Chủ nhật, 05/05/2024 03:20 (GMT+7)

Cựu chiến binh kể chuyện: Vượt đỉnh Trường Sơn vào Nam chiến đấu

Nguyễn Sơn- CCB Đặc công Gia Định 4 -  Thứ hai, 25/07/2022 14:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói đến Trường Sơn, không thể không nhắc đến những vách núi tai mèo lởm chởm, sắc lạnh, cao vời vợi, sâu hun hút trong mưa ngàn, gió núi...Trường Sơn hùng vĩ bao la, đồng thời cũng là Trường Sơn hiểm trở, nhiều ghềnh thác cheo leo, đầy muỗi vắt và ác thú.

Nói đến Trường Sơn, không thể không nhắc đến những vách núi tai mèo lởm chởm, sắc lạnh, cao vời vợi, sâu hun hút trong mưa ngàn, gió núi...Trường Sơn hùng vĩ bao la, đồng thời cũng là Trường Sơn hiểm trở, nhiều ghềnh thác cheo leo, đầy muỗi vắt và ác thú: từ bò cạp, rắn độc, ve rừng đến cọp beo... len lỏi khắp núi cao, rừng rậm.

Có những đoạn đường mòn chỉ đủ để quân đi theo hàng một, vượt những lèn đá trơn trượt, dựng đứng; nhiều chỗ bộ đội phải leo bằng thang dây rất hiểm trở, quanh co. Tuy vậy, nhiều đồng đội bị sốt rét rừng, chân run vì teo cơ vẫn không sờn lòng nản chí, vẫn quyết “đi bằng đầu”, cố gắng bám đơn vị hành quân đến đích; người khỏe mang vác đỡ một phần quân trang, vũ khí để người yếu tự chống gậy bám theo...

Để chuẩn bị vào chiến trường, Tiểu đoàn 18-F305 được biên chế đầy đủ gồm: 3 Đại đội đặc công, 3 Trung đội trực thuộc và các ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần của Tiểu đoàn- thường gọi là “D bộ”. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo các trung đội trợ chiến: Trung đội Hỏa lực có 1 tiểu đội súng cối 82 ly, 1 tiểu đội súng cối 60 ly, 1 tiểu đội súng máy 12,7 ly và hỏa tiễn cầm tay B.41 chống tăng.

Trung đội Thông tin có trang bị máy vô tuyến, hữu tuyến, máy VTĐ 15W để bảo đảm chỉ huy chiến đấu và giữ liên lạc với F305- Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công ở Hà Nội. Trung đội Trinh sát- những chiến sĩ đặc công tinh nhuệ, ưu tú nhất của đơn vị được lựa chọn về đây, cũng được biên chế thành 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 12 người, chia thành 3 tổ chiến đấu, được gọi là “tổ tam tam”. Nguyễn Sơn được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3; Trung sỹ Nguyễn Ngọc Giao- quê Thanh Hóa (Tiểu đội 1) và Trung sỹ Phạm Minh Tâm- đồng hương ở Tân Yên (Tiểu đội 2). Chuẩn úy Trung đội trưởng Trần Quang Tải (sau này hy sinh trong chiến trường Miền Đông Nam Bộ) và Thượng sỹ Trung đội phó Đinh Viết Gần (cũng đã hy sinh trong chiến trường B) đều là những con người quả cảm, giàu nhiệt huyết và đầy bản lĩnh của người chỉ huy trinh sát đặc công kiên cường.

tm-img-alt
CCB về lại chiến trường xưa

Theo kế hoạch hành quân, mỗi ngày Đoàn phải đi được một trạm (mỗi đoạn đường có tổ chức thành Trạm, nhiều trạm là Binh trạm, tất cả các Binh trạm trực thuộc Bộ Tư lệnh 559 - Đường mòn Hồ Chí Minh).

Có đoạn được đi ban ngày, do địa hình rừng núi hiểm trở và khá an toàn. Nhưng có nhiều đoạn phải đi ban đêm, vì địa hình trống trải, máy bay do thám địch thường xuyên hoạt động. Những đêm hành quân như thế rất mệt, buồn ngủ kinh khủng, có khi mắt nhắm lại, vừa đi vừa ngủ mà chân vẫn bước theo người đi trước, tay chống gậy dò đường, vai vác súng, lưng đeo ba lô trĩu nặng quân trang, quân dụng và vũ khí.

Có những đêm trời tối đen như mực, không một ánh trăng sao, người đi sau chỉ nhìn thấy người đi trước bằng miếng mi lơ (dạ quang) làm dấu để lần đường tiến bước; khoảng cách giữa người này với người kia bắt buộc phải giữ cự ly an toàn- chừng một với tay để phòng lạc lối.

Chỉ trừ những đoạn đường có nguy cơ bị tập kích bằng bom, pháo hoặc lính thám báo hoạt động thì mật độ dãn cách được quy định cụ thể trong mệnh lệnh hành quân. Thế mới biết, lời của bài ca Trường Sơn về người lính là rất thật mà rất hình tượng: “Ta đi trong gió, ta đi trong mưa... đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Quả đúng như vậy! Họ đã đi bằng cả trái tim và khối óc đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ giữa thế kỷ 20.

Đoàn quân vẫn không ngừng tiến bước, bất chấp trước đó là thời tiết nắng, mưa, đêm, ngày hay sự ngăn chặn khốc liệt của quân thù; bất chấp tất cả đạn bom, máy bay các loại với trang thiết bị, vũ khí chiến tranh cực kỳ hiện đại như: “cây nhiệt đới”- loại máy thu phát âm thanh có hình dạng như cành cây khô do máy bay địch thả xuống dọc đường hành quân, khi thu được tiếng động sẽ phát về căn cứ địch, chúng có khả năng xác định được tọa độ nào đang có bộ đội điqua để ném bom, bắn phá cản đường, tiêu hao lực lượng ta; các loại thiết bị cảm biến, chất độc hóa học, các loại máy bay trinh sát có sử dụng tia hồng ngoại để quan sát ban đêm v.v...

Ở những nơi xung yếu, địch còn tung ra các toán biệt kích, thám báo chuyên lùng sục, đánh hơi, tìm dấu vết để ngăn cản, phục kích, chặn đánh các đơn vị của chúng ta trên đường hành quân.

Do đó, cùng với các lực lượng bảo vệ đường Trường Sơn (Đoàn 559) được tổ chức cấp sư đoàn gồm hàng chục Binh trạm và khoảng 70 trạm giao liên, có đầy đủ pháo binh, công binh, giao liên và thanh niên xung phong bảo đảm thông đường; tất cả các đơn vị hành quân đều phải tổ chức lực lượng, sẵn sàng chiến đấu rất cao.

Trong lớp lớp người đi qua đường 559 để toả về các chiến trường miền Nam: từ B5, B3, B2, B1... đến chiến trường K (Campuchia), chiến trường C (Lào), Đoàn 2161 luôn là cánh quân táo bạo, linh hoạt nhất. Kể cả khi không có giao liên dẫn đường, đơn vị vẫn hành quân chủ động “nhằm hướng Nam đi tới”; Tiểu đoàn trưởng luôn quyết đoán và mạnh dạn cho dùng la bàn, bản đồ và sử dụng lực lượng trinh sát đi tiên phong “dẫn đường thay giao liên”. Trong khi đó, cả tiểu đội trinh sát chưa hề biết địa hình, địa vật ở đoạn đường phía trước. Mặc dù vậy, cứ mỗi ngày 1 tiểu đội trinh sát thay nhau đi lên phía trước đội hình hành tiến, dẫn đường và bảo đảm an toàn cho tiểu đoàn đi đúng hướng, đúng kế hoạch.

Kể từ khi đặt chân lên dãy Trường Sơn cho đến ngày tập kết tại T67 (Trạm Phước Long) hầu như không ai có thể nhớ hôm nay là ngày thứ mấy, tuần nào trong  tháng. Bởi vì lịch hành quân chủ yếu dựa vào địa hình, phải đối phó với tình hình hoạt động của địch và theo tình trạng thực tế của cung đường. Vì vậy, suốt hành trình trên đường ra trận và cả trong những năm tháng chiến đấu ròng rã ở chiến trường, người lính đặc công không khi nào biết đến ngày “chủ nhật”

Từ trong rừng sâu, ở những đoạn an toàn, đội hình hành quân trải dài theo hàng dọc luôn vang lên những khúc ca hùng tráng, rất yêu đời và rất lạc quan của những chàng trai “sức như Phù Đổng” đang “đạp đá tai bèo”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Từ Đông sang Tây Trường Sơn, Đoàn phải vượt qua cao nguyên Poloven của nước bạn Lào để tránh sự ngăn chặn của kẻ địch, đi về Ngã ba Biên giới Việt - Miên -Lào, giáp ranh Kon Tum, Đắc Lắc để đến vùng căn cứ giải phóng Phước Long. Đi đến đâu, qua bất cứ làng bản nào trên đất bạn hay các phum, sóc người dân tộc ít người dọc biên giới 3 nước Đông Dương, “bộ đội giải phóng” đều nhận được sự sẻ chia, đùm bọc và hết sức cảmthông của đồng bào khi có dịp tiếp xúc.

Một nắm thuốc rê (loại thuốc lá đen rất khét), một vài củ sắn, con gà hay bất cứ loại nông sản nào họ có cũng sẵn sàng đem “đổi”, cho bộ đội để “cải thiện đời sống”, có thêm sức khỏe hành quân đánh giặc.

Không ai có thể biết được đã có bao nhiêu bài thơ được sáng tác, bao nhiêu kỷ niệm được khắc ghi trong lòng, khắc lên thân cây, lên cả ngàn vạn “chiếc gậy Trường Sơn” và những trang nhật ký suốt chặng đường “dài theo đất nước”mà các chiến sĩ đã đi qua, đã được ghi lại, để nhớ mãi... Tiếc rằng, cuộc chiến tranh tàn khốc quá, ác liệt và dai dẳng quá, như đã “nuốt trôi” tất cả!

Một cán bộ trinh sát đặc công đã cùng chia ngọt sẻ bùi từ những ngày huấn luyện ở Đồi Ngô, từng sống chung trong tiểu đội suốt chặng đường dài hành quân và cùng chiến hào ở Bến Cát, Dầu Tiếng, Củ Chi cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã ngậm ngùi chia sẻ: tiếc là chúng ta không phải nhà văn để viết lên những tiểu thuyết như Chu Lai; chúng ta không có điều kiện để lưu lại những dòng Nhật ký có thể cũng “ác liệt” như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc ...

Chúng ta chỉ là những người nông dân, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tình nguyện lên đường cứu nước và sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; làm sao có thể lột tả hết được hào khí và ý chí ngoan cường trong ánh mắt rạng ngời của những chiến sĩ đặc công dám ôm bộc phá đã gắn kíp nổ tức thì khi xung trận.

Họ rất lạc quan và thanh thản làm “lễ truy điệu sống” cho mình trước những lần xuất quân, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... Dường như những thứ đó đã tan vào máu, hòa vào thịt và ngấm sâu trong tâm khảm của họ - những người đã nằm xuống và những người may mắn còn được trở về sau cuộc chiến. Không mấy ai quên những gì họ đã trải qua, nhưng rất khó để những người không phải trải qua hiểu đúng và đầy đủ về những kỳ tích, tưởng như là huyền thoại của “những người đã làm nên lịch sử”.

Bạn đang đọc bài viết Cựu chiến binh kể chuyện: Vượt đỉnh Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.