Thứ sáu, 20/09/2024 00:35 (GMT+7)

Chùa Trấn Quốc - Cổ tự trong lòng Hà Nội

PHAN NGÂN - TRANG TRIỆU -  Thứ ba, 05/02/2019 09:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự kết hợp hài hòa giữa cổ kính và cảnh quan thanh nhã chùa Trấn Quốc là một trong những địa điểm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Giữa lòng Hà Nội tấp nập, có một ngôi chùa cổ kính vẫn cứ bình yên, vẫn cứ vẹn nguyên dáng hình thuở xưa, để ai lạc bước đều khắc khoải những xuyến xao. Đó chính là ngôi chùa Trấn Quốc, điểm dừng chân gợi nhắc nhiều giá trị về tâm linh, lịch sử lẫn kiến trúc. Đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Thủ đô Hà Nội.

Chùa Trấn Quốc điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Thủ đô Hà Nội.

Chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi, tọa lạc trên hòn đảo duy nhất của Hồ Tây, không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà còn là 1 trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới.

Chùa Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi.

Chùa được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547), tại thôn Y Hoa, gần bờ sông Hồng với tên gọi đầu tiên là “Khai quốc”. Đây cũng là ngôi chùa gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam - nhà nước Vạn Xuân.

Kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mông, chùa được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.

Trấn Quốc tự xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Đặc biệt vào thời Lý và thời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.

Trấn Quốc là một trong những địa điểm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Các đời chúa Trịnh đã biến nơi đây thành hành cung (nơi ở của vua chúa khi đi chơi). Sau khi chúa Trịnh bị diệt, vua Lê Chiêu Thống hạ lệnh đốt hết những nơi chúa Trịnh đã ở. Nhờ sự bảo vệ của dân trong phường nên lính của vua Lê chỉ đốt những phòng dựng trên bè nổi quanh chùa do chúa Trịnh làm cho bọn hoạn quan và cung nữ, còn chùa vẫn giữ được nguyên vẹn.

Vào thời Pháp thuộc, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã dày công nghiên cứu ngôi chùa cổ kính này và chùa đã từng được xếp hạng là công trình lịch sử số 10 trong toàn xứ Đông Dương (Nghị định 16 tháng 5 năm 1925). Trải qua suốt thời phong kiến với biết bao biến động đã đến với ngôi chùa, nhưng chùa Trấn Quốc vẫn được bảo vệ, tôn tạo và là 1 trong 12 di tích lớn của đất nước.

Chùa Trấn Quốc 1 trong 12 di tích lớn của đất nước.

Ngôi chùa thực sự là một di sản văn hóa của dân tộc, nơi danh lam thắng cảnh của kinh thành xưa kia và Thủ đô ngày nay. Ngôi chùa đã là nơi quần tụ các công trình của nhiều nhà văn, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa của đất nước.

Chùa Trấn Quốc là nơi quần tụ các công trình của nhiều nhà văn, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử.

Chùa Trấn Quốc đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của văn hóa dân tộc. Chùa đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa ngày 28/4/1962; Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989.

Cũng như những ngôi chùa khác tại Việt Nam, kết cấu và nội thất của chùa Trấn Quốc sắp xếp theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo, gồm nhiều nếp nhà, cửa thấp, mái rộng, nhiều tượng Phật vàng son. Chùa có 3 nếp nhà chính là Tiền đường, nhà Thiêu hương và Thượng điện.

Chùa có 3 nếp nhà chính là Tiền đường, nhà Thiêu hương và Thượng điện.

Hai bên nhà Thiêu hương và Thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông chùa là một ngôi ba gian, mái chồng diêm, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia.

Điểm nhấn tạo nên nét riêng cho chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với nhiều tháp cổ từ thế kỷ 18. Nổi bật là tòa Bảo Tháp lục độ đài sen, được xây dựng năm 1998. Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.

Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm. 
Trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý.

Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Người Hà Nội thường có thói quen đi chùa để cầu chúc may mắn, bình an vào những ngày đầu năm mới, với sự kết hợp hài hòa giữa cổ kính và cảnh quan thanh nhã chùa Trấn Quốc là một trong những địa điểm thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước mỗi dịp Tết đến, xuân về.  Đặc biệt, trong đêm giao thừa tết Nguyên Đán, nhà chùa còn mở cửa và tổ chức khóa lễ cầu nguyện cầu quốc thái dân an, đây là khóa lễ thiêng liêng nhất trong năm do nhà chùa tổ chức.

Bạn đang đọc bài viết Chùa Trấn Quốc - Cổ tự trong lòng Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới