Thứ năm, 02/05/2024 20:51 (GMT+7)

Định hướng phát triển nền công nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn

MTĐT -  Thứ hai, 01/01/2024 06:46 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phấn đấu đến năm 2030, Lạng Sơn cơ bản trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại; ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế quantrọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế chung toàn tỉnh.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 8.310 km2, dân số khoảng 802 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 84 %, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn. Tỉnh có hệ thống cửa khẩu trên bộ quan trọng của cả nước trong kết nối, thông thương với nước bạn Trung Quốc với 02 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế đường sắt Ga Đồng Đăng), 01 cửa khẩu chính (của khẩu song phương Chi Ma) và 09 cửa khẩu phụ; tỉnh có Quốc lộ 1A, 1B, 3B, 4A, 4B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Đồng Đăng nối với các địa phương lân cận. Hiện nay, tỉnh có cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, tương lai không xa có thêm cao tốc kết nối đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cao tốc kết nối với tỉnh Cao Bằng và tỉnh Quảng Ninh, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội với nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ logistics, công nghiệp, du lịch, nông, lâm nghiệp...

Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các giải pháp tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022 tỉnh Lạng Sơn đã triển khai hiệu quả chiến lược Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, ổn định đời sống Nhân dân.

Đã hoàn thành đạt và vượt mức 18/18 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 đề ra, kinh tế của tỉnh nhìn chung phục hồi nhanh và toàn diện; các nhiệm vụ về chuyển đổi số, cải cách hành chính đạt được những kết quả tích cực; lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được tăng cường và mở rộng, đã có những bước tiến mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,22%; GRDP bình quân đầu người đạt 51,72 triệu đồng. Giải ngân vốn đầu tư công được 2.953,7 tỷ đồng, đạt 88,4% kế hoạch.

Thu ngân sách đạt 7.909,87 tỷ đồng, đạt 100,76% dự toán. Thành lập mới 490 doanh nghiệp; thu hút thêm 12 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.539 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 7,09%. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi, diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 15,03% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện tốt, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Công tác chuyển đổi số được tổ chức triển khai toàn diện, rộng khắp và đạt kết quả cao. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện hiệu quả, đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài. Công tác cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tiếp tục được tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, giai đoạn 2011 - 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân của tỉnh hằng năm đạt 9,88%, tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 7,72%.

Tuy nhiên, phát triển công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo được bước đột phá; đầu tư phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nội lực còn yếu, thiếu tính bền vững; tái cơ cấu ngành còn chậm, chưa rõ nét; giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt đủ sức cạnh tranh trên thị trường; còn nhiều sản phẩm thô, bán thành phẩm và thiếu những sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị gia tăng lớn. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư xây dựng, thiếu mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, một số dự án triển khai chậm tiến độ; hạ tầng công nghiệp điện, nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo theo quy định; công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động chuyên môn cao; phát triển công nghiệp chủ yếu theo chiều rộng; dây truyền, thiết bị công nghệ chậm đổi mới, năng suất lao động còn thấp, mẫu mã đơn giản, thiếu sức cạnh tranh.

Nhận thức được những vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới cần Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; .... Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định công nghiệp là một trong bốn trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bên cạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ và nông, lâm nghiệp.

tm-img-alt
Một góc thành phố Lạng Sơn. Ảnh: Tư liệu

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu như sau:

Phấn đấu đến năm 2030, Lạng Sơn cơ bản trở thành tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại; ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế quan
trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế chung toàn tỉnh. Phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công tại chỗ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, gia công, tái chế và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện có trong quy hoạch và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân 14-15%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 32-33%, trong đó ngành công nghiệp đóng góp khoảng 19-20% vào GRDP; đến năm 2025 đưa vào hoạt động từ 3-4 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy mỗi cụm công nghiệp đạt trên 30%.

tm-img-alt
Ngành công thương: Động lực phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn. Ảnh minh hoạ

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, trong đó quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, năng lượng; quy hoạch đất đai, xây dựng đảm bảo hợp lý, hiệu quả để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh... tạo tiền đề, cơ sở cho phát triển công nghiệp tỉnh thời gian tới, trong đó:

(1) Đối với Quy hoạch khu công nghiệp: khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp tại địa bàn các huyện có vị trí thuận lợi về giao thông, địa hình và quỹ đất phát triển. Dự kiến khu vực phát triển các khu công nghiệp tập trung tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập.

Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có 06 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.055 ha; giai đoạn năm 2031 - 2050 quy hoạch thêm 05 khu công nghiệp, nâng tổng số lên thành 11 khu với tổng diện tích quy hoạch 3.455 ha.

Hiện tại tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư 02 khu công nghiệp (Khu công nghiệp Đồng Bành, diện tích 162 ha; Khu công nghiệp Hữu Lũng, diện tích 599,76 ha). Đồng thời, tổ chức triển khai lập Quy hoạch chung Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn với quy mô khoảng 5.500 ha (trong đó đã cập nhập diện tích Khu công nghiệp Hữu Lũng đã được phê duyệt Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu với quy mô khoảng 599,76 ha), tổ chức triển khai phê duyệt nhiệm vụ và lập quy hoạch sau khi Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(2) Đối với Quy hoạch cụm công nghiệp: tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn mỗi huyện, thành phố ít nhất có 01 cụm công nghiệp trở lên với tỷ lệ lấp đầy trên 50%. Hiện nay, Lạng Sơn có quy hoạch 35 cụm công nghiệp, tổng diện tích khoảng 1.632 ha, được bố trí tại tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã thành lập 03 cụm công nghiệp, trong đó: 01 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp địa phương số 2, huyện Cao Lộc, diện tích 8,5 ha) đã được lấp đầy với 11 doanh nghiệp hoạt động, 02 năm gần nhất tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp khoảng trên 550 tỷ đồng, thực hiện nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 12 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng gần 600 lao động; 02 cụm công nghiệp mới được thành lập, hiện đang hoàn thiện hạ tầng, dự kiến năm 2024 sẽ đưa vào hoạt động.

(3) Đối với Quy hoạch năng lượng:

- Thuỷ điện: theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt có 10 dự án thủy điện, tổng công suất 103,7MW (trong đó có 05 dự án Thủy điện có tổng công suất 34,9MW đã đưa vào vận hành phát điện thương mại; 04 dự án Thủy điện đang thi công, có tổng công suất là 63,8MW; 01 dự án Thủy điện công suất 5MW đã cấp chủ trương đầu tư, hiện nay đang thực hiện điều chỉnh nâng công suất). Tỉnh Lạng Sơn cơ bản khai thác tốt tiềm năng về phát triển thủy điện. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, hệ thống sông ngòi có độ dốc không lớn nên trong thời gian tới chỉ có thể quy hoạch dự án thủy điện nhỏ.

- Nhiệt điện: theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt có 02 dự án nhiệt điện, tổng công suất 210MW (trong đó có 01 dự ánNhà máy nhiệt điện Na Dương I, công suất 110MW đã đưa vào vận hành phát điện thương mại từ năm 2005; 01 dự ánNhà máy nhiệt điện Na Dương II,công suất là 110MW đang tổ chức lựa chọn nhà thầu EPC. Tuy nhiên, căn cứ cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, không quy hoạch đối với dự án nhiệt điện trong thời gian tới).

- Điện mặt trời: tỉnh Lạng Sơn mới bắt đầu có các công trình điện mặt trời mái nhà từ tháng 01/2019 đến hết tháng 12/2020, cụ thể: 145 công trình điện mặt trời mái nhà nối lưới, các chủ đầu tư đã thực hiện ký hợp đồng bán điện với Công ty Điện lực Lạng Sơn, tổng công suất lắp đặt của các công trình đã nối lưới là 4.121,79 kWp.

tm-img-alt
Lạng Sơn có tiềm năng để phát triển điện gió theo đánh giá của các ông lớn trong ngành

- Điện gió: ngoài nguồn năng lượng từ thủy điện, nhiệt điện đã khai thác, điện gió cũng là một trong những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Qua nghiên cứu số liệu về năng lượng gió do Viện Năng lượng Việt Nam cung cấp, Lạng Sơn được đánh giá có tiềm năng tốt nhất cho phát triển điện gió trong 17 tỉnh khu vực phía Bắc, lượng gió trung bình 4,5-7,0 m/s trên tổng diện tích khoảng 1.276 km2, tiềm năng kỹ thuật khoảng 6.500 MW. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Bộ Công Thương đề nghị xem xét, bổ sung một số nội dung về Đề án Phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 vào Quy hoạch điện VIII, trong đó đề nghị bổ sung danh mục 35 dự án điện gió, có tổng công suất 4.696 MW, do 16 doanh nghiệp đề xuất (trong đó giai đoạn trước 2030 là 27 dự án điện gió tổng công suất 3.570 MW; giai đoạn sau 2030 là 08 dự án điện gió có tổng công suất 1.126MW).

 (4) Quy hoạch khoáng sản

Công nghiệp khai thác mỏ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khai thác đá các loại, đất sét phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, xi măng; khai thác than nâu phục vụ cho sản xuất điện. Ngoài ra còn khai thác với quy mô nhỏ một số loại quặng như: Bauxit, sắt, chì, kẽm, than bùn,… để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, hạt mài, sản xuất phân bón và xuất khẩu.

Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh còn 60 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong những năm qua, bằng chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Lạng Sơn đã thu hút được các dự án khai thác, chế biến khoáng sản với quy mô công nghiệp, công nghệ khai thác tiên tiến, chế biến sâu, nâng cấp đồng bộ máy móc tạo giá trị sản phẩm như: Dự án khai thác than mỏ than Na Dương, chế biến hạt mài tại mỏ bauxit Ma Mèo, các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tập trung nhiều ở Hữu Lũng, Cao Lộc và sản xuất xi măng tại mỏ đá Đồng Bành, mỏ đá vôi khu vực xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng ...; hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thu hút được trung bình hằng năm trên 1.500 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm/người; tổng nộp ngân sách Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trung bình đạt 101.191 triệu đồng/năm, chiếm 10,12% tổng thu nội địa. Ngoài việc thực hiện nộp ngân sách thông qua các khoản thuế, phí, các doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng khai thác, ủng hộ các quỹ phúc lợi xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho Nhân dân địa phương.

tm-img-alt
Một mỏ khai thác đá tại Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ảnh minh họa

Để công nghiệp tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn đề ra một số định hướng cụ thể như sau:

  1. Tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp có giá trị cao, công nghiệp xanh, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Thực hiện phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế từng khu vực theo hướng tập trung, không dàn đều, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
  2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo tính đột phá: tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng, kêu gọi thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục chấp thuận đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng; thành lập Khu công nghiệp và hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hữu Lũng. Hoàn thành quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng trước năm 2024, triển khai thực hiện quy hoạch theo lộ trình.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục thành lập cụm công nghiệp hiện đã có nhà đầu tư quan tâm, đăng ký làm chủ đầu tư tại địa bàn các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng.

  1. Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong đó trọng tâm là ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
  2. Phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo với ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, thân thiện môi trường là những lĩnh vực tiềm năng của tỉnh; hoàn thiện thủ tục đầu tư và khởi công một số dự án năng lượng tái tạo (Nhà máy điện gió tại các huyện: Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan, Đình Lập; Nhà máy điện sinh khối Na Dương, Nhà máy điện sinh khối Bắc Sơn; nhà máy điện rác tại Cao Lộc). Hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy nhiệt điện Na Dương giai đoạn 2, dự án thủy điện Bản Nhùng, Bắc Giang (Vằng Puộc); triển khai các dự án thủy điện: Bản Lải, Đèo Khách, Tràng Định 2. Phát triển hệ thống lưới điện bao gồm các lưới điện cao thế 220 kV, 110 kV, 35 kV và lưới điện hạ áp phù hợp với từng giai đoạn theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã phê duyệt, bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn và liên tục cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển các hình thức quản lý phân phối điện hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số song song với phát triển hệ thống lưới điện. Hoàn thành đề án phát triển lưới điện hạ áp nông thôn.

- Ưu tiên lựa chọn phát triển công nghiệp tại khu vực có lợi thế về giao thông, vị trí địa lý, tài nguyên, vùng nguyên liệu, lao động, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng như khu vực các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

- Phát triển các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu và các mặt hàng thay thế nhập khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.

  1. Duy trì hoạt động công nghiệp khai khoáng (hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản) theo quy hoạch; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản. Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi, theo cơ chế thị trường và phù hợp với quy hoạch. Đẩy nhanh việc đầu tư mở rộng, nâng công suất khai thác mỏ than Na Dương lên 1,2 triệu tấn/năm cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Na Dương giai đoạn 2. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, ứng dụng công nghệ có trình độ cơ khí, tự động hóa cao, tránh lãng phí tài nguyên. Tiếp tục duy trì các cơ sở khai thác, chế biến đá, phấn đấu đến năm 2025 đạt sản lượng đá khai thác và chế biến trên 5,2 triệu m3/năm, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ bản trên địa bàn và các tỉnh lân cận; chú trọng công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ gắn với công tác bảo vệ môi trường.
  2. Quan tâm hoạt động cấp nước và xử lý nước thải, rác thải: triển khai hoạt động cung cấp nước sạch cho thành phố Lạng Sơn từ hồ chứa nước Bản Lải; tiếp tục khai thác hợp lý, hiệu quả công suất các nhà máy, trạm cấp nước hiện có; đầu tư nhà máy nước mới bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt dân cư và nước sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025 khai thác, sản xuất đạt khoảng 11,2 triệu m3/năm; bảo đảm dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện bảo đảm an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường; duy trì, khuyến khích phát triển và mở rộng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
  3. Phát triển tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống: khôi phục phát triển, tạo thương hiệu cho các làng có nghề, sản phẩm truyền thống sử dụng nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời du nhập và phát triển các nghề mới cho những nơi chưa có nghề, phù hợp với khả năng tiếp thu, nguồn nguyên liệu và thị trường như: sản xuất mộc cao cấp, làm hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm, đan lát, chạm khắc gỗ, đá, hoa và cây cảnh...

Đẩy mạnh phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, sản xuất cơ khí nhỏ và một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng công tác xử lý môi trường trong các làng nghề; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cải tiến, áp dụng công nghệ sản xuất và đầu tư mạng lưới cơ sở hạ tầng trong các làng nghề; cơ cấu lại lao động, đào tạo nghề, dạy nghề phù hợp với thực tế phát triển tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các nghề mới từ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển thành làng nghề như: sản xuất thạch đen, sản xuất chế biến gỗ, mây tre đan, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ...

  1. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng làm chủ và tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề; nâng cao tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật gắn với giải quyết việc làm, nhất là việc làm cho lao động vùng nông thôn.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với định hướng, mục tiêu tổng quát trên, cùng với sự quyết tâm cả hệ thống chính trị của tỉnh, sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, sự hợp tác của các Hiệp hội nói chung, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam nói riêng, nền công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển, xứng đáng là "phên dậu" vững chắc nơi địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc./.

Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Bạn đang đọc bài viết Định hướng phát triển nền công nghiệp ở tỉnh Lạng Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nam Định: Gia tăng thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp
Hiện nay, tỉnh Nam Định có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại và được nhà đầu tư tích cực triển khai, khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.