Thứ bảy, 27/04/2024 05:13 (GMT+7)

Nhiều ý kiến quanh đề xuất “tăng thuế để hạn chế di cư vào TP.HCM”

MTĐT -  Thứ hai, 25/11/2019 09:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng để hạn chế người dân di cư vào Hà Nội và TP.HCM dùng rào cản kỹ thuật, tức tăng thuế để chỉ có người thu nhập cao mới 'trụ' được ở thành phố lớn.

Theo Vietnamfinance, ngày 22/11, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP.HCM".

Tại buổi hội thảo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng để hạn chế người dân di cư vào Hà Nội và TP.HCM nên dùng rào cản kỹ thuật, tức tăng thuế để chỉ có người thu nhập cao mới 'trụ' được ở hai thành phố lớn này.

Theo ông Võ, với cách làm hiện tại thì người dân ở địa phương vẫn sẽ đổ về hai thành phố theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống mà không phải đóng đồng thuế nào”.

“Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư, chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP. HCM tăng lên 40 - 50 triệu người mà không cách gì cản được”, ông Võ nói.

Không đồng tình với đề xuất

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM - cho rằng quyền tự do cư trú của công dân là quyền Hiến định, do đó đề xuất đánh thuế cao để ngăn người nhập cư vào các thành phố lớn là hoàn toàn không phù hợp.

Lấy trường hợp TP. HCM, ông Châu nhấn mạnh TP. HCM về mặt tự nhiên là thành phố sông nước, về mặt xã hội là thành phố của người nhập cư.

Suốt 300 năm qua, TP. HCM luôn là thành phố của người nhập cư. Người nhập cư là bản sắc dân cư và tạo nên tính mở của thành phố này”, ông nói.

Theo ông Châu, Hà Nội, TP. HCM hay bất cứ thành phố lớn nào cũng cần tới người nhập cư, bởi có khá nhiều công việc mà cư dân bản địa không muốn làm như: công nhân vệ sinh môi trường, công nhân thoát nước… Đó là chưa nói trong dòng người nhập cư còn có khá nhiều lao động có tay nghề, trình độ cao và trí thức.

Lượng dân di cư vào các thành phố lớn ngày càng tăng.

Người nhập cư luôn luôn tồn tại ở các thành phố lớn, việc dùng công cụ thuế để hạn chế dòng người nhập cư là một ý tưởng nhầm lẫn”, ông Châu bình luận.

Chủ tịch HoREA cũng cho rằng cách nói người nhập cư “bám vỉa hè đô thị để sống mà không phải đóng đồng thuế nào” là một cách nói có phần miệt thị, coi thường người nhập cư, không đúng đạo lý cũng không đúng thực tiễn.

Quan điểm coi thường người nhập cư là không thể chấp nhận. Người nhập cư đóng góp cho Hà Nội, TP. HCM rất lớn, vì thế cần trân trọng họ”, ông Châu khẳng định.

Cũng trao đổi về đề xuất này với Tri Thức Trẻ, GS Võ, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bà không đồng tình với đề xuất này.

Theo bà Lan, hệ thống thuế của một quốc gia phải được quy định chung, thống nhất chứ không phải quy định riêng, chia theo vùng, thành phố hay địa phương được, dù đó là các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

"Chỉ có thể là giá cả nhà cửa, các dịch vụ ở các đô thị cao hơn với vùng khác nhưng thuế thì không thể khác nhau được.

Nếu làm như vậy, sau này, dễ có thể tạo thành tiền lệ xấu và mỗi địa phương lại xin với Trung ương cho được đánh thuế thêm giữa đô thị, thành phố thuộc tỉnh với các vùng khác để quản lý cư dân. Như vậy sẽ rối tinh hết cả lên.

Chưa kể, không có một đô thị nào trên thế giới mà chỉ những người thu nhập cao mới có quyền sống, "trụ" được và loại trừ người thu nhập thấp, di cư ra.

Việc đề xuất dùng rào cản thuế để quản lý vấn đề dân di cư vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là không được, không ổn", bà Lan nói.

Bà cũng cho hay, việc đề xuất cho các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM tăng thuế để ngăn cản việc di dân vào đây giống như việc nhiều địa phương đua nhau xin cơ chế đặc thù trong thời gian qua.

"Việc tự do đi lại, cư trú của công dân đã được pháp luật bảo hộ và hiện nay, còn rất nhiều người dân nhập cư ở các đô thị đang gặp khó khăn, điều kiện cuộc sống, học hành, sinh sống của gia đình, con cái không đảm bảo do không có hộ khẩu.

Thế mà, giờ lại "đẻ" thêm ra loại thuế để gạt họ ra khỏi đô thị thì không đúng, không phù hợp, tạo sự không công bằng, bất bình đẳng trong đối xử giữa người giàu - người nghèo", bà Lan bày tỏ.

Nên đánh thuế tài sản, nhất là bất động sản

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, việc chưa thành công của Việt Nam về đô thị hoá nằm ở một vấn đề là đô thị hoá nhưng chưa gắn được với phát triển kinh tế, tạo sự lan toả cao đối với các vùng xung quanh.

Theo bà Phạm Chi Lan, ở các nước, đô thị lớn là trung tâm và tạo ra xung quanh một hệ thống vệ tinh. Cụ thể, các công trình công nghiệp, dịch vụ cũng như trường học, bệnh viện đều làm ở các vùng bên ngoài, không làm ở ngay chính đô thị lõi.

Thêm vào đó, hệ thống giao thông công cộng được đầu tư đồng bộ, với nhiều loại hình, giúp người dân dễ dàng đi lại. Như vậy, đô thị lõi sẽ được giảm tải rất nhiều đi và tạo công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng ngoài.

"Nhưng các đô thị ở Việt Nam lại chưa làm được như vậy và mọi thứ, cơ quan, doanh nghiệp đều dồn hết vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM dẫn đến người dân đổ về đây tìm việc làm, kiếm sống thay vì ở các vùng xung quanh.

Lỗi này nằm ở vấn đề quy hoạch của chúng ta. Chỉ khi nào xây dựng được đủ không gian để người ta làm việc, sống ở các nơi xa hơn thì tự khắc giải toả bớt đi và những người thu thập thấp, không đủ sống ở đô thị đắt đỏ sẽ chuyển về sống nơi xa hơn chứ không phải dùng đến biện pháp tăng thuế", bà Lan nhận định.

Vị chuyên gia kinh tế đề xuất thay vì tăng thuế để hạn chế dân di cư ở các đô thị thì cần phải sớm tiến hành việc đánh thuế tài sản, nhất là về nhà cửa, bất động sản.

"Việc đánh thuế tài sản, nhất là bất động sản sẽ giúp tạo nên mặt bằng giá hợp lý hơn và cũng đỡ đi sự phát triển quá mức, dẫn đến thừa, lãng phí chung cho đất nước, nền kinh tế", bà Lan bày tỏ.

P.V (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến quanh đề xuất “tăng thuế để hạn chế di cư vào TP.HCM”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Sông Công: Đất nền sẽ “chiếm sóng” năm 2024?
Năm 2024 được xem là năm bản lề cho thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục trở lại khi có các yếu tố thúc đẩy như nhu cầu thị trường, chính sách pháp lý dần hoàn thiện... Điều này cũng tạo cơ hội cho TP. Sông Công (Thái Nguyên) giàu tiềm năng phát triển

Tin mới