Thứ bảy, 27/04/2024 14:56 (GMT+7)

Doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt 3 nhóm khó khăn

MTĐT -  Thứ hai, 07/08/2023 13:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thống kê mới nhất của một số tổ chức khảo sát đánh giá cho thấy, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, theo thống kê mới nhất của một số tổ chức khảo sát đánh giá cho thấy, doanh nghiệp lĩnh vực BĐS vẫn có xu hướng giải thể tăng.

Theo đó, số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước.

Báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý II/2023 của Bộ Xây dựng vừa công bố ngày 03/8 đã chỉ rõ 3 nhóm khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt.

Thứ nhất, là nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Cụ thể, hiện nay nhiều dự án BĐS đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án...

Thứ hai, là nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện, cụ thể, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án BĐS.

Cụ thể, trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.…

Thứ ba, là nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn. Theo đó, doanh nghiệp BĐS vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai).

Đồng thời, doanh nghiệp BĐS đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường BĐS thấp nên dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản, ngoài ra tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt 3 nhóm khó khăn
Có nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, buộc phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc, có nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Những vướng mắc trên cũng khiến lượng tồn kho BĐS quý II/2023 tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho BĐS hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), lượng tồn kho BĐS trong quý II/2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền). Có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Trước những khó khăn của thị trường BĐS, kể từ cuối năm 2022 và đặc biệt trong 7 tháng đầu năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực BĐS trong quý II/2023 đã từng bước được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên mức tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững, Bộ Xây dựng đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023.

Trong đó, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại các quyết định, Công điện trước đây như: Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; các Công điện số 194/CĐ-TTg, Công điện số 469/CT-TTg, Công điện số 470/CT-TTg, Công điện số 634/CĐ-TTg.

Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung việc tiếp thu, giải trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả.

Cùng đó, tiếp tục làm việc với một số địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án BĐS đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội.

Đồng thời, tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.

Mặt khác, đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.

Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục triển khai liên quan đến dự án BĐS trên địa bàn...

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp BĐS đang phải đối mặt 3 nhóm khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Thanh Trà/tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề