính liên tục, có 18 đơn vị (40,91%) công bố tài liệu dự toán ngân sách đơn vị trong 3 năm liên tiếp, tăng 12 đơn vị so với MOBI 2020. Có 13 đơn vị (29,55%) công khai dự toán trong 2 năm, 4 đơn vị (9%) công khai dự toán trong 1 năm và có 9 đơn vị (20,45%) không công khai dự toán trong cả 3 năm.

Đối với tài liệu quyết toán ngân sách đơn vị, có 15 đơn vị (34,1%) công bố tài liệu trong 3 năm liên tiếp, tăng 8 đơn vị so với MOBI 2020. Có 9 đơn vị (20,45%%) công khai quyết toán trong 2 năm, 6 đơn vị (13,63%) công khai quyết toán trong 1 năm và có 14 đơn vị (31,81%) không công khai quyết toán trong cả 3 năm.

Nghiên cứu chưa xem xét đến tính chính xác, tức độ tin cậy của những tài liệu ngân sách được công khai.

Chỉ số công khai ngân sách: 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình
Các bộ, ngành trung ương chi tiêu hơn 50% ngân sách. Ảnh minh hoạ

Áp lực công khai ngân sách: từ đâu và từ ai?

Tài liệu ngân sách phải công khai theo quy định của luật là một loại hàng hóa công cộng mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.

Trong phần trình bày của mình, PGS-TS. Vũ Sỹ Cường hơn một lần bày tỏ sự thất vọng về mức độ công khai ngân sách của bộ, ngành trung ương. Nhìn sang Chỉ số công khai ngân sách cấp tỉnh 2021 (POBI2021), cũng do VESS và CID công bố hồi cuối tháng 9.2022, điểm xếp hạng trung bình của các địa phương đạt 69,53 điểm trong đó chỉ có 9/63 tỉnh có điểm dưới trung bình. “So với POBI, bảng câu hỏi, mức độ phức tạp, tiêu chí… của MOBI được thiết kế đơn giản hơn nhiều. Nhưng đáng buồn là kết quả lại không tốt hơn”, ông Cường nói các địa phương có điểm xếp hạng mức độ công khai ngân sách cao là bởi chịu sức ép từ Bộ Tài chính nhưng với những cơ quan cùng cấp ở trung ương, Bộ Tài chính không đủ sức mạnh.

Một quan sát cũng đáng lưu tâm là điểm xếp hạng thường niên của một số cơ quan cấp bộ biến động rất mạnh. “Chúng tôi có thể nói thẳng rằng lãnh đạo cơ quan cấp bộ chưa thực sự quan tâm”, ông Cường nêu trường hợp trồi sụt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Không công khai minh bạch tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí. Nêu tiếp tình huống “lòi ra” hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 “đắp chiếu” tại tỉnh Hà Nam, ông Cường nói việc Bộ Y tế không công khai dữ liệu liên quan đến dự án đầu tư dẫn đến cộng đồng không có thông tin để thực hiện quyền giám sát.

“Sốc và buồn” là tâm trạng của TS, Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, sau khi lắng nghe phần trình bày kết quả nghiên cứu MOBI2021. “Theo luật định, các bộ ngành trung ương chí ít phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử”, ông Dũng đề nghị nhóm nghiên cứu có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng.

Chỉ số công khai ngân sách: 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình
Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có tổng mức đầu tư 4.990 tỉ đồng xây dựng ở TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đang bị "đắp chiếu", không hoạt động. Nguồn: Báo Tiền phong

Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và các văn bản dưới luật quy định nghĩa vụ công khai ngân sách nhưng chưa có chế tài trong trường hợp chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ. Thiếu công cụ ràng buộc trách nhiệm giải trình làm suy giảm động cơ thực hiện nghĩa vụ công khai ngân sách của bộ, ngành trung ương.

Quốc hội có chức năng giám sát tối cao. Hướng tới trách nhiệm giải trình, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Quốc hội bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương vào chương trình hoạt động giám sát thường niên của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Quốc hội xem xét hoạt động công khai ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của những cơ quan này. Mức độ công khai ngân sách trở thành một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách.

Ở chức năng lập pháp, Quốc hội xem xét bổ sung chế tài xử lý các vi phạm về thực hiện công khai ngân sách.

Bạn đang đọc bài viết Chỉ số công khai ngân sách: 30 bộ, cơ quan trung ương có điểm dưới trung bình. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Thượng Tùng/Người Đô thị

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Giao ban báo chí tuần 20 năm 2024
Chiều 16/5, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin truyền thông và Hội nhà báo thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần 20 năm 2024 (tháng 5).

Tin mới