Thứ bảy, 04/05/2024 01:13 (GMT+7)

Công tác chuẩn bị buổi gặp mặt họ Đồng toàn quốc lần thứ 6- 2024 cơ bản hoàn tất

Diệp Anh -  Thứ bảy, 06/04/2024 05:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày mai 07/4/2024, tại chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang), Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm 694 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa - Đồng Kiên Cương viên tịch và Gặp mặt họ Đồng toàn quốc lần thứ 6-2024.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức Lễ tưởng niệm 694 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương viên tịch và Gặp mặt họ Đồng toàn quốc lần thứ 6-2024, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam, cùng sự trợ duyên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm, Ban liên lạc họ Đồng tỉnh Bắc Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang đến nay đã và đang hoàn thiện các khâu chuẩn bị cho đại lễ thành tựu.

tm-img-alt
Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam

Đại lễ sẽ diễn ra tai chốn tổ chùa Vĩnh Nghiêm- Xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang (sự kiện chính sáng 7/4) và Nhà văn hoá Phường Hà Vị, TP. Bắc Giang (Gặp mặt, giao lưu họ Đồng - Kết nối 3 miền tối 6/4).

tm-img-alt
Sân khấu đêm giao lưu 3 miền kết nối tối 6/4 tại Nhà văn hoá Phường Hà Vị, thành phố Bắc Giang

Trong những ngày vừa qua tại 2 nơi diễn ra sự kiện, Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã chỉ đạo các khâu gấp rút hoàn thiện. Các hạng mục thiết kế, trang trí lễ đài, khung rạp, cờ hoa, băng rôn, biển hiệu cũng đã được trang hoàng và dần hoàn thiện để phục vụ cho đại lễ thành công tốt đẹp.

Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam đã phối hợp với Công an huyện Yên Dũng, xã Trí Yên và Trung tâm Y tế xã Trí Yên xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... trong thời gian diễn ra buổi lễ, đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Chương trình đại lễ có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, một số Sở, ban ngành đoàn thể của tỉnh Bắc Giang; Lãnh đạo huyện Yên Dũng và xã Trí Yên.

tm-img-alt
Sân khấu chính tại chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra sáng 7/4

Chủ trì buổi lễ có: Tiến sĩ, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Văn, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang; GS, TS.Trung tướng Đồng Minh Tại, nguyên Giám đốc Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam; Các vị Thượng tọa, Đại đức, tăng ni thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang, cùng hơn 3.500 đại biểu là con cháu trong dòng tộc họ Đồng Việt Nam.

Nội dung chính của chương trình gồm: Nghi lễ tưởng niệm tổ Đệ nhị; Cung tuyên tiểu sử Đệ nhị tổ Pháp Loa- Đồng Kiên Cương; Báo cáo một số hoạt động nổi bật của Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam trong năm 2023; Phương hương hoạt động trong năm 2024; Vinh danh những người con tiêu biểu của họ Đồng Việt Nam...

Trước khi diễn ra buổi lễ chính thức là chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng do các Nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Trường ĐH Văn hoá Nghệ thuật Quân đội... như: NSND Đồng Văn Minh, NSND Đồng Quế Anh, Đạo diễn Đồng Đăng Giao, Ca sĩ Nguyệt Minh, Ca sĩ Sao Mai Dương Đức, Quỳnh Anh, Huy Hoàng, Hà Trang...

Chương trình buổi lễ được livestream trực tiếp trên trang FB: Họ Đồng Việt Nam; HỌ ĐỒNG VIỆT NAM từ lúc 8h00- đến 11h30 ngày 7/4/2024

Một số hình ảnh về công tác chuẩn bị buổi Đại lễ:

tm-img-alt
tm-img-alt
Băng rôn được treo tại cổng Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm nằm cạnh quốc lộ
tm-img-alt
Công trình Tam quan chùa Vĩnh Nghiêm được khởi công xây dựng vào tháng 2/2022, khánh thành ngày 2/3/2024, với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bền vững EverGreen Bắc Giang tài trợ không hoàn lại. Tổng diện tích đất thực hiện dự án là gần 8.000m2.
tm-img-alt
Lối vào cổng tam quan phía ngoài chùa Vĩnh Nghiêm
tm-img-alt
Cổng ra vào chùa Vĩnh Nghiêm
tm-img-alt
Sân khấu chính tại chùa Vĩnh Nghiêm cho sự kiện sáng 7/4
tm-img-alt
Bàn ghế đại biểu được sắp đặt gọn gàng, trang trọng
tm-img-alt
Backdrop chụp ảnh đặt ngay sân toà nhà tiền đường rợp bóng cây
tm-img-alt
Nhiều băng rôn được treo dọc tuyến đường vào chùa Vĩnh Nghiêm
tm-img-alt
Các đơn vị quân đội đang khẩn trương dựng rạp khu vực dự cơm trưa
tm-img-alt
Có 3 dù lớn được dựng tại sân trước nhà Mộc Bản và sân nhà tiền đường
tm-img-alt
Khách sạn Mường Thanh nơi đón tiếp hàng trăm đại biểu họ Đồng về tham dự buổi lễ
tm-img-alt
Backdrop đặt trang trọng ngay sảnh Khách sạn Mường Thanh
tm-img-alt
Sân khấu đêm giao lưu 3 miền kết nối tối 6/4 tại Nhà văn hoá Phường Hà Vị, thành phố Bắc Giang
tm-img-alt
Nhà văn hoá Phường Hà Vị, thành phố Bắc Giang
tm-img-alt
Băng rôn treo dọc tuyến đường vào Nhà văn hoá Phường Hà Vị, thành phố Bắc Giang

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về phía Đông Nam. Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Bắc Giang nói riêng và là một “Đại danh lam cổ tự” nổi tiếng khắp cả nước nói chung.

Chùa thờ Phật và 3 vị Trúc Lâm tam tổ là vua Trần Nhân Tông (1258-1308) pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng, Thiền sư Pháp Loa- Đồng Kiên Cương (1284-1330) và Thiền sư Huyền Quang (1254-1334).

Theo thư tịch cổ và tài liệu văn bia còn lưu giữ tại chùa cho thấy, chùa được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI) với tên gọi chùa Chúc Thánh. Đến thế kỷ XIII, ở thời Trần, Trần Nhân Tông cho mở mang xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo và đổi tên thành chùa Vĩnh Nghiêm. Lịch sử phát triển của chùa gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ba vị Trúc Lâm tam tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp, đào tạo tăng đồ, lập sổ bộ tăng tịch định các chức danh cho tăng, ni trong các nước.

Đây cũng là thư viện lớn nhất lưu trữ tài liệu, kinh sách, hồ sơ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi khởi thủy truyền bá tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử- Đạo Phật Việt Nam do đích thân Phật hoàng Trần Nhân Tông truyền giảng. Do đó, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm Phật giáo thời Trần. 

Chùa nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, mặt hướng ra nơi tụ hội của sông Thương và sông Lục Nam, chùa Vĩnh Nghiêm có tổng diện tích khoảng 1 ha. Trên tấm bia lục lăng khắc bằng chữ Hán vào năm Hoằng Định thứ 7 (1606) tại sân chùa còn ghi “Chùa Vĩnh Nghiêm là một danh lam được xây dựng giữa một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh thành hình cái nong, chùa ở chỗ con sông sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là một danh lam đứng đầu trong thiên hạ”.

Chùa Vĩnh Nghiêm hiện có 7 khối kiến trúc chính gồm: Cổng tam quan; tòa tiền đường, thiên hương, thượng điện; nhà tổ đệ nhất; gác chuông; nhà tổ đệ nhị; hai dãy hành lang Đông Tây; khu vườn tháp.

Năm 1964 chùa được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, đến năm 2015, chùa được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, đa số nét kiến trúc còn lại của chùa là những tác phẩm nghệ thuật thời Lê - Nguyễn. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: Hệ thống tượng Phật với quy mô bài trí chuẩn mực, các bia đá, hoành phi, câu đối… Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được kho mộc bản kinh Phật với 3.050 bản ván khắc chữ Hán, Nôm rất có giá trị nghiên cứu về Phật học, khoa học và lịch sử. 

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là bộ sưu tập mộc bản duy nhất hiện còn lưu giữ được của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nội dung chính của kho mộc bản là các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội trong lịch sử Việt Nam như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa- Đồng Kim Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái,…

Kho mộc bản có 3.050 tấm ván rời, với 9 đầu sách được chia thành ba nhóm: Kinh Phật: có hai bộ kinh Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (gọi là kinh Hoa Nghiêm, cả phần kinh và phần chú giải) và A Di Đà kinh; Giới luật nhà Phật: gồm Đại thừa chỉ quán, Tỳ khâu ni giới, Sa di ni giới kinh; Sách: gồm Thần du Tây phương ký, Tây phương mỹ nhân truyện, Kính tín lục, Yên Tử nhật trình - Thiền tông bản hạnh. 

Mộc bản được chế tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Kích thước các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm không đồng đều, tùy theo từng bộ kinh, sách mà có kích thước khác nhau. Bản khắc lớn nhất là loại sớ, điệp chiều dài hơn 100 cm, rộng 40-50 cm, bản nhỏ nhất dài khoảng 15 cm, rộng 20 cm. Trên các mộc bản có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. Mỗi bản có 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Hán, Nôm.

Nội dung mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa lớn đối với xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện như: Lịch sử, triết học, y học, giáo dục, ngôn ngữ, nghệ thuật. Đặc biệt, các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.

Kho mộc bản là bản nguyên gốc, còn tương đối nguyên vẹn và được bảo quản kỹ lưỡng. Mộc bản đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012.

Trải qua hơn 700 năm hình thành, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn được bảo tồn, trở thành chốn văn hóa tâm linh linh thiêng ở Bắc Giang. Hàng năm, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch. Đây là lễ hội lớn, bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 

Bạn đang đọc bài viết Công tác chuẩn bị buổi gặp mặt họ Đồng toàn quốc lần thứ 6- 2024 cơ bản hoàn tất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.