Chủ nhật, 05/05/2024 09:02 (GMT+7)

Của người phúc ta

Trà Mi -  Thứ năm, 17/11/2022 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Của người phúc ta” – câu thành ngữ ám chỉ việc lấy của người khác để làm phúc, bản thân mình chẳng mất mát, thiệt thòi gì mà lại được tiếng tốt, hoặc lấy của người này cho người kia để được người ta mang ơn.

Ngày nay, câu thành ngữ trên cũng thường dùng để chỉ những người ban phát hay sử dụng tiền bạc, đồ vật của người khác để lấy ơn cho mình, hoặc rộng hơn là việc “nhận hão” những thứ không phải của mình, không thuộc về mình để lấy đó làm ơn khiến người được hưởng lợi phải kiêng nể. Xoay quanh những tình huống trong đời sống xã hội, hẳn chúng ta sẽ phần nào thấy được mặt đáng chê trách của lối sống của người phúc ta.

Từ đâu mà có câu thành ngữ đó?

Dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện: “Ngày xưa có ông Đa và bà Mít, hai người cùng xóm với nhau và cả hai cùng sính Phật. Nhưng ông Đa thì chăm siêng lễ bái, tuần nào tiết ấy lên chùa đều đặn, còn bà Mít khi thì mải công việc ruộng vườn, khi thì ở nhà khuyên con giữ cháu, vì vậy không mấy khi đi lễ Phật được. Vậy nên, cứ ngày rằm, mồng một, bà Mít gửi tiền gạo cho ông Đa đem đi cúng vái hộ. Lúc đầu, ông Đa còn khấn minh bạch là của bà Mít gửi cúng. Nhưng sau nghĩ rằng “Giời Bụt biết đấy là đâu” nên ông bèn nhận cả là của mình, rồi tiện mồm khấn rằng: “Con có chút vật nhỏ mọn tự mình làm ra, mong Trời Phật phù hộ độ trì, làm phúc cho con”.

Quan Nam Tào, Bắc Đẩu, ông thì cầm nghiên, ông thì cầm bút thấy ông Đa khấn thế nào thì cứ tiện mà biên thế ấy. Đến khi ông Đa, bà Mít cùng trăm tuổi về cõi Phật, Phật tra sổ thấy bà Mít chỉ cúng có vài ba tuần, còn thì là của ông Đa cả. Phật nghi ngờ, hỏi quỷ thần. Quỷ thần xem sổ rồi điều tra ra tiền gạo của nả là của bà Mít, mà ông Đa nhận là của mình.Thấy sự dối trá, Phật phê: “Của người phúc ta”, rồi phạt ông Đa hóa kiếp làm cây đa đứng ở đầu ngõ chùa, sinh ra cái lá đa để thí cháo cho chúng sinh. Còn bà Mít thì được hóa thành cây mít ở trong vườn chùa, lá dùng để in oản, gỗ dùng để tạc tượng”. 

Dù là hư cấu hay có thật, câu chuyện vẫn mang hàm ý phê bình những làm việc thiện mà dối trá, không xuất phát từ tâm. Phê bình những hành vi không trung thực, lấy của cải, công sức của người khác hòng trục lợi cho mình.

Điểm mặt những “ông Đa” chính hiệu

Cùng với sự phát triển của xã hội, những “ông Đa” giống như câu chuyện trên xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng. “Của người phúc ta” nói rộng ra không chỉ là những người dùng tiền bạc, của nả của người khác mà đem dâng hiến, tặng cho người khác cốt để làm lợi cho mình.

Nó còn dùng để chỉ là những trường hợp lại dùng uy tín của người khác, mượn kết quả công việc của người khác để đánh bóng tên tuổi cho mình, hoặc dùng tài sản của tập thể để thu lợi cho cá nhân. 

Bị rơi vào tình huống “của mình” mà “phúc người ta” như bà Mít thật không hề dễ chịu. Trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại những câu chuyện chướng tai gai mắt về những người đem của người khác làm phúc cho mình. Biết xe hàng cứu trợ của một tổ chức nọ vừa kêu gọi được, có vị lãnh đạo ngành khác đã nhanh ý tăm tia.

Tiếng là bàn với hội nọ đi thăm, tặng quà một nơi nào đó, nhưng kỳ thực vừa đến nơi đã tranh thủ gặp gỡ lãnh đạo đơn vị có ý kiến ngỏ lời: Rằng biết đơn vị đang gặp khó khăn trong công tác chống dịch, bản thân vị lãnh đạo đã vận động để có được 1 xe hàng, xin tặng lại cho nơi đây để tăng tình đoàn kết. Tuyệt nhiên không đả động tới tổ chức đi cùng mình – nhân lực chính đã vận động xe hàng. Cảm giác như bị cô Cám lọc lừa trút tép, nhiều người không khỏi hụt hẫng và buồn giàu vì thái độ cầu lợi quá rõ ràng của những người muốn được hưởng “phúc ta”.

Biết rằng việc sử dụng tiền của tập thể sẽ có lợi cho người đại diện, nhiều người được phân làm hội trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng, lớp trưởng… đã không ngại hô hào các thành viên trong nhóm, anh chị em bạn bè khắp nơi gom tiền ủng hộ để thực hiện các chương trình tặng quà cho tổ, cho lớp hoặc nơi nào đó.

Vô lý ở chỗ: quà của tập thể, công sức của nhiều người nhưng khi làm biển, khi đi tặng chỉ sướng tên người đại diện coi như của một mình họ. Hoặc có bất cứ sự ưu ái mang tính chất “cảm ơn” nào đều ưu tiên dành cho người đại diện nhận quà.

Như vậy, người đại diện không những được ơn, mà có khi chẳng phải bỏ chút tiền của công sức nào vào đó. Tại một lớp học nọ, anh B được phân công làm lớp trưởng rất giỏi hô hào các thành viên đóng quỹ lớp và hoạt động thăm hỏi các thầy cô.

Nhiều học viên rất chăm chỉ đi học, nhưng cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi bỏ ra đóng số tiền không nhỏ để ngoại giao cho một số ít cán bộ lớp thường xuyên vắng mặt không đủ điều kiện thi hết môn. Cách lấy của chung phục vụ lợi ích riêng đó khiến cho không ít người khó chịu.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Gần nhà chị C là một bệnh viện. Một lần đến khám bệnh chỉ phải đợi rất lâu. Không hiểu vì lý do gì mà cứ khiến mình phải ngồi đợi, chị C bắt đầu thắc mắc và được các bệnh nhân khám trước “rỉ tai”, mách nước cho một chiêu bài quen thuộc: kẹp tiền vào sổ khám bệnh và đưa thẳng cho bác sỹ để được khám ngay chứ không cần qua nơi đón tiếp bệnh nhân.

Vẫn biết nó xuất phát từ nhu cầu và sự tự nguyện cửa người bệnh, nhưng việc lợi dụng cơ sở vật chất của công để tư lợi vẫn khiến chúng ta thấy thật đáng phê bình.  

Những ngày còn học Đại học, Ngân rất lấy làm hãnh diện vì có bạn thân học công nghệ thông tin. Với sinh viên nghèo lúc đỏ, để mượn được một cái máy tính mà thực hành môn tin học, hay đánh máy bài luận văn tốt nghiệp thật không có gì  sung sướng hơn.

Biết Quân – bạn cùng xóm mình có máy tính, Ngân không ngại giới thiệu hết lượt bạn bè đến nhờ cậy. Mọi sự phiền phức và ảnh hưởng tới thời gian học thì Quân phải chịu, còn Ngân ngang nhiên được nhận rất nhiều sự biết ơn từ các bạn bè. Biết Hà trong xóm có chiếc xe đạp cà tàng đi gia sư mỗi tối, Ngân cũng không quên tranh thủ mượn hộ bạn nọ, bạn kia, nhiều lúc làm nhỡ việc và gây cho Hà bao phiền toái.

Từ chối thì không đành vì người ta biết mình có, cho mượn mãi thì cảnh “cha chung không ai khóc”  khiến nhiều lần hà nhận xe về phải đi sửa – vạ lây. Biết bạn thân cũ làm trong lĩnh vực nhạy cảm, Hà không ngại quảng cáo mình có thể giúp mọi người  được này việc nọ.

Công sức là của bạn, người đi nhờ thì vất vả lo toan, chỉ có Hà ở giữa nghiễm nhiên trở thành ân nhân để biết bao người phải mang ơn và tìm cách báo đáp. Bạn thân của Hà đâu biết rằng, những mối quan hệ đó Hà chẳng hề thân thiết, cứ nhận bừa để lợi dụng các mối quan hệ của bạn giúp đỡ cho mình hưởng lợi. 

Một lần đến thăm nhà bạn, Hoa- bạn của Hà đã không khỏi bất ngờ vì bắt gặp thấy hộp quà của gia đình hôm trước mình giúp đến cảm ơn Hà. Thì ra là vậy, bấy lây nay Hoa vẫn cứ tự hỏi, sao nhà Hà lại lắm anh em ruột già đến thế! Nể bạn thân Hoa chẳng tính toán gì, còn Hà vẫn thích lợi dụng cái không thuộc về mình đề được tiếng tốt và nhận về những dịp trả ơn.

Biết được tính lợi dụng của anh chàng lớp trưởng nọ, các thành viên trong lớp cũng chỉ biết ấm ức phậm phùng rồi đành nhắm mắt đưa chân vì không theo tập thể lại thành ra keo kiệt.

Nhiều người khi thấy các phương tiện truyền thông đăng tin các hoạt động tặng quà từ thiện, hay các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng chợt chạnh lòng vì rõ của mình mà sao lại hô biến thành tên người khác rất nhanh…Nhiều thứ phúc lợi của tập thể được ban phát thoải mái mang tiếng thơm cho người đại diện, biết là của công nên cứ mặc sức vung tay.

“Phật phát từ tâm” mọi việc hành thiện hướng thiện phải xuất phát từ cái tâm trong sáng mới mang lại phúc báo bền lâu. Những gì chúng ta thấy trước mắt chưa hẳn đã đúng như bản chất.

Mượn của cải, uy danh của người khác để làm lợi cho mình vẫn là câu chuyện có ở mọi thời kỳ. Nó thay đổi, phong phú và ngày cảng trở nên muôn hình muôn vẻ, nhưng về chất vẫn không ngoài mục đích lấy của người khác để được ơn huệ cho mình.

Ngẫm ra, mọi việc thiện phải từ tâm và “của ai phúc ấy” mới thật là đáng quý!

Bạn đang đọc bài viết Của người phúc ta. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Nhớ các Anh
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc:///“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”////Lớp lớp thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi////Hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu  
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.