Thứ sáu, 26/04/2024 13:15 (GMT+7)

Di dời khách sạn làm công viên: Nhìn rộng hơn từ Bình Định

MTĐT -  Thứ tư, 26/02/2020 17:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

UBND tỉnh Bình Định mới đây đã có văn bản yêu cầu Sở TN&MT triển khai các công việc liên quan đến việc di dời 3 khách sạn ven biển trên đường An Dương Vương (TP Quy Nhơn).

Bình Định đi tiên phong

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với khách sạn Hoàng Yến để thống nhất phương án di dời, bồi thường, tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/3.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN&MT làm việc với chủ khách sạn Bình Dương trong tháng 2/2020 về tiến độ thực hiện di dời, báo cáo kết quả để UBND tỉnh có hướng xử lý tiếp theo.

Theo đó, 3 khách sạn bị di dời gồm khách sạn Bình Dương (2 sao), Hải Âu (4 sao) và Hoàng Yến (4 sao).

Việc di dời các khách sạn này là để lấy đất xây dựng công viên phục vụ cộng đồng. Các khách sạn sẽ được di dời căn cứ vào thời hạn cho thuê đất.

Theo lộ trình, di dời đầu tiên là khách sạn Bình Dương, tiếp đó là khách sạn Hoàng Yến và Hải Âu.

Tỉnh Bình Định cho biết, sẽ bố trí khu đất mới rộng 3.000m2 tại số 20 Nguyễn Văn Trỗi (TP.Quy Nhơn) để xây dựng khách sạn mới.

Theo Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, việc giải tỏa khách sạn Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) trả lại không gian công cộng cho người dân và ông đã hứa với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng, dời khách sạn chỉ làm công viên, còn nếu làm cái gì khác ông nhận kỷ luật.

“Không riêng gì khách sạn Bình Dương, sắp tới khi đến một lúc nào đó thì khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu cũng sẽ giải tỏa theo lộ trình. Đây là những tồn tại trước kia mà lúc này chúng tôi sẽ sửa dần, trả lại không gian công cộng ven biển cho người dân. Dọc tuyến đường ven biển, chỉ quy hoạch nhà cao tầng tạo điểm nhấn thành phố, chứ không chạy theo kiểu xây dựng tràn lan phát triển nóng, phá vỡ cảnh quan đô thị”, Chủ tịch tỉnh Bình Định lưu ý. 

Theo ông Hồ Quốc Dũng, trong giai đoạn khó khăn thì cả 3 khách sạn trên đều có đóng góp rất lớn cho du lịch của Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Thế nhưng, về lâu dài không gian biển phải trả lại cho người dân, đây là quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh từ thế hệ trước và đến lúc này, theo lộ trình sẽ tiến hành thực hiện di dời, chứ nhà đầu tư không hề có vi phạm.

Ông Dũng nói rằng, rất biết ơn những nhà đầu tư vì có thời gian họ phải chịu thua lỗ. Trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm trong giai đoạn phát triển du lịch tỉnh Bình Định và gắn bó cho đến lúc này.

“Đây đều là những doanh nghiệp tiên phong, có đóng góp cho phát triển du lịch, họ không vi phạm hay chiếm đất gì cả. Việc di dời sẽ được tính toán kỹ lưỡng tạo điều kiện cho nhà đầu tư và thực hiện theo lộ trình quy định”, ông Dũng khẳng định.

Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị Quy Nhơn mới đây, khi nói đến cách làm quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định Lê Đăng Tuấn ví von rằng, nếu như ở nơi khác đất vàng sẽ được dùng để xây dựng công trình thì điều khác lạ ở Quy Nhơn là đổi đất vàng chỉ để trồng cây xanh, công viên.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ, việc quy hoạch ở Quy Nhơn được định hướng theo kiểu, thành phố hiện đại nhưng có bản sắc riêng, giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có.

Quy Nhơn được ‘ưu ái’ ban tặng đường bờ biển dài nên không gian biển luôn được ưu tiên, gắn liền với 2 trục đường chính là An Dương Vương và Xuân Diệu. Ở đây, chỉ quy hoạch một số công trình cao tầng tạo điểm nhấn, không ưu tiên phát triển nhà cao tầng dọc bờ biển. Bằng mọi cách, giữ được không gian biển cộng đồng, để người dân và du khách đều có thể dễ dàng, tự do tận hưởng vẻ đẹp Quy Nhơn.

Nếu Khánh Hòa cũng làm được như vậy...

Động thái của Bình Định có thể coi là bước đi tiên phong cho các địa phương khác trong việc trả lại không gian ven biển cho người dân.

Chia sẻ với báo Đất Việt, KTS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao sự mạnh dạn của Bình Định và cho rằng, nếu Khánh Hòa cũng làm được như vậy, vì tương lai lâu dài, đảm bảo một môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân thì rất mừng.

Trong nhiều lần trao đổi, vị KTS bày tỏ nỗi đau xót khi Khánh Hòa cho phép xây dựng các cao ốc, trung tâm thương mại chót vót dọc bờ biển; nhiều ngọn núi ở TP Nha Trang bị xẻ thịt để làm dự án bất động sản khiến mảng xanh của thành phố biến mất dần.

"Hiện mật độ xây dựng ở TP Nha Trang quá lớn, do đó để có được sự thông thoáng, tăng thêm diện tích cây xanh cho thành phố, không có cách nào khác phải giảm bớt mật độ xây dựng đi. Phải chấp nhận hy sinh để giữ lại chút gì cho tương lai", KTS Nguyễn Văn Lộc nói và cho biết, người dân Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung đang mong chờ một chủ trương hay quyết định rõ ràng, sát thực từ phía lãnh đạo tỉnh đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn: Liệu các dự án đó có được tiếp tục sau một thời gian im ắng? Hay những dự án đã cấp sai quy hoạch, xây dựng trên đồi núi sẽ tính sao?...

Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa thừa nhận nếu dừng các dự án bất động sản trong diện nói trên lại, tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ rơi vào thế khó bởi với những dự án đã được phê duyệt, nếu dừng lại thì giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư thế nào?

"Việc này khiến địa phương rất khó xử, nhưng đã sai thì dứt khoát phải dừng", KTS Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Di dời khách sạn làm công viên: Nhìn rộng hơn từ Bình Định. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.