Thứ năm, 25/04/2024 06:03 (GMT+7)

Chuyện về những công nhân môi trường

MTĐT -  Thứ ba, 28/02/2023 11:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ở mỗi góc phố, trên từng con đường, bất kể đêm đông giá rét, hay những ngày hè nắng như đổ lửa, tiếng chổi tre xao xác, tiếng xe đẩy nặng nề của những công nhân vệ sinh môi trường vẫn văng vẳng như thứ âm thanh không thể thiếu nơi phố thị náo nhiệt.

Vất vả và thầm lặng

Khi phố phường còn chưa thức giấc, những công nhân vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang đã khoác vội áo lao công ra khỏi nhà, bắt đầu công việc của một ngày mới. Chúng tôi gặp và trò chuyện với chị Lê Thị Nga trên đoạn đường Phan Đình Phùng, tổ 1, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), trên tay chị là cây chổi tre cán dài, chiếc xẻng và không thể thiếu “bạn đồng hành” chiếc xe đẩy. Những bước chân của chị hòa cùng nhịp chổi xào xạc, đem lại sự sạch đẹp cho mỗi góc phố thành Tuyên.

Chuyện về những công nhân môi trường
Chị Lê Thị Nga, công nhân vệ sinh môi trường quét dọn rác trên đường Phan Đình Phùng, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang).

Tưởng chừng công việc đơn giản chỉ là “quét”, “hốt” và “đẩy”, nhưng khi theo chân chị để tìm hiểu rõ hơn về công việc của những người “trang điểm” cho thành phố, thì quả thực công việc này không phải ai cũng làm được. Chị Nga chia sẻ, chị làm công việc vệ sinh môi trường hơn 16 năm nay. Thời gian làm việc đặc thù không kể trời rét buốt hay nắng nóng, ngày thường chị bắt đầu công việc lúc 3 đến 7 giờ sáng, chiều từ 15 đến 18 giờ tối. Trên đoạn đường hơn 1 km, chị vừa thu gom rác thải sinh hoạt, vừa quét dọn trên tuyến đường. Công việc càng trở nên vất vả hơn mỗi khi trời mưa bão hay những ngày lễ, tết.

Nói rồi, chị lại cầm chổi tiếp tục với công việc, hết quét lại nhặt lại gom rồi gồng mình lên đẩy chiếc xe chở rác cao quá đầu người. Chiếc áo phản quang cứ liên tục di chuyển, chiếc chổi cán dài vẫn đều đặn lia dài xuống mặt đường khô khan. Miệt mài và lặng lẽ, cứ như vậy, cả đoạn đường dài vài chục mét cùng vỉa hè rộng được chị Nga quét sạch sẽ.

Rời đường Phan Đình Phùng, chúng tôi có mặt ở đường Phạm Văn Đồng, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang). Mặc dù đã quét dọn xong hết con đường được phân công, nhưng chị Nông Quỳnh Anh vẫn cặm cụi thu gom số rác thải còn sót lại trước khi về nhà. Chị Quỳnh Anh cho biết, cuối năm, nhiều nhà tranh thủ dọn dẹp nên lượng rác nhiều nhưng không được phân loại, chị thường phải làm tới hơn 21 đến 22 giờ đêm. Riêng đêm giao thừa, ngoài thu gom rác thải tại các tuyến đường phụ trách, chị và đồng nghiệp còn phải phụ dọn dẹp vệ sinh tại các chợ hoa, khu vực đốt pháo hoa. Có năm, các chị hoàn thành công việc là đã hơn 2-3 giờ sáng. “Tuy công việc vất vả, nhưng khi mình làm xong, nhìn đường phố sạch sẽ, phố phường xinh tươi thì mọi mệt nhọc dường như tan biến hết” - Chị Quỳnh Anh nói.

Chuyện về những công nhân môi trường
Chị Lê Thị Nga, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị quét dọn đường phố.

Trên con đường ở thị trấn Sơn Dương, bóng chị Miêu Thị Tám, công nhân vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang chi nhánh huyện Sơn Dương cùng chiếc chổi tre in dài trên nền đường bởi nắng chiều đông. Đã quen với công việc quét rác nhiều năm, chị Tám không hề mảy may than vãn khi được chúng tôi đề cập về những vất vả trong nghề. Chị Tám bảo, ngày mới vào nghề, do chưa quen việc, tay chân chị thường hay bỏng rộp, đau nhức. Lâu dần, đôi tay, đôi chân chai sần nên không còn đau nhức thường xuyên nữa và chị cũng quen dần với việc phải dồn sức tăng ca thu gom rác vào các đợt ảnh hưởng của bão hay các dịp lễ, Tết.

Vừa trò chuyện, chị Tám vừa sửa lại khẩu trang rồi nói: những đợt phục vụ cao điểm, ngày Tết Nguyên đán, lễ hội lượng rác xả ra nhiều nên chị phải làm việc vất vả hơn. Khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đều được động viên ở trong nhà thì chị và các đồng nghiệp vẫn miệt mài đi làm, thậm chí làm nhiều việc hơn, vừa phải thu gom rác thải, vừa phối hợp với chính quyền vận động nhân dân nâng cao ý thức cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác để tránh bị lây nhiễm trong cộng đồng.

Chuyện về những công nhân môi trường
Chị Nông Quỳnh Anh, công nhân vệ sinh môi trường quét dọn rác trên đường Phạm Văn Đồng, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Góp phần cho Xuân đẹp hơn

15 năm gắn bó với công việc, anh Dương Văn Quảng, công nhân vệ sinh môi trường cũng là ngần đấy năm anh không được đón giao thừa cùng với gia đình. Anh Quảng chia sẻ, đã hơn chục năm nay anh không có một bữa cơm tất niên, một giao thừa trọn vẹn với gia đình. Khi mọi người thảnh thơi, vui chơi là lúa các anh bận rộn nhất. Dù có chút chạnh lòng, nhưng vì đặc thù công việc nên mọi người tự động viên nhau để hoàn thành công việc, góp phần làm cho thành phố sạch đẹp hơn trong dịp Tết. Càng gắn bó với công việc anh càng cảm thấy trân trọng công việc mình đang làm. Công việc nặng nhọc, vất vả cũng không làm giảm đi lòng nhiệt huyết của anh với nghề. Anh luôn tự động viên mình cố gắng thêm chút nữa để người dân đón Tết vui Xuân an vui.

Với anh, khi đã yêu nghề thì sẽ luôn thấy những mặt tích cực, đó là niềm vui của mọi người và niềm vui của bản thân khi môi trường xung quanh luôn trong lành, sạch đẹp. Ngoài ra, anh còn dành thời gian phối hợp với khu phố tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định, không đổ nước thải, rác thải ra đường, không thả rông vật nuôi ra ngoài đường phố... Nhờ vậy, người dân cũng có ý thức đổ rác đúng giờ, đúng chỗ, đường phố thoáng đãng sạch sẽ hơn.

Chuyện về những công nhân môi trường
Công nhân vệ sinh môi trường, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang thu gom rác lên xe chuyên dụng.

Gần 400 công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang hàng ngày gắn bó với nghề, người ít nhất cũng vài năm, có người thâm niên lên đến hàng chục năm. Bất kể thời tiết, hàng ngày những đôi tay của những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn thu gom rác để những con đường, tuyến phố sạch sẽ, xinh tươi…

Những ngày cuối năm, nắng xuân đã tràn ngập phố xá, đi trên những con đường thênh thang sạch đẹp, mới thấy hết được sự vất vả và những cống hiến thầm lặng cho cộng đồng của những người công nhân môi trường. Và mỗi chúng ta những người tận hưởng không gian sạch sẽ, không khí trong lành cần có ý thức hơn nữa giữ gìn vệ sinh môi trường vì công sức của những anh, chị lao công vất vả ngày đêm cho chúng ta đón chào một mùa Xuân mới trọn vẹn.

Bạn đang đọc bài viết Chuyện về những công nhân môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Người công nhân thầm lặng
Cánh đồng quê im lặng khi bước chân họ qua, chỉ có tiếng ống nước kêu rền rền mang nước sạch đến từng người, từng nhà.
Gác tấm bằng đại học đi làm công nhân môi trường
Không phải ai cũng có thể gác tấm bằng Đại học để đi làm công nhân môi trường với mức lương trung bình 4,8 triệu đồng/tháng, thế nhưng trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm (Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ ) là một ngoại lệ.
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành