Thứ hai, 29/04/2024 23:58 (GMT+7)

Đắk Lắk: Nghịch lý cơ sở xử lý ô nhiễm lại gây ô nhiễm môi trường

MTĐT -  Chủ nhật, 16/07/2023 19:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân sinh sống tại thôn 12 cạnh KCN Hòa Phú (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) rất bức xúc và lo lắng khi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của một số cơ sở, đơn vị trong khu vực gây nên.

Nước thải, khói bụi bủa vây khu dân cư

Theo các hộ dân sinh sống cạnh Khu công nghiệp Hòa Phú, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, vận hành của bãi rác Hòa Phú, Cơ sở tái chế chất thải rắn Đức Cường, Cơ sở tái chế chất thải rắn Hân Khu và lò than tự phát của hộ ông Trần Văn Quyết (thôn 12, xã Hòa Phú) đã xả chất thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu vực.

Nghịch lý cơ sở xử lý ô nhiễm lại gây ô nhiễm môi trường
Nước thải từ việc vận hành, sản xuất của các cơ sở xả thẳng vào một nhánh suối trong khu vực. Ảnh người dân cung cấp

Cụ thể, vào mùa mưa, nước rỉ rác từ bãi rác Hòa Phú có màu đen ngòm chảy tràn ra các dòng suối nhỏ ở xung quanh rồi đổ ra sông Sêrêpốk; tràn ra đường và khu vực nương rẫy của người dân đang canh tác xung quanh bãi rác, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất. Hai cơ sở tái chế chất thải rắn và lò than tự phát của các cá nhân trong quá trình hoạt động cũng xả nước thải và khói ra môi trường xung quanh, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông P. là một trong những người dân sinh sống cạnh Khu công nghiệp Hòa Phú bức xúc: “Gia đình tôi sinh sống ở khu vực này đã lâu, chứng kiến từ khi các cơ sở này đi vào hoạt động gây ô nhiễm môi trường trầm trọng vì để nước thải chảy tràn ra ngoài bốc mùi hôi thối, đốt chất thải, đốt than khiến khói bay mù mịt. Có hôm gió thổi cả mùi hôi lẫn khói bay hết vào nhà khiến không khí ngột ngạt, cả gia đình phải tránh đi chỗ khác”. Đó là chưa nói đến việc nước rỉ rác từ bãi rác chảy tràn ra ngoài, ngấm vào nguồn nước giếng của người dân, ảnh hưởng diện tích đất đang canh tác cây lâu năm của các hộ dân xung quanh. Đặc biệt, một số hồ nuôi cá của người dân đành bỏ không vì cá thả vào là bị chết nổi trắng mặt nước.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân, UBND xã đã tiến hành kiểm tra thực tế và ghi nhận tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở này, trong đó hai cơ sở tái chế chất thải được xây dựng trên đất nông nghiệp, ngoài ra Cơ sở tái chế chất thải Đức Cường không bảo đảm các quy định về giấy phép hoạt động và đăng ký bảo đảm về môi trường. Do việc xử lý vượt quá thẩm quyền nên UBND xã đã lập biên bản và kiến nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột xử lý. Đối với cơ sở Hân Khu đang hoàn thiện hồ sơ để ra quyết định xử phạt hành chính về vi phạm trật tự xây dựng. Riêng với lò than tự phát thì mới hoạt động khoảng 2 tháng, quá trình đốt củi lấy than gây ô nhiễm không khí nên địa phương đã mời ông Trần Văn Quyết đến làm việc, nhưng do ông này đang đi điều trị bệnh tại TP. Hồ Chí Minh nên chưa làm việc được.

Xử lý ô nhiễm lại gây ô nhiễm

Với bãi rác Hòa Phú, thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm. Bãi rác Hòa Phú được UBND TP. Buôn Ma Thuột giao cho Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk quản lý vận hành và đưa vào hoạt động từ tháng 1/2020 với tổng lượng rác thải được tập kết và xử lý bình quân hiện nay là trên 300 tấn rác/ngày đêm. Do việc đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác chưa hoàn chỉnh cộng với lượng rác thải tập kết ngày càng tăng; đặc biệt, vào mùa mưa, sau những cơn mưa lớn và liên tục thì lượng nước mưa chảy về 3 hồ chứa rất nhiều dẫn đến bị quá tải và chảy tràn gây ô nhiễm môi trường xung quanh bãi chôn lấp và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của dân cư, người lao động tại bãi rác.

Nghịch lý cơ sở xử lý ô nhiễm lại gây ô nhiễm môi trường
Cơ sở tái chế chất thải rắn Đức Cường xả nước thải ra một con suối nằm cạnh nhà dân.

Ông Bùi Văn Quý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho hay, Công ty đã có nhiều văn bản báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nước rỉ rác cũng như đề xuất kiến nghị xem xét cho chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước rỉ rác nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường trong quá trình vận hành bãi rác. Ngày 22/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-HĐND về việc Quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh; trong đó có dự án Nhà máy xử lý nước rỉ rác cho khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại bãi rác Hòa Phú (thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2024).

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trong thời gian chờ hoàn thiện dự án và đưa vào vận hành, nhằm hạn chế nước mưa tràn vào các ô chôn lấp gây tràn nước rỉ rác ra môi trường, Công ty đã chủ động mua bạt HDPE để phủ một phần diện tích của một ô chôn lấp, nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ. Đơn vị đã nhiều lần đề nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột và các đơn vị có liên quan xem xét bố trí kinh phí mua bạt HDPE để phủ trên bề mặt các ô chôn lấp tại bãi rác, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến tình trạng ô nhiễm vẫn cứ tái diễn mỗi khi trời mưa.

Người dân sinh sống xung quanh khu vực cũng đã nhiều lần kiến nghị đến các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn không được giải quyết triệt để. Hiện đang bước vào cao điểm mùa mưa, lượng nước rỉ rác từ bãi rác Hòa Phú sẽ càng lớn. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét có biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nói trên để trả lại môi trường trong sạch, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Bạn đang đọc bài viết Đắk Lắk: Nghịch lý cơ sở xử lý ô nhiễm lại gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...