Chủ nhật, 05/05/2024 15:25 (GMT+7)

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM

Bình Minh -  Thứ hai, 13/11/2023 14:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 13-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng – cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, về thăm và làm việc với đội ngũ giảng viên, lãnh đạo nhà trường.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từng là sinh viên Khoa Triết học niên khóa 1988-1992 Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM). Sau đó, cũng tại trường này, Chủ tịch nước theo học cao học chuyên ngành Triết học và nhận bằng Thạc sĩ Triết học năm 1999 với luận văn về đạo đức trong sinh viên, học sinh TPHCM. Chủ tịch nước cũng là 1 trong 60 cựu sinh viên tiêu biểu của trường theo danh sách được công bố vào năm 2017.

Trở về thăm trường, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã thực hiện nghi thức dâng hoa tại Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, tôn vinh những giá trị tốt đẹp hình thành trong lịch sử hơn 65 năm của các thế hệ sinh viên nhà trường.

Đồng thời, Chủ tịch nước cũng trồng tặng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn một cây mai vàng được đưa đến từ quê hương Vĩnh Long của ông.

Sau đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông và Khoa Triết học của trường. Trong lớp học của sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trò chuyện với các sinh viên xung quanh việc học tập, trong đó ông trao đổi với sinh viên về cách thực hiện một bài báo chuẩn.

tm-img-alt
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trồng cây lưu niệm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng đến các thầy cô Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM nhân ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20.11. Đồng thời, Chủ tịch nước cũng trao đổi quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò của đội ngũ tri thức lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, được thành lập năm 1957 với tiền thân là Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn, Đại học Tổng hợp TPHCM. Hiện, trường đang đào tạo 34 ngành bậc đại học, 34 ngành bậc thạc sĩ, 18 ngành tiến sĩ trong 7 lĩnh vực, với hơn 17.000 sinh viên và học viên sau đại học.

Ở phía Nam, nhà trường là đơn vị tiên phong khai mở các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới như: Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học.

Trường là điểm quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà giáo ưu tú và sinh viên giỏi. Đến nay, trường đã đào tạo cho xã hội hơn 80.000 cử nhân khoa học, hơn 6.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh trường là nơi hội tụ các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, thu hút sinh viên, học viên quốc tế đến từ hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập, nghiên cứu. Hợp tác quốc tế cũng là một điểm mạnh của trường, hiện trường có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới.

Từ thực tế hoạt động của trường, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan kiến nghị Nhà nước cần có sự quan tâm kịp thời đối với các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là các ngành khoa học ở lĩnh vực xã hội. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học, nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp để sinh viên tiếp cận được với giáo dục đại học.

Để đội ngũ thầy cô, giảng viên yên tâm công tác, có điều kiện cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cũng mong Nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt hơn.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đắk Lắk: Bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh
Toà án Nhân dân Tối cao vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk giữ chức vụ Chánh án TAND tỉnh thay cho ông Nguyễn Duy Hữu nghỉ hưu theo chế độ.
Chiến thắng Ðiện Biên Phủ: Bài học về phát huy nội lực
Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã kết triệu người Việt Nam như một, tạo nên sức mạnh của một dân tộc hiệp lực đồng tâm, chung sức đánh đuổi thực dân Pháp.

Tin mới