Thứ bảy, 27/04/2024 13:16 (GMT+7)

Đề xuất làm sạch sông Tô Lịch: “Phải hiểu được bài toán cũ”

PHAN NGÂN -  Thứ ba, 07/05/2019 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

PGS. TS Trần Đức Hạ cho rằng: "Dù là đơn vị nào xử lý nước sông Tô Lịch thì cũng cần nắm được bài toán cũ của dòng sông".

Sông Tô Lịch nhiều năm nay đã trở thành dòng "sông chết" dù được cải tạo, nạo vét nhiều lần. Mặc dù là con sông chảy giữa lòng thành phố nhưng quanh năm lại mang một màu nước đen đặc quánh, bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa khô. Với những hộ dân ở gần dòng sông này thì những ngày "giở giời" thực sự bị tra tấn bởi thứ mùi đáng sợ của nước thải.

Sông Tô Lịch.

1001 kế sách “hồi sinh” Tô Lịch

Người Hà Nội nhiều năm nay mòn mỏi trông ngóng việc cải tạo, làm sống lại dòng sông Tô Lịch. Cuối năm 2018, dư luận đã khấp khởi trước thông tin một doanh nghiệp thoát nước ở Hà Nội đưa ra phương án lấy nước sông Hồng để bổ cập nước cho Hồ Tây và thau rửa sông Tô Lịch. Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự đồng tình với tính khả quan của đề xuất, nhưng tới thời điểm hiện tại “kế sách” này vẫn chưa đi được vào thực tiễn.

Trở về trước đó, cách đây hơn 3 năm, ngày 7/10/2016, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ khởi công dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, cho ra đời một dự án mang theo ước vọng giải cứu “cống lộ thiên” của UBND thành phố. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 16.200 tỉ đồng, trong đó vốn ODA của Nhật Bản là 85%, vốn đối ứng của TP Hà Nội là 15%. Mục tiêu dự án sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nước và làm trong sạch lại các sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ.

Video Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá bỏ hoang:

Thời điểm đó, nhiều tờ báo đã “giật” những cái title đầy hy vọng như: “Hà Nội sẽ trả lại màu xanh cho sông Tô Lịch”; “Hệ thống xử lý nước thải 800 triệu USD sẽ “hồi sinh” sông Tô Lịch?”; “Sông Tô Lịch sẽ "hồi sinh" nhờ hệ thống xử lý nước thải 800 triệu”; “Hà Nội khởi công dự án làm sạch lại sông Tô Lịch, sông Lừ”… Tuy nhiên đến nay, khu đất dự án này vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, cò bay thẳng cánh!

Đây không chỉ là những phương án đầu tiên trong việc giải cứu sông Tô. “Cách đây gần 40 năm, từ năm 1980 các chuyên gia của Liên Xô cũ đã tính đến việc lấy nước sông Hồng bổ cập cho Hồ Tây và lấy nước ở Hồ Tây thau rửa cho sông Tô Lịch. Hoặc cuối những năm 1990, đầu năm 2000, các chuyên gia Áo thông qua một dự án cải tạo nước Hồ Tây thì các chuyên gia đã đề xuất một số ý tưởng cấp nước cho Hồ Tây từ nguồn nước sông Hồng. Hay một số ý tưởng từ các chuyên gia bộ môn Cấp thoát nước trường Đại học Xây dựng” - PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, một chuyên gia đầu ngành nước cho hay.

Dòng sông đã ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm nay.

Người dân khấp khởi

Vừa qua, trước thông tin Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đưa ra đề nghị sử dụng thiết bị công nghệ nano đặt dưới lòng để làm sạch sông Tô Lịch, xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, mùi hôi, phân giải toàn bộ lớp bùn tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là những người dân sống hàng ngày bên dòng sông Tô Lịch tỏ ra vừa mừng vừa lo.  

Trò chuyện với PV, bà Nguyễn Thị Tịch – người bán hàng nước gần Cầu Cót, đường Nguyễn Khang cho hay: “Tôi đã bán hàng ở đây rất nhiều năm và chứng kiến nước sông ngày một ô nhiễm. Trước đây không đến mức như vậy nhưng càng ngày càng trở nên hôi thối trầm trọng, nhất là vào mùa hè. Về việc cải tạo nước sông thì nhân dân cũng đã được biết về một vài dự án thế nhưng tới giờ vẫn chưa có dự án nào thành hiện thực. Bây giờ có một dự án mới của Nhật thì chúng tôi cũng rất mong chờ, không biết sẽ như thế nào đây”.

Cùng suy nghĩ với bà Tịch, anh Vũ Văn Đoàn (ngõ 350, đường Láng, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Chỉ trong 3 ngày có thể xử lý được mùi hôi thối bao nhiêu năm tại Tô Lịch thì tôi cảm thấy hơi ngờ vực. Chúng tôi cũng tò mò xem họ sẽ làm như thế nào vì sông Tô Lịch một ngày hứng bao nhiêu nước thải phát sinh. Dù sao người dân chỉ biết hi vọng vào một dự án thành công để hồi sinh con sông này, cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội”.

 “Phải hiểu được bài toán cũ”

Trước thông tin có một “kế sách” làm sạch sông Tô Lịch của Nhật Bản được đưa ra, PGS. TS Trần Đức Hạ đã có những nhận định khách quan. Mặc dù đây là đề xuất khả quan nhưng câu chuyện từ đề xuất thành dự án và đưa vào thực hiện thì vẫn là cả một quá trình, bởi lẽ còn rất nhiều khó khăn, thử thách.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng: “Ý tưởng phục hồi cho sông Tô Lịch trở về môi trường cảnh quan sinh thái đúng nghĩa thì đã được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà quy hoạch mong muốn từ lâu. Dù là đơn vị nào xử lý nước sông Tô Lịch thì cũng cần nắm được bài toán cũ của dòng sông. Trước hết là phải ngăn chặn được rác thải, nước thải hai bên bờ sông. Thứ hai phải có giải pháp đồng bộ để phù hợp với quy hoạch đô thị, đặc trưng đô thị”.

PGS. TS Trần Đức Hạ trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử.

Không chỉ riêng Tô Lịch, các con sông tự nhiên khác trong nội thành Hà Nội như sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu cũng rơi vào thảm cảnh tương tự. Bài toán “hồi sinh” sông nội đô dù có bao nhiêu phương án giải quyết, nhưng theo các chuyên gia, nếu như không làm đúng phương pháp thì bài toán sẽ mãi giậm chân tại chỗ mà không có lời giải.

Ngày 4/5 vừa qua, trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã thông tin: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với chuyên gia Nhật Bản cũng là chuyên gia của Liên hợp quốc về môi trường và đã đề xuất thử nghiệm công nghệ nano để xử lý mùi của sông Tô Lịch. Công nghệ này đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ ở Nhật Bản. Ở Việt Nam, dự án xử lý mùi sông Tô Lịch mới chỉ là thử nghiệm, Bộ đã giao các đơn vị theo dõi và đánh giá thử nghiệm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng: Với việc ô nhiễm môi trường thì việc xử lý căn cơ là xử lý nguồn chất thải đổ vào dòng sông, còn các biện pháp khác chỉ là nhất thời, vì vậy rất cần các giải pháp căn cơ hơn.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất làm sạch sông Tô Lịch: “Phải hiểu được bài toán cũ”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề