Thứ năm, 12/09/2024 02:37 (GMT+7)

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải

MTĐT -  Thứ hai, 25/12/2023 08:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là chủ đề của Hội thảo do Báo Xây dựng phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa tổ chức chiều 22/12, tại Hà Nội dưới sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Xây dựng.

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.

Đến dự Hội thảo có: PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng); Ông Tào Khánh Hưng, Nguyễn Sơn Tùng, La Đức Hùng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng; Ông Lương Quang Huy – Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương); Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng; Đại diện các Bộ, ngành liên quan: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Đại diện Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Công Nghiệp; Đại diện các Tổ chức nghiên cứu quốc tế biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, các hiệp hội, các tập đoàn, tổng công ty xây dựng, các chủ đầu tư bất động sản, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN), các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp FDI, các công ty năng lượng… cùng hơn 50 cơ quan báo chí, truyền thông.

Chương trình có sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP, Tổng Công ty Điện Lực Miền Bắc (EVNNPC)....

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Trước những thách thức của biến đổi khí hậu về mọi mặt của nền kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể được đưa ra thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển bền vững của Bộ Xây dựng; tiếp nhận và làm phong phú thêm thông tin phục vụ bạn đọc quan tâm đến các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp, Báo Xây dựng phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam Visa và các đơn vị tổ chức Hội thảo chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp; Giới thiệu các chính sách về biến đổi khí hậu của Việt Nam cùng những hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tập trung hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng; Cung cấp kiến thức về các phương pháp, tiêu chuẩn kiểm kê phổ biến, những đòi hỏi cấp thiết từ thị trường, tăng cường năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho biết: Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) và khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP28 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng luôn phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, từng bước thay thế nguyên vật liệu gây phát thải khí nhà kính; giảm, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.

Ngành Xây dựng (hay ngành công nhiệp xây dựng) đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker. Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét. Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Việc giảm nhu cầu sử dụng điện trong hoạt động sản xuất sẽ đóng góp vào giảm nhu cầu sản xuất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các-bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các tòa nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển…

Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam chia sẻ vai trò kiểm kê khí nhà kính - Nền tảng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh doanh nghiệp

Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam (Visa) thành lập năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Cùng nhau hiện thực hóa di nguyện của Bác Hồ về một Việt Nam hùng cường, vẻ vang, sánh vai với cường quốc năm châu vào năm 2045. Là tập hợp những tổ chức và cá nhân có cùng định hướng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với tôn chỉ mục đích cung cấp các giải pháp cụ thể để xúc tiến kết nối hoạt động giao thương trong lĩnh vực ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam góp phần hỗ trợ dịch chuyển chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Ngô Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Chúng tôi hoạt động với 3 sứ mệnh: Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; Đóng góp chính sách; Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam.

Hướng đến 4 mục tiêu chính: Kết nối giao thương LF – SI, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các tiêu chuẩn và yêu cầu gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; Nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thành viên thông qua các chương trình, giải pháp tư vấn chiến lược, quản trị rủi ro chuỗi cung ứng, tiêu biểu là chuỗi hội thảo giúp nâng cao năng lực “Quản trị rủi ro báo cáo quyết toán hải quan” với 9 chuyên đề chuyên sâu đã và đang tổ chức từ cuối 2019 đến nay, phối hợp với Chi cục Hải quan và Sở Công Thương các tỉnh Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai…

Đóng góp chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, các chính sách vốn, đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại; Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp Việt Nam thông qua các chương trình phát triển thành viên, các đề án hỗ trợ doanh nghiệp.

Môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp thiết mang tính báo động chung toàn cầu, đòi hỏi về việc phải thay đổi và giảm thiểu phát thải khí nhà kính đang là yêu cầu bắt buộc ở mọi lĩnh vực. Các quốc gia lớn đã và đang thực thi nhiều chính sách mạnh mẽ và quyết liệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, có tác động trực tiếp đến các thị trường sản xuất liên quan, trong đó có Việt Nam.

Ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 hướng tới phát thải ròng bằng “0”. Tại Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới lần thứ 28 vừa qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện cam kết chuyển đổi xanh mặc dù là quốc gia đang phát triển với xuất phát điểm thấp và đang gặp nhiều khó khăn, với hành động khí hậu hướng đến mục tiêu: Kiềm chế mức tăng nhiệt độ; Giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường tài chính khí hậu.

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải xác định tầm nhìn mới và khẩn chương chuyển mình trong công tác chống biến đổi khí hậu. Nắm bắt nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp, Liên minh Visa và các đối tác đã phối hợp tổ chức chuỗi Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp” tập trung vào các vấn đề cốt lõi trong lộ trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp: Nhận thức quản trị, kiểm kê khí nhà kính, giải pháp tự giảm phát thải, tín chỉ và thị trường tín chỉ carbon, mô hình chuyển đổi xanh bền vững.

Việc đạt được tính bền vững là một hành trình dài và đầy thách thức, mỗi doanh nghiệp cần vạch ra lộ trình rõ ràng và cụ thể để tối ưu nguồn lực và nắm bắt cơ hội. Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nhận định số liệu phát thải của bản thân, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững.

Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương: Kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương – Kinh nghiệm và bài học thực tiễn

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.

Theo ông Tâm, kiểm kê khí nhà kính có cả thuận lợi và khó khăn, trong đó thuận lợi kiểm kê khí nhà kính có tính bắt buộc với căn cứ pháp lý đầy đủ; nhu cầu của doanh nghiệp và có hướng dẫn của quốc tế về kiểm kê và báo cáo thẩm định - MRV (IPCC, WRI, ISO). Thêm vào đó là khó khăn, hạn chế về nguồn lực con người và tài chính; hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn và số liệu khiếm khuyết, chưa đồng bộ.

Theo ông Tâm, bài học kinh nghiệm ở đây là phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu (BĐKH); Nâng cao nhận thức của các bên có liên quan; Từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê khí nhà kính và đào tạo, tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho các bên liên quan.

Ông Hoàng Văn Tâm cho biết: Theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu: Đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính (KNK) so với kịch bản BAU của ngành năng lượng, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê KNK theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công Thương tuân thủ quy định về kiểm kê KNK; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải KNK cho các ngành công nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của BĐKH; Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của BĐKH; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình, hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; Lồng ghép các vấn đề BĐKH trong các quy hoạch, chiến lược.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về BĐKH và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh.

Ông Lương Quang Huy – Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Lương Quang Huy – Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn – Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Huy, công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các công trình xây dựng trên toàn thế giới đóng góp khoảng 39% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon phát sinh từ vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% là do quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và thi công xây dựng.

Ở Việt Nam, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ và phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.Với mức tiêu thụ năng lượng và đóng góp lớn vào lượng phát thải khí nhà kính, cộng với những thách thức toàn cầu như gia tăng dân số, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, BĐKH và ô nhiễm môi trường, việc phát triển các công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, và bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Một trong những xu hướng quan trọng nhất là sử dụng vật liệu tái chế và có khả năng tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời thiết kế các công trình để giảm lượng rác thải và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng. Nhằm nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhiều chính sách, quy định đã được ban hành và đi vào thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.

Việc phát triển các công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích, chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc. Số lượng công trình xanh đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng thì con số này còn khá khiêm tốn. Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, và quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng “0”.

Nhằm hướng tới đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, lĩnh vực xây dựng phải chịu trách nhiệm giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương. Phát triển vật liệu xanh vì thế trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường trong các công trình xây dựng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý, năng lực và trình độ công nghệ sản xuất vật liệu xanh tại Việt Nam còn hạn chế, giá thành chưa cạnh trạnh so với các vật liệu truyền thống khác.

Để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ các công trình xanh, vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam, việc nghiên cứu, lồng ghép, tích hợp các vấn đề về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành cần chú trọng hơn nữa. Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý cho các vật liệu xanh, các loại hình công trình, đô thị như công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng “0”, đô thị xanh, đô thị phát thải thấp, đô thị trung hòa carbon…

Việc thúc đẩy phát triển công trình xanh đã được đề cập đến trong các văn bản pháp luật như Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW. Phát triển công trình xanh cũng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá, phân loại đô thị theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng đã quy định việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh.

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh cần được thường xuyên rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, ban hành mới để thúc đẩy, hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành các dự án, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, trung hòa carbon.

Về nguồn nhân lực, cần tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho các đối tượng liên quan đáp ứng các yêu cầu về quản lý, nghiên cứu, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, đánh giá, chứng nhận, quản lý vận hành các dự án, công trình, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.

ThS. Lưu Linh Hương - Vụ Khoa học công nghệ và môi trường

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
ThS. Lưu Linh Hương - Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng).

Bà Hương cho biết, theo báo cáo, dự thảo Hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho sản xuất vật liệu xây dựng, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành xây dựng đến năm 2030 theo Nghị định số 06/2022/QĐ-TTg là 74,3 triệu tấn CO2td.

Các lĩnh vực phải kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bao gồm về sản xuất vật liệu xây dựng và tòa nhà. Sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm các quá trình công nghiệp (IPPU) gồm có sản xuất xi măng; sản xuất vôi; sản xuất thủy tinh, kính xây dựng. Lĩnh vực tiêu thụ năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng là sản xuất xi măng. Ngoài ra, đối với lĩnh vực tòa nhà, các quá trình công nghiệp (IPPU) là sử dụng môi chất lạnh, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng vào vận hành tòa nhà.

Cơ sở phải thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Mức phát thải hàng năm của khí nhà kính ≥ 3.000 tấn CO2tđ, tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm của khí nhà kính ≥ 1.000 TOE, những con số này được cập nhật 2 năm một lần và đang được tiếp tục cập nhật. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg cho biết, ngành Xây dựng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính 104 cơ sở, trong đó, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng bao gồm 50 cơ sở, lĩnh vực tòa nhà bao gồm 54 cơ sở. Trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã giao cho một số đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Về phạm vi hướng dẫn theo nguyên tắc thực hiện và các văn bản dẫn chiếu, quy định chung được đưa ra về cấp lĩnh vực và cấp cơ sở, thứ nhất về phạm vi đối tượng, thứ hai giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện, thứ ba đánh giá độ không chắc chắn, thứ tư kiểm soát và đảm bảo chất lượng (QC/QA) và tính toán lại kết quả.

Về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cần tuân thủ và khuyến khích thứ nhất về phạm vi, thứ hai về phương pháp, thứ ba về thu thập số liệu, thứ tư lựa chọn hệ số phát thải, thứ năm là xây dựng báo cáo, thứ sáu là thẩm định và nộp kết quả.

Kiểm kê khí nhà kính và MRV lĩnh vực vật liệu xây dựng bao gồm hai cấp lĩnh vực là tiêu thụ năng lượng và quá trình công nghiệp (IP). Cụ thể, về cấp lĩnh vực tiêu thụ năng lượng đốt nhiên liệu cho hoạt động của thiết bị cố định do sản xuất xi măng và Sản xuất vật liệu xây dựng khác (vôi, thủy tinh, kính, gạch, ngói, sứ…) gây phát thải trực tiếp. Thứ hai, về quá trình công nghiệp (IP) sử dụng nguyên vật liệu có chứa gốc - CO3 do sản xuất xi măng, sản xuất vôi và sản xuất thủy tinh, kính gây phát thải trực tiếp. Đối với cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, việc tiêu thụ năng lượng đốt trực tiếp nhiên liệu, quá trình công nghiệp (IP) sử dụng nguyên vật liệu có chứa gốc -CO3, xử lý môi trường từ xử lý chất thải trực tiếp.

Theo quy định, phạm vi kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở bao gồm tất cả phát thải từ hoạt động (tại nơi đặt cơ sở). Về tiêu thụ năng lượng, vấn đề oxi hóa nhiên liệu, đốt nhiên liệu (thiết bị cố định, di động) CO2 CH4 N2O, mua năng lượng (điện lưới, mua hơi, nhiệt) CO2 được đưa ra. Quá trình công nghiệp (IP) sẽ phản ứng hóa học, rò rỉ khi sử dụng, từ đó đưa ra sử dụng nguyên liệu (có chứa C, CaCO3), sử dụng thiết bị (chứa môi chất lạnh) HFCs. Về xử lý chất thải, phân hủy chất thải, xử lý nước thải (CH4, N2O), xử lý chất thải rắn (CO2, CH4).

Về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực vật liệu xây dựng, thực tế đến thời điểm này đối với kiểm kê khí nhà kính về các lĩnh vực, khi lấy số liệu từ trên xuống dưới thường lấy số liệu của Tổng cục Thống kê, số liệu từ các địa phương, các cấp cơ sở sẽ phải tính toán về rác thải, tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu cho các hoạt động của các thiết bị...

Về kiểm kê khí nhà kính, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, về tiêu thụ năng lượng, về các quá trình công nghiệp, liên quan đến xử lý môi trường. Kiểm kê khí nhà kính sẽ thông qua biểu mẫu, các doanh nghiệp sẽ phải điền thông tin vào biểu mẫu sau đó gửi lại cho Sở quản lý trực thuộc, UBND và các Bộ, ngành quản lý.

Hiện nay, đến tháng 1/2024, Bộ Xây dựng sẽ làm kiểm kê khí nhà kính cho cấp lĩnh vực và cấp cơ sở, nhưng từ 2025, các cơ sở phải thực hiện tự kiểm kê khí nhà kính. Lộ trình kiểm kê khí nhà kính của Bộ Xây dựng sẽ kiểm kê 2 năm một lần.

Lộ trình xây dựng kế hoạch giảm nhẹ, liên quan đến việc triển khai thực hiện chuyển đổi xanh sẽ phải tính toán rác thải và kế hoạch làm thế nào để cùng với các Bộ, ngành khác giảm phát thải ròng bằng 0.

Về phần giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong quy định giải pháp (NDC 2022) chủ yếu quy định về xi măng, có các giải pháp bao gồm: Tối ưu hóa chu trình đốt clinker giả định đến năm 2030 áp dụng với 50% SL clinker; Giảm tổn thất nhiệt lò nung clinker giả định đến năm 2030 50% SL clinker; Thu hồi nhiệt thải từ sản xuất xi măng giả định đến năm 2030 50% SL xi măng; Sử dụng máy nghiền đứng trong sản xuất xi măng giả định đến năm 2030 100% SL xi măng; Áp dụng công nghệ cải tiến trong sản xuất gạch nung giả định đến năm 2030 70% SL gạch nung; Sử dụng phụ gia khoáng thiên nhiên (đá vôi, puzolan) thay thế clinker giả định đến năm 2030 19,5% phụ gia khoáng 65% clinker trong xi măng; Sử dụng phụ gia là phế thải ngành công nghiệp (xỉ lò thổi, tro bay) thay thế clinker giả định đến năm 2030 10,5% phế thải từ ngành công nghiệp 65% clinker trong xi măng.

Ông Huỳnh Thành Trung - Đại diện Liên minh Visa: Yêu cầu thực tế từ thị trường về sản phẩm công nghiệp xanh; Vai trò và tác động của hệ sinh thái trong việc giảm phát thải khí nhà kính đối với sản xuất công nghiệp

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Huỳnh Thành Trung - Công ty Cổ phần LEANWARES, Liên minh Visa.

Hiện nay, chuyển đổi xanh là xu hướng bắt buộc, điều này giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với môi trường. Đánh giá dưới góc nhìn của chuỗi cung ứng, mô hình phát triển bền vững là mô hình hiện đang phát triển trên thế giới.

Hiện nay, các doanh nghiệp, nhà máy đang duy trì sản xuất đều phát thải ra môi trường. Và để chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp xanh thì doanh nghiệp cần phải đo được doanh nghiệp mình đang ở mức phát thải nào để hướng tới đạt được mức net zero. Điều này cho thấy các nhà sản xuất cần kiểm kê đầu vào của các nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nguyên liệu thô.

Để thấy được vai trò và tác động của hệ sinh thái trong việc giảm phát thải khí nhà kính đối với sản xuất công nghiệp thì các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản giảm khí nhà kính để thích ứng với chuyển đổi xanh, để nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và để thay đổi theo chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, kiểm kê khí nhà kính đang là thách thức của doanh nghiệp, bởi hiện nay tiêu chuẩn ngày càng nhiều hơn, càng khó hơn, mỗi thị trường lại khác nhau. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nắm được các tiêu chuẩn để đáp ứng được yêu cầu của thị trường để lựa chọn hướng đi cho mình. Đây cũng là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng là thách thức trong tương lai để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi xanh ngành công nghiệp.

Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc Thương mại Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận Quốc tế InterLOG

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc Thương mại Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận Quốc tế InterLOG.

Bà Phạm Thị Tình - Giám đốc Thương mại Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận Quốc tế InterLOG chia sẻ, theo số liệu thống kê về ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến con người, môi trường, kinh tế, xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân tổ chức cần đóng góp trách nhiệm xã hội vì phát triển bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Chúng ta có thể thấy các dự án luật áp thuế carbon sẽ liên tục được đưa ra ở các nước phát triển và số lượng ngành hàng cũng sẽ được mở rộng. Vì vậy, với vai trò là thành viên tích cực nghiên cứu các giải pháp cho cộng đồng ngành Công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần InterLOG đặc biệt nhận thấy cần phải hành động cùng với Liên minh VISA nâng cao đào tạo nhận thức về chuyển đổi xanh đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay để cùng nhau hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường năm 2045”.

Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu Công nghệ Cao Hi-PEC

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu Công nghệ Cao Hi-PEC.

Trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã tìm hiểu và đem về những công nghệ tiên tiến nhất về sơn phủ để đem về áp dụng tại Việt Nam. HIPEC đã định hướng cho các sản phẩm của chúng tôi theo mục tiêu xanh và sinh thái. Sơn là vật liệu mà chúng ta sử dụng và tiếp xúc hàng ngày, 90% sản phẩm sơn phủ sử dụng hiện nay vẫn là gốc nhựa. Trên thế giới đã áp dụng nhiều công nghệ mới với xu hướng xanh, bền vững giảm tác hại khí nhà kính. Năm 2014, tại Tây Ban Nha đã phát minh ra một loại sơn gốc vôi, tự nhiên tuy nhiên có nhược điểm là vật liệu này không bền. Sau khi nghiên cứu, họ đã tạo ra một loại sơn kết hợp từ vôi và Nano có thể hấp thụ CO2 và chuyển hóa thành đá vôi.

Về các loại sơn công nghiệp, chúng tôi đã nhập khẩu các loại sơn không có dung môi, giảm nhiệt độ trong phòng. Net zezo sẽ cần sự chung tay của chúng ta để hạn chế thấp nhất phát thải khí nhà kính.

Trao đổi tại phần Tọa đàm, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Khi thực hiện chuyển đổi kiểm kê khí nhà kính, chúng tôi quan tâm nhất chính là nguồn lực, thứ nhất nguồn lực nghiên cứu ban hành chính sách, đây là các hướng dẫn công tác cơ sở phát thải khí nhà kính làm sao cho có đầy đủ nguồn lực để kiểm kê, ví dụ các khóa đào tạo để các cơ sở, doanh nghiệp lớn có thể tự kiểm kê được, thứ hai nếu như không kiểm kê được, chúng ta sẽ có doanh nghiệp, tổ chức tư vấn, kiểm kê giúp các doanh nghiệp, hoặc thuê các đơn vị kiểm kê.

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Các đại biểu trao đổi phần Tọa đàm tại Hội thảo.

Trong lĩnh vực xây dựng đã có một số đơn vị doanh nghiệp ví dụ Viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng có thể giúp cho việc kiểm kê phát thải khí nhà kính của một số nhà máy như xi măng, gạch, kính... đã tiến hành điều này. Thời gian tới với những cơ chế chính sách, các doanh nghiệp tư nhân, khi thị trường có nhu cầu sẽ có thể giúp doanh nghiệp kiểm kê được khí nhà kính. Khi kiểm kê, khi chúng ta thực hiện theo quy định của các luật, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để ra được định mức đơn giản, để căn cứ của luật để có thể kiểm kê khí thải nhà kính. Đến năm 2026 bắt đầu kiểm kê theo quy định, với tham vọng tới năm 2050 giảm phát thải bằng 0, những người phát triển chính sách như chúng tôi luôn quan tâm nguồn lực về con người.

Ông Nguyễn Võ Tường An - Sàn giao dịch tín chỉ carbon chia sẻ về tương lai của vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon

Hiện ở Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện để có thể đăng ký làm tín chỉ carbon. Nếu dự án đủ yêu cầu về hồ sơ, đủ đánh giá tác động đối với môi trường thì có thể được xác nhận. Ở nước ta hiện chưa có thị trường tín chỉ carbon, sau năm 2025 khi chúng ta thực hiện kiểm kê khí nhà kính thì sẽ bắt buộc thực hiện. Một số đơn vị hiện đã tự nguyện thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch Công ty Sông Đà Cao Cường

Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải
Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch Công ty Sông Đà Cao Cường.

Là doanh nghiệp khoa học công nghệ, chúng tôi đã chủ động xây dựng tổ hợp nhà máy xử lý tro sỉ của các nhà máy nhiệt điện, bê tông khí chứng áp, được ứng dụng vào các địa phương rất được đón nhận. Hiện chúng tôi đang cung cấp sản phẩm xanh vào các doanh nghiệp lớn lĩnh vực xây dựng trong cả nước. Năm 2023, Bộ Công Thương và tổ chức của Đan Mạch đã có hỗ trợ ký hợp đồng với Công ty để kiểm kê khí nhà kính.

Hiện Công ty đang thực hiện tái chế của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, trong tương lai chúng tôi sẽ tham gia thị trường tín chỉ carbon với những tiêu chí xanh.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cũng đề xuất những sản phẩm từ cây dừa có thể ứng dụng và trồng tại các dự án tăng hấp thụ CO2 và góp phần giảm phát thải carbon.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng đã ghi nhận và đánh giá cao các tham luận và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo. Đặc biệt thông qua phần trao đổi của các nhà khoa học và doanh nghiệp đã gợi mở và cung cấp thêm các thông tin về lộ trình chuyển đổi xanh. Báo Xây dựng là cầu nối cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, những ý kiến tại Hội thảo sẽ được tiếp tục lan tỏa tới bạn đọc trong cả nước. Thay mặt đơn vị tổ chức, ông Tào Khánh Hưng gửi lời chúc mừng tới các đơn vị, các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bạn đang đọc bài viết Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Xây dựng

Cùng chuyên mục

Quản lý bền vững khu vực ven biển sông Hồng
Ngày 5/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Anh đã chủ trì buổi công bố báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Living Deltas Hub về 3 vùng đồng bằng châu thổ lớn ở châu Á, trong đó có đồng bằng sông Hồng.

Tin mới