Thứ bảy, 27/04/2024 17:51 (GMT+7)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Cố vấn đặc biệt Nội các Chính phủ Nhật Bản

Tuấn Minh -  Thứ năm, 27/07/2023 14:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 27-7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), kiêm cố vấn đặc biệt của nội các Chính phủ Nhật Bản.

Cùng dự cuộc tiếp về phía Việt Nam có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà cùng đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Quốc hội.

Tham gia Đoàn của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) kiêm Cố vấn đặc biệt của Nội các Nhật Bản Maeda Tadashi có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cùng các thành viên trong Đoàn công tác là đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), các cán bộ cấp cao của Ngân hàng JBIC và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật Bản.

tm-img-alt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC). Ảnh: Báo Nhân dân

Chủ tịch JBIC Maeda Tadashi bày tỏ vui mừng được gặp lại Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; cho biết, tại các cuộc họp của G20 trong năm 2022, Nhật Bản đã đề xuất sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC); Khối G7 cũng đang tập trung triển khai sáng kiến về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Chủ tịch JBIC chia sẻ một số thông tin về hai sáng kiến này cũng như các hoạt động triển khai cụ thể của Nhật Bản. Trong đó, để triển khai JETP, JBIC cam kết khoản hỗ trợ 300 triệu USD qua Ngân hàng Vietcombank để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo. Trong JETP, Nhật Bản cũng cam kết cho vay với mức lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất rất thấp với điều kiện cho vay tốt hơn.

Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam lần này, phía Nhật Bản đã đề xuất và mong muốn phía Việt Nam sớm thành lập nhóm công tác chung triển khai AZEC để có các kế hoạch, hành động cụ thể, hiệu quả. Với vị trí địa lý rất quan trọng của Việt Nam, Chủ tịch JBIC cũng cho biết, Nhật Bản và Mỹ, Australia cũng sẽ có sự phối hợp, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu. Nhật Bản đã thành lập khuôn khổ để hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn những chia sẻ của ông Meadea Tadashi về những vấn đề quan trọng hiện nay, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng. Nhân cuộc gặp hôm nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến 5 quan điểm cơ bản liên quan đến lĩnh vực này. 

Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng là quá trình tất yếu, khách quan; bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và mang tính chất toàn cầu mà không nước nào đứng ngoài cuộc. Xuất phát từ quan điểm đó, tại Hội nghị COP-26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thứ hai, bất kỳ quốc gia nào khi thực hiện chuyển đổi năng lượng cũng phải đặt việc bảo đảm an ninh năng lượng lên hàng đầu. Tuy nhiên, nhiều diễn đàn quốc tế chỉ đề cập đến chuyển đổi năng lượng mà không đề cập an ninh năng lượng, cân đối năng lượng.

Thứ ba, chuyển đổi năng lượng là quá trình chuyển đổi công bằng, bảo đảm hài hòa lợi ích và chi phí, không chỉ đối với nhà nước mà còn với người tiêu dùng và cả các nhà đầu tư. Vì thế, nếu thực hiện chuyển đổi năng lượng mà gây ra bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong đời sống xã hội thì việc chuyển đổi cũng là điều vô nghĩa.

Thứ tư, chuyển đổi năng lượng phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với vấn đề thực tiễn của mỗi quốc gia. Nó không chỉ được quan tâm với các dự án về nguồn điện mà còn phải chú trọng đến các dự án liên quan đến truyền tải điện.

Cuối cùng, vì là vấn đề toàn cầu, nên các nước nghèo hơn như Việt Nam cần phải có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế về xây dựng hệ thống thể chế, pháp luật và chính sách; hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật; hỗ trợ về tài chính. 

Việt Nam đánh giá cao “Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á” (AZEC) của Thủ tướng Nhật Bản Kishida. Chủ tịch Quốc hội cho biết, sáng kiến này có những điểm tương đồng với Việt Nam và Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể với Nhật Bản.

Đồng ý với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản việc cần thành lập nhóm công tác chung, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng cử các Đại biểu Quốc hội của các Ủy ban để tham gia nhóm. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hai bên cần phải làm rõ nội hàm của sáng kiến này, cơ chế vận hành, quan hệ đối tác Việt Nam-Nhật Bản trong triển khai cơ chế này như thế nào; Chủ tịch Quốc hội hy vọng sáng kiến này sẽ sớm được triển khai tại Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai nước nên có những hợp tác thực chất để duy trì, gây dựng và phát triển những chuỗi cung ứng mang tính chiến lược, đặc biệt là chuỗi cung ứng về năng lượng.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Cố vấn đặc biệt Nội các Chính phủ Nhật Bản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề