Thứ sáu, 26/04/2024 10:49 (GMT+7)

Đà Nẵng: Thu về hơn 3 tỷ đồng từ việc phân loại rác

Hà Thắm -  Thứ ba, 21/12/2021 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để góp phần giải quyết khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ngày một tăng, thành phố Đà Nẵng rất coi trọng việc tổ chức thực hiện các chương trình phân loại CTRSH tại nguồn.

Các chương trình mà thành phố Đà Nẵng đang thực hiện liên quan công tác phân loại rác cũng như các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải đại dương đã thu được những kết quả tích cực. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, sau 2 năm thực hiên chương trình phân loại rác tại nguồn với sự hỗ trợ của tổ chức JAICA (Nhật Bản), thành phố Đà Nẵng đã thu gom được 1.500 tấn rác sau phân loại (giấy, thuỷ tinh, kim loại…), mang về hơn 3 tỷ đồng cho các hội, đoàn thể từ bán rác tài nguyên.

Thu về hơn 3 tỷ đồng từ việc phân loại rác - Ảnh 1
Một số hình ảnh về hoạt động tuyên truyền phân loại rác tại Đà Nẵng. Ảnh: CTTĐT Đà Nẵng

Báo cáo tại Hội thảo khoa học trực tuyến Đánh giá công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phục vụ mục tiêu quản lý chất thải bền vững, Phó Chi cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng - Nguyễn Thị Kim Hà cho biết, thực hiện Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 theo Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019, giai đoạn 2019-2021, hơn 95% CTRSH trên địa bàn thành phố đã được thu gom, xử lý, tỷ lệ CTRSH được tái chế, tái sử dụng ước đạt từ 8 đến 12%. Tổng khối lượng rác tái chế được thu gom đạt 1.500 tấn, rác nguy hại là 3,34 tấn và rác có kích thước lớn là 1.100 tấn.

Hiện tại đã có 63% số hộ gia đình, 83% số tổ dân phố trên địa bàn thành phố Đã Nẵng tham gia phân loại rác tại nguồn. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt dưới 60%, quận Liên Chiểu có tỷ lệ phân loại rác tại nguồn thấp nhất, đạt 16%.

Có được kết quả trên, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền về phân loại rác. Dù còn nhiều khó khăn, song qua 2 năm triển khai thực hiện, công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn thành phố bước đầu đã thu được những kết quả nhất định, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, sự tham gia vào cuộc của nhiều hội đoàn thể. Nhiều mô hình hay, hiệu quả được triển khai và nhân rộng như: "Thùng thu gom rác thải nhựa” đặt tại các khu du lịch, di tích, công cộng; mô hình thu gom pin cũ tại khu dân cư; "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”; "Tận dụng vải bạt cũ may túi”; "Trồng cây chuối lấy lá” hạn chế sử dụng túi nilông…

Vào những ngày cuối tuần, người dân khu dân cư 40, phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) lại hồ hởi thu gom phân loại rác thải, vệ sinh đường phố. Đây là một trong những hoạt động xây dựng môi trường khu phố "sáng, xanh, sạch, đẹp”, được bà con thực hiện hằng tuần từ những năm qua. Để duy trì, phát triển hoạt động này, những người đứng đầu Chi bộ của khu dân cư đã tập hợp, gắn kết, vận động người dân cùng tham gia, quyết tâm xây dựng khu dân cư văn minh. Ít ai ngờ 4 năm trước khu phố này từng là "điểm đen" môi trường, có nhiều bãi rác tạm. Nhưng với sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, môi trường nơi đây đã trở nên xanh - sạch - đẹp.

Thu về hơn 3 tỷ đồng từ việc phân loại rác - Ảnh 2
Người dân khu dân cư 40 phường Hòa Thuận Tây thu gom, phân loại rác theo định kỳ

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng với việc triển khai các hoạt động phân loại rác tại nguồn, hệ thống văn bản chính sách, quy định về quản lý phân loại rác tại nguồn cơ bản đã được cấp chính quyền của Đà Nẵng ban hành đồng bộ. Các ngành, quận, huyện sớm hoàn thiện phương thức phân loại, lưu chứa và thu gom phân loại rác tại nguồn cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn dân cư. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật về thu gom và vận chuyển chất thải rắn trong đô thị dần được cải thiện, hướng tới ổn định trong năm 2022-2023, góp phần hoàn thiện phương thức triển khai 3R - Giảm thiểu (Reduce), tái chế (Recycle) và tái sử dụng (Reuse).

Năm 2022, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về phân loại CTRSH, quản lý rác thải nhựa; thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn. Đồng thời, tăng cường kêu gọi các dự án quốc tế hỗ trợ các địa phương thực hiện quản lý chất thải rắn, phân loại CTRSH tại nguồn và quản lý rác thải nhựa; nghiên cứu phương thức tổ chức phân loại, thu gom CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Cũng như các thành phố lớn trong cả nước, việc xử lý chất thải nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ngày 16/12/2021, tại Kỳ họp thứ 4 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, phát biểu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng - Tô Văn Hùng cho biết, thực trạng phát sinh CTRSH của thành phố Đà Nẵng là khoảng 1.100 tấn/ngày (hơn 350.000 tấn/năm), tỷ lệ thu gom đạt khoảng 95%, hiện đang xử lý bằng công nghệ truyền thống là chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Với năng lực xử lý như hiện tại, dự kiến có thể vận hành bãi chôn lấp Khánh Sơn tới cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Để giải quyết vấn đề CTRSH, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư và đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt 1.000 tấn/ngày theo hình thức đối tác công tư và dự án Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt 650 tấn/ngày. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng khẳng định, 2 nhà máy này sẽ được triển khai xây dựng và vận hành chậm nhất trong năm 2024, trước khi bãi rác Khánh Sơn quá tải.

Từ thực tế nói trên, việc triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn ở thời điểm hiện tại không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý chất thải rắn của thành phố, mà còn giảm áp lực rất lớn đối với việc xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, rác thải sau phân loại sẽ trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho các hoạt động tái sử dụng, tái chế, hướng tới hình thành nền kinh tế tuần hoàn.

Thực hiện chủ trương của thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn, từ tháng 9/2021, Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng đã tham gia chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”. Từ ngày 19/12/2021, chương trình đã bắt đầu triển khai thí điểm các điểm truyền thông, thu mua rác tái chế lưu động tại các khu dân cư. Rác sau phân loại sẽ cung cấp cho các đơn vị có cấp phép hoạt động chính quy để thực hiện tái chế. Chương trình được đồng hành bởi Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (VUREIA), PRO Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Thu về hơn 3 tỷ đồng từ việc phân loại rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.